Cách xa không biết bạn là ai
Cho tui chào chung một tiếng, nay mai lại nhìn.
Hoăc:
Bứt dây mà nối cho dài, nối từ ở ngoài nối thẳng vô đây,
Hỡi người ẩn dưới bóng cây, dốc lòng tìm bạn
vô đây mà tìm.
Sau vài câu hát hỏi han xong, thì cuộc hát thực sự mới vào
cuộc. Thường hát ống bộc bạch hết nỗi lòng, chân thực, sôi nỗi
hơn, bởi vì họ không thấy mặt nhau, nên không mắc cỡ e dè. Vả
lại hát thế này chỉ có 2 người biết, người thứ 3, nếu có cũng
chỉ nghe một bên thôi, không biết rõ ngọn ngành ra sao.
Sau đây là những câu hát tình cảm:
Nữ hát: Hò ơi hò….
Xin chào anh bạn tổng bên, cầm ống mà hát làm quen câu hò.
Trước tiên thăm hỏi nơi nhà, hai thân tóc hạc da gà khỏe không?
Băng sương chẳng quản đường trường, mới hay tri kỷ tìm đường tri
âm.
Nam:
Vừa nghe thục nữ ướm lời, lòng mừng gặp gỡ đặng người ước mong
Câu hò qua đáp bạn nữ nhi, mẹ già đã yếu cha thì tuổi cao
Khi đi cha mẹ dạy mấy điều, gặp người hiền đức ghi vào giữa tâm.
Nay biết ai là bạn tri âm, nhờ nàng chỉ giúp mối tình thâm sau
này.
Nữ: Biết chàng lòng vốn đa mang, thiếp xin làm mối hai
nàng bên sông.
Sánh đôi cô chị tên Tam Tòng, Cô em tên Tứ Đức má hồng còn xuân.
Qua sông chàng hỏi nhà ông Ngũ Luân, mai này chàng đến một lần
thử sao!
Nam:
Giọng hò làm mối trắng trong, chắc cô Tứ Đức Tam Tòng cũng
gần đây,
Luân thường nhà qua có đầy, nhắn hai cô qua sẽ chọn ngày rào
thưa.
Nữ: Sao chàng lòng quá đa đoan, chị em rào hết nghĩa nhơn
chỗ nào
Hãy nên tính lại xem sao, nếu không chàng sẽ khó rào đặng ai.
Nam:
Nhà bậu ở tận làng xa, muốn đi qua đó phải bước qua nhịp
cầu,
Trước nhà dâm một hàng trầu, mà sao chẳng thấy trồng cau nơi
nào.
Lòng qua ước muốn bước vào, xin cha cho phép phụ vét hào trồng
cau
Mai kia cau lớn bên bên trầu, trầu xanh cau tốt cùng nhau kết
nguyền.
Nữ: Thiếu cau mà chỉ dâm trầu, bởi chưa tìm được giống
cau để trồng.
Nếu như ai đó tốt lòng, đem cau trồng giúp mấy công cũng đáp
bồi.
Chỉ e cau đã vun nồi, mà chàng nhổ gốc đem nơi khác trồng.
Nam:
Bậu ơi qua chỉ đất mà thề, Chỉ trời làm chứng qua không hề
dối đâu
Cau qua ương giống mới vào thu, đến nay chưa có đất đâu để trồng.
Bậu mà thấu được đáy lòng, qua thưa cha mẹ sang sông thăm nhà.
Nữ: Chàng về cuốc đất trồng cau, thiếp xin trồng ké dây
trầu một bên
Mai sau cau nọ lớn lên, trầu kia ra lá mới nên vợ chồng.
Cuộc hát đến hồi kết thúc, người con gái vẫn còn tiếc nuối
hát:
Gặp nhau chưa thỏa tấc lòng
Trăng đà bóng xế buồn không hỡi chàng
Cuốc kêu quốc quốc bẻ bàng,
Nặng thương nặng nhớ hai hàng châu rơi.
Thường thì hát ống lúc vào cuộc hát đâm bắt (hát mép) rất sôi
nổi lí thú, nội dung hàm chứa khiêu khích thách đố. Cũng vì
hát ống không thấy mặt nhau, cho nên mạnh dạn đấu tranh những
thói hư tật xấu, không e dè tránh né, đôi khi tác động tích cực
xây dựng cuộc sống, như:
Nữ: Nhàn cư vi bất thiện là anh,
Có không không có, thiên hạ đồn quanh thế này.
Nam: Thế gian khẩu thiệt vô bằng
Không mà nói có biết sao bây giờ.
Nữ: Tiếng đồn cha mẹ anh hiền,
Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai
Nên chàng chưa có quen ai
Tre thời già ngắt, măng thời chưa ra.
Chàng về thưa với mẹ cha
Muốn tìm dâu đặng phải mở ra cửa lòng.
Nam: Người ta ghen ghét dệt thêu
Cha mẹ qua đâu có những điều bậu nghe
Trò đời lắm chuyện éo le
Người cười ở rộng người chê hẹp lòng
Ví rằng cha mẹ ít bao dung
Làm con phải giữ trọn đường hiếu nhơn.
Hết hát đâm bắt, chuyển sang hát đố:
Nữ: Hai ngang hai phết, tui biết không hết tui lại hỏi anh?
Quảng Phước (1) cho tới đất Thành (2), quan quân sầu não tui hỏi
anh chữ gì?
Nam: Hai ngang hai phết, bậu đánh cho chết, tui cũng nghĩ
chữ thiên
Giặc trong Thành giặc đánh liên miên, quan quân sầu não dạ phiền
trăm năm
Nữ: Chữ gì chôn dưới đất, chữ gì cất trên trang, chữ gì
mang không nổi, chữ gì gió thổi không bay? Trai như anh mà đối
đặng, thì em ngửa tay cho anh ngồi.
Nam: Chữ thọ đường chôn dưới đất, còn chữ hiếu
cất trên trang, chữ tình mang không nổi, còn chữ tạc đá bia vàng
gió thổi không bay. Anh đà đối đặng ngửa tay cho anh ngồi.
Cũng phải kể có lúc lời hát sỗ sàng khiếm nhã, làm ảnh hưởng
xấu đến hát ống, các bậc cha mẹ thường ngăn cản con đi hát vì
lẽ đó.
Nam: Anh đến đây băng qua rừng rú
Thấy em đi rung rinh cặp vú muốn hun.
Nữ: Anh muốn hun vậy mà cũng khó,
Anh trở về nhà bắt chó anh hun.
Cũng vì hát ống cực kì quyến rũ, đêm nào từng cặp hát với
nhau, lời hát bén duyên, không ít cặp đã nên vợ thành chồng,
nhất là cuộc hát vào đêm đầu năm. Đôi khi người hát phát hiện
người có chồng, có vợ, lỡ thương nhau sinh ra thất tình ngây dại.
Có người còn gọi hát ống là hát ma (hát với người không thấy
mặt). Cha mẹ ra sức cấm cản con cái tham gia hát ống vì sợ hát
riết ma nhập vào người, nhưng vẫn không chấm dứt được. Đến khi
sau năm 1945, người Pháp tái chiếm nước ta, ra lệnh ban đêm cấm tụ
họp đông người, hát ống mới chấm dứt.
Hát ống chỉ là một sinh hoạt dân ca bình thường, phát triển
thời gian ngắn, như bao loại dân ca khác phản ảnh những hoạt động
đương thời, lời hát mộc mạc chân tình làng quê. Rất tiếc ngày
nay hát ống không còn nữa. Những đêm trăng thanh vắng, hay những
ngày Tết, bất chợt đâu đó nghe tiếng hát lô tô rộn ràng hội
chợ, tiếng hát karaoke trong xóm, ta thấy lâng lâng nhớ về hát ống
ngày xưa./.
