www.ninh-hoa.com



 

Trở về d_bb  ĐHKH

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 

Giáo Sư
LÊ PHỤNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Main Menu

 
 

 

 


Tư Duy Trong

Thơ NGUYỄN KHUYẾN
Lê Phụng
 

 

 

Kỳ 10: (Tiếp theo Kỳ 9)

IV


Về Vườn (tiếp)

 

 

Quay về với ruộng vườn là tìm nẻo hòa mình với thiên nhiên. Nhìn theo tiến trình của con người theotiến trình Nguyễn Khuyến - Gabriel Marcel đó là thẳng tiến vào lẽ diệu huyền của cuộc sống. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa của việc Đào Tiềm và Nguyễn Khuyến từ quan về với ruộng vườnthuận theo con tạo vui cùng cảnh thiên nhiên?

Nguyễn khuyến ngâm vịnh cảnh thiên nhiên trong dòng thơ ghi lại những thắng cảnh của đất nước trong nhiều chuyến ông vào kinh ra bắc. Từ ngày từ quan về Vườn Bùi, thắng cảnh ông ngâm vịnh, cả bằng thơ Việt Âm và thơ nôm,  là những thắng cảnh nơi quê nhà. Đặc biệt là Núi An Lão ở thôn An Lão, xã Quế Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Núi này còn gọi là Quế Sơn, Nguyễn Khuyến lấy làm biệt hiệu cho mình. Ngoài ra Nguyễn Khuyến còn ngâm vịnh núi Long Đội, tên nôm là Núi Đọi, ở xã Long Đội, huyện Duy Tiên, Hà Nam, trên núi có ngôi chùa Đọi. Hình ảnh ngôi chùa này sâu đậm trong trí nhớ Nguyễn Khuyến khiến ông viết thành hai bài thơ Nôm và hai bài thơ Việt Âm, một trong hai bài đó như sau:

 

憶 龍 隊 山
Ức Long Đôi Sơn

近 來 衰 病 不 參 禪
Cận lai suy bệnh bất tham thiền
回 憶 前 遊 亦 愴 然
Hồi ức tiền du diệc sảng nhiên
古 寺 四 鄰 唯 木 石
Cổ tự tứ lân duy mộc thạch
寒 僧 一 榻 共 雲 湮
Hàn tăng nhất tháp cộng vân yên
幾 層 竹 影 疑 無 路
Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ
有 客 桑 間 立 待 船
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền
野 老 未 知 鍾 響 午
Dã lão vị tri chung hưởng ngọ
放 牛 山 麓 臥 松 眠
Phóng ngư sơn lộc ngọa tùng miên.

 

Nguyễn Khuyến tự dịch là:

 

Nhớ Cảnh Chùa Đọi

Già yếu xa xôi bấy đến nay
Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay
Chùa xưa ở lẩn cùng cây đá
Sữ cụ nằm chung với khói mây
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến dâu đây
Chuông trưa vẳng tiếng người không biết
Trâu thả sườn non ngủ gốc cây.

 

Như ghi rõ trong đầu đề bài thơ, Nguyễn Khuyến không đối cảnh sinh tình mà dùng nhưng hình ảnh ghi trong trí nhó mà viết ra hai bài thơ củng một hứng thơ bằng hai ngôn ngữ. Nhìn trên mặt dịch thơ, bài thơ dịch như thể không phải là thơ dịch. Tỷ như câu thứ hai trong bài thơ Việt Âm có nghĩa là:

Nhớ lại chuyền đi chơi trước đây, lòng cũng bùi ngùi

Câu tương ứng trong bài thơ nôm nói rõ tại sao tác giả bùi ngùi:

Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay

Chữ mới ở đây là chữ làng chơi, đó là chữ tác giả tự xưng hay là bằng chứng tác giả nhớ các bạn cùng đi chơi trước kia, nay đã mấy đi một vài ngưòi khiến tác giả bùi ngùi tấc dạ? Bốn câu kế tiếp, cả trong bài Việt Âm và bài nôm cùng là một bức tranh thiền với ngôi chùa nhỏ trong khóm trúc, duới tầng mây chêng vênh trên vách đá. Có một điểm bất ngờ là có người khách đứng đợi thuyền trên bến nuơng dâu. Hình ảnh nương dâu gợi cho người đợc hai chữ dâu biển trong tiếng Việt Nam là hình ảnh sự biến đổi lớn và trong không khí thiền của bài thơ dường như tiêu biểu cho ý niệm vô thường của nhà Phật. Hình ảnh người khách đợi thuyền bên bến bãi dâu này còn gợi cho người con Phật đọc thơ dòng mật chú trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh:

Yết đế yết đế ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha

theo Hòa Thượng Tuệ Sỹ 51có nghĩa là :

 

Này trí tuệ! Đi qua đi, đi qua bờ bên kia
đi qua đến bờ bên kia
svaha!

 

Đơn giản hơn, hình ảnh người đợi đò trong nương dâu này là hình ảnh con người trong cõi vô thương chờ bè pháp sang bên bờ bên kia bến mê.

Hai câu kết bài thơ Việt Âm cùng một ý thơ với bài thơ nôm :

Chuông xưa vẳng tiếng người không biết

 

Trâu thả sườn non ngủ gốc cây

 

cùng mang đến cho người đọc bức tranh trâu thứ mười một, ngoài mười bức tranh trâu thường gặp trong nhiều chùa. Mười bức tranh trâu cổ điển là mười bức tranh mô tả mười giai đoạn công trình của người tu tập đi tìm cái tính của mình bởi để đạt được trạng thái kiến tính thành Phật. Trong mười giai đọan đó người tu tập phải kiên trì vất vả đi tìm con trâu, tượng trưng cho cái tính của mình. Trong hai câu kết bài thơ, dường như ông lão quê, không biết tới tiếng chuông, thả trâu bên sườn non, nằm ngủ dưới gốc cây. Phải chăng hình ảnh ông lão quê này chính là hình ảnh Nguyễn Khuyến tự họa?

Tuổi mỗi năm một cao, bè bạn mỗi ngày một thưa vắng, Nguyễn Khuyến bớt đi thăm viếng danh lam thắng cảnh mà ở nhà ngâm vịnh thiên nhiên qua biến đổi bốn mùa làm vui.

Trong những tuyển tập thơ của An Lão Tam Nguyên Công, người đọc đếm được khoảng trong ngoài hai mười bài thơ viết về mùa xuân , hai chục bài viết về mùa hè,  mươi bài về mủa thu, và năm sáu bài về mùa đông 

Điển hình nhánh thơ mùa xuân của Nguyễn Khuyến là ba bái cùng một đề tài như sau :

 

春 日

霜 氣 曚 曨 滿 地 飛
Sương khí mông lung mãn địa phi
晨 光 飄 忽 恨 熹 微
Thần quang phiêu hốt hận hy vi
圍 金 橘 核 猶 藏 甲
Viên kim quất hạch do tàng giáp
盆 水 仙 花 未 解 衣
Bồn thủy tiên hoa vị giải y
曉 滴 幽 篁 如 自 泣
Hiểu trích u hoàng như tự khấp
夜 鳴 獨 鶴 似 安 歸
Dạ minh độc hạc tự an quy
畏 寒 懶 欲 推 衣 起
Úy hàn lãn dục thôi y khởi
外 戶 常 開 客 亦 稀
Ngoại hộ thường khai khách diệc hy.



籬 竹 橫 斜 半 雨 陰
Ly trúc hoành tà bán vũ âm
藤 床 徙 倚 坐 春 深
Đằng sàng tỷ ỷ tọa xuân thâm
鄰 童 晨 起 讀 三 字
Lân đồng thần khởi độc tam tự
飛 鳥 偶 過 遺 一 音
Phi điểu ngẫu qua di nhất âm
詩 到 窮 時 無 俗 骨
Thi đáo cùng thời vô tục cốt
事 因 醉 後 有 雄 心
Sự nhân túy hậu hửu hùng tâm
老 休 幕 恨 賓 朋 少
Lão hưu mạc hận tân bằng thiểu
彭 澤 相 知 只 素 琴
Bành trạch tương tri chỉ tố cầm



妄 春 不 知 春 已 歸
Vọng xuân bất tri xuân dĩ quy
寒 春 漠 漠 雨 飛 飛
Hàn xuân mạc mạc vũ phi phi
庭 階 芽 甲 有 生 意
Đình giai nha giáp hữu sinh ý
上 下 鳥 魚 無 滯 機
Thượng hạ điểu ngư vô trệ ky
塵 世 有 時 黃 鶴 去
Trần thế hữu thời hoàng hạc khứ
海 波 何 處 白 鷗 飛
Hải ba hà xứ bạch âu phi
北 窗 獨 酌 頹 然 醉 
Bắc song độc chước đồi nhiên túy
一 欲 穿 鞋 上 翠 微
Nhất duc xuyên hài thượng thúy vi.

 

dịch là

 

Ngày Xuân



Một

Là là sương khói mung lung
Giận trời chậm sáng thêm buồn lòng ta
Thủy tiên tỉa chửa ra hoa
Quất gieo hạt chẳng trổ ra vườn ngoài
Ngọn tre chĩu giọt sương mai
Xạc xào tiếng hạc cao bay lưng trời 
Tung chăn mặc áo cũng lười
Cổng ngoài mở rộng thưa người tới thăm.

Hai

Giậu tre nghiêng ngả gió vần
Ghế mây ngồi ngắm cảnh xuân kề cà
Nhà bên trẻ học ê a
Bóng chim lạc lõng bay qua âm thầm
Lúc cùng thoát tục thơ ngâm
Khi say thêm chút hùng tâm nhìn đời
Lão hưu lui tới thưa người
Đàn xưa Bành Trạch suốt đời không dây

Ba

Đón xuân chẳng thấy xuân về
Tầng mây lành lạnh bốn bề mưa rơi
Bên thêm cây cối đâm chồi
Dưới ao cá lội lưng trời chim bay
Hạc vàng bỏ cõi trần này
Biển khơi âu trắng ai hay chốn nào
Một mình song bắc rượu vào
Những toan xỏ dép núi cao cũng trèo.

 

Ba bài Ngày Xuân trên đây có thể coi là bài tiêu biểu cho nếp sinh hoạt hàng ngày của Nguyễn Khuyến.

Trong bài thứ nhất, Nguyễn Khuyến tỉnh giấc khi trời chưa sáng, và người thơ cảm thấy buồn buồn. Ông nghĩ tới giò thủy tiên mới gọt chua ra hoa,  hạt quất gieo chưa trổ mầm. Rồi trời củng sáng ra, ông nhìn thấy ngọn tre chĩu sương và thoáng nghe tiếng hạc bay ngang trời. Nhưng trời lạnh khiến ông lười tung chăn mặc áo, và như còn buồn nỗi thưa vắng bè bạn tới thăm. Chuỗi hình ảnh trên đây cho thấy tác giả nôn nóng sống một ngày mới để buồn vì trời chậm sáng, thủy tiên chậm ra hoa, hạt quất gieo chẳng nẩy mầm. Nhưng điều mong uớc nho nhỏ đó, trong tầm với của một người tuổi đã cao, là những hy vọng Nguyễn Khuyến tự tạo cho mình, mong được sớm thực hiện, và cũng là mối khắc khoải chở đợi trong cảnh hưu quan. Vị hưu quan còn cái sung sướng nằm lười trên giường không phải chịu cảnh chạy theo giờ giấc như thủa còn tại chức. Bù lại, phải chăng, cổng mở rộng mà vắng khách viếng thăm là cái giá người thơ phải trả cho nhưng giây phút năm lười trong chăn ấm này? 

Sang bài thứ hai, trong hai câu mở đầu là cảnh lúc trời đã sáng rõ, Nguyễn Khuyến đã mặc áo đóng khăn ra ngồi trên ghế mây nhìn nhọn tre chĩu sương mai, nghe tiếng trẻ con hàng xóm học sách Tam Tự Kinh, nghe vẳng tiếng chim kêu. Nguyễn Khuyến lạithoát tục lảm thơ, người thơ nhấp rượu để thêm hùng tâm nhìn đời. Tuy nhiên, bù lại cái buồn thiếu vắng bạn, Nguyễn Khuyến liên tưởng tới cây đàn không dây của Đào Tiềm. Qua ý thơ, này phải chăng là Nguyễn Khuyến đã nhớ tới truyện Đào Tiềm chỉ muốn thưỏng thức tiếng nhạc mà không cần nghe tiếng giây tơ rung, thời niềm vui với bạn phải chăng đâu cần phải gặp bạn?

 

Hai câu mở đầu bài thứ ba Nguyễn Khuyến ghi lại cảnh mưa xuân, khiến tác giả như không thấy xuân về. Đó là tâm cảnh người thơ lúc đó, nhưng con tạo không vì người thơ mà ngưng tiến hóa. Ao sau cá vẫn lội, trời cao chim vẫn bay. Trong tâm người thơ, hạc vàng vẫn bỏ cõi trần này bay đi như câu mở đầu bài Hoàng Hạc Lâu của thi sĩ Thôi Hiệu đời Đường:

 

昔 人 已 乘 黃 鶴 去
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

 

kể lại tích người tiên Phí văn Phi một thủa cỡi hạc về thăm lầu Hoàng Hạc ngay nay chẳng ai biết ở nơi đâu. Hình ảnh hạc vàng bỏ cõi trần tượng trưng cho cái cảnh ngưòi tiên về cõi tiên. Hình ảnh chim biển trắng giữa biển khơi trong câu tiếp theo là hình ảnh tiêu biểu cho cảnh phóng khoáng không giàng buộc. Phải chăng, đặt hạc vàng đối với âu trắng, rồi tiếp tới hai câu kết, mối  hùng tâm sau tuần rượu, Nguyễn Khuyến muốn xỏ giép leo núi cao khiến người đọc nhớ tới chuỗi hình ảnh đoạn cuối bài Quy Khứ Lai Hề Từ của Đào Tiềm:

 

富 貴 非 吾 願, 帝 鄉 不 可 期
Phú qúy phi ngô nguyện, đế hương bất khả kỳ
懷 良 辰 以 孤 往, 或 植 扙 而 耘 耔 
Hoài lương thời dĩ cô vãng, hoặc thực trượng hoặc nhi vân tỉ
登 東 皋 以 舒 嘯, 臨 清 流 而 賦 詩
Đăng đông cao dĩ thư khiếu, lâm thanh lưu nhi phú thi

 

dịch là

 

Lợi danh chẳng đợi chẳng mong
Cung tiên xa thẳm cũng không có màng
Ước mong được buổi rảnh dang
Nghỉ tay vun xới chiều vàng dạo chơi
Lên cao thở mạnh một hơi
Bên khe thi tứ đầy vơi dạt dào

 

Sang mùa hè, tiết trời thay đổi, cảnh thơ của Nguyễn Khuyến cũng đổi thay như ghi trong bài:

 

夏 日

Hạ Nhật

輕 風 嫩 暑 夏 之 初
Khinh phong nộn thử hạ chi sơ
大 醉 狂 吟 獨 有 余
Đại túy cuồng ngâm dộc hữu dư
巿 婦 承 盤 供 熟 荔
Thị phụ thừa bàn cung thục lệ
佃 翁 發 笱 賣 鮮 魚
Điền ông phát cẩu mại tiên ngư
宿 酲 乍 起 一 聞 雉
Túc trình sạ khởi nhất văn trĩ
舊 句 未 忘 頻 檢 書
Cựu cú vị vong tần kiểm thư
蓬 蓽 此 間 供 老 病
Bồng tất thử gian cung lão bệnh
栖 栖 塵 路 更 何 如
Thê thê trần lộ cánh hà như.

 

dịch là

 

Ngày Hè

Nắng hoe gió nhẹ vào hè
Thơ ngâm say khướt lè nhè nghêu ngao
Bà hàng đội vải tới chào
Thôn ông mang mẻ cá vào mời mua
Trĩ kêu tỉnh giấc say sưa
Ôn trang sách cũ câu vừa chợt quên
Cảnh già mái dạ tường phên
Đường đời nào biết rồi nên thế nào.

 

Cảnh thơ là một ngày đầu mùa hè. Người thơ vẫn tiếp tục ngâm thơ nhấp rượu, nhưng cổng ngoài có người ra vào.: có bà hàng vải, có thôn ông bán cá. Tiếng trĩ kêu làm Nguyễn Khuyến tỉnh giấc. Nhưng duờng như ông chợt quên một câu sách cữ vội tìm sách kiểm lại trí nhớ. Phải chăng vì vậy mà Nguyễn Khuyến chợt thấy mình già, cảnh già dưới mái dạ tường phên, mà tự hỏi rồi ra đường đời sẽ ra sao. Đằng khác câu:

 

舊 句 未 忘 頻 檢 書
Cựu cú vị vong tần kiểm thư

 

nhắc người đọc câu:

 

欲 辨 已 忘 言
Dục biện dĩ vong ngôn

 

nghỉa là:

 

Muốn bàn mà quên lời

 

trong bài Ẩm Tửu Đệ Ngũ Thủ của Đào Tiềm

Ý nghĩ buồn buồn này chỉ thoáng qua, Nguyễn Khuyến ghi lại một cảnh chiều hè khác lạc quan hơn:

 

夏 日 晚 眺
Hạ Nhật Vãn Diểu

四 月 初 回 暑 氣 濃
Tứ nguyệt sơ hồi thử khí nồng
一 清 啼 鳥 綠 陰 中
Nhất thanh đề điểu lục âm trung
家 人 晒 穀 爭 逃 雨
Gia nhân sái cốc tranh đào vũ
婦 女 登 蠶 擬 護 風
Phụ nữ đăng tàm nghĩ hộ phong
原 濕 貪 天 歸 亦 晚
Nguyên thấp tham thiên quy diệc vãn
雲 陰 覆 日 影 猶 紅
Vân âm phúc nhật ảnh do hồng
百 年 奕 奕 誰 無 事
Bách niên dịch dịch thùy vô sự
散 髮 承 涼 獨 乃 翁
Tán phát thừa lương độc nãi ông.

 

dịch là

 

Ngắm Cảnh Chiều Hè

Đầu tháng tư nóng như nung
Bóng cây chim hót tưng bừng líu lo
Trai hò đậy thóc tránh mưa
Buồng tàm gái chặn gió lùa khép song
Đồng chiêm tiếc việc tham công
Mặt trời mây phủ ánh hồng chưa phai
Cuộc đời bận rộn mặc ai
Tóc hong hóng gió lão này riêng thôi.

 

Cũng như trong bài Quan Hoạch, Xem Gặt, ngày mùa hạ mọi người bận rộn trai lo đậy thóc tránh mưa gái lo khép của tránh gió cho tằm, người làm đồng mặt trời lặn chưa muốn về, riêng tác giả ung dung nhàn nhã hong tóc trước gió mát. Đó là điểm khác biệt giữa cảnh hưu quan của Nguyễn Khuyến và cảnh Đào Tiềm từ quan về  sinh sống bằng nghề nông. Tuy nhiên giữa Đào Tiềm và Nguyễn Khuyến có một điểm chung bất biến. Đó là cả hai nhà thơ cùng là những ông say như Nguyễn Khuyến ghi trong bài:

 

Vịnh Mùa Hè

Biếng trông trời hạ nước non xa
Ý khí ngày thường nghĩ đã trơ
Cá vượt khóm rau lên mặt nước
Bướm len lá trúc lượn rèm thưa
Thơ Đào ngâm vịnh đưa câu rượu
Xóm Liễu quanh khe chịu tiếng khờ
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Sấm đông rầm rập gió nồm đưa.

 

Bài thơ Việt Âm tương ứng là bài:

 

 

Hạ Nhật Ngẫu Hứng

不 堪 夏 日 望 修 途
Bất kham hạ nhật vọng tu đồ
平 日 凌 雲 志 氣 孤
Bình nhật lăng vân chí khí cô
覆 沼 綠 蘋 跳 一 鯉
Phú chiểu lục tần khiêu nhất lý
當 門 翠 竹 舞 雙 蝴
Đương môn thúy trúc vũ song hồ
淵 明 吟 興 哆 歸 酒
Uyên Minh ngâm hứng đa quy tửu
子 厚 環 溪 儘 為 愚
Tử Hậu hoàn khê tẫn vị ngu
閒 坐 方 將 取 杯 酌
Nhàn tọa phương tương thủ bôi chước
雨 從 東 至 好 風 俱
Vũ tòng đông chí hảo phong câu.

 

Hai câu mở đầu bài thơ cho thấy dường như Nguyễn Khuyến muốn bàn tới một truyện mà hàng ngày ông thường bận tâm suy nghĩ. Mối suy nghĩ đó bực bội như cái oi bức mùa hè. Chuỗi hình ảnh trong câu ba và bốn trong hai bài Vịnh Mùa Hè của Nguyễn Khuyến rất khác thường. Câu:

 

Cá vượt khóm rau lên mặt nước

 

làm người đọc liên tưởng tới câu chót bài ca dao Lính Thù Đời Xưa 52:, tiêu biểu cho giấc mơ của người lính thú

 

Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng

 

Hình ảnh con bướm trong câu tiếp:

 

Bướm len lá trúc lượn rèm thưa

 

làm người đọc nhớ tới con bướm trong giấc mơ của Trang Châu, trong sách Nam Hoa Kinh 53:

Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không bết Châu chiêm bao làm bướm, hay bướm chiêm bao là Châu.

Cùng là những giấc mơ, nhưng giấc mơ cũa người lính thú là giấc mơ thoát khỏi vòng trói buộc của một người đang sống trong vòng trói buộc, giấm mơ của Trang Châu là giấc mơ của một chân nhân đã thoát vòng cương tỏa.

Chữ Đào trong câu thứ năm chỉ Đào Tiềm, một nhà thơ Trung quốc từng hai lần từ qua vê vui sống với vườn ruộng, mà Nguyễn Khuyến lấy làm mẫu mực. Chữ Liễu trong câu thứ sáu trong bài Vịnh Mùa Hè chỉ Liễu Nguyên Tông, tức Tử Hậu, tên gọi trong bài thơ Việt Âm, người đời nhà Đường. Họ Liễu bị vua Đường bắt tội, nên phải về quê nương náu. Ông tự cho mình là ngu nên mới bị vua bắt tội, nên đặt tên con suối quanh nhà ông là Ngu Khê, và khu đất nhà ông là Ngu Khâu.

Hai câu kết, cho thấy tác giả dường như muốn viết ra điều mình suy nghĩ, nhưng trời nổi gió đông,khiến cái oi bức cùng nỗi bận tâm tan biến.

Xét toàn thể hai bài thơ cùng một ý thơ này cho thấy phải chăng Nguyễn Khuyến bận tâm vì câu truyệnchân/giả trong việc từ quan về vườn?  Nét duyên dáng của bài thơ là tác giả cho thấy cái day dứt của câu truyện làm tác giả bận tâm, tan biến cùng cái oi bức của ngày hè khi có ngọn gió đông chợt tới.

Mùa thu là mùa ngâm vịnh của thi nhân. Trong dòng thơ Việt Âm  Nguyễn Khuyến để lại khoảng mười lăm bài thơ viết về mùa thu. Khi còn là một thư sinh, thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến mang nhiều hình ảnh thường gặp trong thơ Trung Quốc, với cây ngô đồng với tiếng chày đập vải với tiếng thu của Âu Dương Tu, một nhà thơ đời Tống. Rồi tới khi luống tuổi ,thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến điển hình qua những cảm nghĩ nhân ngày lễ Trùng Dương, nhằm ngày 9 tháng 9 âm lịch, hôi này người xưa thường họp bạn đi chơi núi.. Năm kỷ sửu 1889, Nguyễn Khuyến làm hai bài thơ vào dịp lễ Trung Dương như sau:

 

己 丑 重 陽
Kỷ Sửu Trùng Dương

風 雨 蕭 蕭 九 月 天
Phong vũ tiêu tiêu cửu nguyệt thiên
山 河 舉 目 蕞 堪 憐
Sơn hà cử mục tối kham liên
小 池 綠 漲 乃 如 此
Tiểu trì lục trướng nải như thử
去 歲 黃 花 殊 不 然
Khứ tiếu hoàng hoa thù bất nhiên
柳 葉 垂 青 光 透 日
Liễu diệp thủy thanh quang thấu nhật
竹 籬 積 翠 暮 浮 煙
Trúc ly tích thuý mộ phù vân
近 來 不 作 登 高 興
Cận lai bất tác đang cao hứng
醉 臥 寒 窗 抱 甕 眠
Túy ngoaa hàn song bão úng miên.



重 陽 何 處 不 躋 攀
Trùng dương hà xứ bất tê phan
隱 几 偏 容 一 老 閒
Ẩn kỷ thiên dung nhất lão nhàn
花 亦 愛 殘 開 未 得
Hoa diệc ái tàn khai vị đắc
酒 因 嗜 飲 惜 成 慳
Tửu nhân vị ẩm tích thành khan
昨 宵 甚 雨 水 窺 巷
Tạc tiêu thậm vũ thủy khuy hạng
此 夜 無 雲 月 上 山
Thử dạ vô vân nguyệt thướng san
病 眼 矇 矓 乘 醉 望
Bệnh nhãn mung lung thừa túy vọng
寒 煙 疏 影 有 無 間
Hàn yên sơ ảnh hữu vô gian

 

dịch là

 

Tiết Trùng Dương Năm Kỷ Sửu

Một

Gió mưa tháng chín xạc xào
Cảnh ngoài trông thấy mà xao xuyến lòng
Lên cao mực nước ao trong
Hoa vàng năm ngoái nay trồng muộn hoa
Mặt trời mành liễu xiên qua
Giậu tre xanh biếc khói là là bay
Chán trò trèo núi năm nay
Bên song ôm hũ uống say ngủ vùi.

Hai

Hội Trùng Dương leo non ngàn
Một mình tựa ghế lão nhàn thảnh thơi
Hoa chậm nở ngại sớm rơi
Lão say ham rượu hoá người rượu khem
Bửa qua ngõ ngập mưa đem
Tối nay mây tạnh trăng lên lững lờ
Cơn say mắt kém lơ mơ
Nửa không nửa có nhạt mờ khói bay.

 

Đặc điểm của cả hai bài thơ hội trùng dương trên đây là điểm tác giả dùng cảnh mình đang sống làm cảnh thơ. Trong bài thứ nhất đó là mực nước ao lên cao, nhưng khóm hoa vàng, có lẽ là hoa cúc, năm ngoái nở rộ năm nay chưa ra hoa. Mặt trời lúc đó đã xuóng thấp dưới ngọn cây liễu, Sương chiều quên trên ngọn tre. Riêng tác giả không đi trèo núi nằm ngủ dưới cửa sổ bên hũ rưọu. Trong bài thứ hai, tác giả ngồi một mình nhàn tản suy nghĩ. Hoa chậm nở vì sợ sớm nở thì sớm tàn, Lão say ham rượu nên phải uống dè hóa thành người kiêng rượu.Rồi ghi lại cảnh ngõ ngập nước mưa đêm bửa qua thời bữa nay trăng lại sáng. Nhưng trong cơn say mắt lại kém tác giả chỉ nhìn thất cảnh vật mờa aỏ như thật như hư như sương như khói. Phải chăng đó là bằng chứng để thấy Nguyễn Khuyến làm thơ chữ nho, nhưng không dùng thi liệu Trung Quốc mà trái lại đưa hình ảnh đồng quê Việt Nam vào thơ Việt Âm?

 

 



[51] Thiền Luận Tập Hạ, Bản dịch của Tuệ Sỹ, Ấn quán Thăng Long, Sai Gòn 1973, tr. 337.
[52] Rectorat de l’Université Indochine, Quốc Văn Giáo Khoa thư lớp Sơ Đẳng, tr.34
[53] Trang Tử Nam Hoa Kinh, bản dịch của Nguyễn Duy Cần, sách đã dẫn, tr. 242.
[54] Xuân Diệu trong Thơ Văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, Hà Nội 1979, tr. 48.
[55] Xuân Diệu trong Thơ Văn Nguyễn Khuyến, sách đã dẫn, tr.50.

 

 

 

Đón Xem Kỳ 11

 

 

 

 

 

LÊ PHỤNG
 

 

 

www.ninh-hoa.com