www.ninh-hoa.com



 

Trở về d_bb  ĐHKH

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 LIÊU TRAI CD

Giáo Sư
Đ
àm Quang Hưng 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Main Menu

 
 

 


Tuyển Tập:


 
LIÊU TRAI C D

GS Đàm Quang Hưng

Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

 

 

 

 

 

477. TRƯỜNG ĐÌNH

 

Khu quỷ tân truyền nhất quyển thư

Đắc phùng giai lệ tín phi hư

Phương danh tảo tác phân ly sấm

Băng ngọc thiên nan tích oán trừ

 

 

 

477. GÁI CHỒN TRƯỜNG ĐÌNH

 

          Ở chân núi Thái Sơn, huyện Thái An, tỉnh Sơn Đông, có nho sinh họ Thạch tên Đại Phác, mẹ mất sớm, góa vợ, cư ngụ với cha và một tiểu đồng.

          Một hôm, Đại Phác thấy một đạo sĩ từ trên núi đi xuống, qua cổng nhà mình, bèn chạy ra hỏi:"Thưa đạo trưởng, phải chăng đạo trưởng vừa lên núi Thái Sơn du ngoạn về?" Đạo sĩ đáp:"Phải! Nhưng cư sĩ hỏi để làm chi?" Đại Phác đáp:"Vì tiểu sinh rất hâm mộ các pháp thuật của đạo gia nên kính mời đạo trưởng ghé vào tệ xá dùng trà, cho tiểu sinh được hầu chuyện" Thấy Đại Phác khẩn khoản, đạo sĩ gật đầu, bước theo Đại Phác vào nhà.

Sau khi pha trà mời khách, Đại Phác tự giới thiệu:"Thưa đạo trưởng, tiểu sinh họ Thạch, tên Đại Phác, quán tại chân núi Thái Sơn này! Xin đạo trưởng cho tiểu sinh được biết quý danh!" Đạo sĩ đáp:"Bần đạo họ Vương, tên Xích Thành!" Đại Phác hỏi:"Chẳng hay đạo trưởng cư ngụ ở đâu?" Đạo sĩ đáp:"Ở đạo quán Nguyên Đế, huyện Biện Thành, tỉnh Hà Nam!" Đàm đạo hồi lâu, bỗng Đại Phác nói:"Trộm nghĩ đạo trưởng là một vị đạo cao đức trọng, tiểu sinh kính xin đạo trưởng nhận cho tiểu sinh được làm đệ tử!" Thấy Đại Phác có vẻ thông minh, Xích Thành gật đầu. Sau đó, Đại Phác xin làm l­­ễ bái sư, đổi cách xưng hô.

          Xích Thành nói:"Hiện ta có đem theo hai sách: một dạy về phép trừ chồn, một dạy về phép trừ ma. Bây giờ đệ tử muốn học phép nào?" Đại Phác bối rối, đáp: "Xin sư phụ chọn giùm đệ tử!" Xích Thành nói:"Theo ta nghĩ thì đệ tử nên học phép trừ ma!" Rồi Xích Thành mở bọc, lấy ra một cuốn sách, trao cho Đại Phác, nói:"Cuốn này viết rất công phu. Đệ tử chỉ cần học thuộc, nghiền ngẫm cho thấu nghĩa, thì sẽ có một nghề vẳng chắc trong tay, có thể dùng để kiếm cơm ngon áo lành, vợ đẹp con khôn" Nhận sách xong, Đại Phác lạy tạ đạo sĩ, rồi đứng dậy, nói: "Tuy được sư phụ cho sách, nhưng đệ tử vẫn e mình không hiểu được những điều viết trong sách. Vậy xun sư phụ ở lại tệ xá ít lâu để giảng dạy cho đệ tử!" Xích Thành ưng thuận ở lại 3 ngày để truyền bí quyết trừ ma. Từ đó, Đại Phác trở thành một thầy pháp nổi tiếng ở trong vùng. Thế rồi, có rất nhiều gia đình đua nhau tới mời Đại Phác đến nhà chữa bệnh ma làm cho thân nhân. Nhờ ở tiền bạc tạ ơn của thân chủ, gia tư Đại Phác mỗi ngày một khá. 

          Một hôm, đang ngồi nhà, chợt nghe có tiếng gõ cổng, Đại Phác ra mở. Thấy một ông lão cưỡi ngựa tới, Đại Phác bèn mời vào nhà.

Đại Phác hỏi:"Chẳng hay quý tính là chi?" Ông lão đáp:"Lão phu họ Tống" Đại Phác hỏi:"Lão trượng tới tệ xá có việc chi?" Tống lão đáp:"Lão phu tới để nhờ tiên sinh đến nhà lão phu chữa bệnh ma làm cho con gái" Đại Phác hỏi:"Xin lão trượng cho biết lệnh ái bị bệnh ma làm như thế nào?" Tống lão đáp:"Lão phu có hai trai, hai gái. Hai trai đã có gia đình, vẫn ở chung với vợ chồng lão phu, hai gái là Trường Đình, 17 tuổi, và Hồng Đình, 15 tuổi, còn độc thân. Trước kia, hai đứa đều khoẻ mạnh, nhưng cách đây mươi ngày, vào lúc giữa trưa, có một thiếu niên ngang nhiên bước vào tệ xá, xông thẳng vào phòng đứa út mà cưỡng chiếm. Lão phu hô hoán gia nhân xông vào bắt thì y biến mất. Từ đó, hôm nào y cũng tới và hễ­ bị người xông vào bắt thì y lại biến mất. Lão phu nghĩ y là ma!" Đại Phác hỏi: "Hiện giờ bệnh trạng của lệnh ái ra sao?" Tống lão đáp:"Sau khi bị cưỡng chiếm thì mấy hôm đầu, bệnh còn nhẹ, nhưng cách đây ba hôm thì gia nữ bị cấm khẩu, rồi bây giờ thì bệnh nặng lắm. Xin tiên sinh làm ơn tới tệ xá chữa bệnh cho gia nữ giùm!" Đại Phác nói:"Với bệnh chứng như thế thì có thể là lệnh ái bị bệnh ma làm, nhưng cũng có thể là lệnh ái bị bệnh chồn làm. Nếu bị ma làm thì bản y có thể chữa được, còn nếu  bị chồn làm thì bản y xin chịu!" Tống lão nói:"Lão phu xin đoan quyết với tiên sinh rằng bệnh ấy chẳng phải là bệnh chồn làm!" Đại Phác hỏi:"Sao lão trượng biết?" Tống lão không trả lời câu hỏi, mà nói lảng sang chuyện khác:"Bây giờ lão phu xin tạm gửi trước tiên sinh một chút thù lao. Sau này, tính ra còn thiếu bao nhiêu, lão phu sẽ xin gửi nốt!" Thấy Tống lão mở bọc lấy tiền, Đại Phác ngăn lại, nói:"Nghe lão trượng nói bệnh của lệnh ái nặng lắm, bản y chẳng biết mình có chữa được hay không nên chẳng dám nhận thù lao trước. Xin lão trượng hãy cho bản y tới coi bệnh trạng lệnh ái ra sao đã!" Tống lão đáp:"Xin vâng" Đại Phác hỏi:"Quý xá có ở gần đây không?" Tống lão đáp:"Tệ xá ở gần đây, ngay dưới chân núi Thái Sơn"

Đại Phác bèn cưỡi ngựa theo Tống lão. Được chừng mươi dặm, vào một sơn thôn, tới một ngôi nhà khang trang rộng rãi, Tống lão dẫn Đại Phác qua cổng, vào sân, buộc ngựa ở gốc cây, rồi bước lên hành lang. Theo Tống lão vào phòng khách, Đại Phác thấy có hai bức màn the ngăn một buồng nhỏ ở góc phòng. Nhìn qua màn, Đại Phác thấy ở trong buồng có hình dáng lờ mờ của một nữ lang thon thả, nằm trên một chiếc giường nhỏ kê sát tường. Tống lão liền lên tiếng gọi tì nữ ra vén màn lên, rồi Tống lão dẫn Đại Phác tới bên giường. Thấy nữ lang gầy gò, tiều tuỵ, đang nằm ngủ, Đại Phác khẽ hỏi:"Nương tử đã thấy trong người khoẻ chưa?" Đột nhiên, nữ lang mở to mắt nhìn Đại Phác, đáp:"Đa tạ tiên sinh, thiếp còn mệt lắm!" Tống lão mừng rỡ, nói:"Gia nữ hết bị cấm khẩu rồi. Chắc là ma sợ tiên sinh nên nó mới cho gia nữ nói!" Đại Phác nói:"Xin lão trượng cho bản y giấy bút" Tống lão liền sai gia nhân đi lấy. Đại Phác vẽ một đạo bùa, trao cho Tống lão, nói: "Xin lão trượng cho dán bùa này lên cửa phòng lệnh ái!" Tống lão vội làm theo lời, rồi sai gia nhân đi dọn một phòng riêng để mời Đại Phác ngủ lại, chờ xem bệnh trạng của con mình biến chuyển ra sao.

Đêm ấy, thiếu niên lại tới phòng Hồng Đình. Thấy trên cửa có dán bùa, thiếu niên không dám vào, nên Hồng Đình được ngủ yên. Thiếu niên không đi mà lại lẻn sang phòng Đại Phác. Đang ngủ ngon, bỗng Đại Phác thức giấc. Thấy một thiếu niên, mũ áo chỉnh tề, bước vào phòng mình, Đại Phác ngỡ là thân nhân trong gia đình Tống lão, nên hỏi:"Thiếu lang liên hệ như thế nào với chủ nhân gia đình này?" Thiếu niên đáp:"Đệ chẳng phải là thân nhân trong gia đình này" Hỏi:"Thế thiếu lang là ai?" Đáp:"Đệ là ma!" Nghe thấy thế, Đại Phác bèn xẵng giọng, hỏi: "Có phải chính mi là kẻ đã làm cho thiếu nữ Hồng Đình trong gia đình này bị bệnh hay không?" Ma gật đầu, đáp:"Chẳng dám nói dối cao hiền, đúng thế!" Đại Phác hỏi:"Sao mi dám làm như thế?" Ma đáp:"Vì cách đây mươi ngày, tình cờ gặp Hồng Đình, đột nhiên đệ cảm thấy say mê thị nên mới tìm tới đây để cùng thị vui vầy!" Đại Phác ra lệnh:"Bây giờ, nếu mi muốn được yên thân thì phải buông ngay Hồng Đình ra" Ma đáp: "Đệ thấy cao hiền đi trừ ma cho gia đình này là làm một việc vô lý" Nghe thấy thế, Đại Phác nổi giận, quát:"Sao lại là vô lý?" Ma đáp:"Vì hai giống ma và chồn cùng làm hại người như nhau nên quý vị đạo sĩ mới dùng hai phép trừ ma và trừ chồn để bảo vệ cho người, chứ có vị đạo sĩ nào dùng phép trừ chồn để bảo vệ cho ma hoặc dùng phép trừ ma để bảo vệ cho chồn đâu? Nếu cao hiền đi trừ ma để bảo vệ cho người thì còn hữu lý, chứ đi trừ ma để bảo vệ cho chồn thì vô lý" Lúc ấy Đại Phác mới vỡ lẽ tại sao Tống lão lại xin đoan quyết rằng bệnh của Hồng Đình chẳng phải là bệnh chồn làm. Thấy Đại Phác lặng im, ma nói tiếp: "Tuy nhiên, có trường hợp cao hiền đi trừ ma để bảo vệ cho chồn mà vẫn hữu lý" Đại Phác hỏi:"Trường hợp nào?" Ma đáp:"Trường hợp cao hiền là rể nhà chồn. Bây giờ đệ đang có hạnh phúc với Hồng Đình, mà cao hiền thì chẳng có liên hệ chi với thị, sao cao hiền lại đi bảo vệ cho thị? Hồng Đình có người chị, tên Trường Đình, đẹp hơn Hồng Đình nhiều. Nếu cao hiền vớiTrường Đình ưng thuận kết hôn thì việc cao hiền đi trừ đệ để bảo vệ cho Hồng Đình mới là hữu lý. Thế nhưng, đến lúc ấy thì đệ sẽ tự ý bỏ đi, chứ đâu có chờ đến lúc bị trừ khử?" Nghe ma lý sự, Đại Phác gật đầu. Ma liền biến mất.

Sáng sau, nghe tin đêm trước con mình không bị ma tới quấy nhi­­ễu nữa, Tống lão mừng lắm, bèn tới tận phòng Đại Phác cám ơn, rồi mời Đại Phác theo mình tới coi bệnh trạng cho Hồng Đình. Khi tới cửa phòng Hồng Đình, Đại Phác bóc lá bùa dán trên cửa, cho vào túi. Vào phòng, Đại Phác thấy một nữ lang, đẹp tựa tiên nữ trong tranh, đang đứng ở đầu giường Hồng Đình. Tống lão bèn đưa tay chỉ nữ lang mà giới thiệu:"Đây là Trường Đình, trưởng nữ của lão phu"

Chẩn bệnh cho Hồng Đình xong, Đại Phác nói:"Tạm thời thì lệnh ái đã đỡ, nhưng bản y còn phải rẩy nước phép lên màn và phải về nhà chế thuốc, đem tới đây cho lệnh ái dùng. Chế thuốc thì bản y sẽ xin làm sau, còn rẩy nước phép thì bản y có thể làm ngay bây giờ. Vậy xin lão trượng hãy cho bản y một chén nước với một đóa hoa" Nghe Đại Phác nói, Trường Đình vội chạy đi lấy nước với hoa, đem vào phòng cho Đại Phác.

Đang bị ngất ngây vì sắc đẹp của Trường Đình, Đại Phác chẳng thể chú tâm vào việc chữa bệnh cho Hồng Đình, mà chỉ khấn khứa, phù phép qua loa, nhúng hoa vào nước mà làm phép rẩy nước lên màn của Hồng Đình, rồi nói với Tống lão: "Bây giờ bản y xin về nhà chế thuốc. Hai hôm nữa, bản y sẽ đem thuốc tới đây để lệnh ái dùng" Rồi Đại Phác chào từ biệt Tống lão, tháo ngựa, cưỡi đi. Tối ấy, chẳng những ma vẫn ngang nhiên trở lại cưỡng chiếm Hồng Đình mà còn cưỡng chiếm cả hai người con dâu của Tống lão nữa. Chỉ riêng có Trường Đình thì ma chẳng đụng tới.

Chờ đến 10 ngày, vẫn chưa thấy Đại Phác trở lại, Tống lão sốt ruột, bèn sai gia nhân đi mời. Đại Phác nói thác là mình bị đau đùi, chẳng thể đi được. Nghe gia nhân về trình, Tống lão chỉ nói:"Để sáng mai, ta sẽ đích thân đi mời". Sáng sau, Tống lão cưỡi ngựa tới nhà Đại Phác. Đại Phác giả bị đau đùi, chống gậy ra tiếp. Nhìn thấy Đại Phác chống gậy, Tống lão hỏi:"Kính chào tiên sinh. Chân tiên sinh làm sao thế?" Đại Phác đáp:"Cám ơn lão trượng hỏi thăm. Cách đây hai hôm, gia đồng đem bình nước sôi vào phòng cho bản y ủ chân. Vì hắn bị vấp phải đá, buông rơi bình, làm nước sôi bắn vào đùi bản y, khiến bản y bị phỏng nặng, đau rát lắm" Rồi Đại Phác chép miệng, than:"Thưa lão trượng, âu cũng là do cái tội chẳng có vợ mà ra" Tống lão hỏi:"Tiên sinh đã thất nội trợ từ lâu, sao đến bây giờ vẫn chưa tục huyền?" Đại Phác đáp:"Vì bản y muốn tìm kế thất nơi một gia đình danh giá như gia đình lão trượng, nhưng chưa tìm được!" Tống lão chẳng đáp, đứng dậy xin cáo biệt. Thấy thế, Đại Phác nói với Tống lão:"Còn lệnh ái Hồng Đình thì tự nhiên sẽ khỏi bệnh ma làm, lão trượng khỏi cần phải cho người tới đây lấy thuốc cho lệnh ái nữa!" Chẳng nói năng chi, Tống lão giong ngựa ra về.

Năm hôm sau, thấy Tống lão lại cưỡi ngựa tới, Đại Phác khập khi­­ễng chống gậy ra tiếp. Tống lão nói:"Như lão phu đã nói với tiên sinh, lão phu có đứa con gái lớn tên Trường Đình, 17 tuổi. Hôm qua gia nội đã bàn tính với lão phu, bảo lão phu hôm nay tới đây thưa với tiên sinh rằng: Nếu bây giờ tiên sinh trừ khử được hết tà ma cho gia đình lão phu, để cho cả gia đình được an vui, thì vợ chồng lão phu sẽ xin đem Trường Đình tới đây gả cho tiên sinh làm kế thất!" Nghe thấy thế, Đại Phác mừng quá, bèn sụp xuống lạy Tống lão, rồi đứng dậy, chắp tay, nói:"Được lão trượng gả lệnh ái cho, bản y còn dám tiếc chi chút tài mọn!" Nói xong, Đại Phác xuống chuồng tháo ngựa, cưỡi theo ngựa Tống lão.

Tới nhà Tống lão, Đại Phác cột ngựa vào chuồng, rồi theo Tống lão lên nhà trên. Đại Phác sắp làm phép trừ tà thì lại chợt nghĩ sau khi đã trừ được hết tà, lỡ gia đình này bội ước thì mình biết làm sao?  Vì thế, Đại Phác nói:"Xin lão trượng và phu nhân cùng uống máu ăn thề với bản y, trước khi bản y làm phép trừ tà cho quý quyến!" Ở nhà trong, Tống bà nghe thấy thế, liền chạy ra phòng khách, nói với Đại Phác:"Sao tiên sinh lại nghi cho gia đình lão thân sẽ bội ước với tiên sinh?" Nói xong, Tống bà lên tiếng gọi Trường Đình ra phòng khách. Khi Trường Đình ra đứng ở cạnh mẹ, Tống bà đưa tay vuốt nhẹ mái tóc con, gỡ chiếc trâm vàng trên đầu con, đưa cho Đại Phác, nói:"Đây là vật làm tin cho lời hứa của vợ chồng lão thân" Đại Phác bèn đỡ lấy chiếc trâm, lạy tạ Tống bà, rồi triệu tập hết đàn bà con gái trong nhà lên phòng khách để làm lễ ­­trừ tà. Mọi người đều tề tựu đông đủ, chỉ vắng có Trường Đình. Thấy thế, sau l­­ễ trừ tà, Đại Phác vẽ một đạo bùa đeo cổ, nhờ Tống bà chuyển cho Trường Đình. Đêm ấy, Tống lão thấy quả nhiên chẳng có ma nào tới nhà mình nữa.

Vì Hồng Đình chưa dứt được căn bệnh ma làm, nên vẫn còn nằm rên ở trên giường. Nghe tiếng rên, Đại Phác bèn rót nước phép vào chén, sai tì nữ đem tới cho Hồng Đình uống. Lát sau, Hồng Đình hết rên. Sau đó, Đại Phác chắp tay vái chào Tống lão, xin cáo biệt. Tống lão khẩn khoản mời Đại Phác ở lại dùng tiệc tối, ngủ lại qua đêm, sáng sau hãy về. Nể lời Tống lão, Đại Phác ở lại. Đến tối, bàn tiệc được sửa soạn rất công phu, sơn hào hải vị được bày la liệt trên bàn. Tống lão mời Đại Phác ngồi cạnh mình, chuốc rượu rất ân cần. Tiệc đến giữa giờ Sửu (2:00 giờ khuya) mới tan. Tống lão đứng dậy chúc mọi người ngủ ngon, rồi ai về phòng nấy. Vì quá say, Đại Phác cứ để nguyên đèn, nằm vật xuống giường.

Đang mơ màng, bỗng nghe thấy có tiếng gõ cửa khẩn cấp, Đại Phác vội vùng dậy, chạy ra mở thì thấy Trường Đình chạy vụt vào phòng với vẻ mặt kinh hoàng, tái mét. Đại Phác hỏi:"Có chuyện chi mà nương tử kinh hoàng đến thế?" Trường Đình hổn hển đáp:"Cha thiếp đang tìm giết chàng. Xin chàng trốn đi ngay!" Rồi Trường Đình chạy ra khỏi phòng, biến mất trong đêm. Kinh hãi run người, Đại Phác chẳng dám ra chuồng tháo ngựa, vội trèo qua bức tường rào mà ra ngoài đường, rồi cứ lần mò mà đi trong đêm. Chợt đụng nhằm một bụi rậm ở bên đường, Đại Phác mừng quá, rúc vào đó nấp. Tuy oán hận Tống lão lắm nhưng Đại Phác chẳng than thở được với ai. Lát sau, khi thấy tình thế đã êm, Đại Phác vừa ra khỏi bụi rậm để chạy về nhà thì chợt nhìn thấy một ngọn đèn sáng di động ở trên đường. Ngỡ là người thợ săn đêm trong làng, Đại Phác lại chui vào bụi, nằm nín thở. Khi ngọn đèn đã khuất, Đại Phác mới ra khỏi bụi, chạy về nhà. Càng nghĩ đến việc Tống lão âm mưu giết mình, Đại Phác càng oán hận, quyết tâm báo thù. Chợt nhớ đến sư phụ Vương Xích Thành ở đạo quán Nguyên Đế, Đại Phác nảy ý đi Biện Thành xin sư phụ truyền bí quyết trừ chồn cho mình. Thế nhưng, khi nghĩ đến việc cha mình đang nằm bệnh, mình chẳng thể phó thác cho tiểu đồng chăm sóc, Đại Phác lại thôi.

Năm hôm sau. Chợt thấy có hai cỗ xe ngựa dừng bánh trước cổng nhà, Đại Phác chạy ra coi thì thấy Tống lão, Tống bà, Trường Đình cùng một đoàn tùy tùng  xuống xe. Tống lão bước tới gần, vái chào Đại Phác, nói:"Xin chào tiên sinh. Đêm nọ, lúc tiên sinh ra về, sao chẳng cho lão phu được biết?" Đưa mắt nhìn Trường Đình, đột nhiên Đại Phác thấy mọi oán hận đều tan, nên chắp tay đáp l­­ễ nói:"Vì có việc gấp, bản y chẳng kịp tới cáo biệt, xin lão trượng thứ lỗi cho" Đại Phác mời Tống lão, Tống bà, Trường Đình cùng đoàn tùy tùng vào nhà. Sau một tuần trà, Tống bà giục:"Mời tân lang với tân giai nhân làm l­ễ ­giao bái"

L­­ễ xong, Đại Phác nói:"Xin mời họ nhà gái ở lại dùng tiệc" Tống bà liền lên tiếng đáp:"Đa tạ mỹ ý của tân lang. Tuy nhiên hôm nay gia đình lão thân bận nhiều việc lắm, chẳng ai có thì giờ ở lại yến ẩm được. Vậy xin tân lang mi­­ễn cho. Lão thân chỉ mong tân lang chăm lo săn sóc cho gia nữ là lão thân mãn nguyện lắm rồi" Tống lão với Tống bà liền cáo biệt, dẫn đoàn tùy tùng ra về.

Nguyên do Tống lão nảy ý giết Đại Phác là vì Đại Phác bóc đạo bùa dán trên cửa phòng Hồng Đình, cất vào túi, khiến cho ma lại tới hoành hành ở nhà Tống lão dữ hơn trước, cưỡng chiếm cả con gái lẫn con dâu Tống lão. Vì thế, nhân dịp Đại Phác nhận lời tới làm lễ­­ trừ tà cho gia đình mình, Tống lão mới âm mưu mời Đại Phác ở lại dứ tiệc, để khi Đại Phác đã say, nằm ngủ li bì, thì Tống lão sẽ dùng gươm chém đầu Đại Phác, vừa để trả hận, vừa để hủy lời hứa gả Trường Đình. Thế nhưng, vì trong tiệc, Tống lão cũng say mèm, nên khi dời bàn tiệc trở về phòng riêng, Tống lão cứ vừa đi vừa lẩm bẩm âm mưu giết Đại Phác. Tình cờ Trường Đình nghe được nên mới chạy tới báo cho Đại Phác hay để chạy trốn. Khi cầm gươm vào phòng Đại Phác, thấy phòng trống, Tống lão nghi là Đại Phác đã ra chuồng tháo ngựa về nhà. Ra chuồng kiểm soát, thấy ngựa của Đại Phác vẫn nằm trong chuồng, Tống lão lại nghi là Đại Phác sợ lộ nên đã đi bộ về nhà. Vì thế Tống lão mới tay trái cầm đèn, tay phải cầm gươm, đuổi theo Đại Phác để chém đầu. Chẳng tìm thấy Đại Phác đâu, Tống lão đành cầm đèn với gươm ra về. Tới nhà, bị vợ cật vấn, hỏi đi đâu về, Tống lão đành thú thức. Nghe chuyện, Tống bà tức giận, trách chồng là kẻ bội ước. Tống lão cũng nổi giận, sừng sộ cãi lại, rồi hai người cãi nhau suốt đêm. Trường Đình đau khổ, tuyệt thực để tự tử. Thấy thế, Tống bà bèn bắt chồng phải đi cùng với mình, đưa Trường Đình tới gả cho Đại Phác, theo đúng lời hứa.

Hôm sau, Đại Phác hỏi vợ xem chuyện nhạc phụ âm mưu giết mình ra sao. Trường Đình bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Lúc đó, Đại Phác mới hiểu rõ.

Ba tháng sau. Một hôm, Tống lão sai gia nhân tới xin Đại Phác cho Trường Đình được về thăm nhà. Đại Phác e rằng nếu để vợ về thăm nhà thì sẽ bị Tống lão giữ lại nên từ chối. Gia nhân về trình, Tống lão đành chịu.

Năm sau.

Trường Đình sanh trai, đặt tên là Tuệ Nhi. Thấy vợ không có sữa, Đại Phác nuôi vú em cho con bú. Thế nhưng, đêm nào Tuệ Nhi cũng khóc, đòi ngủ với mẹ. Một hôm, Tống lão lại sai gia nhân tới thưa với Đại Phác rằng Tống bà nhớ Trường Đình lắm, xin Đại Phác cho Trường Đình về thăm nhà. Đại Phác hỏi ý vợ thì Trường Đình đáp là muốn cho cả Tuệ Nhi về theo. Đại Phác không chịu, chỉ cho một mình Trường Đình về thôi. Khi chia tay chồng, Trường Đình nói:"Thiếp về thăm mẹ đúng một tháng, rồi sẽ xin trở về đây với chàng v à con!" Tháng sau, chờ mãi không thấy vợ về, Đại Phác sai tiểu đồng đến nhà Tống lão dò xét. Hồi lâu, tiểu đồng về thưa rằng Tống lão đã dọn nhà, không ai biết là dọn đi đâu

Hai năm sau.

Tuệ Nhi đã lớn, nhưng đêm nào cũng vẫn gào khóc đòi mẹ, khiến Đại Phác chẳng sao ngủ được. Không thấy Trường Đình trở về với chồng con, Đại Phác nghĩ là Trường Đình đã chết. Ba tháng sau, cha Đại Phác bị bệnh mà qua đời. Đại Phác quàn linh cữu cha giữa phòng khách để khách tới viếng tang. Vì buồn rầu, Đại Phác bị bệnh, không ngồi được, phải kê giường ở góc phòng mà nằm tiếp khách. Sáng sau, trong lúc đang nằm mơ màng, đột nhiên nghe thấy tiếng đàn bà nức nở, Đại Phác mở mắt nhìn, thì thấy một nữ lang mặc tang phục trắng, ngồi trước linh cữu cha mình mà khóc. Kinh hãi quá, Đại Phác giương mắt nhìn thì mới nhận ra là Trường Đình. Vì cảm động, Đại Phác hét lên một tiếng, rồi ngất lịm đi. Nghe tiếng hét, Trường Đình giật mình, vội gõt nước mắt, chạy tới giường xoa bóp cho chồng. Lát sau, Đại Phác hồi tỉnh. Vẫn nghĩ là vợ đã chết, Đại Phác hỏi:"Phải chăng ta đã chết và bây giờ đang được gặp nàng ở âm phủ?" Trường Đình đáp:"Thiếp đâu đã chết mà chàng thì vẫn còn sống! Đây là nhà chàng chứ không phải là âm phủ. Vì thiếp không nghe lời cha nên bị cha kết tội bất hiếu. Nhân dịp thiếp về thăm nhà, cha thiếp giữ lại, không cho trở về với chồng con. Thế rồi, hơn một tháng sau, cha thiếp dọn nhà về Hải Đông, bắt thiếp phải đi theo. Vừa rồi, khi nghe tin cha nhà mất, cha thiếp không cho thiếp về đây chịu tang, thiếp đành phải lén trốn về đây cho trọn đạo dâu con. Thiếp chỉ báo cho một mình mẹ thiép biết chuyện này mà thôi!" Biết mẹ trở về, Tuệ Nhi chạy ra, sà vào lòng mẹ. Trường Đình ôm chặt lấy con, vừa vỗ về vừa khóc lóc mà nói:"Mẹ có cha thì con không có mẹ " Tuệ Nhi oà lên khóc, khiến mọi người hiện diện đều cảm thương.

Trường Đình bèn đi thu xếp mọi gia vụ, làm đồ cúng lễ­ cha chồng rất tinh khiết, chu đáo, khiến Đại Phác rất cảm động. Thấy chồng bị bệnh nặng, chẳng thể tiếp khách viếng tang cho phải l­­ễ Trường Đình bèn đích thân đi mời người anh họ của chồng tới nhà mình, tiếp khách viếng tang giùm vợ chồng mình. Sau l­­ễ an táng cha, Đại Phác mới khỏi bệnh, nhưng vẫn còn yếu, phải chống gậy mới đứng dậy được. Đại Phác nhờ vợ làm lễ cầu siêu cho cha. Sau lễ cầu siêu, Trường Đình nói với chồng:"Xin chàng cho thiếp về nhà chịu tội bất hiếu với cha thiếp!" Đại Phác nhìn con mà đáp:"Nàng thấy làm như thế nào là phải thì cứ việc làm!" Chẳng nợ bỏ chồng con mà đi, Trương Đình ở lại,   

Ba tháng sau. Một hôm, có gia nhân nhà Tống lão tới báo cho Trường Đình hay là Tống bà bị bệnh. Trường Đình xin phép chồng cho mình về thăm mẹ. Đại Phác lại nói: "Nàng thấy làm như thế nào là phải thì cứ việc làm!" Trường Đình giận lắm, nói: "Thiếp vì chàng nên mới tới đây chịu tang cha nhà. Nay xin chàng hãy vì thiếp mà cho thiếp được về thăm m ẹ thiếp!" Nghe thấy thế, Đại Phác đấu dịu, nói: "Ta cũng muốn nàng về thăm lão mẫu" Biết mẹ mình lại sắp đi, Tuệ Nhi cứ ôm chặt lấy chân mẹ mà khóc. Trường Đình phải bảo vú em bế Tuệ Nhi đi chơi, rồi rơi lệ mà từ biệt chồng con để lên đường về Hải Đông thăm mẹ. Thế nhưng lần này, Trường Đình chẳng trở về với chồng con nữa. Tuy Đại Phác nhớ vợ, Tuệ Nhi nhớ mẹ, nhưng lâu dần rồi cũng nguôi đi.

Năm năm sau.

Đại Phác có thói quen là mỗi sáng, khi ngủ dậy, bao giờ cũng ra mở cổng, rồi mới làm việc khác. Hôm ấy, Đại Phác thức giấc từ lúc tờ mờ sáng. Khi ra mở cổng, chợt thấy một người đàn bà từ ngoài cổng chạy vụt vào nhà, Đại Phác kinh hãi, vội chạy vào theo để coi xem là ai. Nhận ra là vợ mình, Đại Phác ngõc nhiên, hỏi:"Đã 5 năm nay, sao nàng chẳng trở về đây với chồng con?" Trường Đình rơm rớm nước mắt, đáp:"Thiếp về thăm mẹ rồi bị cha giữ lại, không cho trở về đây nữa!" Hỏi:"Song thân nàng vẫn cư ngụ ở Hải Đông chứ?" Đáp:"Không đâu! Năm ngoái cha thiếp lại dọn nhà sang Sơn Tây cư ngụ rồi!" Hỏi:"Hôm nay nàng về đây vì chuyện chồng con hay là vì chuyện gì khác?" Đáp:"Vì cả hai. Thiếp về để nhờ chàng giúp cho một việc, rồi thiếp sẽ ở hẳn lại đây!" Hỏi:"Việc có khẩn cấp lắm không?" Đáp:"Nếu không khẩn cấp lắm thì việc gì mà thân gái phải lặn lội dặm trường suốt đêm để tới đây đúng vào lúc tờ mờ sáng?" Đại Phác hỏi:"Việc gì?" Trường Đình lặng im chẳng đáp. Đại Phác nói:"Đã nói là có việc khẩn cấp muốn nhờ chồng, thì phải nói cho chồng biết là việc gì chứ?" Trường Đình khóc, đáp:"Thiếp ngõi nói v ề chuyện này vì nó là chuyện buồn của thiếp nhưng lại là chuyện vui của chàng. Bây giờ, thiếp xin nói: Nguyên là năm ngoái, khi cha thiếp dọn nhà sang Sơn Tây cư ngụ, cha thiếp bắt thiếp phải đi theo. Cha thiếp thuê một ngôi nhà lớn cho cả gia đình cư ngụ. Chủ nhà là Triệu lão, thuộc một vọng tộc ở Sơn Tây. Vì hợp tính nhau, cha thiếp với Triệu lão trở thành bạn thân, rồi cha thiếp đem Hồng Đình gả cho con trai Triệu lão, là Triệu công tử. Thế nhưng, vì công tử phóng đãng quá nên Hồng Đình về nhà mách với cha thiếp. Cha thiếp bèn giữ Hồng Đình ở nhà, không cho trở về với chồng nữa. Công tử tức giận, đi cưới vợ khác. Cô vợ này hung ác lắm, xúi chồng nhờ đạo sĩ giỏi phép trừ chồn, làm phép bắt trói cha thiếp đem đi. Gia nhân kinh hoàng, bỏ chạy hết” Nghe vợ kể đến đây, đột nhiên Đại Phác khoái chí, khoa chân múa tay mà cười, chẳng để ý chi đến nỗi khổ tâm của vợ. Trường Đình giận quá, đỏ mặt mà nói:"Trong bấy nhiêu năm chồng vợ, chàng với thiếp chỉ thương yêu nhau chứ chưa hề thù ghét nhau. Tuy chàng chẳng ưa gì cha thiếp, nhưng nay cha thiếp gặp tai họa, gia nhân bỏ chạy hết mà chàng cũng chẳng thương hại gì thiếp hay sao? Biết thiếp đau khổ, chàng chẳng an ủi thì chớ, lại còn nỡ khoa chân múa tay mà cười, khiến thiếp thêm tủi nhục. Dù bất nhân, cha thiếp vẫn là cha. Làm như thế, chàng chẳng cảm thấy là chàng bất nghĩa hay sao?" Dứt lời, Trường Đình phất tay áo mà đi. Biết mình có lỗi với vợ, Đại Phác vội đuổi theo xin lỗi, nhưng Trường Đình đã biệt tăm. Đại Phác hối hận, nghĩ là Trường Đình đã tuyệt giao với mình.

Bốn hôm sau, đột nhiên, Trường Đình dẫn Tống bà tới nhà Đại Phác. Mừng quá, Đại Phác chạy ra thăm hỏi Tống bà và Trường Đình. Hai người bèn cùng sụp xuống lạy Đại Phác. Kinh hãi quá, Đại Phác hỏi:"Sao nhạc mẫu với nàng lại làm như thế?" Tống bà và Trường Đình chẳng đáp lời, chỉ ôm mặt khóc. Lát sau, Trường Đình mới lau nước mắt mà đáp:"Bốn hôm trước đây, khi nghe thiếp kể đến chỗ cha thiếp gặp tai họa, đột nhiên chàng khoái chí, khoa chân múa tay, khiến thiếp giận quá, bỏ về Sơn Tây. Tới nhà, thiếp nghe mẹ thiếp nói là đã tập họp lại được các gia nhân rồi và bảo thiếp phải theo cả gia đình trở về chân núi Thái Sơn cư ngụ. Mẹ thiếp lại thuê được ngôi nhà cũ. Hôm nay mẹ thiếp bảo thiếp dẫn bà tới đây để hai mẹ con cùng năn nỉ chàng cứu cha thiếp. Tuy phải tuân lời mẹ, nhưng vì thiếp ngượng nên thiếp phải sụp xuống đất mà lạy cho đỡ ngượng!" Đại Phác nói: "Tuy đối với ta, nhạc phụ là kẻ bất nhân, nhưng ta đâu có quên được cái ơn của nhạc mẫu và cái tình của nàng. Vì nhạc phụ với ta chẳng ưa gì nhau nên nếu ta gặp tai họa mà nhạc phụ vui mừng, hoặc nếu nhạc phụ gặp tai họa mà ta vui mừng thì cũng chỉ là chuyện thường tình. Hôm nọ, vì tự biết mình có lỗi nên ta đã đuổi theo nàng để xin lỗi, nhưng không kịp" Trường Đình nói:"Khi về tới nhà mẹ, thiếp cũng hối hận là đã không chịu nhẫn nại, suy nghĩ cho ra lẽ tại sao chàng lại khoái chí, khoa chân múa tay mà cười như thế!" Đại Phác hỏi:"Nàng phải cho ta biết nhạc phụ hiện đang ở đâu thì ta mới biết đường nào mà cứu chứ!" Trường Đình nói: "Cha thiép hiện đang ở đạo quán Nguyên Đế, huyện Biện Thành, tỉnh Hà Nam" Vô cùng kinh ngõc, Đại Phác hỏi:"Sao nàng biết?" Trường Đình đáp:"Vì mẹ thiếp đã thuê người đi dò la tin tức về cha thiếp. Nguyên là Triệu công Tử, nghe lời vợ xúi, đã đi nhờ sư phụ Vương Xích Thành làm phép bắt trói cha thiếp, đem về đạo quán Nguyên Đế. Vì mẹ thiếp nghĩ chỉ có chàng mới xin được cho cha thiếp về, nên mẹ thiếp bắt thiếp phải dẫn tới đây" Đại Phác nói:"Theo ta nghĩ thì việc xin được cho nhạc phụ về cũng chẳng khó khăn chi. Thế nhưng, nếu xin được cho nhạc phụ về, rồi nàng lại phải về đoàn tử với thân phụ thì ta sẽ phải khóc vì mất vợ, Tuệ Nhi sẽ phải buồn vì mất mẹ. Mà nếu không xin cho nhạc phụ về thì nàng sẽ phải ly tán với thân phụ. Ta khó nghĩ quá!" Tống bà vội đáp thay con:"Lão thân xin thề rằng nếu Thạch lang xin được cho gia phu về thì lão thân sẽ bắt Trường Đình phải trở về đây ở hẳn với Thạch lang để trả ơn cứu gia phu!" Đại Phác đành nhận lời cứu Tống lão, bảo Tống bà và Trường Đình cứ ở lại nhà mình mà chờ tin.

Sáng sau, Đại Phác dẫn tiểu đồng đi Hà Nam. Tới Biện Thành, Đại Phác dẫn tiểu đồng tới đạo quán Nguyên Đế để gặp sư phụ thì đúng vào lúc Xóch Thành vừa từ xa về. Xích Thành bèn bảo thầy trò Đại Phác theo mình xuống bếp ăn uống. Thấy ở góc bếp có một con chồn già, bốn chân bị trói, cổ bị buộc vào một đầu dây, đầu kia buộc vào cột, Đại Phác biết ngay là Tống lão. Trong lúc ăn uống, Xích Thành hỏi Đại Phác:"Từ Thái An tới đây xa lắm, mà thày trò ngươi cũng chịu khó tới thì chắc là có việc phải không?" Đại Phác liền đưa tay chỉ con chồn buộc ở góc bếp mà nói:"Thưa sư phụ, đúng thế. Đệ tử tới đây là để xin sư phụ thả cho con yêu tinh này được ra về" Xích Thành hỏi:"Vì cớ gì mà ngươi lại xin cho y?" Đại Phác đáp:"Thưa sư phụ, vì y là nhạc phụ của đệ tử" Xích Thành cười, hỏi:"Thế ra vợ ngươi là chồn ư?" Đại Phác đáp:"Thưa sư phụ, vâng!" Rồi Đại Phác kể lại đầu đuôi câu chuyện  Nghe xong, Xích Thành lắc đầu, nói:"Con chồn này xảo trá lắm. Chẳng thể tha thứ được" Đại Phác nói: "Thưa sư phụ, đúng như sư phụ nói, y xảo trá lắm. Nay đệ tử xin trình sư phụ những điều xảo trá của y" Rồi Đại Phác kể lại hết mọi điều xảo trá của con chồn. Lắng nghe Đại Phác kể tội mình, con chồn cứ co rúm thân hình, rúc đầu vào góc bếp. Kể xong, Đại Phác nói tiếp:"Thưa sư phụ, tuy nhiên, xin sư phụ thương hại cha con đệ tử mà thả cho y vè, để đệ tử khỏi mất vợ, con đệ tử khỏi mất mẹ" Thấy Đại Phác năn nỉ quá, Xích Thành bèn nói:"Thôi thì ta giao y cho ngươi để ngươi muốn làm chi thì làm! Tuy nhiên, ngươi phải cẩn thận lắm mới được, vì sau khi y được thả, cái tâm xảo trá của y lại hiện ra như cũ, chứ chẳng thay đổi chi đâu!" Mừng quá, Đại Phác vội sụp xuống lạy tạ Xích Thành. Nhận lạy xong, Xích Thành ra khỏi bếp, lên đạo quán. Đại Phác liền sai tiểu đồng về Thái An trước, báo tin cho Tống bà và Trường Đình biết là Tống lão đã được thả ra rồi. Tống bà liền bảo Trường Đình phải ở lại nhà Đại Phác, rồi ra về một mình.

Đại Phác bước tới gần cột bếp, tháo đầu dây buộc, kéo lết chồn ra cổng đạo quán. Đau quá, răng chồn đánh lập cập. Tới cổng, Đại Phác dừng lại, nói:"Thôi, bây giờ, để cho lão trượng khỏi bị đau, bản y để lão trượng ở lại đạo quán này, chẳng kéo đi nữa!" Chồn trừng mắt nhìn Đại Phác, dáng vẻ cực độ căm hờn. Đại Phác mỉm cười, rồi rút dao giắt sẵn mình, cắt đứt mọi dây buộc cho chồn. Chồn bèn đứng dậy, vẫy đuôi, rồi vùng chạy khỏi đạo quán. Đại Phác bèn lên cám ơn sư phụ, rồi xin cáo biệt.

Tới nhà, Đại Phác thấy Trường Đình đã chực sẫn ở cổng, sụp xuống đất lạy mình. Đại Phác bèn nâng vợ dậy, nói:"Ta chỉ mong nàng chẳng quên tình nghĩa vợ chồng thôi! Cần chi phải lạy lục cho khách sáo!" Trường Đình nói:"Nay gia đình thiếp đã trở về cư ngụ trong ngôi nhà cũ ở chân núi Thái Sơn, chỉ cách đây mươi dặm. Hôm nay, xin chàng cho thiếp được đi thăm cha thiếp 3 ngày, rồi thiếp sẽ xin trở về đây. Chàng có tin thiếp không?" Đại Phác đáp:"Trong 8 năm qua, ta với Tuệ Nhi đã quen sống trong cảnh chồng không vợ, con không mẹ rồi. Bây giờ, dù lời nói của nàng có đáng tin hay không đáng tin thì đối với cha con ta, nó cũng thế mà thôi. Ta nghĩ nàng chỉ cần tự hỏi là mình có phụ cái tình của chồng con đối với mình hay không mà thôi! Nàng cứ đi thăm thân phụ đi. Triệu công Tử thấy vợ bị nhạc phụ giữ lại thì tìm cách báo thù, chứ ta thấy vợ bị nhạc phụ giữ lại thì sẽ chẳng làm như thế! Nàng đừng lo!"

Sáng sau, Trường Đình nói với chồng:"Xin chàng cho thiếp đi thăm cha thiếp. Đúng 3 ngày nữa, thiếp sẽ xin trở về đây!" Đại Phác gật đầu.. Trường Đình bèn ra đi. Mới được 2 ngày, thấy vợ đã trở về, Đại Phác hỏi:"Sao về sớm thế?" Trường Đình đáp:"Vì cha thiếp cứ lải nhải suốt ngày, thiếp không chịu nổi" Đại Phác hỏi:"Lải nhải về chuyện chi?" Trường Đình đáp:"Về chuyện cha thiếp bị chàng kể tội với sư phụ Vương Xích Thành, rồi bị chàng kéo lết từ trong bếp ra tới cổng đạo quán Nguyên Đế để đùa cợt" Từ đó, Trường Đình ở hẳn lại nhà Đại Phác, không về thăm cha mẹ nữa.

Còn Tống lão với Đại Phác thì chẳng bao giờ giao thiệp lại với nhau.

         

 

 

 

GS Đàm Quang Hưng
Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

  

 

 

www.ninh-hoa.com