Trang Thơ và Truyện của Lê Ánh                |                 www.ninh-hoa.com

Bs LÊ ÁNH
Bút hiệu:
LÊ P Thọ


 
 
Quê làng Phú Thọ, Hòn Khói, Ninh Hòa,
Khánh Hòa, Việt Nam
Cựu học sinh các trường Tiểu học Pháp Việt,Ninh Hòa, Trung học Võ Tánh
Nha Trang, Việt Nam
Tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn

Làm việc tại Quân Y viện Pleiku, Bệnh viện
Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn,

Làm việc tại Covenant Medical Center, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.

 

 

Hiện làm vườn tại Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ.

 Tập tò viết lách dưới bút hiệu Lê Phú Thọ,
Anh Tư Hòn Khói.

 

 

 

 

 

 

MÁI TÓC 

TRONG VĂN CHƯƠNG
VÀ ÂM NHẠC VN


LÊ ÁNH

 

Người Việt Nam ta có câu: "Cái răng, cái tóc là gốc con người". Có lẽ đó là chi tiết dễ nhận diện nhất đối với mỗi dân tộc, trước khi nhìn vào cách ăn mặc. Chỉ riêng qua trang phục hoặc qua các kiểu tóc từng thời kỳ ta cũng có thể thấy tác động của những biến động xã hội Việt Nam đối với trang phục như thế nào.

Góc tức là một phần của vẻ đẹp.  So với toàn bộ con người thì răng và tóc chỉ là những chi tiết rất nhỏ.  Nhưng chính những chi tiết nhỏ nhất ấy lại làm nên vẻ đẹp con người.  Ý nghĩa của câu tục ngữ này là khuyên mọi người hãy  giữ gìn hình thức bên ngoài cho gọn gàng sạch sẽ vì hình thức bên ngoài thể hiện phần nào tính cách bên trong.  Qua câu tục ngữ trên, ta thấy cách nhìn nhận, đánh giá và quan niệm về cái đẹp của nhân dân lao động thật tinh tế.  Trong cao dao, dân ca có rất nhiều câu ca ngọi hàm răng, mái tóc của người phụ nữ:

Tóc em dài, em cài hoa lý,
Miệng em cười hữu ý, anh thương!

Hay:

Mình về có nhớ ta chăng?
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười!

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa luôn gắn liền với mái tóc vấn gọn gàng và đường ngôi rẽ ở chính giữa. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ảnh hưởng của phong cách Âu hóa, mái tóc cũng dần được thay đổi tạo cho phái đẹp kiểu dáng phong phú và hiện đại hơn.

Người Việt từ xa xưa rất coi trọng hàm răng và mái tóc. Đó là cái nhìn đầu tiên để đánh giá một người đẹp. Câu thành ngữ trên đã nói lên điều đó.

Thuở xưa, khi còn bé, con gái để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho dài mãi. Có được một mái tóc dài và bóng mượt là niềm kiêu hãnh của người con gái. Xưa kia muốn giữ được một mái tóc đẹp thì phải năng gội bằng nước bồ kết cho sạch, gội xong phải xả lại bằng nước chanh cho mềm tóc. Muốn tóc thơm thì cho lá hương nhu hay lá sả, hạt mùi, đun cùng nước gội đầu. Đứng cạnh người đàn bà mới gội, ta ngửi thấy mùi hương thoảng thoảng của đồng nội, của cỏ cây lá ngàn, và có biết bao chàng trai chỉ vì những mùi hương ấy mà phải một thời say đắm không dứt ra được. Ở miền Nam trồng nhiều dừa, người ta còn bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để lấy mùi thơm và làm bóng tóc. Ngày nay, những mùi hương đó có chăng chỉ còn lại trong hoài niệm của những người lớn tuổi.

Đến nay ta chỉ có những tấm ảnh chụp phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ 19, còn trước đó thì chỉ có những mô tả mơ hồ của các nhà du hành. Đầu thế kỷ 17, linh mục người Ý Chistophorro Borri (1583-1632) đã đến Bình Định, lúc đó thuộc lãnh thổ Đàng Trong dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn. Viết về cách để tóc của phụ nữ Việt, ông nói: “Họ để tóc xõa và bồng bềnh trên hai vai, tóc dài đến mức chấm đất, và tóc càng dài, người ta càng cho là đẹp. Trên đầu họ đội một thứ mũ rộng vành, rộng đến mức che lấp cả mặt, khiến cho mắt nhìn chỉ thấy được có ba bốn bước phía trước, và cái mũ đó được tết bằng lụa hay vàng tùy theo thứ bậc của người đội. Sau đấy, các phu nhân để chào hỏi một cách lễ độ, phải ngả mũ ra để người ta có thể nhìn thấy trước mặt.” Đoạn văn trên chỉ cho ta những thông tin mơ hồ về cách để tóc của người Việt ở miền Trung. Riêng cái mũ rộng vành thì có lẽ tác giả lầm cái nón chóp nhọn mà phụ nữ phía nam quen đội. 

Hơn ba thế kỷ sau, bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard theo quân viễn chinh Pháp đến Bắc Kỳ từ tháng 2-1884 đã ghi lại những trang về người phụ nữ mà ông đã gặp trong những ngày đầu đến Hà Nội: “Điều khiến tôi ngạc nhiên khi đến xứ sở kỳ lạ này, là khó khăn trong thời gian đầu để phân biệt đàn ông và đàn bà từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai đều để tóc như nhau. Quần áo cũng gần như nhau. Đàn bà cũng quấn khăn như đàn ông […]” Tuy quan sát nhầm lẫn như vậy, nhưng Hocquard đã để lại cho chúng ta nhiều ảnh để có thể thấy cách để tóc của những đàn bà miền Bắc hồi đó. 

Người phụ nữ đất Bắc thường buộc tóc về phía bên thành cuộn dài, bọc bên ngoài bằng một cái khăn hẹp mà dài rồi quấn quanh đầu từ phía trước ra phía sau. Đầu mối còn thừa thì giắt vào dưới vành khăn, để xõa sang bên một túm tóc nhỏ gọi là đuôi gà. Vì vậy mà câu

“Một thương tóc bỏ đuôi gà…”

không phải xa lạ với các chàng trai xứ Bắc. Khi đi ra ngoài, để giữ cho tóc khỏi sổ người ta thường trùm một cái khăn vuông, vừa là để che nắng vừa chống rét. Người bình dân thường trùm khăn đen, phía trước trán gập nhọn giống như mỏ con chim nên được gọi là “khăn mỏ quạ”.  Ta thử nghe Nguyễn Bính đã trách người yêu của mình đã quên bản chất chân quê mà học đòi theo lối tỉnh thành:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê dầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nguyễn Bính muốn người yêu của mình luôn giữ phong cách người dân quê mộc mạc bình dị:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang Xuân
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Trong khi đó ở miền Nam có lẽ do ảnh hưởng của người Hoa nhập cư ồ ạt từ các thế kỷ 17-18, nên phụ nữ lại bới tóc cao sau gáy rồi cài một cái trâm giữ cho tóc khỏi sổ. Khi ra ngoài thì quấn quanh đầu một cái khăn rộng dệt ô đen trắng giống như khăn của phụ nữ Khmer hay Mã Lai. Người ta gọi đó là chiếc khăn rằn với nhiều công dụng như che nắng, lau mặt hay quàng lên người... Vào buổi đầu, đàn bà Việt ở thành thị còn thua kém các thím Khách, cho nên cách bới tóc của người Hoa được coi là mẫu mực, đã được cụ Vương Hồng Sển mô tả như sau: “Các ỷ, các ý trong Chợ Lớn thì đầu bới tóc thả bánh lái “ba vòng một ngọn”, ăn trầu tích toát, để móng tay dài và mỗi lần xỉa thuốc thường vảnh ngón tay cho người ngoài thấy mình có cà rá hột xoàn bự, hay bộ nhẫn vàng quấn kiểu “cửu khúc liên hoàn”. Trên vai mấy ỷ thường giắt một cái khăn vằn Nam Vang dùng để lau trầu, khác với mấy cô vợ Tây thì quấn chuỗi hột vàng gần gãy cổ, tay đeo kiềng vàng chạm kiểu “nhứt thi nhứt họa”, thêm mặc áo mớ ba mớ bảy, tóc xức dầu thơm chánh hiệu “Cô Ba”. 

Dù để tóc bới, nhưng người phụ nữ Huế không quên quấn một chiếc khăn gợi nhớ lại mái tóc quấn của người xứ Bắc. Nhưng với phụ nữ quí tộc thì khi vào chốn cung đình hay trong các dịp lễ Tết, bắt buộc phải quấn khăn vành dây, thân phận càng cao quí thì cái khăn càng phải to và rộng. Chiếc khăn vành tồn tại mãi cho đến ngày nay đối với phụ nữ khắp ba miền trong các nghi thức đặc biệt và nhất là trong đám cưới. 

Sang đầu thế kỷ 20, khi cuộc sống đô thị phát triển, người phụ nữ bắt đầu tham gia công việc xã hội, dần dần có mặt ở trường học, bệnh viện và nhiều nơi công cộng khác, khiến họ phải tìm một kiểu tóc hợp lý hơn, thuận tiện trong công việc. Ngoài Bắc kiểu quấn tóc bằng khăn vải, dù là khăn nhung.

 Quả thế, một trong những yếu tố đầu tiên thuộc hình thức con người gây sự chú ý cao trong tiếp xúc, giao tiếp không thể không kể đến mái tóc. Mái tóc thể hiện phong thái, tính cách, độ tuổi, giới tính, thậm chí cả văn hóa của mỗi cá nhân.

Sự coi trọng của người Việt đối với mái tóc còn thể hiện qua một loạt những tổ hợp từ cố định để diễn tả về những mái tóc khác nhau trong đời sống hàng ngày như: tóc xanh, tóc bạc, tóc sâu, tóc thề, tóc rễ tre, tóc tém, tóc đuôi gà, tóc điểm sương, tóc muối tiêu, tóc hoa râm, tóc mây ...Và khi đi vào nghệ thuật, mái tóc còn hiện lên với nhiều cung bậc nỗi niềm hơn nữa khi được người nghệ sĩ thổi vào đó tư duy hình tượng. Bài viết này, vì thế, xin được bàn về mái tóc trong thế giới thi ca.

Việc ca ngợi mái tóc, ban đầu hẳn gắn với người phụ nữ bởi Tạo hóa đã riêng tặng cho những bông hoa biết nói ấy mái tóc dài tha thướt mà người Việt vẫn quen gọi là tóc mây:

Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa,
Vẫn tóc mây bay mắt môi nồng thắm.

(Giáng Ngọc – Ngô Thụy Miên);

Trời mùa đông môi em thắp nắng,
Tóc mây dài chân vui đường vắng.
Rồi mùa xuân cây thay áo mới,
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi,
Rồi mùa thu xôn xao lá úa
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi.

(Tóc mây – Phạm Thế Mỹ)

Mái tóc dài của người phụ nữ còn là cái cớ để người nam bày tỏ tình cảm của mình như trong câu ca dao thuở xưa:

Tóc em dài sao em không búi,
Để chi dài bối rối dạ anh...

Mái tóc dài một thời còn được xem là “tiêu chuẩn cứng” để các chàng trai chọn người yêu, chọn bạn đời:

Một thương tóc xõa ngang vai,
Hai thương đi đứng vẻ ngoài có duyên.

Khi nhan sắc của người phụ nữ tàn phai hoặc khi muốn diễn tả tâm trạng u buồn, một trong những điểm nhìn đươc tập trung miêu tả cũng chính là mái tóc:

Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

(Thề non nước – Tản Đà)

Mắt quầng tóc rối tơ vương,
Em còn cho chị lược gương làm gì.

(Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính).

Mái tóc dài của người phụ nữ còn tiếp tục đi vào nhiều câu thơ hay khác của thời kỳ hiện đại. Vẻ đẹp của mái tóc dường như che lấp và bao phủ hết cả không gian và thời gian trong câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồng Thanh Quang:

Người đàn bà dấu đêm vào trong tóc,
Còn điều chi em mải miết đi tìm.

(Khúc mùa thu).

Trong con mắt của một nhà thơ thuộc thế hệ 8X, mái tóc dài lại hiện lên với những nét khác biệt. Một chút hoang hoải si mê của thời trai trẻ, một chút cường điệu pha lẫn nét cổ kính đầy bâng khuâng:

Em heo hút tóc dài mê mệt gió,
Một lần đi vướng víu cả kinh thành.

 (Tám mắt – Trần Trọng Dương).

Vẻ đẹp của mái tóc còn có những lần được quy chiếu để miêu tả cả thiên nhiên, trung tâm chuẩn mực của cái đẹp lúc này đã chuyển từ thiên nhiên sang con người:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hang.

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu).

Nếu như mái tóc của người nữ xuất hiện trong thi ca thường gắn với tuổi trẻ thì mái tóc của người nam khi xuất hiện trong thơ lại thường gắn với tuổi già, gắn với những hoài niệm về bao năm tháng đã qua. Nguyễn Trãi ở thể kỷ XV đã từng thốt lên:

Tiếc thiếu niên qua lượt hẹn lành,
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.

(Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc,
Đầu bạc xưa này có tuổi xanh).

Thậm chí trước Nguyễn Trãi, mái tóc của tuổi già đã từng xuất hiện trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư đời Lý (thế kỷ XI):

Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.

(Việc trôi qua trước mắt,
Trên đầu già đến rồi).

Mái tóc đã trở thành thước đo sự tàn phai của tuổi xuân, của đời người, của tháng năm dâu bể. Nhà thơ đời Đường Hạ Tri Chương trong bài Hồi Hương Ngẫu Thư cũng nhìn mái tóc mà không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi.
Thanh âm vô cải mấn mao tồi.

(Khi đi trẻ lúc về già
Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao).

Thi thánh Đỗ Phủ trong những tháng ngày khó khăn đau ốm cũng tự nhìn về mái tóc mà thấy bi thương:

Gian nan khổ hận phồn sương mấn.
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.

(Gian nan khổ hận đầu thêm bạc
Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn).
(Đăng Cao)

Nhưng có lẽ mái tóc bạc với niềm xót xa ám ảnh tôi nhiều nhất là trong hai câu thơ của Phan Khôi, thật ngắn mà thật sâu đọng:

Mối sầu như tóc bạc.
Cứ cắt lại dài ra.

(Cắt tóc, 1952).

Trong một số trường hợp, mái tóc bạc của người nam hiện lên với một sự hướng tới đầy thành kính và biết ơn, ở đó có cả chút se lòng của những đôi mắt đang hướng về mái tóc. Ấy là trường hợp những người học sinh nhìn về mái tóc thầy:

Mùa hoa mưa rồi đến mùa phượng cháy,
Trên trán thầy xin tóc chớ bạc thêm.

(Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm),

Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm.
Bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay.

(Bụi phấn – Nhạc: Vũ Hoàng, Thơ: Lê Văn Lộc)

Một trong những nhà thơ Việt Nam đưa mái tóc vào thi ca nhiều nhất là Bùi Giáng. Ông là người sáng tạo ra cách diễn đạt mới – vầng tóc – và đưa cụm từ này vào nhiều bài thơ của mình:

Trang của tờ giấy cũ,
Của vầng tóc ban đầu.
(Thuở Buồn)

Em là người con gái,
Có vầng tóc mênh mông.
Rối bời như cỏ dại,
Dìu dặt như cánh đồng.
Cơn gió nồm thổi lại,
Trời quên mất càn khôn.
(Em là. . . .).

Mái tóc trong thơ Bùi Giáng lúc thì xuất hiện như một lãng mạn kỳ ảo:    

Cồn xưa cỏ mọc
Là sông chảy xuống chân trời
Chảy lên mái tóc
Một mùa thu gục bên tôi.

Lúc lại xuất hiện như một hiện thực nghiệt ngã đến nghẹn ngào:

Hai bên đường ngồi lại
Những người đếm tóc nhau
Kỷ niệm về kinh hãi
Tóc xưa đã phai màu

(Mơ về phương ấy).

Mái tóc đi vào thi ca của người Việt không chỉ là chuyện ca ngợi, chuyện ký thác gửi gắm tâm sự nỗi niềm mà nó còn là những ẩn tầng văn hóa. Trong tục ngữ Việt, mái tóc gắn với quan niệm về ứng xử:

Túm kẻ có tóc, không ai túm kẻ trọc đầu.

Việc cắt tóc thề nguyền được coi là một hành động đầy thiêng liêng, từng xuất hiện trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thể hiện tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng:

Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.

Mái tóc, cách để tóc còn thể hiện văn hóa, phong tục tập quán tự ngàn đời của cha ông:

Tóc mẹ thì búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.

(Mặt Đường Khát Vọng – Nguyễn Khoa Điềm).

Tóc đã trở thành tuyên thệ của chủ tướng với ba quân trước giờ xung trận chiến đấu với giặc thù:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

(Hịch Ra Trận – Quang Trung)

Trong văn học thế giới, mái tóc còn gắn với chuyện thu phục lòng người. Những người yêu thích bộ tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa chắc hẳn chưa quên câu chuyện Tào Tháo cắt tóc thay đầu. Tào Tháo vốn trước đó truyền lệnh rằng: Ngựa ai dẫm vào lúa của dân thì phải chém. Không ngờ sau đó chính ngựa của Tào thừa tướng xéo nát một vạt lúa. Tào Tháo muốn tự vẫn, các quan tướng ra sức ngăn lại. Tháo mới bảo rằng: Tội chết tạm tha mà tội sống khó thể dung. Vậy ta xin cắt tóc mà thay đầu. Nói rồi khua kiếm chém đứt một lọn tóc. Quân sĩ từ trên xuống dưới thấy lệnh nghiêm minh thảy đều tâm phục.

Trong Kinh Thánh, mái tóc còn là biểu tượng cho sức mạnh lớn lao của con người được Chúa Trời tiếp sức. Dũng sĩ Samson có được sức mạnh vô địch thắng nổi muôn người chính là nhờ mái tóc dài. Đến lúc mái tóc bị cắt đi vì sa lưới mỹ nhân kế của nàng Delilah thì sức mạnh cũng hết, Samson bị chọc mù mắt và giam xuống ngục tối. Trước giờ bị hành hình, Samson cầu xin Chúa lần cuối: Cho con được chết chung với kẻ thù rồi dùng hết sức lực để lật đổ ngôi đền đá của người Philistine. Câu chuyện về chàng Samson và nàng Delilah đã được chuyển thể thành phim năm 1949 dưới bàn tay của đạo diễn tài ba Cecil B. DeMile và trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển mọi thời đại.

&

Trong thơ văn, đã có nhiều tác giả nói nhiều về mái tóc như ta đã thấy xuyên qua nhiều giai đoạn của thời gian.  Như vậy trong âm nhạc thì mái tóc được trình bày như thế nào.

Trong nhạc Việt, mái tóc đã trở thành hình tượng trung tâm cho biết bao ca khúc để đời của những nhạc sĩ tài danh.

Việc ca ngợi mái tóc, ban đầu hẳn gắn với người phụ nữ bởi tạo hoá đã riêng tặng cho những bông hoa biết nói ấy mái tóc dài tha thướt mà người Việt vẫn quen gọi là tóc mây:

Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay mắt môi nồng thắm.

(Giáng Ngọc - Ngô Thuỵ Miên)

Cũng với Tóc Mây, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết nên những dòng nhạc qua các mùa Đông, Xuân, Thu như thế nào:

Trời mùa đông môi em thắp nắng,
Tóc mây dài chân vui đường vắng.
Rồi mùa xuân cây thay áo mới,
Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi,
Rồi mùa thu xôn xao lá úa
Tóc mây buồn phủ kín tim tôi.

(Tóc Mây – Phạm Thế Mỹ)

Cũng là mái tóc nhưng người nhạc sĩ Thẩm Oánh đã thầm yêu mái tóc và đã sáng tác nên Suối Huyền để tặng người ông yêu:

Suối huyền, lả buông làn tóc
Thướt tha, óng chuốt uốn lưng ong. . .

Với một tình cảm lãng mạn, nhạc sĩ Văn Phụng cũng như Thẩm Oánh đều cùng thấy mái tóc óng mượt chảy xuôi như dòng suối.  Yêu mái tóc rồi yêu cả con người, nhạc sĩ đã viết bài Suối Tóc để tặng cho người yêu.  Mái tóc buông dài đến tận lưng, màu nâu nhạt óng ả:

Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai. . . .

Đã một thời, câu ca dao đã được tạo nên tựa đề của bài hát Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của nhạc sĩ Phạm Duy đã truyền đạt hàng đêm trong những phòng trà tại thủ đô miền Nam Việt Nam:

Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh yêu anh em làm thơ
Yêu em yêu em anh soạn nhạc. . .

Nét nhạc bay bướm và mềm mại của một nhạc sĩ khác trong Mái Tóc Dạ Hương, phổ thơ Đinh Hùng.  Tiếng nhạc trong sáng và ca khúc dễ hát dễ nghe.  Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã say mê suối tóc và đã viết lên nỗi lòng mình:

Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa Thu sớm bao dư vị
Còn chút ân tình vương tóc quen. . .

Mái tóc mơ màng đã cuốn hút nhạc sĩ phải say đắm vào đôi mắt xanh để rồi mộng mơ trước số phận khuê các với bao thương nhớ:

Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em
Chao ôi! màu suối tóc buông mềm
Nét buồn khuê các hoen sương phủ
Nhạt ánh sao mờ bên dáng xiêm. . . .

Mái tóc thề đã vương vấn đâu đây đã gợi nên tình ý và người nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã sáng tác nên những dòng nhạc trongTóc Em Chưa Úa Nắng Hè với điệu nhạc thật êm đềm thánh thoát:

Em buông lơi tóc thề
Tình mình theo cơn lốc về
Em như mưa nắng hạ
Hôn bờ biển xanh sỏi đá. . .

Cũng vì mái tóc rất đặc biệt của người yêu có nét đẹp Liêu Trai mà nhạc sĩ Hoài Linh say mê đắm đuối nên đã sáng tác Về Đâu Mái Tóc Người Thương:

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xoả tóc ngồi bên rèm. . . .

Yêu mái tóc, nhớ mái tóc rồi cảm thấy chơi vơi giữa phố xá thị thành, chàng tìm đến khuê phòng cũng chẳng thấy người yêu.  Cuối cùng nỗi nhớ nhung tột cùng đành phải gọi tên người yêu để rồi được đáp trả qua hình ảnh lá rơi bên thềm.  Thật là vô vọng não nề:

Đường phố muôn màu sao thiếu em
Về đâu làn tóc xoã bên rèm
Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm. . . .

Nét nhạc lên bổng xuống trầm thật thướt tha và lả lướt.  Cung diệu nhẹ nhàng, chẫm rãi để thính giả cảm nhận được nét bơ vơ trong tâm hồn mình:

Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình
Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao
Như cánh chim đêm bơ vơ một mình
Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu tình. . . .
Trời đang nắng bỗng mưa nào ai biết
Mưa ướt rồi mái tóc xoã phai hương
Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc
Em đi qua thơm ngát cả con đường. . . .

Nếu như con mắt truyền thống chú trọng ca ngợi mái tóc dài thì với một cái nhìn mới mẻ trẻ trung của những năm đầu thế kỷ XXI, mái tóc ngắn của người phụ nữ cũng đã trở thành hình tượng trung tâm trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Quân – Tóc Ngắn – do chính người bạn đời của anh (ca sĩ Mỹ Linh ) thể hiện:

Nụ cười tóc ngắn sáng bừng đêm xuân.
Kìa mình em để tóc ngắn dễ thương.
Tóc ngắn mắt bồ câu rất hiền.
Tóc ngắn chạy xe trên phố như chim bay.
Thấy mùa xuân rất vội, em muốn hát muốn kêu lên muốn cười...

Gần đây, mái tóc bạc của người bà mới lại xuất hiện trong một ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Xuân Giao:

Bà ơi bà cháu yêu bà lắm,
Tóc bà trắng màu trắng như mây.

(Cháu Yêu Bà)

Ca tụng Mái Tóc trong ca nhạc còn nhiều nhiều nữa nhưng khuôn khổ một bài tạp ghi không cho phép người viết kể lể nhiều hơn.  Người Tây phương ít khi phải rưng rưng chỉ vì một sợi tóc, chứ người Việt chúng ta lãng mạn mà kín đáo.  Thương mái tóc là nhớ cả dáng người.  Phải chăng vì mái tóc là biểu tượng của sự dịu dàng thơm tho, và cả nét đẹp của tâm hồn người yêu mái tóc nữa.

Xin được khép lại bài viết bằng một câu hát của Trịnh Công Sơn mà ở đó, mái tóc người phụ nữ không chỉ là gió là mây như cách tư duy của nhiều thi nhạc sĩ mà đã trở thành muôn con sóng vỗ mãi vào hồn người:

Nắng có hồng bằng đôi môi em.
Mưa có buồn bằng đôi mắt em.
Tóc em từng sợi nhỏ,
rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...

(Như Cánh Vạc Bay).

 

 

 

 

 

 

 


LÊ ÁNH
      
(tháng 02 năm 2017)

 

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ và Truyện của Lê Ánh              |                 www.ninh-hoa.com