
"Ninh Kiều -Tết còn chợ hoa bên sông ?
Hoa tràn hoa - Cần Thơ những mùa Xuân"
M |
ột mùa Xuân đang về nơi xứ tuyết, làm tôi nhớ thêm chợ Tết đông chen
ở Cần Thơ, chợ hoa ở Bến Ninh Kiều. Tôi thích đi chợ hoa ban đêm. Những
ngày cận Tết người đi mua hoa, xem hoa đông lắm dù là ban đêm, cứ nhích
từng tí trong dòng người đi chợ Tết. Hoa bày bán ở bên công viên Ninh Kiều
tiếp nối với chợ Cần thơ. Hoa nhiều loại, đủ màu sắc nhưng tôi thích nhất
là Mãn Đình Hồng, Mai, cúc mâm xôi, hồng, bông giấy, Cẩm chướng, những
chậu tắc được cắt uốn thành hình ngọn tháp, dày đặc trái vàng. Các chậu
mai cành đầy nụ xanh hi vọng cho thật nhiều hoa vàng rực cả Tết. Nhà vườn
lo bán hàng suốt ngày đêm, người ta chở ghe đem lên bao nhiêu chậu
hoa, cây cảnh vườn chăm trồng suốt năm bán trong mấy tuần trước Tết. Họ ở
lại nơi quầy hàng, chợ Cần Thơ hay các chợ khác đông vui suốt những ngày
đêm. Trong ký ức tôi bao nhiêu mùa Xuân Cần Thơ ngập tràn hoa cùng đất
trời đẹp để tôi nhớ và viết về Xuân Cần Thơ:
"Hoa tràn hoa - Cần Thơ những mùa Xuân"
Chúng tôi lớn lên ở Tây Đô, căn nhà nhỏ mà cha mẹ mua được trước sân có
một gốc mai già đẹp bên cạnh một cái ao. Trước Tết cây mai được lảy hết
lớp lá cũ, còn lại những nhánh gầy guộc thanh cảnh, chồi nhọn nhú cao dần
và rồi trổ ra những chùm nụ. Gần Tết những nụ mai to dần thành những chùm
hạt tròn xanh bóng. Càng nhiều nụ càng hứa hẹn nhiều hoa nở rực cây. Mỗi
ngày trước Tết ai cũng ngóng xem khi nào bông mai đầu tiên nở. Khi mai nở
rồi lại coi có bông nào 6 cánh trở lên vì cho rằng mai càng nở nhiều cánh
càng nhiều may mắn. Mấy ngày Tết mai nở lộng lẫy hoa vàng trước ngõ nhà.
Sau Tết cánh mai, nhụy mai rụng đầy gốc, rơi trên mặt ao xanh lấm tấm cánh
vàng.
Ôi tôi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ ấy khi lòng vui theo hoa lá, trường
lớp. Cần Thơ có những mùa hạ rực đỏ hai hàng phượng nở trên khung trời đại
lộ Hoà Bình, rẽ vào hai ngôi trường trung học nổi tiếng. Năm lớp 10 tôi vào
học Trung học Đoàn Thị Điểm, năm lớp 11 Trung học Đoàn thi Điểm và trung
học Phan Thanh Giản nhập chung thanh Trung học Cần Thơ mình được sang học
ở ngôi trường kiểu kiến trúc Pháp với những vòm cửa, khung hành lang vòm
cong duyên dáng, với những dãy hành lang dài, thoáng đãng. Sau đó trường
trung học Cần Thơ được đổi tên thành Trung học Châu văn Liêm đến nay. Bây
giờ số phận ngôi trường cổ kính đang chờ đợi được xét duyệt giữa đập bỏ
hay trùng tu ngôi trường xưa cả 100 năm tuổi, nơi chốn kỷ niệm thân thiết
một thời của bao nhiêu thế hệ thầy trò Cần Thơ.
Năm lớp 12 tôi học trên lầu hai, đứng với tay ra là ngang tầm những cành
phượng vĩ xanh mướt vươn cao ngang cửa. Phượng đẹp quá- hoa của học trò-
nở với mùa hè tràn nắng, đỏ rực như tuổi trẻ tươi thắm, nồng nàn nhiệt
huyết ; chùm lá là kép như lông chim gồm muôn vàn lá nhỏ mềm mại, rung
rinh xanh mướt. Tôi đã từng gọi là "lá phượng mềm như những bàn tay nhỏ".
Tôi lớn dần lên nơi miền Tây gạo trắng nước phù sa nuôi cây trái trĩu quả
đó.Chiều nào nghỉ sớm sau giờ xong thí nghiệm thực hành Hoá -Sinh ở khu 3
đại học Cần thơ, tôi và bạn lại đạp xe lên Bãi Cát uống nước hay chỉ ngồi
bên bờ sông nhìn sóng nước, nói chuyện vui buồn đời sống tình cảm... Có
khi là ra bến phà đón dùm người thân hay bạn bè đi về thăm quê trở qua Cần
thơ học. Ừ, những chuyến phà đã gắn bó với thành phố sông Hậu nầy thân
thiết như mưa nắng hai mùa, như nhịp sống hàng ngày.
Những chuyến phà trôi giạt, biến mất rồi trên dòng Tiền giang, Hậu giang
nhưng trên dòng sông kỉ niệm của tôi vẫn còn những chuyến phà nhung nhớ
cập bến chuyên chở những ký ức ngày tháng êm đềm nơi quê hương. Dòng sông
rộng lớn mang dòng phù sa bồi đắp đất ruộng vườn. Những cụm lục bình trôi
theo dòng sông, sắc tím dịu hiền man mác buồn. Những chuyến phà nối đôi
bờ, đem theo cuộc sống bận rộn, vất vả, trăn trở, sôi nổi, và hi vọng của
bao con người, bao số phận cuộc đời và cả tình yêu trên đó.
Khi nào phà rời bến tôi cũng ngoái nhìn lại Cần thơ đang xa dần theo con
nước. Khi phà cập bến lại háo hức về đến thành phố của mình. Nơi ấy có một
mái nhà xưa cũ của giađình, có mấy ngôi trường tôi học, có mái chùa Tết về
lại cả nhà đi xin xăm- cầu nguyện, và có một mối tình dang dở vì hoàn
cảnh đời sống... Tôi đâu biết có một ngày phàđưa tôi đi xa lâu lắm mới trở
về và khi trở lại thì những chiếc phà đã chỉ còn trong ký ức, trong chuyện
cổ tích đẹp như một tình yêu. Còn đâu phà ơi, tiếng rao đủ loại hàng của
những em bé và người bán rong : trà đá đây, nem Lai vung đây, bánh tráng
phồng sữa đây, mía ghim đây, vé số đây, trứng cút đây...Tiếng người lơ xe
ăn to nói lớn mời chào khách: "đi Sài Gòn, Long An, Vĩnh Long, Sa Đéc Châu
Đốc, ngã ba Trung Lương đây bà con ơi"... Tiếng hối thúc nhắc nhở người
khách : "bước xuống xe, qua phà nhớ tìm lại đúng số xe mà lên xe nghen"…
Tiếng trả giá, thêm bớt co kè giá cả đi xe. Hay tiếng rao, lời mời của các
dì, các bà : Bắp nóng đi cô, củ ấu nóng mới nấu đây, mận ổi xoài ngọt lắm
mua đi cô. Đâu còn những cô gái áo bà ba đội hay cắp nách thúng chôm
chôm đỏ tươi. Những hàng quán cơm, quán nước sống nhờ khách qua phà,
còn đâu cảnh những người dân quê ngồi với các thúng, cần xé chất đầy trái
cây tươi ngon : Bưởi Năm roi, khóm thơm Tiền giang, xoài cát Hòa Lộc Đồng
Tháp, sầu riêng Cái Mơn, vú sữa Cần Thơ, quít Lai Vung, nhãn Châu Thành.
Tôi thích mua quà mỗi lần về nhà : nem, bắp luộc, ổi giòn, trứng cút, củ
ấu nóng... Khi lên Sài gòn cũng mua làm quà cho người quen nào bánh tráng
sữa, kẹo dừa, xoài, cam sành… Tìm đâu ra giờ hương vị quê hương qua những
chuyến phà đông chen nhịp sống ồn ã, sôi động ấy.
Gió sông mát rượi hãy thổi đi các mùi vốn dĩ của xe chở người, chở đủ loại
hàng trên mui, mùi dầu nhớt ; mùi bắp nóng bay lên bên cạnh mùi thơm hành
phi của gánh bánh lọt giò heo.
Xe chạy qua những đồng lúa thẳng cánh cò bay của miền Tây, nếp nhà đơn sơ
núp dưới bóng dừa, bên bụi chuối, vài ao hoa súng, hồ sen nở xinh xinh.
Sài Gòn náo nhiệt chen chúc bụi bặm đây rồi, xe vô bến cảng miền Tây,
khách lơ ngơ giữa bao lời mời kéo của các ông chạy xe Hon đa ôm dai dẳng
đi theo khách mời cho bằng được 1 cuốc xe về các quận.
Tôi nhớ những mùa xuân trước ở quê hương, ai đi học đi làm xa nhà cũng vội
vã về quê kịp cúng Tất niên, trước Giao thừa. Những ngày cuối năm bao người
đón xe về quê ăn Tết trên các chuyến xe đò chật chội ngộp thở, nhưng có
sao đâu trong hành lý đã có gói ghém quà cho người thân hay muôn chuyện
vui buồn cuộc sống mưu sinh để kể cùng gia đình trong nụ cười, mong gặp lại
những gương mặt thân yêu, cầm tay ôm mừng háo hức bên mâm cơm đoàn tụ cuối
năm, râm ran chuyện trò chúc nhau khi giao thừa_mùng 1 cúng gia tiên,
trong mùi thơm của mứt món, tách trà nóng. Ngày Tết truyền thống Việt nam
nhất định có các món đặc trưng: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu,
tràng pháo, bánh chưng xanh".
Vậy đó, ở đây thì tôi mua sắm cũng đủ hết để tìm lại không khí Tết quê nhà
những ngày gia đình còn đông đủ ấy. Tôi sống với hoài niệm, phải chăng tôi
quá hoài cổ, đa cảm?
"Mùa xuân này ai đi lên Bãi Cát
Thả dùm tôi cụm bông tím bên sông
Để hoa tím trôi về đây qua biển,
Mang bâng khuâng, những trăn trở đời người... "
Kỷ niệm về Cần thơ và những mùa xuân nơi ấy còn lung linh tâm trí kẻ xa xứ
như tôi, trĩu lòng mỗi khi Tết đến. Những nỗi niềm khi nghĩ về quê cũ lại
thao thức lòng tôi hôm nay nơi quê hương thứ hai. Tết về tôi và chắc cũng
có nhiều người Việt Nam sống với hoài niệm Xuân cố hương.

Xuân Kỷ Hợi
Nhất Chi Mai
|