www.ninh-hoa.com



 

Trở về d_bb  ĐHKH

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 

Giáo Sư
Nguyễn Quang Tuyến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 

Main Menu

 
 

 


GS Nguyễn Quang Tuyến


Nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý chiến
Trường Võ bị Quốc gia VNCH Đà Lạt

 

 

 

 

LÃO TRÊ THẮNG KIỆN

 

 

                                         

Truyện ngắn:
 

10- Lão Trê Thắng Kiện
 

Bốn

 
        Ngồi bên bờ chằm, nghe tiếng ểnh ương kêu oàm oạp bên hàng dứa rậm nơi rảnh nước ri rỉ chảy, lão Thoảng chợt nhớ đến ông thầy Việt văn năm học lớp sáu. Chỉ học hết năm lớp sáu là lão nghỉ học, nhưng vốn gốc nông dân chân đất, lão rất thích giờ văn, thầy dạy thơ trinh-thử, trê cóc, ca dao… 

Cũng như lão đối mặt với bà Bảy và mấy ông trong ban hòa giải của xã, cóc khổ tâm biết bao khi nhìn thấy con mình bị trê kia cướp đoạt…

Lão lẩm bẩm : “Nhưng có sao đâu! Của cóc vẫn là của cóc!” Dù cóc có nghiến răng, trợn dộc đôi mắt muốn nổ tròng vì không tranh luận lại với trê …  

Mụ cóc chồm đầu ra bên rìa ao, trố mắt nhìn đàn con đỏ hỏn nhởn nhơ bơi quanh lão trê đang vểnh râu, mắt lim dim. Ao nước lớn hơn nền nhà, có đám cây vả nghiêng mình soi bóng, làm khung cảnh thật êm đềm. Mắt mụ cóc mọng nước mắt, răng mụ nghiến lại, cổ họng như khô khốc, co thắt. Mụ quay về hang, hai chân sau đập bành bạch xuống đất, cáu gắt.

- Lão trê khốn nạn! Con của ta mà nó dám dành là con nó. Ôi lũ con bé bỏng của ta, nó ngây ngô bơi ngời ngời quanh cái hàm răng lởm chởm của lão Trê! Ôi, bầy nòng nọc bé bỏng của ta!!

Mụ đưa hai bàn tay trước tí tẹo lên chùi liên hồi trên đôi mắt lồi mọng nước. Mụ khóc. Mụ nghiến răng kìn kịt, hai chân sau đạp mạnh, cái bụng phì phò phình ra trong tiếng òng ọc, khùng khục. Mụ giận. Cái thằng cóc chồng vô tích sự, cứ lim dim đôi mắt, đùn mấy lá dứa khô che thân, chống đỡ sự phẫn nộ của mụ vợ.

- Ông đi với tôi đến gặp bác ễnh ương hỏi cho ra lẽ – Mụ tru tréo.

- Phải thôi! Phải thôi! Con của mình phải là của mình, con có đẻ có đau, của có mất có tiếc! – Phải thôi, phải thôi. Chú nhái bén láu lỉnh, xanh lè, ngồi trên tàu lá dứa nói chen vào. Vợ chồng nhà cóc phải đến gặp bác ễnh ương thôi.

- Bày chuyện, vô ích! – Con kiến mà kiện củ khoai, lão trê vẫy vùng trong ao, coi như ao làng là nhà của riêng lão, ai làm gì được lão! Vô ích. Anh chàng hiêu, mốc xì màu lá úa, nằm bẹp dí trên cành khô ầm ừ những suy nghĩ cẩn trọng.

Vợ chồng cóc cùng nhái bén đến nhà ễnh ương. Lão ểnh ương bệ vệ phình to bụng oàm oạp một tiếng như đánh trống khai tòa phân xử. Mụ cóc vừa khóc, vừa nghiến răng tức tưởi.

- Ông coi, con tôi mà lão trê dưới chằm nước nó nói là con nó!

- Thật bậy! Lão trê ngang ngược, hỗn xược, đi với ta! Ta phải xử thằng này!

Lão ễnh ương cầm lá môn che dù, ì à ì ạch lê cái bụng tròn trùng trục khệnh khạng bước xuống bờ ao. Ễnh ương hít một hơi dài, gầm ba tiếng oàm oạp lấy uy – Lấy hai bàn tay trước ngắn củn cỡn đập bành bạch xuống hồ:

- Bớ lão trê!, Bớ lão trê! Trả con cho mụ cóc.

Lão trê bơi sát bờ ao, làn da đen nhớt ánh lên sau cú vẫy đuơi uốn vòng ngoạn mục.

- Con mụ cóc ở đâu, ta đâu có biết!

Mụ cóc chồm đầu tới thiếu điều rơi tỏm vào cái mồm hoác rộng, xừng ria mép của lão trê:

- Đồ gian xảo! Đồ lừa lọc, bầy nòng nọc non dại của tao quanh quẩn sau lưng mày kia kìa! Ôi, các con ơi! – Tiếng nghiến răng trèo trẹo, tiếng khòn khọt trong cổ họng của mụ vợ cóc, cùng tiếng phì phò của tay chồng cóc nhút nhát núp sau lưng ễnh ương.

- Này, lão trê, theo lý thì nòng nọc là con của cóc! Ểnh ương lên tiếng.

- Lý lẽ cái khỉ khô! Cá con bơi trong ao ông là con ông, cóc bốn chân sống trên bờ làm gì có con dưới nước. Nằm trong ao, quyền cho sống cho chết là của ông, vậy nó là con ông!  Giỏi thì xuống đây đòi con. Ông cho một cú táp là cắt đứt một giò!

Lão trê nhảy cao lên, thả thân đánh bùng xuống mặt nước, lão diệu võ dương oai!

- Nhưng nó là nòng nọc, là con của tui, tôi đẻ, tôi đau, tôi biết! – Mụ cóc nhì nhằng.

Lão ễnh ương lờ đờ, trừng mắt nhìn bên nguyên cáo, bên bị cáo rồi khục khặc trong cổ ra điều đang động não, suy tư trong cái đầu trống rỗng:

- Trê có lý của trê, cóc có lý của cóc. Nếu là con của cóc sao không sống trên bờ chồm hổm mà nhảy như họ nhà cóc mà lại uốn éo bơi lượn quanh trê! Nếu là con của trê sao lại có lúc nòng nọc đứt đuôi lên bờ làm cóc! Oằm oặp, thật là phức tạp! Cần nghiên cứu! Cần nghiên cứu! Luật pháp ta không thiếu gì, nhưng cần nghiên cứu thêm… nghiên cứu thấu đáo thêm… Ta cần động não !

- Dẹp! Chẳng nghiên chẳng cứu gì hết! Trong ao ta là của ta, nó là con ta. Ta có quyền sinh quyền sát! Ta hỏi ngươi coi, có quyền gì quý hơn quyền được sống, muốn sống ta cho sống, muốn ăn thì ta cho ăn, nó được sống như vậy là quý lắm rôi, chẳng có quyền đòi hỏi gì cả. Còn muốn đòi hỏi quyền gì khác thì bước ra khỏi cái ao này. Mụ cóc coi thử này :

Lão trê vểnh râu, há ngoác mồm ra bơi một vòng quanh bầy nòng nọc bé tí, cả bầy nòng nọc con bị lão trê hớp vào đầy cái hàm đỏ hỏn răng trắng xỉa lởm chởm của lão.

Lão khép miệng lại rít lên:

- Sao mụ cóc! Mụ muốn ta nuốt chửng cả bầy con này hay thả nó ra! Kẻ có quyền giết, quyền tàn sát sạch mà chẳng sợ ai, Ta chính là kẻ làm ra luật. Ta nói tụi này là con ta, có được không? Làm gì nhau nào ? Nói nghe coi?

Mụ cóc đưa hai bàn tay nhỏ xíu bê bết nhớt lên đắp kín đôi mắt lồi, run lẩy bẩy:

- Dạ phải, dạ phải, xin ông tha cho, nó là con ông. Đúng rồi, đúng rồi, nó là con ông Trê!! Nó rất sung sướng, hạnh phúc sống trong ao của ông ! Hu hu !

- Giỏi! Giỏi! Nhớ đấy, có ông ễnh ương và cô nhái bén làm chứng; từ nay đừng có dở trò đòi con, đòi cái, đòi quyền này, quyền nọ… .

Lão trê hoát mồm, nhổ toẹt bầy nòng nọc bơi ra khỏi cái hang mồm đỏ hỏm của lão. Lão vễnh râu cười :

- Thấy chưa! Chỉ có con của trê, chỉ có có luật nhà trê, chỉ có vinh quanh muôn năm của họ nhà trê, chúng mới thong dong lội dọc, lội ngang trong hồ nước mát mẻ này.

 Bầy nòng nọc trẻ thơ tự nhiên nhởn nhơ bơi lội mặc cho mẹ cóc lã chã nước mắt và tiếng nghiến răng trèo trẹo. Chúng đâu có biết buồn, chỉ thấy được nhởn nhơ trong vũng nước quanh lão Trê mà ca, mà hát, mà nhảy múa là vui rồi ! Chúng có biết gì đâu!

- Tòa đã xử đúng như sự việc! Đúng như lý luận! Con trê là của trê. – Oằm oặp, lão ễnh ương trí thức mang cái bụng ỏng ì ạch quay về hang để nghiên cứu luật pháp. Vợ chồng cóc nhảy lên gò cao nhìn bầy con vui đùa, ca hát quanh lão trê mà buồn nẫu ruột.

- Ông thấy chưa?  Mụ cóc chì chiết. Đã bảo không đưa trứng xuống ao lão Trê mà cứ bảo: “Có sao đâu, cóc con rồi cuối cùng là con của cóc, ở đâu cũng vậy”. Rõ là đồ vô tích sự, đất rộng sông dài, sao cứ phải ở riết cái góc chằm này?  Phải sinh con đẻ cái trong cái góc ao này để lão Trê vểnh râu vẻ tròn bóp méo con cái chúng ta?  Lúc nào ông cũng ca cẩm tình quê hương, nơi chôn nhau cắt rún. Ông cứ sa sả bảo tôi “Là người phải biết yêu quê hương, phải sống trên mảnh đất mình, con cái phải được tắm gôi trong nền văn  hóa của dân tộc. Sống tha hương đâu còn có ý nghĩa gì?” Giờ ông đã sáng mắt ra chưa?

Tay cóc chồng nổi giận xung thiên, nhưng chúi đầu tìm một cái lá khô che mặt, im thin thít, làn da sần sùi có mấy vết đỏ gạch. Nó quay đầu, xoải chân nhảy về hang. Cô nhái bén nhỏ nhẹ:

- Chị à, trước mắt bây giờ tụi con chị là con của lão trê. Trong hoàn cảnh của chị, tui mừng vui hơn là tức giận.

- Nó cướp con tui sao tui lại vui?  Mụ cóc hỏi.

- Nếu lão trê chẳng thèm nói một câu, rỉ rả xơi tái con chị thì chị làm gì lão? Đằng này lão có niềm vui bầy đàn, lão vui vì quây quần bên lão có đông đúc lớp con, lớp cháu vây quanh hoan hô cổ vũ. Lão muốn giết con nào mà chẳng được, ai cản lão, chị nghiến răng chửi rủa thì làm được gì lão! Lão có cái sung sướng của kẻ nắm quyền lực tối thượng trong cái ao này. Con chị vẫn thoải mái vùng vẫy trong nước và vẫn mau ăn chóng lớn. Sao chị không vui?

- Sống trong ao của lão trê, kề cận ngày đêm bên trê, do lão dạy cho bơi, dạy cho hả mồm táp trái, táp phải, dạy cho tung hô “muôn năm” theo cách của bầy đàn… Ôi, nó còn gì tập tính của loài cóc. Chúng nó sẽ biến thành trê hết cô nhái bén ơi.

Mụ lại khụt khẹt khóc. Nhái bén hết lời khuyên nhủ và kéo chị cóc về, vì trời đã về chiều bóng tối lên cao dần và dưới ao chỉ còn vọng lên tiếng lập bập của lão trê táp nước.

- Chị cóc ơi, trời tối rồi, về hỏi bác chàng hiêu xem có cách gì không.

Mụ cóc nặng nề nhảy về hang cùng nhái bén. Chàng hiêu, được tiếng là “cập thời vũ”, lim dim mắt nằm dán mình trên một nhánh cây mua bông tím. Tay chân dài lèo khèo, chàng hiêu vòng tay lại gối đầu lên, chậm rãi nói bâng quơ:

- Trước khi chị cóc đi tôi đã bảo, kiện thì có ích gì, chỉ vỗ mập cái lũ thầy cãi, quan tòa… Chậc, có gì thay đổi đâu? Ôi thôi động vào lũ quan quyền, chỉ tổ nuôi béo chúng!

- Tức lắm bác à! Cả bầy con của tôi cứ nhởn nhơ bơi lượn quanh lão, quanh cái mồm đầy răng sắc nhọn, quanh hàng ria đen óng của lão trê. Tức lắm! Mụ gầm lên, răng nghiến trèo trẹo… làm trời đất như căng cứng mây đen và các lằn chớp liên hồi… Trời cũng muốn mưa!

- Thế chị cóc mất cái gì? Chàng hiêu chậm rãi hỏi.

- Thì bác biết, em mất cả bầy con, mất chỗ rìa nước em ấp cho chúng nở… Coi như em mất con, mất cái, mất cả quê hương, mất tất cả!

- Vậy lão trê được gì nào?

- Lão chiếm ao nước, lảo chiếm bầy con trẻ, lão cướp hết cả quê hương và cả gia đình em… khổ thân em.

- Lão còn đòi nhai nháo nhào cả bầy nòng nọc đỏ hỏn của chị cóc – Chị nhái bén xen vào.

Trời như lác đác có vài hạt mưa mát rượi lộp bộp trên mấy tàn lá dứa gai. Đám lá rún rẩy lên xuống như lũ trẻ đùa nghịch trần truồng tắm mưa bên hiên nhà. Bác chằng hiêu nhỏ nhẹ :

- Thật ra thì chị cóc tức vì quyền lực của lão trê vùng vẫy trong ao nhà của chị, hay giận vì chị bị cướp mất con? Lịch sử đời nhà cóc đã bao năm tháng, theo tự nhiên, thì đẻ khô nở nước, đứt đuôi con nòng nọc thì thành cóc con, có gì lạ đâu mà tranh kiện hử?  Kẻ đáng thương là lão Trê chứ không phải là nhà họ cóc!

- Tui bị cướp con, cướp nhà mà bác lại bênh lão trê. Mụ cóc bù lu bù loa rướn cổ lên gầm.

- Lão Trê đáng thương ở chỗ: Lão tham quyền lực mà mau quên. Trong lịch sử có bao biết nhiêu bài học cho kẻ mới nắm quyền mà đã tham quyền cố vị thì chẳng tồn tại được bao lâu. Lão không còn nhớ, đây đâu phải là lần đầu khi lão ôm một bầy nòng nọc đỏ hỏn xun xoe, vui sướng, nhảy cỡn lên mà la lối khoe khắp nơi đây là con của lão. Theo ngày tháng, đám trẻ sẽ trưởng thành, nó sẽ hiểu đâu là sự thật, đâu là những điều dối trá, lừa bịp. Rồi chúng sẽ lú hai chân đỏ hồng như hai hạt gạo dưới đuôi của bầy con lạc dòng này, lão giận đời, lão mắng chửi cái lũ phản bội, cái lũ vong ân bội nghĩa, “tại sao con lão lại có chân?”  Lão càng chửi thì chân bầy con lại càng dài thêm ra, lại mọc thêm hai tay trước… rồi một ngày, chúng lặng lẽ đứt đuôi, chúng nhảy tót lên bờ… lão cặm cụi ghi vào biên niên sử đời lão: “Bọn phản động, bọn vong bản ! Lại đứt đuôi con nòng nọc… Chúng nó, bọn vong ân, bội nghĩa đã đào thoát…” Rồi lão lại quên tất cả, lão lại sẳn sàng tay đôi với mụ cóc khác, đấu tranh đến cùng để giành quyền làm cha một bầy nòng nọc mới… Chị cóc không thấy vậy là đáng thương sao ?

Lão cứ thích đi ngược lại qui luật của đất trời, lão cứ tự vạch ra qui luật của mình và buộc tất cả phải phục tùng lão. Lão muốn mọi người phải nhớ lịch sử của lão, còn lão thì muốn quên béng mọi sự thật và lịch sử khách quan khác, là đã từng có những bầy con hờ của lão mọc chân nhảy lên bờ.

Trời chiều tháng ba, sau mùa gặt sớm, đồng quê ngan ngát hương lúa chín còn đọng lại nơi hốc cây ngọn cỏ, chỉ chờ cơn gió dìu dịu lùa qua là hương lúa chín lượn lờ thơm mượt mà cả lối nhỏ vào xóm. Cơn mưa giông chưa tới, một lớp váng mây chì ôm sát dãy Trường Sơn, một sợi mây hồng mỏng manh ôm sát viền đen sậm, thoảng hoặc chợt lóe lên những tia chớp ngoằn ngoèo đi sau là tiếng ì ầm như tiếng rên nặng nề của các tảng đá dựng trên đỉnh cao. Lũ cóc, ễnh ương, nhái bén bên chằm nước thi nhau nghiến răng trèo trẹo, thi nhau oàm oạp như phẩn nộ gìùm cho sự bất công mà mụ cóc gánh chịu; hay chúng đánh trống thúc trận cho lớp mây chì và tiếng thần công ầm ì của hùng binh nơi xa xa hãy gấp rút lùa mưa về tắm gội nắng hạ tháng ba.

Đầu này, đầu kia chằm nước và mấy thửa ruộng trơ gốc rạ, đám sinh vật đủ loại, trong hốc trong hang, trong bờ cỏ cho đến con niềng niểng ôm sát gốc bèo ở đáy chằm cũng trồi đầu lên quơ quơ đôi càng răng cưa mà kêu như rên âm thanh:Kít kít… kít kít” để hòa trong dàn đại đồng ca chờ mưa giông mùa nắng hạ.

Rồi tiếng sấm ầm ì chạy lùa cùng đám mây đen dần đến gần, nghe như trên bầu trời có nhiều cái trống chầu từ núi lăn xuống bể, vừa lăn vừa thúc trận ầm ầm kèm theo chớp và tiếng sấm sét đâu đâu. Sau đoàn quân, tiếng sấm trời hùng hổ, là vẻ ẻo lả dịu mát của cơn gió lùa đến trong khi cả trời đất như khựng lại, căng tròn, chỉ chực chờ nổ tan… Chút gió mát mơn man vuốt ve cơn giận dữ căng cứng của đất trời, hòa nhịp với gió là ngàn vạn tiếng rối rít của muôn loài, vỡ òa ra… rồi khắp nơi nơi mưa đổ sầm xuống, mưa ôm chầm lấy mặt đất, mưa không còn là hạt nước mỏng manh nữa, mà như là tấm vải nước trắng xóa phủ xuống ôm kín sự hoan lạc tột độ của đất trời.

Như một tiếng thở dài khinh khoái tuôn chảy từ đỉnh cao của núi đến tận chân trời biển đông; vẫn còn những tiếng gầm ầm ừ từ tận đỉnh phía tây nhưng là tiếng ầm ầm mãn nguyện của núi xanh vì đã hoàn tất việc xua mây đen phủ trắng xóa đất trời.

Mụ cóc ướt đẫm nước mưa và chen lẫn nước mắt. Trước mắt mụ, chằm nước sáng lên trong các lằn chớp, sau đó là hàng vạn bong bóng nước phập phò trong cơn mưa giông. Mụ mãi tắc lưỡi xót xa nghĩ đến đám con sợ hãi quây quần quanh lão trê vì chúng lạ lẫm trước cơn mưa đầu đời. Ông chằng hiêu, liên tục đưa đôi tay vuốt đôi mắt long lanh nước:

- Bà cóc à, thôi đừng khóc nữa. Có ích gì?

- Ông đâu có mất con, ông đâu có xót! Mụ cóc cằn nhằn.

- Người ta cứ mãi khổ tâm vì rằng mình mất đi một cái gì. Đây là chuyển tiếp chứ không phải là mất mát. Hoa rụng có phải là mất đi không? Đâu có mất, trái cây là đích đến của cánh hoa. Lịch sử là vậy, cái này đang thay thế để hình thành một thực tại tốt đẹp hơn. Hiện tại thối rửa ta càng mừng vì nó đã khởi đầu cho một mầm xanh mới ; nếu hạt thóc không thối rã thì đâu có chỗ cho sự nảy mầm của một đồng lúa xanh!

Mụ cóc đập bành bạch chân trước xuống đám lá khô ủng nước; cổ họng mụ giật liên hồi:

- Tôi không cần biết mai sau nó thế nào! Tôi đang than khóc cho bầy con nòng nọc đỏ hỏn của tôi! Trời ơi, bầy con tui.

- Thật là đàn bà! Vậy khi bầy con mụ nó rụng đuôi nhảy lên bờ thì mụ nghĩ lão Trê sẽ ra sao? Lão đang huyênh hoang ôm sự tàn lụi, sự thay đổi từ bản chất, vậy thì lão vui sướng nổi gì?

- Vậy bao giờ con tui mới là con tui?

- Lão Trê thắng, bà Cóc ơi, hãy chịu đựng nỗi khổ trước mắt, hãy vui lòng trước cảnh trái tai gai mắt, nhìn những gì thân thương nhất của mình quẩn quanh bên kẻ ngang ngược. Bà hãy để cho thời gian nó làm tròn cái sứ mệnh tất định của nó, là đưa mọi sự tồn tại về đúng với qui luật tự nhiên. Chẳng ai có thể ngu ngốc nóng lòng đập vỡ quả trứng gà lộn để lôi gà con bé bỏng ra mà nuôi nấng; Hãy để cho chú gà con có đủ thời gian. hãy để thời gian hoàn tất sứ mệnh của nó: Khi thời điểm đến, chú gà sẽ tự xé toạc vỏ trứng và bước vào đời ; bầy nòng nọc sẽ lú chân trước, chân sau, cắt đứt cái đuôi quá khứ mà nhảy lên bờ. Lúc bấy giờ nó là cóc, nó có cuộc đời của cóc, nó bỏ lại sau lưng hàng triệu điều lừa mị của trê, bỏ lại sau lưng cái môi trường sống óc ách nước của lão Trê, bỏ lại sau lưng hàng ngàn nền giáo dục bơi kiểu này kiểu nọ của ông bố Trê đã ghè đầu dạy dỗ. Măc cho lão Trê huyênh hoang thắng kiện. Bầy cóc con bỏ lại sau lưng tất cả thứ quá khứ bệnh hoạn đó để bước vào một cuộc đời mới đúng bản chất tồn tại của mình. Xin nhớ cho, mọi biến chuyển, mọi đổi thay từ trong mỗi sự vật đều có tiếng nói nhò nhẹ của thời gian.

Bà cóc nghĩ sao? Lúc ấy bà có nhảy ra nhận họ hàng, nhận mẹ con với chúng được không? Hay bà sẽ mãi thút thít ca cẩm cảnh mang nặng đẻ đau của bà để chỉ bảo cho lũ cóc con cách sống sao cho giống bà, cho phải đạo đất trời  kiểu của bà? Không đâu bà cóc, nó bung ra như các tia pháo hoa, cả bầy cóc con sẽ nhảy tung khắp nơi và tìm cách sống, tìm thấy cái đúng, cái hay, cái cách kiếm sống theo bà mẹ thiên nhiên vĩ đại đã đánh dấu trong mã di truyền của chúng. Dưới ánh sáng mặt trời, cái quý nhất của mỗi sinh vật là quyền tự do sống, quyền được tự do làm chủ định mệnh của mình. Bầy con bà sẽ như vậy, bà và lão trê sẽ không có thể nào cản trở được bầy con của đất trời được.

Mụ cóc lặng im khi bóng đêm tràn về, mụ suy ngẫm những điều ông chàng hiêu giảng giải với mụ. Nhái bén hổn hển xen vào.

- Ông ơi, vậy phải thản nhiên chờ đợi sao ông?

- Không phải thản nhiên chờ đợi, mà thản nhiên sống như đang sống, không thể mỏi mòn chờ, hay hấp tấp hối thúc cho bầy nòng nọc sớm đứt đuôi được!

Mụ cóc chậm rãi nói như tiếng thở dài :

- Phải đó bác chàng hiêu ạ, tui cũng phải biết lắng nghe tiếng thời gian trở mình trong chằm nước; từng khắc từng ngày đêm… bầy con tôi đang trở mình, đang biến chuyển…và rồi Lão trê cũng chỉ còn  là  giai đoạn tối tăm của lịch sử chằm nước này.

Ông chàng hiêu hạ giọng trầm trầm:

- Lão trê tự cho mình là tất cả, lão không lý đến sự trở mình và biến chuyển chung quanh lão, lão đã tự hạ huyệt cho mình giữa cuộc sống, trong chằm nước mát lạnh.

               

oOo

 

 

ĐÓN XEM PHẦN 10 - Bốn: Lão Trê Thắng Kiện

 

 

 

 

 

 

GS Nguyễn Quang Tuyến

Nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý chiến
Trường Võ bị Quốc gia VNCH Đà Lạt

 

 

  

 

 

www.ninh-hoa.com