au một thời gian ta
đã đóng góp nhiều công sức, tâm não cho xã hội cũng như gia đình con
cháu, đã đến lúc xã hội cho ta được cái quyền vui thú đoàn viên với
những khoản trợ cấp theo luật định hoặc tiền hưu, tiền để dành sau nhiều
năm lao động vất vả. Tại nhiều quốc gia, cái tuổi được hưởng các quyền
ấy được qui định từ 65 tuổi trở lên.
Ở vào tuổi này, sức
khỏe con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những yếu tố ngoài
tầm kiểm soát của mỗi cá nhân như chủng tộc, đặc tính di truyền,
giới tính. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố mà khi muốn duy trì
được sức khỏe tốt, chính ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng
ngày. Đó là các thói quen tốt xấu, mức độ quan tâm tới chăm lo
sức khỏe, tìm hiểu những thay đổi cơ thể khi tuỏi già,
I- CẦN
CHĂM LO SỨC KHỎE
Sự chăm sóc này là
việc ta cần thực hiện liên tục trong suốt cả cuộc đời. Đối với
các vị cao niên, việc chăm sóc sức khỏe trở thành ưu tiên số một.
Với sự hóa già ở tuỏi cao niên, có vài thay đổi về cấu tạo cũng
như chức năng của một số cơ quan bộ phận chính trong cơ thể.
1- Thần kinh: Theo thời gian, tế bào thần
kinh bị hủy diệt dần dần mà không được thay thế. Tế bào tiểu não
bị tổn thất rất nhiều, cho nên người cao tuổi mất thăng bằng khi
đi đứng, cử động khó khăn, đôi khi không phối hợp nhịp nhàng với
nhau được. Não được chia làm nhiều vùng với những nhiệm vụ riêng
biệt cũng như chịu những tổn thất khác nhau vì sự hóa già. Vùng
kiểm soát cử động mất từ 20 đến 50%, vùng thị giác mất 50%, vùng
thính giác mất 30-40%, vùng trí nhớ hầu như không bị thất thoát
gì. Ngoài ra với tuổi cao, máu đưa tới não bị giảm, dưỡng khí và
chất dinh dưỡng cũng ít đi.
Não thay đổi hình
dáng, có nhiều hoá chất có màu như lipofuscin được tạo ra, bám
vào tế bào não, gây ra một số trở ngại cho nhiều chức năng của
hệ thần kinh. Nhưng nói chung, não là cơ quan duy nhất trong cơ
thể mà khi về già vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cao kiến thức,
kinh nghiệm, sự khôn léo, sức sáng tạo, sự xét đoán, độ nhạy cảm
và sự khôn ngoan của con người.
2- Hô hấp:
Với người cao tuổi, không có thay đổi đáng kể về hô hấp, ngoại
trừ trong phế nang dưỡng khí giảm mà thán khí lại cao. Hơi thở
ngắn, nhanh, do đó dưỡng khí trong máu ít hơn, khiến cho cơ thể
chóng mệt khi hoạt động mạnh.
3- Tuần hoàn: Về tim mạch, sự thay đổi quan
trọng nhất là thành tâm nhĩ trái dày lên, cứng, kém đàn hồi, làm
giảm sức bom của tim, máu đi nuôi cơ thể ít oxy và dưỡng chất.
Nhịp tim chậm, lượng máu xuất tim giảm, cơ tim xơ cứng, dễ bị
suy tim, gây ngất xỉu khiến người cao tuổi không cáng đáng được
những công việc thường làm khi còn tuổi trẻ. Mạch máu cũng cứng,
dày, kém đàn hồi vì có nhiều chất vôi và collagen đóng lên thành
mạch, khiến cho máu lưu thông khó khăn và chậm chạp.
4- Tiêu hóa:
Miệng lưỡi khô vì hạch nước bọt tiết ít nước làm ta nhai khó
khăn và giảm thưởng thức vị ngon của thực phẩm. Dịch vị bao tử
giảm khoảng 25% khi tới tuổi 60, sự co bóp của bao tử cũng yếu
đi chút ít. Ruột non hấp thu calcium giảm làm cho xương yếu, hấp
thu sinh tố B12 kém. Sinh tố này cần cho việc sản xuất hồng
huyết cầu cũng như tạo ra sinh lực cho cơ thể. Ở người tuổi cao,
không có thay đổi mấy về chức năng của ruột già. Theo quan niệm
thông thường cứ cho người già hay bị táo bón, chứ thật ra sự đại
tiện của người cao tuổi đều bình thường như người trẻ tuổi.
Thành ruột già mỏng hơn, vài chỗ phình ra thành túi nhỏ (diverticulus),
dễ bị nhiễm trùng. Gan teo. Lượng máu lưu thông qua gan giảm,
chức năng thanh lọc độc chất kém hữu hiệu. Thuốc uống vào được
giữ trong cơ thể lâu hơn và ở mức độ cao hơn. Chức năng sản xuất
mật của gan, dịch tụy để biến hóa mỡ không thay đổi mấy.
5- Hệ bài tiết: Thận nhỏ đi. Máu
lưu thông qua thận giảm, nước tiểu loãng. Khả năng bài tiết chất
muối kém, dễ gây sự khô nước trong người và kéo dài tác dụng của
nhiều loại dược phẩm. Bàng quang co bóp yếu, gây chứng khó tiểu
và chứng không nín đái được. Nhiếp hộ tuyến phì đại, gây bí tiểu,
đôi khi phải thông cho dễ chịu.
6-Xương khớp: Khi tuổi cao, calcium trong
máu giảm, vì ruột non hấp thụ calcium kém và vì khẩu phần không
cân bằng calcium. Do đó xương trở nên yếu, giòn, dễ gây và lâu
lành.
Khi calcium trong
máu xuống thấp, cơ thể tự động lấy lại calcium trong xương ra để
đáp ứng các nhu cầu khác như hoạt động của hệ thần kinh, làm
đông máu, hoạt động của cơ thịt. Khối lượng xương cũng giảm,
nhất là ở nữ giới khi thời kỳ hết kinh vì kích thích tố nữ
estrogen ít đi.
Khi về già, hoá
chất nhờn và sụn giảm, gân và dây chằng ít đàn hồi làm cho sự co
duỗi của khớp bị giới hạn. Với thời gian, khớp cũng gặp những
thương tích nhẹ nhàng nhưng tích lũy, khiến khớp hay bị đau nhức
và cử động hạn chế.
7- Cơ bắp:
Khi tuổi già, khối bắp thịt nhỏ dần nhất là giảm số lượng những
tế bào thịt. Tế bào thịt cũng như tế bào thần kinh, khi đã giảm
rồi thì không được thay thế. Sinh ra, con người đã có một số cơ
thịt nhất định và số lượng này được dự trù là tồn tại suốt đời.
Khi không được sử dụng, kém dinh dưỡng hay không tiếp nối với hệ
thần kinh, cơ sẽ teo dần. Sự vận động cơ thể không làm tăng số
cơ thịt nhưng làm chúng nở to hơn.
Ờ các vị cao niên,
đã ít tập thể dục lại có đời sống quá tĩnh tại, chức năng bắp
thịt thay đổi rõ rệt. Ở tuổi 40, 50, sức mạnh bắp thịt giảm chút
ít, ở tuổi 50, giảm 20%, ở tuổi 70-80, giảm 40%. Sự suy yếu này
xảy ra ở chân nhiều hơn ở tay.
8- Thị giác: Thủy tinh thể của mắt trở nên
cứng đục. Võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng. Thị giác giảm khi
sự vật ở gần hay trong bóng tối.
9- Thính giác: Tai nghe nghễnh ngãng, khó
nghe được các âm thanh có tần số cao và tiếng nói bình thường.
10- Khứu giác: Khứu giác kém, mũi không phân
biệt và tiếp nhận được mùi của hóa chất và thực phẩm.
11- Hệ thống miễn nhiễm: Hệ miễn nhiễm yếu,
sự sản xuất kháng thể bị trì trệ, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, bệnh
tật sẽ trầm trọng hơn.
12- Lớp mỡ dưới da teo, tuyến mồ hôi và
tuyến nhờn kém hoạt động. Do đó, da khô, nhăn nheo, dễ bị tổn
thương, ít chịu đựng được lạnh giá.
13- Đời sống tình dục cũng có nhiều thay
đổi, nhưng nói chung khả năng tình ái nam nữ có
thể
tồn tại tới tuổi 80, 90.
14- Về tâm trí, khả năng thâu nhận kiến thức
bằng suy luận, trực giác hay giác quan có nhiều rối loạn. Trí
nhớ ngắn hạn kém dần. Trí nhớ dài hạn lại tăng lên. Trí nhớ này
gồm khả năng thu thập, tích lũy những hiểu biết về vũ trụ, ngôn
ngữ, sự việc, ngày tháng, tên tuổi, nghề nghiệp. Khi hầu chuyện
với một vị trưởng lão, ta được nghe các cụ kể vanh vách, kể thao
thao bất tuyệt những sự việc xảy ra từ xa xưa, những truyện cổ
tích từ lâu đời.
Cũng trong phạm vi tâm thần, nhiều vị cao niên có một số phản
ứng tâm lý tiêu cực. Một số vị thường trầm mặc bi quan, hạ gíá
khả năng bản thân, thích cô đơn, tránh quan hệ bạn bè, hay than
thân trách phận, hoặc oán trách người khác. Có vị đang năng động,
đột nhiên muốn xa lánh bạn bè, lại còn dẹp bỏ những hoạt động mà
trước đây họ say mê. Lý do chính nêu ra: Mặc cảm sự già nua
của mình, và nuối tiếc thời non trẻ đã qua.
Trên đây
là những thay đổi các cơ quan nội tạng. Còn về hình dáng bên
ngoài có nhiều thay đổi như sau:
·
Tóc bạc:
Tóc bạc hay hoa râm
là những dấu hiệu khá sớm của tuổi về già. Tóc trở thành trắng
là vì loại tế bào sinh hắc tố (melanin) giảm đi, tóc trở thành
không có màu. Tóc bạc không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Đa số các nhà
nghiên cứu cho tóc bạc vì gene di truyền hoặc vì sự hóa già.
Cũng có ý kiến cho là vì thiếu sinh tố B, kém dinh dưỡng, do
thời tiết, ô nhiễm hóa chất trong môi trường hoặc do căng thẳng
tâm thần, buồn phiền quá mức.
·
Rụng tóc:
Rụng tóc là một
hiện tượng bình thường xảy ra từ khi còn trẻ. Đối với các vị
tuổi cao, tóc rụng nhiều hơn nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng,
hoặc do ảnh hưởng một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu, vài
loại thực phẩm. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng.
Lông nách và lông mu cũng chịu cùng số phận. Ngoài ra, khi về
già tóc khô, giòn, dễ rụng vì các tuyến nhờn kém hoạt động.
·
Chiều cao:
Trung bình khi về
già, đàn ông thấp đi khoảng 2 phân, đàn bà 1.5 phân. Đây là do
ảnh hưởng của một số yếu tố như sự giảm nước trong cơ thể, các
bắp thịt yếu, thay đổi vóc dáng, xương sống hao mòn và biến dạng.
Đề phòng bệnh tật
bằng cách chích ngừa như cúm, viêm phổi, viêm gan.
Tham gia các chương trình sớm phát hiện bệnh như chụp hình nhũ
hoa tìm kiếm ung thư vú, làm Pap Smear tìm ung thư cổ tử cung,
bắt đầu khi tuổi 40 ở phụ nữ; thăm khám tìm ung thư nhiếp hộ
tuyến khi bắt đầu 50 tuổi ở nam giới. Cả nam lẫn nữ, khi đến
tuổi 50, nên truy tầm ung thư ruột già.
Khám sức khỏe tổng quát hằng năm dù không có bệnh. Khám sức khỏe
tổng quát nhằm mục đích tìm ra những dấu hiệu của bệnh trước khi
bệnh lan rộng,
phát ra triệu chứng. Trong dịp này,
thầy thuốc thực hiện một số xét nghiệm về máu để xem mức độ
đường, cholesterol, hồng cầu, bạch cầu; thử nghiệm nước tiểu để
xem tình trạng chức năng của thận, bàng quang. Khám hậu môn
nhiếp hộ tuyến ở nam giới, khám ngực nhũ hoa, làm Pap Smear tử
cung quý bà cũng nằm trong chương trình khám sức khỏe tổng quát
hằng năm.
Sau cùng là việc sử dụng thuốc men đúng theo lời chỉ dẫn của
thầy thuốc, giữ đúng hẹn tái khám, ăn uống kiên khem, ngủ nghỉ
đầy đủ, tập luyện thể dục vừa sức mình để giữ gìn sức khỏe.
