Lời hay ý đẹp:

Người ta ai cũng giống nhau về lời nói,
  duy có việc làm tỏ ra khác nhau mà thôi
                                                             
Molière

Làm một điều bất nghĩa, giết một người vô tội mà được cả thiên hạ, Cũng chẳng thèm làm.
                                                             
Tuân Tử


Kính chào quý
đồng hương  Ninh-Hòa

Bạn còn nhớ hay có biết
Các Trò Chơi Dân Gian Ninh Hòa ?

Người k lại :


 

Trò Chơi Dân Gian:               
 

Những đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi thường tụ tập huyên náo trò chuyện rồi bày trò chơi thâu đêm trên mảnh đất của nhà ông bảy Hớn, cạnh mấy cái mả Hời nằm ngay đầu ngõ của xóm Rượu.  Đã hơn 45 năm trôi qua, trò chơi dân gian Ninh Hòa nay đã chìm vào quên lãng và tuổi thơ nay chỉ còn là ký ức, tôi cố gắng ghi lại sau đây:

 

 

U MỌI RA TIẾNG 

 
      
Để bắt đầu, cuộc chơi chia làm hai phe,  bao nhiêu người chơi cũng được nhưng số người chơi phải chẳn để chia đều hai phe.
Ví dụ: 10 hoặc 12 người ( mỗi bên 5 hoặc 6 người ).


 “Bao tiến xùm” phe nào thắng đi trước.


 *PHÂN CHIA MỖI BÊN:


 
Vẽ lằn mức chạy ngang sân chơi, chia mỗi phe một bên.
 
Từ lằn mức chuẩn giữa sân, ta đếm 5 bước đi xuống (tùy theo bước đếm khỏi cần thống nhất) phía cuối sân của mỗi bên, gạch tiếp một lằn mức nữa (đó là mức dành cho người bị chết đứng) để chờ phe ta xuống tiếp cứu trở về.
 
Mỗi bên chọn một ngưới dẫn đầu của phe mình sao cho lanh lợi, khỏe mạnh, có hơi dài.

 *CÁCH THỨC CHƠI: ( Mỗi bên đi một lần ).
   

       Bên thắng đi trước từ mức bên mình lấy hơi thật dài, u ra tiếng chạy thẳng qua mức bên kia, chạy sao cho thật nhanh và cố gắng đánh cho được ( đánh trúng) người của phe bên kia trong lúc đang dàn trận để bắt mình, nếu đánh trúng một hoặc hai người hay v.v...thì ta phải cố gắng đừng cho bị bắt lại, giữ hơi thật dài đừng tắt tiếng chạy thật mau về phía bên mình (nếu dứt hơi, tắt tiếng chưa chạy qua lằn mức bên mình là chết). Những người bị đánh trúng bên kia bắt về bên mình làm tù binh, đứng ở lằn mức cuối sân để chờ tiếp cứu.


       Bên thua tiếp tục đi cũng giống như ở trên, lúc này phải cần một người trong nhóm lực lưỡng hơi dài u qua bên kia để xuống tiếp cứu những bạn mình chết đi về (nếu cứu được, những người đó sống lại và tiếp tục chơi), những người bị chết đứng lằn mức phía bên kia nhìn bạn mình u xuống cố gắng chạy theo hướng bạn mình giơ thẳng tay ra để bạn mình đánh trúng tay mình để cứu mình về, không được dậm mức hoặc lố lên nếu đánh trúng thì phạm luật chơi không cứu được. Trong phe người đứng đầu phe bị chết thì cả phe chết hết, chơi khi nào bên nào chết hết thì thua.
 

       Bên thua cuộc chơi phải cõng, hoặc bị véo tai, đi 5 hoặc 6 vòng từ mức này đến mức kia. Xong bên thắng đi tiếp tục chơi bàn mới.



U MỌI CÂM 



       Cách chơi cũng giống nhau, nhưng u qua mức bên kia thì ngậm miệng lại không ra tiếng, cấm cười, khi bị bắt phe bên kia làm đủ mọi cách cù lét, chọc mình cười nhưng phải cố gắng đừng cười nếu cười bị thua cuộc. Phải cố vùng để thoát khỏi về lằn mức bên mình, người nào ôm mình thì bị chết bắt làm tù binh chờ tiếp cứu.

 

       Chơi u mọi câm vui hơn.

 


Người xóm Rượu
Nguyễn Thục
 26/08/2008

  

 

Trò Chơi Dân Gian:               
 

Mùa trăng lên ánh sáng vàng chiếu vời vợi xuyên cành cây kẽ lá, gió lung lay những tàn cây tạo nên không khí mát mẻ so với cái nắng lúc xế trưa. Những đêm trăng sáng rất thích hợp với những trò chơi nơi thôn dã mà trẻ con nào cũng mê thích.

 

Chúng tôi các bạn cùng tuổi tụm năm, tụm bảy chọn lựa những trò chơi ban ngày hoặc ban đêm mà tôi cố gắng ghi lại để các bạn cùng chia xẻ thời còn ấu thơ nơi quê nhà.

 

   A- TRÒ CHƠI BAN NGÀY

CHƠI HÒN KHÌ 

 

 

Nhắc đến trò chơi hòn khì của xóm Rượu thì rất nhiều như: hòn khì tàu bay, hòn khì con rắn, hòn khì chéo, hòn khì chữ T, hòn khì nhắm mắt, hòn khì chơi cặp hai cặp ba và hòn khì qua sông..v..v… Riêng tôi thích nhất là hòn khì thúc chì qua sông.

 

Số người chơi cho trò chơi này chơi bao nhiêu người cũng được nhưng nếu 2 người chơi thì nhanh nhất khỏi phải chờ đợi lâu.

 

Ta chỉ cần:

 

-Vẽ hình hòn khì (chì) ngay trên mặt đất hoặc nền xi măng, chia canh từ canh 1 đến canh 6 trong đó canh 4 dùng để giụm hai chân.

- Dụng cụ gồm một hòn chì, dùng mẽ sành hoặc miếng ngói, đập lấy mài tròn lớn nhỏ tùy thích.

- Tiếp tục “hiền bảy và bao tiếng xùm”, ai thắng đi trước.

 

Trò chơi bắt đầu:

 

1./ Giụt hòn chì vào canh 1, nhảy cò cò (nhảy một chân) vào canh 1, lựa thế xũi hòn chì rồi thúc qua canh 2, nhảy cò cò qua canh 2, lựa thế hòn chì đúng tầm xũi hòn chì qua sông lọt vào canh 3 rồi tiếp tục nhảy cò cò qua sông, tiếp tục xũi hòn chì qua canh 4 là canh giụm chân, nhảy vào và giụm hai chân, thật sung sướng vô cùng được thoải mái nghỉ chân, rồi tiếp tục xũi hòn chì qua canh 5 và liên tục xũi hòn chì qua sông để vào canh 6 rồi xũi hòn chì qua canh 7 xong xũi hòn chì ra ngoài và nhảy ra, xong một canh đi, cứ thế ta tiếp tục đi tiếp canh 2 lên đến canh 6 là xong.

 

 

2./ Bỏ hòn chì lên mu bàn chân, đi từng bước một thật cẩn thận không được giụm 2 chân lên một canh, khó khăn nhất là lúc qua sông phải cố gắng vãnh (cong lên) mấy đầu ngón chân lên để giữ hòn chì cho khỏi rớt. Khi sang được 2 lần sông tới canh 1 nhảy ra ngoài là xong.

 

3./ Moi đất cất nhà: nhảy cò cò từ canh 1 đến canh giụm chân rồi tiếp tục nhảy tới canh 6 xong nhảy tới canh giụm chân lần thứ hai, đứng ở canh giụm chân mà gieo chì.

 

4./ Đứng ở canh giụm chân, quay sau lưng hướng về phía canh 1, cầm hòn chì trước mặt giụt ra sau lưng, hòn chì vào canh nào là được cấm nhà canh đó, có nhà rồi lúc cò cò giụm chân nghỉ cho thoải mái. Cứ chơi như vậy khi nào cất nhà hết là xong cuộc chơi.

 

Ghi chú những lỗi phạm: chân đạp mức, xũi hoặc giụt hòn chì cán mức hoặc ra ngoài, xũi chì không qua sông, giụm chân xuống ô, khi phạm những lỗi này thì đi ra để người khác vào.

 

Đây là những trò chơi thú vị nhất của tuổi thơ, tôi xin vẽ tiêu biểu một trì chơi hòn khì có luật riêng do toán chơi qui định.


                                                                                       Ảnh vẽ: Nguyễn Thục

 

 

Người xóm Rượu
Nguyễn Thục
Tháng 9-2008
 

 

   B- TRÒ CHƠI BAN ĐÊM


HÁI TRỘM DƯA 

 

 

Trò chơi này không giới hạn số người, cuộc chơi chia ra như sau:

 

-          Cặp vợ chồng chủ nhà (2 người).

-          Người ăn trộm (2 người).

-          Con chó

-          Còn lại bao nhiêu người: làm những trái dưa

 

1./ Cặp vợ chồng chủ nhà có trồng một rẫy dưa, tới mùa thu hoạch lựa chọn những trái dưa tốt hái đi bán, không may có những tên trộm đang rình rập rẫy dưa, chờ đêm xuống chủ nhà ngủ để tha hồ hái trộm.

 

2./ Hai tên trộm rón rén từng bước nhẹ nhàng tiến vào rẫy dưa, nhưng không sao tránh khỏi đôi mắt rất tinh và đôi tai rất thính của con chó giữ nhà.

 

3./ Tiếng chó sủa dồn dập gấu..gấu…gấu… hừm.. hừm…hừm…càng lúc càng hung dữ và kéo dài để cho chủ nhà biết mà thức giấc, chó sủa một lúc một hăng lên và tiến thẳng hướng tới những tên ăn trộm.

 

4./ Những trái dưa chín mọng ở đây theo sự lựa chọn của 2 tên trộm hái để đem đi,  chúng dùng tay búng để chọn dưa mà hái.  Những em làm trái dưa ngồi từng cụm, từng cụm. em nào bị 2 tên trộm cú trên đầu thì đứng dậy theo chúng, khi hái hết những trái dưa, 2 tên trộm dẫn dắt các em chạy rất xa và trốn kín đáo đừng cho chủ nhà tìm thấy.

 

Tiếng chó sủa một lúc một hăng lên làm cho chủ nhà thức giấc, sực nhớ đến rẫy dưa cầm đèn đi ra mà xem xét với sự quấn quít của con chó bên cạnh, nhưng than ôi những trái dưa chín mọng đã bị kẻ gian hái hết.

 

Hai vợ chồng chia nhau đi tìm đến khi nào tìm được những trái dưa bị mất cắp thì cuộc chơi kết thúc, cuộc trốn chạy thật là vui hơn là chơi cút bắt, nếu chủ nhà không tìm được hết thì đầu hàng, thua cuộc không làm chủ nhà nữa, xả bàn chơi lại, lựa chọn sắp xếp nhiệm vụ từng người trở lại.

 

 

Người xóm Rượu
Nguyễn Thục
Tháng 9-2008
 

 

   Thú Vui Chạm Điện Bắt Cá

Chuyện trong dân gian Ninh Hòa được tác giả ghi dưới đây không ngoài mục đích thuật lại cho đồng hương nghe.


Mùa hè ở Ninh Hòa thường thì nóng và oi bức. Mực nước sông và suối xuống thấp, nhiều chỗ cạn lô nhô những tảng đá to nhỏ và những bãi cát dài màu vàng nhạt. Dưới ánh nắng, ta có thể nhìn thấy từ hạt cát phản chiếu những tia sáng nhiều màu sắc lấp lánh tựa thủy tinh. Nước trong và mát rất thích hợp cho công việc chạm điện bắt cá.

Để chuẩn bị cuộc vui, chúng tôi gặp nhau tại điểm hẹn, mang theo những dụng cụ cần thiết nào dao, xoong chảo và một ít gia vị, rau sống, kèm theo một vài lít rượu trắng. Điểm quan trọng chính yếu là một chiếc ghe làm bằng Tolé, một máy Kohler kéo cái Dynamô khoảng 1 kg rưỡi, hai vợt điện nhỏ đan bằng giây đồng cắm trên hai cán gỗ dài, hai đầu vợt điện được hàn vào hai sợi giây điện gắn chặt với cầu dao của máy phát điện. Sau khi tất cả dụng cụ được cột chặt an toàn, chúng tôi lên xe Lam để di chuyển.

Chỗ chạm cá lý tưởng nhất là cầu 24 nằm trên Dục Mỹ. Khi tới nơi, xe được đậu sát lề đường để chuyển đồ xuống và lựa những chỗ có bóng cây che mát sắp xếp xong, thế là chúng tôi đã có một trại vui chơi, chia nhau quơ tìm cây khô làm cũi, ba cục đá bằng nhau để làm lò, một người ở nhà lo việc bếp núc, còn lại bao nhiêu người thì lo cho công việc chạm cá. Đặt ghe sát bờ để dễ dàng khiêng máy phát điện bỏ trên ghe và các dụng cụ cần thiết. Ghe được kéo ngược theo dòng suối nước chảy róc rách trong vắt có chỗ cạn chỗ sâu, gặp chỗ nào có đá lởm chởm thì chúng tôi khiêng hẳn ghe lên.

Chúng tôi tìm kiếm những nơi nào có cá sống nhiều nhất, đó là những lùm cây ở sát bờ, hốc đá sâu có thể là chỗ núp lý tưởng của các con cá chình, cá trầu, cá trắng..v..v… Để bắt đầu chạm điện bắt cá, việc đầu tiên là giựt nổ máy phát, cầu dao điện luôn luôn được mở, và theo hướng chỉ dẫn của người cầm vợt đi phía trước, những người đi bắt cá theo sau. Một người vừa đẩy ghe và vừa canh đóng mở cầu dao điện. Khi cần chạm cá, người cầm vợt hô to đóng cầu dao điện, tìm chỗ khả nghi có cá nhiều cắm hai vợt điện xuống nước, lúc này tiếng máy phát điện nổ rất nặng hơn bình thường, bất ngờ cá gặp luồng điện trong nước, những con cá lớn nhảy vọt lên khỏi mặt nước, còn dưới dòng nước những con cá cố bơi để tránh xa luồng điện, những con cá nhỏ nổi lừ đừ trôi theo dòng nước tránh xa luồng điện, từ từ bơi lại, người chạm phải lanh đưa vợt điện tới gần đàn cá hơn để cho chúng bị giựt tê. Cá bơi lượn lộ phần bụng trắng nỏn và từ từ chìm xuống. Rồi cầu dao được mở ra, dòng điện bị ngắt, tất cả chúng tôi bắt đầu bắt cá. Đặc biệt cá chình thường nằm trốn trong những hốc đá. Khi điện chạm, chúng vọt ra khỏi hang tha hồ mà bắt. Bắt cá và chình bằng cách này là nhanh nhất.

Chúng tôi lựa và phân loại những con cá trầu, chình và cá trắng đỏ mang và đem cá về trại để bắt đầu công việc nấu nướng ăn tại chỗ. Chúng tôi làm vài con cá chình nấu Lagu ăn với bánh mì, cá trầu nướng trui trét mỡ hành cuốn bánh tráng, cá trắng đỏ mang um tương, nấm mèo, ngổ, xúc bánh tráng tuyệt vời đưa vào miệng vài hớp rượu, không gì thú bằng.

Ă
n uống no say thoải mái, ngâm mình xuống dòng suối mát rượi. Thế là hết một ngày thư giãn của thú vui chạm bắt cá bằng dòng điện.


Người xóm Rượu
Nguyễn Thục
Tháng 11-2006

 

Trò Chơi Dân Gian:               

 

 Sông Dinh mùa nước cạn


Không gì vui thú bằng khi dòng sông Dinh cạn nước. Nhìn về hướng cầu Sắt một bãi cát dài trồi lên giữa dòng. Đó là sân chơi của các cô cậu choai choai bằng trương lứa chúng tôi đùa giỡn.

Xóm tôi ở, nằm phía trong dòng sông Dinh, chúng tôi thường rủ nhau tụm năm tụm bảy đi tắm. Băng qua những đám đất bỏ hoang mới tới bến sông ông Đùm, vườn rau ông trồng nằm dọc trên mô đất cao sát bờ sông, phân ra từng rãnh. Những rãnh rau thơm, tần ô, xà lách, hành ngò..vv.. đều ngay hàng thẳng tấp, những giàn khổ qua giây leo sum suê, lòng thòng đầy trái. Nhờ siêng năng chăm sóc mảnh vườn nên được vài đám cà dĩa, cà dái dê đủ cho vợ chồng ông sống qua ngày tháng.

Dưới bến sông lúc nào cũng có chú sáu Gồ và gia đình thím hai Tài chuyên môn giặt đồ ủi trên bàn gỗ đặt sẵn dưới nước sát bến sông, mùi thuốc tẩy xông lên khó chịu.

Đến sát bờ sông, chúng tôi cởi bỏ hết áo, vứt trên bờ, chạy ùn xuống bến theo dốc đi có sẵn. Khi đến mực nước chân đi rà rà, dò tìm mực nước sâu, khi ngập đến hông, lấy hơi hít thở thật dài để cố gắng bơi cho qua khúc sông sâu, bơi chó rất mệt chân tay đều cử động hết đạp lại quạt liên tục. Trẻ con chúng tôi bơi không được xa, lấy hơi lặn hụp xuống nước, đạp dưới đáy trồi lên bơi tiếp, đến khi mực nước đứng tới cổ bắt đầu đi bộ vào chỗ cạn hơn, bởi vì dòng sông Dinh rất sâu bến phía Xóm Rượu, còn bên Vĩnh Phú rất cạn, lội bộ ra giữa dòng trẻ con chúng tôi tha hồ chơi khỏi sợ hụt chân chết đuối.

Khi đi đứng được an toàn chúng tôi bày ra những trò chơi:

- Chúng tôi chia nhau từng cặp, ra đứng chỗ nước sâu tới ngực, tay nắm tay, mặt đối mặt, hô to 1, 2, 3 lấy hơi ngồi hụp xuống nước, mắt mở ra thật to nhìn mặt nhau trông rất dễ sợ, tóc dựng đứng lên, đong đưa trong nước, mắt mũi miệng đều to ra, nhe hàm răng hù dọa trông càng khủng khiếp hơn, nói chuyện dưới nước không nghe được gì và bong bóng nổi lên thật nhiều.

- Chúng tôi quay quần thành vòng tròn, búng tay dưới nước tính ăn thua, cứ lần lượt hai người búng, người nào ăn thì ra, người thua tiếp tục búng với người kế tiếp, búng kêu cái "bốc" thật là to thấy bong bóng nổi lên nhiều thì thắng, còn kêu cái "chạch" thật là nhỏ không nổi bong bóng thì thua, đó gọi là trò chơi búng "tôm tép", cứ thế tiếp tục người nào cũng phải búng cho đến người cuối cùng thì làm như sau:

Người thua cuộc hô to 1,2,3 tất cả phải chạy tản mau dưới nước thiệt là nhanh, lúc đó bọt và sóng nước bắn lên tung tóe, người thua cuộc bằng mọi cách chạy cho nhanh cho kịp bạn mình, để cho bạn mình làm thế, rượt rất lâu, nước cản tẩm chạy mệt quá mà không bắt được xin đầu hàng thì tất cả xã bàn búng lại chơi bàn mới. Tàn cuộc chơi đó bắt cặp nhau đồng đồng nhảy nước, nguời nào to con ngồi xuống để bạn mình nắm tay leo lên vai giữ cho thăng bằng đứng dậy buông thả tay ra để cho bạn mình nhảy chúi xuống nước cứ như thế tiếp tục chơi rất vui, điều thú vị nhứt một mãn dài nước lúp xúp ngập hơn mắt cá chân toàn là những đám lục bình, đầy hoa tím nở rộ trông thật đẹp, dưới chùm rễ lục bình bao phủ đầy những đám rong nho nhỏ. Đó là chỗ ẩn núp của những loài cá con, cá trầu choán, cu đinh, rùa hoặc ba ba. Chúng tôi vạch rong tìm bắt được khi thì ba ba, lúc thì cu đinh, rồi la lên thật to, tất cả xùm lại đem ra chỗ trống thả cho chúng bơi và chúng tôi rượt theo bắt lại. Có bạn thì đào cát bắt con trai hay con hến.

- Chúng tôi đùa giỡn cho vui, tắm cho thỏa thích, sau đó thì những gì bắt được của sông nước thì trả về cho sông nước (của César thì trả về César). Sau cùng trước khi về chúng tôi chia 2 phe chơi tạt nước, hai bên xáp lá cà nước bắn lên tung tóe. Cánh tay dủi thẳng ra sau song song với mặt nước, bàn tay thẳng góc với mặt nước lấy thế đẩy mạnh xuống nước tạt dòng nước lên cao vào mặt đối phương, nước bắn mạnh vào mặt nhiều lúc đau và ngộp, đối phương vừa né tránh vừa trả đũa nên tạt trật đi nơi khác, thừa thắng xông lên, chúng tôi cứ tiếp tục tạt nước thẳng vào mặt mũi chừng nào đối phương ngộp xin đầu hàng mới thôi.

Cuối cùng chúng tôi ra về, hẹn lại ngày mai.

- Sông Dinh mùa nước cạn là nơi tụ tập vui chơi của những trẻ con ở xóm Rượu. Chúng thường trốn cha mẹ (trong đó có tôi) ra sông Dinh tắm, đồng thời nhìn những con chim bói cá mỏ thiệt dài bay lượn trên không trung nhìn xuống nước khi thấy cá đang bơi, chim bay đứng lại một chỗ hai cánh quạt lia lịa, đến lúc chính xác bổ nhào xuống nước gắp cá và bay thẳng lên dậu ở cành cây ven sông.

- Đó là những kỷ niệm được ghi lại đây để nhớ lại thời thơ ấu hồn nhiên của tuổi trẻ.


Người xóm Rượu
Nguyễn Thục
Tháng 6-2006


                           
 Chơi Hóp

 

Chơi hóp là một trong những trò chơi trong dân gian Ninh Hòa mà tôi xin ghi lại để cống hiến quý bạn đồng hương ít nhiều đã có một thời trải qua trong thời niên thiếu tại quê hương mến yêu.

Để bắt đầu trò chơi, tùy theo cách chia bắt cặp hoặc chơi lẻ từng người, bao nhiêu người chơi cũng được, ăn thua hoặc bằng tiền, hoặc hình, hoặc bịch thuốc lá…v..v…, tùy theo điều kiện và giao kèo sẵn có.

Cách thức chơi:

Vẽ một hình chữ nhật, dài rộng tùy thích không cần kích thước. Chúng ta cần một cục gạch thẻ nguyên và nửa cục gạch thẻ khác được kê sát và nằm giữa lằn mức của cạnh (hay một đầu) của hình chữ nhật. Hai cục gạch này được cấu trúc sao cho nửa cục gạch dựng đứng (điểm tựa) và cục gạch nguyên vẹn được gát lên đầu tựa của nửa cục gạch kia. Như vậy, chúng ta có đuôi của cục gạch nguyên chạm mặt đất, đầu đưa lên trời, chính giữa tựa trên đầu của “nửa cục gạch” kia tạo thành một mặt dốc để khởi động vận chuyển tròn của đồng tiền cắc (hòn chì). Đến đây, chúng ta có mái xuôi (mặt dốc) giống hình của một đòn bẫy.

Tiếp tục thiết bị, chúng ta gạch một đường thẳng kể từ đường giao tuyến của mặt dốc (của cục gạch nguyên) và mặt đất (mái xuôi) dài khoảng 5 tấc và cứ cách 1 tấc gạch 1 lằn mức ngang dành cho những người bị hóp mang đồng tiền cắc (hòn chì) lên đặt ở mức ngang đó: “có thể bị hóp 1,2,3 ..v..v..”

Trước khi chơi, người chơi thi tranh đua để đi sau cùng bằng cách dùng đồng bạc cắc hoặc viên ngói bể được đập và mài tròn đến khi có diện tích (kích thước) bằng (hay vừa) đồng tiền mà người chơi gọi là hòn chì dùng để thi đua tranh giành phần thắng. Người chơi cầm hòn chì thẳng đứng khảy (khởi động chạy tròn) mạnh nhẹ tùy ý xuống dốc xuôi của cục gạch, sao cho hòn chì chạy và ngã dừng gần mức càng tốt, cán mức thì càng tốt hơn. Như vậy, người chơi có thể tranh giành đi sau cùng nhưng đừng để hòn chì lăn ra khỏi mức thì thua.

Thi xong người chơi đi theo thứ tự, nghĩa là người nào khảy hòn chì chạy ra ngoài mức đi trước, xa mức đi kế và gần mức đi sau cùng... Người thua cuộc thì được đi đầu tiên, khảy hòn chì xuống viên gạch (mặt xuôi) để cho nó lăn xuống mức dưới; phiên người kế tiếp cố gắng khảy hòn chì, chạy xa hơn người đi trước thì tốt, cứ như thế chúng ta thay phiên lần lượt đi, cố gắng đi xa hơn mấy người trước, đừng để hòn chì chạy ra khỏi mức phía trước gọi là hóp, có khi bị hóp 2,3,4 ..v…v…

Khi chơi người chơi bắt bồ và tìm cách cứu bồ. Khi hòn chì của bạn khảy thua phe khác, ta có quyền xê dịch viên gạch xéo qua góc này hoặc góc khác với mục đích là để khảy hòn chì không theo đường thẳng chính diện (trực chỉ song song với hai cạnh bên của hình chữ nhật) mà chạy xéo góc hơn bạn mình, thua người bắt bạn mình, như vậy gọi là "xỉa tiền".

Người thắng cuộc thi đi sau cùng, xem xét kỹ cách bắt những hòn chì của người đi trước, nếu khảy xa hơn để bắt được thì tốt và được đi sau cùng bàn kế tiếp, bằng không thì khảy nhẹ hòn chì để bắt những người bị hóp, xong cứ thứ tự người nào gần mức đầu dưới thì chố người thua mình ở phía trên.

Cách thức chố:

Người thắng cuộc cầm hòn chì lên trên tay rồi gạch lằn mức ngay tâm hòn chì nằm (tức là vị trí của hòn chì năm trước khi được lượm lên tay). Người thắng cuộc có hai chân đứng ngay lằn mức gạch làm điểm với tay cầm hòn chì cố gắng chố sao cho hòn chì của mình trúng hòn chì của người thua. Nếu trúng chố tiếp người kế, nếu chố trật không được quyền chố nữa mà nhường người chơi kế tiếp để chố những người thua. Nếu trúng khá nhiều, những người thua chung tiền, hoặc chung hình, hoặc chung bịch thuốc lá..., tùy theo giao kèo trước khi chơi.

Xong bàn này chúng ta tiếp tục chơi bàn khác và đi theo thứ tự khỏi cần thi lại, người thắng cuộc đi sau cùng.

Chúc quý bạn có những giây phút thoải mái nghiền ngẫm trò chơi hóp này.....

 

Nguyễn Thục
Tháng 9-2005

  

 

Trò Chơi Dân Gian:               


                      
   Đánh  Trỏng

 

Đánh trỏng là một môn chơi rất là dân gian ở Ninh Hòa của lứa tuồi trẻ thơ dành riêng cho các cô cậu có gan bẫm.

Trò chơi không lệ thuộc vào số người, chia thành hai nhóm, cây trỏng để đánh thường thường chúng tôi chọn một trong hai loại cây ở quê nhà chỗ nào cũng có "cây dong hoặc cây gòn", vì hai loại cây này khi khô rất nhẹ, chặt làm hai khúc, cây cầm đánh dài khoảng 5 hoặc 6 tấc gọi là cây đập đầu mào, cây ngắn 2 tấc gọi là cây đầu mào.

Khi có sẵn hai dụng cụ trên, chúng tôi đào một lỗ dài hơn 2 tấc, chiều sâu không tính miễn sao để đầu mào nằm gọn vào lỗ là được rồi, gạch phía trước lỗ một đường mức khoảng cách 6 hoặc 7 thước. Sáp vào trận hai nhóm bắt đầu khắc tính điểm, bên nào khắc điểm nhiều thì đi trước. Cách chơi bắt đầu, nhóm thua ra đứng phía trước lằn mức, nhóm ăn ở trong và bắt đầu chơi. Trước khi chơi hai bên giao kèo đánh được bao nhiêu điểm thì thắng . Thường thì chơi đánh trên 100 điểm mới thắng.

1/ Phần dích đầu trỏng: đặt đầu trỏng ngắn nằm ngang trên miệng lỗ và lấy cây dài dích sao cho đầu trỏng ngắn bay ra khỏi mức, đừng để cho bên đối phương chận lại hay bắt được đầu trỏng là người đó chết, dích đầu trỏng bay cũng là một nghệ thuật, mắt nhìn liếc đối phương đứng chỗ nào trống hoặc phải dích xa hay cao để đầu trỏng bay cao, khi bên đối phương bắt không được thì người dích đặt cây trỏng dài nằm ngang trên lỗ, để cho đối phương lượm đầu trỏng ngắn nằm ở đâu thì từ chỗ đó chố vào, nếu trúng cây trỏng dài thì người đó chết " cứ như vậy nếu chết tiếp tục thì thay thế người khác đi".

2/ Phần ne đầu trỏng nhỏ: Đến phần ne đầu trỏng, người ăn thường đứng sát mức, tay cầm trỏng dài để đầu trỏng ngắn nằm ngang dựa vào cùm tay, bắt đầu hất đầu trỏng ngắn tưng lên rồi khắc, liếc mắt nhìn những người thua đứng hàng mức bên ngoài đánh đầu trỏng ngắn thật mạnh ra ngoài để bên thua đừng bắt được. Khi đầu trỏng rớt xuống đất, bên thua lượm và chố vào đừng cho người bên trúng đón đánh được đầu trỏng ngắn bay ra ngoài, thì bắt đầu tính được điểm rồi . Phần tính điểm ở đây tính vào phần khắc ở trên, khắc bao nhiều cái tính bao nhiêu điểm.

3/ Chặt đầu mào: Đặt đầu mào nằm xuôi xuống lỗ sao để một đầu chỏng lên, khi chặt đầu mào đầu trỏng ngắn bay lên, đón đầu trỏng ngắn rơi xuống rồi khắc bao nhiêu cái thì tính bao nhiêu điểm, nên đánh ra ngoài mức để sao cho đối phương đánh bắt không được thì mới tính điểm.

4/ Phần Âm u: Bên nào đánh thắng trước điểm đã giao kèo thì âm u bên thua, tùy theo chơi để bắt cặp người ăn, người thua âm u, bên ăn bắt đầu khắc bao nhiêu cái thì nhảy bao nhiêu bước khi âm u, người ăn một tay cầm cây trỏng dài dựa vào cùm tay tưng lên rồi ne thật mạnh cho đầu trỏng ngắn bay đi thật xa, rồi rơi xuống đất người thua lượm đầu trỏng ngắn cầm trên tay, người ăn bắt đầu nhảy bắt đầu từ vị trí đầu trỏng ngắn rớt xuống, nhảy bao nhiêu bước, từ điểm khắc bao nhiêu cái ở trên. Khi nhảy xong rồi đặt cây trỏng dài xuống để cho người thua chố, nếu chố trúng cây trỏng dài, thì người thua u một hơi dài về lỗ, người ăn chạy theo sau cầm cây trỏng dài đợi khi người thua tắt hơi để đánh người thua, rồi tiếp tục cặp khác âm u. Xong hết rồi hai nhóm chơi khắc lại, tiếp tục chơi tiếp.
 

Nguyễn Thục
Người Xóm Rượu

  

 

Trò Chơi Dân Gian


                 
          Nhảy Chồng Cao

 

Nhiều hay ít người chơi cũng được, chia làm hai phe.

Người cầm đầu trong toán chơi gọi là mẹ, người làm mẹ chơi hay và cao lớn nhất trong toán, người mẹ đi trước hoặc nhảy đầu tiên.

Bắt đầu chơi, hai bên bao tiếng xùm bên nào thắng đi trước.

Cách chơi như sau:

Bên thua hai người ngồi đối diện nhau, một người ngay một cẳng ra phía trước, bàn chân thẳng đứng gót chân chạm đất là canh một

Bên ăn nhảy qua canh một, người làm mẹ nhảy qua trước và đọc “đi canh một”, tất cả tụi con nhảy theo và lập lại câu “đi canh một” và vòng nhảy về cũng vậy, người cầm đầu cũng nhảy trước và đọc "về canh một" tụi con cũng nhảy qua sau và làm theo được hết rồi cứ như thế bên thua chồng cẳng lên canh 2, ngồi đối diện gác cẳng lên hàng tiếp tục lên canh 3 và canh 4, cứ như thế mà nhảy qua nhảy lại trong lúc miệng đọc đi hết canh này đến canh kia. Những canh cao như canh tư, tùy theo luật lệ chơi giao kèo trước, những đứa nhỏ không nhảy được cao, thì nhảy qua chỗ thấp thì sống, còn nếu không cho nhảy qua chổ thấp nhảy đụng chân thì chết ngồi đó chờ hết bàn chơi tiếp.

Một lượt nhảy qua nhảy lại xong rồi canh bốn, thì tới canh búp.

Khi làm canh tư, hai đứa ngồi làm chồng những bàn chân lên nhau gót chân chạm đầu ngón chân thành một tháp cao thẳng đứng tới lượt canh búp, canh nở, canh tàn, sau cùng là tới canh gươm, những canh trên chồng lên cao của ngón chân trên hết, giao kèo chơi chỉ được để cổ tay chạm ngón chân cái làm bàn tay búp, nở, tàn, gươm (nhiều bạn cũng ma giáo khi nhảy qua không để ý lú tay lên cho đụng người mẹ là chết cả đám). Những người con nhảy qua không được, có quyền nhảy qua chổ thấp nếu bên kia đồng ý.

-Sau cùng, là đi qua sông nhỏ, sông lớn là xong, hai người làm canh qua sông nhỏ bốn bàn chân chạm vào nhau bẹt ra hơi nhỏ để người đi bước vào cũng nói “đi canh nhỏ về canh nhỏ”. Vậy là xong canh nhỏ. Canh lớn hai người làm dang chân rộng ra để bên đi bước vào mà đi canh lớn, đi canh lớn là sắp hết trò chơi, toán đi bước qua và đọc "qua sông lớn về sông lớn". Khi về sông lớn hai người làm đưa tay lên cho người mẹ nắm và bắt đầu nói về sông lớn thì tất cả vụt chạy như rượt bắt, mấy đứa con thì lo chạy trước. Khi bắt được đứa nào thì đứa đó chết, bắt được hết thì xả bàn làm lại, hai bên tiếp tục bao tiếng xùm, bên nào thua thì làm.

Nói tóm lại, đó là trò chơi dân gian vui nhất đối với trẻ thơ.

::

***Canh búp, nở, tàn, gươm: điển hình là một nụ hoa, dùng bàn tay để trên canh tư
*Canh búp: dùng bàn tay chụm lại
*Canh nở: dùng bàn tay chụm, nhưng để hé miệng
*Canh tàn: xòe cả lòng bàn tay
*Canh gươm: để một ngón tay thẳng đứng

 

Người viết:
Nguyễn Thục

  



Trò Chơi Dân Gian



               
  Đúc Cây Dừa, Chừa Cây Mỏng
 

 

Bây giờ tôi nhớ và ôn lại những kỷ niệm hồi còn nhỏ, tất cả trẻ em xóm tôi có những trò chơi dân gian, không biết phát xuất từ lúc nào ở Ninh Hòa.

Trò chơi sau đây rất vui, khi tụm năm tụm bảy được rồi thì chơi quên ăn, quên làm, chơi say mê như trò chơi "Đúc cây dừa, chừa cây mỏng".

Bắt đầu trò chơi này không cần bao nhiêu người, có bao nhiêu người chơi cũng được.

Tất cả người chơi ngồi xếp hàng xuống thềm nhà, hai chân duỗi thằng ra phía trước, người ở đầu hàng đếm chuyền xuống đến người ở cuối hàng và tiếp tục người ở cuối hàng đếm chuyền đến người ở đầu hàng. Vừa đếm vừa đọc bài ca dân gian như vầy:

                             Đúc cây dừa
                             chừa cây mỏng
                             cây bình đỏng (đóng)
                             cây bí đao
                             cây nào cao
                             cây nào thấp
                             chầp chùng mùng tơi chín đỏ
                             con thỏ nhảy qua
                             bà già ứ ự
                             chùm rụm chùm rịu (rạ)
                             mà ra chân này

Khi đọc hết bài ca "mà ra chân này", ở cuối câu tới chân người nào đó, thì thụt chân vào, người nào thụt hết hai chân thì thắng, còn lại người sau cùng người nào chưa thụt cân vào thì thua. Khi đó những người thắng cuộc chuẩn bị chạy để người thua cuộc rượt bắt, bắt được bất cứ người nào xả bàn làm lại.

 

Người viết:

Nguyễn Thục
Người Xóm Rượu

 

X
 


                                                                                       

Lời hay ý đẹp:
 

Sự vĩ đại ở một số công việc không phải là sự quy mô của nó, mà là tính kịp thời của nó.

                                                                                                       Zénon

NNgười quân tử tinh tường về việc nghĩa. Kẻ tiểu nhân rành rẽ về việc lợi

Khổng Tử

 

     

www.ninh-hoa.com

 

 

 


 

 

 

Thu Thủy:

Trò Chơi Lùa Vịt

 

 

Nguyên Hà:

Uýnh Sình Sầm
    Bao Tiếng Sùm
    Oắn Tù Tì

Rồng Rắn Lên
    Mây

Ô Quan

Hú Chuột

Sự Tích Bưởi
    Năm Roi



 

Văn Thu:

Nhảy Bao Bố

Đánh Banh Thẻ
    hay còn gọi là
    Đánh Chuyền,
    Chắc Múa




 

Tuệ Thi:


Cúng Thí Thực
    Cô Hồn

 

 

 

 


Nguyễn Thục


Đúc Cây Dừa
  
Chừa Cây Mỏng


Nhảy Chồng
    Cao


Đánh Trỏng

Chơi Hóp 

Sông Dinh Mùa
    Nước Cạn

Thú Vui Chạm
    Điện Bắt Cá

T Chơi Ban Ngày Chơi Hòn Khì

T Chơi Ban Đêm Hái Trộm Dưa

U Mọi Ra Tiếng
    U Mọi Câm 

Bắn Bịch Thuốc
    
 

Bắn Nắp Ken

Đặt Ống Trúm
                     

 

 

Chân Q:


Chơi Chắc
   Múa Lúa Hết
   Bồ

 

Lê Huyên:


Côm, Cam,
    hay Kem