trang thơ & truyện Dương Anh Sơn              |                 www.ninh-hoa.com

Dương Anh Sơn

 Giáo Sư Triết học
 Trung học Ninh Hòa
 Niên khóa 1973-1976
 Chỉ đạo lớp 12C, 74-75

 Sở thích viết và
chuyển dịch Thơ.

Đã xuất bản:

"Ảnh hưởng đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh" (2006) và

"Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trải" (dịch và chú giải 2009)


 
Hiện cư ngụ tại Việt Nam

 

 

 

 


 Cổng chính đi vào Đền các vua Hùng (h. 1)

MỘT LẦN ĐẾN THĂM ĐỀN VUA HÙNG VÀ VÙNG CỰC BẮC CỦA ĐẤT NƯỚC

 

 
 

 I. THĂM ĐỀN CÁC VUA HÙNG Ở PHÚ THỌ

 
Chuyến bay rời Sài Gòn lúc 6 giờ sáng đến phi trường Nội Bài, Hà Nội lúc 8 giờ. Từ đây xe của Công ty Lữ hành tư nhân Thế Hệ Trẻ đón đoàn gồm 11 người đi lên vùng tây bắc đến tỉnh Phú Thọ cách Nội Bài 50 km. Nếu đi từ Hà Nội lên Phú Thọ phải mất khoảng 100 km. Tỉnh Phú Thọ là nơi có đền thờ vua Hùng với phía tây giáp Sơn La, phía nam giáp Hoà Bình, đông giáp Hà Nội và Vĩnh Phúc, bắc giáp Yên Bái, Tuyên Quang với thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính.


 Khoảng 10 giờ, xe đưa chúng tôi đến Việt Trì rồi rẽ hướng lên vùng đồi núi Phong Châu thuở xa xưa, nơi có đền thờ các vua Hùng. Ở đây, người địa phương cũng như nhiều báo đài của nhà nước thường gọi tắt là “Đền Hùng” ! Có lẽ chúng ta nên gọi cho đầy đủ và mang lòng thành kính với hàng quốc tổ của dân tộc là “ Đền các vua Hùng “ trang trọng hơn. Đền các vua Hùng được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) dựng trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là Núi Cả, Hy Cương... thuộc vùng kinh đô Phong Châu xưa kia của các vua Hùng để tưởng nhớ và ghi ơn công đức của những vị vua được dân chúng từ xưa đến nay tôn thờ như những bậc tiên tổ khai sinh ra đất nước và dân tộc chúng ta khai sinh nước Văn Lang đầu tiên của dòng giống Lạc Việt....... Khi xe bắt đầu đi vào vùng núi có quần thể các đền thờ vua Hùng, chúng tôi đều có cảm giác lâng lâng và niềm thành kính vùng núi non từng ghi dấu những hình bóng của các đấng tiền nhân đã mở đầu cho việc hình thành tổ quốc Việt Nam. Núi non chập chùng được giữ gìn khá tốt với những màu xanh thay đổi tạo nên một cảnh quang rất đẹp và một phong khí thiêng liêng của vùng đất tổ.


 Chúng tôi bắt đầu leo các 30 bậc cấp đầu tiên tiến lên cổng quét vôi màu hồng đậm cao hơn 12 mét có ghi hàng chữ Cao Sơn Cảnh Hành
高山景行 Nếu hiểu với chữ Cảnh Hành, câu này có thể hiểu là lên núi cao để ngắm phong cảnh..... Nhưng nếu hiểu theo đúng cách đọc là Cao Sơn Cảnh Hạnh, câu đề trên cổng có nghĩa rộng hơn là : kính mộ người có đức độ lớn lao (cảnh hạnh : đức hạnh cao lớn- Từ điển Thiều Chửu, Đào Duy Anh) ví như ngọn núi cao. Đây là một câu được lấy từ Kinh Thi (Tiểu Nhã, Xa Hạt) : Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành hành chỉ 高山仰止, 景行行止.... Chu Hy giải thích là : Núi cao để người ta ngưỡng trông, bậc có đức hạnh lớn được coi như khuôn phép mà noi theo [1] Nhưng hình ảnh phù điêu ngay cổng lại là hai ông lính hay hai ông quan võ gác cổng giống y như hai ông quan võ phương Bắc đang trấn giữ cửa ngõ vào đền các vua Hùng làm mất đi vẻ trang nghiêm chốn thờ đức tổ của dân tộc ! Theo tài liệu Cục Di Sản Văn Hoá của Hà Nội, cổng được xây dựng vào năm thứ hai đời vua Khải Định triều Nguyễn (1917). Có lẽ, thời đó các nghệ nhân và quan lại làm đền chưa ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc nên mới lấy mẫu mã kiểu Trung Hoa chăng ?! Tuy nhiên, những lần tu bổ về sau trong điều kiện đất nước hoà bình, những người có trách nhiệm rất sai sót trong việc lựa chọn những phù điêu phù hợp có giá trị khơi dậy và giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như tính nghệ thuật cao. Vùng đất tổ là nơi những con dân nước Việt rất ao ước có cơ hội để đến chiêm bái. Nơi đây chính là biểu tượng của niềm tự hào của con cháu Hồng Lạc, nó giúp họ hun đúc tình yêu dân tộc và non sông gấm vóc do tiền nhân gầy dựng. Cho nên, những công trình kiến trúc nên được xem xét thận trọng mỗi khi tu sửa. Sự thiêng liêng của vùng đất tổ là yếu tố then chốt nhưng sự kiến tạo của người có trách nhiệm rất lớn vì nó tính giáo dục rất cao về ý thức cội nguồn dân tộc và lòng yêu nước thiết tha cho những ai mang dòng máu Lạc Hồng đến viếng tiên tổ !

  

Từ cổng chính màu hồng đậm, chúng tôi bắt đầu leo 225 bậc cấp bằng đá đi qua một cổng nữa đi vào Đền Hạ vẫn với hai ông lính Tàu sơn phết màu mè tiếp tục gác hai bên Đền Hạ thờ các vua Hùng (h. 2)! Đền Hạ được sửa chữa và xây dựng lại trên nền cũ có từ trước vào năm 1917 với nhà bia hình lục giác và một toà nhà ba gian đơn sơ nhưng trang nghiêm với một khoảng sân rộng phía trước chung quanh cây cối rậm dày và thấp thoáng xa xa là núi non trùng điệp. Kề bên Đền Hạ có một ngôi chùa làm theo kiến trúc xưa với năm gian và dãy nhà dọc nối liền. Chùa có tên xưa là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, Viễn Sơn Cổ Tự... nay đổi tên là Thiên Quang Thiền Tự được xây dựng vào thời nhà Trần, về sau nhà Nguyễn trùng tu.

 

Cổng vào Đền Hạ (h. 2)

  Rời Đền Hạ, chúng tôi lại đi theo 168 bậc cấp bằng đá chắc chắn đi tiếp lên Đền Trung. Nhờ có thời gian nghỉ ở Đền Hạ nên đoàn chúng tôi khoẻ khoắn leo tiếp dễ dàng lên trên. Gần Đền Hạ có Đền Giếng tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung thường ngồi bên giếng trang điểm, chải tóc. Có một điều là phía trên lòng giếng, người ta phải làm một khung lưới dùng để ngăn những người mê tín, thiếu văn hoá thường ném tiền lẻ cầu khẩn vào giếng như rất nhiều người mê tín thiếu hiểu biết thường dán tiền hay bỏ tiền cầu khẩn vào tay tượng Phật ở các chùa chiền phía bắc này.

 
Phía trước Đền Hạ (h. 3)

 Kiến trúc Đền Trung gồm một dãy nhà ba gian xây theo kiểu hình chữ nhất, mái ngói cổ màu đỏ gạch nổi bật giữa vùng đồi núi xanh và các hàng tre bao bọc chung quanh. Đền Trung còn có tên là Hùng Vương Tổ Miếu tương tuyền là nơi các vua Hùng tiếp các Lạc hầu, Lạc tướng để bàn việc nước nơi đây (h. 4). Theo dân gian, Đền Trung cũng là nơi Hùng Vương thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu vì biết chọn dâng lên tiên tổ và nhà vua bánh dày, bánh chưng giàu ý nghĩa.... Đền Trung được xây dựng vào thời nhà Lý, nhà Trần rồi bị giặc Minh tàn phá khi chúng xâm lược nước ta (1407-1427). Sau được xây dựng và tu bổ lại dưới thời vua Khải Định (1917).

 

 Ngồi trên những viên đá quây tròn ở trước sân, chúng tôi như cảm nhận sự có mặt của tổ tiên từ ngàn xưa đang nhìn con cháu quanh đây. Khung cảnh thiên nhiên quanh ngôi đền ẩn chứa hồn thiêng của tiên tổ, ghi dấu những sinh hoạt của các bậc khai sinh ra nước Văn Lang của tộc Lạc Việt với vùng đồng bằng và núi non có thể nuôi dưỡng và làm thành luỹ ngăn giặc phương Bắc luôn dòm ngó....  

 

Phía trước Đền Trung (h. 4)

 Rời khu vực Đền Trung, đoàn chúng tôi tiếp tục leo thêm 102 bậc cấp lên đỉnh Nghĩa Lĩnh để viếng Đền Thượng. Tương truyền Nghĩa Lĩnh là nơi Hùng Vương thứ sáu lập đàn tế trời đất cầu xin ban cho người tài giỏi giúp nước đánh giặc Ân của phương Bắc, cũng là nơi các vua cúng tế trời đất, các thần linh để đất nước yên bình, mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Trong điện thờ các vua Hùng có bài vị đề chữ “Kính Thiên Lĩnh Điện   嶺奠 ” nghĩa là cung dâng Trời ở trên dinh núi. Bên ngoài điện có bức hoành đề bốn chữ : '' Nam Việt Triệu Tổ 南越  '' tạm dịch là : tổ tiên khai sinh ra người Việt ở phương Nam Quốc hiệu Nam Việt do Triệu Đà là người Trung Hoa đặt ra sau khi đánh bại Thục Phán An Dương Vương của nước Âu Lạc với hai tộc Âu Việt và Lạc Việt nên không nằm trong nghĩa này. Vua Đinh Bộ Lĩnh cho lập đền thờ các vua Hùng với quốc hiệu thời đó là Đại Cồ Việt. Nhà Lý đổi thành Đại Việt, Hồ Quí Ly đổi lại là Đại Ngu. Nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn đều gọi là Đại Việt. Nguyễn Gia Long khi xin nhà Thanh định quốc hiệu là Nam Việt nhưng vua Thanh định lại là Việt Nam. Qua thời vua Minh Mạng cải lại là Đại Nam...... ). Như thế, không rõ chữ trên bức hoành bên ngoài Đền Thượng có từ khi nào nhưng thiển nghĩ nên hiểu câu trên là ông tổ khai sinh người Việt phương Nam có lẽ hợp lý hơn !

 

 Đứng trước điện thờ ở Đền Thượng, chúng tôi như cảm nhận sự thiêng liêng và công ơn to lớn của các vua Hùng trong việc xây dựng nước Văn Lang đầu tiên trong thực tế của dòng giống Việt ở phương Nam. Từ vùng Nghĩa Lĩnh nhìn quanh chúng tôi thấy các đỉnh núi xa xa sương khói tựa như khí thiêng sông núi đang dâng lên hoà trong các màu xanh thay đổi như một bức tranh thuỷ mặc.

 

 Có một điều cứ đeo đuổi tôi từ khi bước vào cổng màu đỏ sậm dưới chân núi lên đến Đền Thượng là ngay cổng bước vào điện thờ ở đây cũng có hình phù điêu hai ông lính Tàu canh gác hai bên rất khó chịu ! Biết sao bây giờ ?(h. 5 & h. 6)

 

 Cổng Đền Thượng hiện nay đã được tu sửa với câu hoành Nam Việt Triệu Tổ như cũ nhưng vẫn duy trì hai ông lính kiểu Tàu được sơn phết màu mè... (h. 5)

 Cổng Đền Thượng trùng tu năm 1997 với hai anh lính trang phục Trung Hoa mặc áo giáp kiểu thời xưa..... (Ảnh tư liệu báo Công Lý)(h. 6)

 

 Rời Đền Thượng, đoàn chúng tôi theo bậc cấp hướng đông đi xuống thăm lăng vua Hùng thứ 6. Trước đây là ngôi mộ đắp đất, năm 1870, đời vua Tự Đức thứ 27 cho xây mộ và dựng lăng. Năm 1922, vua Khải Định cho trùng tu lại khang trang. Phía trên cao ba mặt lăng nhìn ra trước đều đề chữ : '' Hùng Vương Lăng 雄王 . ''(h. 7) Thời đại các vua Hùng vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ nhưng việc xây dựng các đền thờ và lăng mộ của bao đời nay của các triều đại xưa nay có giá trị biểu tượng, hun đúc và đề cao lòng yêu nước thương nòi của những người mang dòng giống Việt để bảo vệ giang sơn của tiên tổ bao đời ra công giữ gìn cho con cháu cho đến ngày nay. Sự tồn vong của đất nước và dân tộc là vấn đề then chốt của mọi con dân nước Việt trước sức mạnh thô bạo hiện nay của bọn giặc phương Bắc vẫn luôn có ý đồ thôn tính nước ta bằng cách này hay cách khác.

 

Tương truyền đây là Lăng Hùng vương thứ 6 (h. 7)

 Gần 12 giờ trưa, đoàn chúng tôi đi xuống chân núi, dùng cơm trưa tại Phú Thọ để bắt đầu chuyến thăm thú vùng Hà Giang phía tây bắc rồ sẽ rẽ lên cực bắc đến tỉnh Lạng Sơn. Tôi có cảm nhận rằng mọi người trong đoàn từ khách phương xa ở Mỹ về và những người trong nước cùng thăm viếng đền các vua Hùng đều thấy trong lòng càng yêu mến non sông kỳ vĩ của cha ông để lại. Chuyến viếng thăm này giúp chúng tôi hiểu hơn, gần gũi hơn với phần phía bắc của đất nước.

 

[1] Kinh Thi, Khổng Tử san định, Tạ Quang Phát dịch, PQVKĐTVH XB, Saigon, 1970. Nxb Đà Nẳng in lại 2003, tr. 498 & 499.

 

 II. THĂM VÙNG LŨNG CÚ Ở HÀ GIANG

 

 Tiếp tục chuyến hành trình, sau khi dùng cơm trưa tại Phú Thọ, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi lên phía tây bắc để ghé Lũng Cú và Đồng Văn của Hà Giang. Đây là một tỉnh cực bắc của nước ta với vị trí phía bắc giáp các châu tự trị của các dân tộc Miêu, Choang của Trung Hoa. Tỉnh Hà Giang phía đông giáp Cao Bằng, nam giáp Tuyên Quang và tây giáp Yên Bái, Lào Cai. Huyện Đồng Văn là huyện có vùng Lũng Cú tiếp giáp biên cương với Trung Hoa.

 

 Ngày thứ hai của chuyến hành trình, đoàn chúng tôi theo những con đường đèo "ngoạn mục " để đến vùng Lũng Cú và Đồng Văn. Dân Dalat chúng tôi rất quen thuộc với con đường đèo đi từ Phan Rang lên quận Đơn Dương với đường dốc quanh co và khung cảnh tuyệt đẹp từ trên đường đèo nhìn xuống vùng Ninh Sơn và Tháp Chàm của Phan Rang mà người Pháp đặt tên là Bellevue (ngoạn mục). Nhưng giờ đây đi con đường đèo số 2 này mới thấy nhiều khúc cua rất ngặt đáng ngại nhưng bù lại, được nhìn núi non hùng vĩ trùng điệp và cao vút tỏa sương khói như những bức tranh thủy mặc (h. ) ! Đồng thời phải cám ơn anh tài xế trẻ rất vững vàng tay lái nhất là những khúc quanh nguy hiểm và đường đi khá hẹp ! 

 Sương khói giăng khắp các núi đồi... (h. 1)

 Sau khi dừng chân tại đèo Quản Bạ uống ly cà phê sáng, xe chúng tôi đổ đèo dừng lại thăm "dinh" của vua Mèo Vương Chí Sìn ở xã Sà Phìn (h. 2). Gọi là "dinh vua" nhưng kiến trúc bằng gỗ tốt nhìn đơn giản ngoại trừ cổng vào hơi bề thế. Bước vào bên trong căn nhà bề ngang khoảng 15m và sâu nhỉnh hơn một chút là gian thờ tổ tiên, tiếp theo là 4 dãy nhà hình vuông có lầu gỗ thấp nhìn nhau là nơi sinh hoạt của gia đình ông vua một thời này ! So với nhà của dân chúng chung quanh, nhà vua Mèo chỉ rộng hơn cho con cháu ở chứ chưa thấy phô bày cái giàu có cách biệt xa với người dân ! Lối chạm trỗ cũng bình thường chưa phải là xuất sắc cho lắm như các nhà xưa ở các vùng quanh Hà Nội hay Huế. Leo lên hai gác xây bằng đá phía sau là hai nơi canh gác cho "dinh vua" và có chỗ để đào thoát khi bị tấn công ! Dòng tộc họ Vương chỉ mới được trả lại căn nhà của cha ông mình chưa được bao lâu.

 

Cổng dính với tường nhà của "dinh vua Mèo" họ Vương

Gian nhà gỗ hình vuông đơn sơ của vua Mèo

Cửa vòm bằng đá ở hai gác canh phía sau

nhìn ra đồi núi của vua Mèo

  Tiếp tục cuộc hành trình, xe đưa chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú là một địa danh nổi tiếng năm 1979 khi biên giới nước ta bị bọn xâm lược phương Bắc tràn qua. Nơi đây được xem là "địa đầu giới tuyến " hay nói theo cách bây giờ là "trọng điểm" của cuộc tấn công do Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc khởi động để "dạy cho Việt Nam một bài học ". Bọn họ vẫn nói như thế từ bao triều đại Trung Hoa từ xưa nay ! Những năm 1979 cho đến những năm sau 1984, 85, 86 nơi Lũng Cú, Đồng Văn phải hứng chịu bao trận bom đạn của kẻ thù hung hăng. Có lẽ nhờ địa lợi với núi cao, vực sâu khắp nơi nên một phần nào góp phần ngăn cản bước tiến của quân thù.

 

      II. 1 LŨNG CÚ

 

 Khi chúng tôi ghé thăm vùng Lũng Cú, những dấu tích của những trận chiến của thời 1979, nơi chúng tôi ghé đến, không còn thấy rõ nét nữa. Có lẽ vẫn còn đâu đó trong những vùng đất kề sát biên giới. Hai mươi năm đi qua, những dấu tích chiến tranh cũng dần dà bị xóa đi trong công cuộc xây dựng cuộc sống. Vả lại những người dân tộc ở đây với những mái nhà đơn giản của tầng lớp nghèo nên chiến tranh có làm tan nhà nát cửa nhưng được tái thiết nhanh chóng. Ở miền Nam sau 1975 các vùng quê nghèo cũng thế.

 

Núi Lũng Cú với cột cờ cao xa xa

 Sau khi dùng cơm ở Yên Minh, xế trưa, xe đưa đoàn chúng tôi đi đến một địa danh đã đi vào lịch sử từ năm 1979 khi quân Trung Quốc tràn sang xâm lấn. Dân vùng núi Lũng Cú gồm các tộc người Tày, Lô Lô, H'Mông, Mèo.. v.. v.. Họ chuyên sống nghề làm ruộng nước bậc thang và làm nương rẫy. Người dân đây gọi Lũng Cú là nơi ở của rồng hay còn gọi là Long Cư hay Long Sơn trên đỉnh có cột mốc số 428 cách biên giới phương Bắc 3km. Từ xa, chúng tôi đã thấy một tháp cờ cao kiểu hoàng thành Hà Nội dựng trên đỉnh núi có nhiều ruộng lúa xanh ngát bao quanh. Đoàn chúng tôi bắt đầu di chuyển đến trạm chân núi Rồng để đi một đoạn dốc khá bằng đến bậc cấp bằng đá granit xanh đầu tiên leo lên đỉnh. Các vị U-80 và phụ nữ theo xe ôm đi lên con đường trải đá phía sau núi. Bước qua gần hết 425 bậc để đến chỗ nghỉ chân, ai nấy đều thở dốc kể cả đám trai trẻ tây ba lô cũng vậy ! Nghỉ ngơi khoảng năm phút, chúng tôi lại leo tiếp thêm 279 bậc nữa đi lên chân cột cờ Lũng Cú. Các bậc cấp rộng và lối đi cũng thế nên người lên kẻ xuống rất thoải mái. Thêm một lần thở dốc nữa, chúng tôi đến trên mặt bằng chân đế của cột cờ. Từ độ cao 1470 m so với mặt biển này, nhìn ra xa xa đồi núi chập chùng sương khói với nhiều màu xanh thay đổi trông rất hấp dẫn và dậy lên nhiều cảm xúc nhất là góc nhìn về biên giới hai nước ! Từ đây nhìn xuống bên dưới, chúng tôi thấy những đường đèo ngoằn nghèo hay hai chiếc ao khá lớn hai bên chân núi có các ruộng bậc thang phía trên với những màu xanh đa dạng.

 

 Chân đế cột cờ hình bát giác được xây dựng mới trên 54 mét vuông. Ở đây họ cho biết việc dựng cột cờ làm mốc biên cương đã có từ thời nhà Lý. Các đời sau lại tu sửa tiếp theo. Năm 1887, Pháp làm đồn phía dưới chân núi và cho làm cột cờ bằng gỗ tốt có chiều cao như một thân cây. Năm 1978 rồi năm 2002 cột cờ được trùng tu. Đến năm 2010, nhờ sự tài trợ, cột cờ Lũng Cú được làm mới hoàn toàn với tám bên có các biểu tượng trống đồng Ngọc Lũ cao 33, 15 m và cán cờ dựng trên đỉnh tháp cao 12, 9 m làm bằng inox khá dày. Các ông già tương đối còn khỏe trong đoàn leo thêm 140 bậc thang sắt hình xoáy trôn ốc trong lòng tháp đi lên chỗ dựng ngọn cờ. Từ bao lơn cao nhất của tháp nhìn phong cảnh chung quanh lại càng thú vị thêm với gió lộng và làn không khí mát dịu.

 

 Trở lại bên dưới, chúng tôi bắt đầu đi xuống. Mấy ông già gân lại mạnh chân đi xuống các bậc cấp. Các cô và các anh gân yếu lại theo xe ôm đi xuống. Riêng tôi chọn con đường xe ôm chạy đi xuống để tiện thăm thú và thong thả nhìn núi đồi. Đường trải nhựa tuy hẹp nhưng đi rất thoải mái. Gần đến chân núi, tôi thấy một nhà tưởng niệm ghi tên tuổi của các binh lính hy sinh thời 1979 chống Trung Quốc còn mới. Sự hy sinh của họ rất đáng trân trọng. Và càng đi thăm những miền đất vốn xa lạ với dân miền Nam, chúng tôi như cảm thấy

sự gần gũi hơn, thân thiết hơn với quê hương mình mà tiền nhân đã bỏ biết bao công sức gìn giữ. Rời nơi này lúc khoảng giữa chiều, chúng tôi lại đi thêm 45 km đường đèo đến thị trấn Đồng Văn của Hà Giang lúc xế chiều.

 

 II. 2 ĐỒNG VĂN

 

 Con đường quốc lộ số 2 với nhiều đường đèo quanh co nhưng tương đối tốt đưa đoàn chúng tôi đi trong cơn mưa chiều ghé và sẩm tối đến huyện Đồng Văn của Hà Giang. Đồng Văn là một vùng núi đá rộng lớn bao gồm nhiều huyện như Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ với các dân tộc Tày, Lô Lô, Mông, Dao, Nùng, Việt..... Những ngọn núi đá nhấp nhô với loại đá màu nâu sẩm bén sắc cùng với những làn sương khói sau cơn mưa tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo và quyến rủ. Tuy nhiên, bên dưới vẻ đẹp ấy, những người Tày, Mèo, H’Mông..... phải vất vả đem đất thịt từ dưới leo lên các triền núi dốc cao bỏ đất vào từng hốc đá để dăm các hạt giống bắp. Hầu như các triền núi đá đen nâu bén sắc ấy đều được họ tận dụng để trồng bắp theo cách này Thu hoạch xong, những cơn mưa lớn lại làm trôi đất vì không có rễ bắp bám vào. Chắc chắn rằng mỗi mùa thu hoạch bắp họ phải leo bao nhiêu triền núi đem xuống không phải là việc dễ dàng. Cứ thế, đời này sang đời khác cuộc sống của họ vần nằm trong cách sống vất vả như thế.

 

 Bữa cơm của các quán ăn vùng người dân tộc đều có menu giống nhau : dĩa rau rừng hay rau trồng, dĩa cá sông suối chiên, dĩa đậu hủ kho, canh rau và nhất là luôn có món gà luộc hoặc xào gừng hay nướng than. Ăn ngon hay dở tuỳ người nấu nhưng các món ăn đều giống nhau. Nhưng chiều nay theo yêu cầu, bà chủ quán cũng với những món ăn như thế nhưng nấu nướng tươm tất hơn và đặc biệt có vịt chiên giòn thay cho gà luộc ! Rau ăn rất ngon và bao giờ cũng có dĩa muối có nhiều ớt để chấm. Người vùng núi có lẽ ít dùng nước mắm và quen ăn mặn với muối giống như người K'hor hay Ra đê ở cao nguyên Lâm Viên trong Nam...

 

Núi non Đồng Văn

với những triền núi trồng bắp trong hốc đá

 

Mẹ lên nương, em bé người Tày giữ em.....

 Thị trấn Đồng Văn gồm mấy chục dãy nhà nằm trong một thung lũng nhỏ. Nơi đây có một khu Phố Cổ làm cách đây khoảng một trăm năm từ thời Pháp thuộc. Kiểu dáng nhiều nhà của khu phố này tựa như phố cổ Hội An. Một quảng trường nhỏ nay là phố bán cà phê cho khách du lịch và các đường nhỏ chung quanh. Hương vị cà phê nơi đây y như ở Sài Gòn vì lấy trong Nam ra. Nhưng khá thú vị khi ngồi uống trong buổi sớm mai sương khói còn giăng khắp các dãy núi đá vôi và đá tựa như đá của núi lửa tạo nên.

 

Một trong vài dãy Phố Cổ của thị trấn Đồng Văn'

 Sau khi nghe anh hướng dẫn viên du lịch của công ty Thế Hệ Trẻ nói qua về Phố Cổ rồi hướng dẫn chúng tôi thăm một con đường trong thị trấn có nhiều nhà xưa làm cả trăm năm nay của người Tày hay Lô Lô. Gần làng có các cây to với am thờ thần đất hay thần nước nhìn ra các ruộng lúa nước. Trở lại con đường gần Phố Cổ, sáu người ghé chợ thăm thú, còn năm người còn lại trong bọn chúng tôi được anh hướng dẫn viên dẫn đi theo con đường lót xi măng càng lên càng dốc đến lô cốt xưa từ thời Pháp.

 

    Có lẽ với sức trẻ, chuyện đi lên theo đường dốc núi dẫu mệt nhưng cũng dễ dàng. Nhưng dầu phải dừng nghỉ vài chỗ, năm người có tuổi chúng tôi vẫn đi đến đỉnh núi có cái lô cốt từ thời Pháp thuộc, trừ một anh bạn U-60 hơi mệt phải ngồi đợi dọc đường ! Ước chừng chiều cao của ngọn núi này cũng xấp xỉ tháp cờ Lũng Cú. Tháp nằm giữa các ngọn núi cao phía sau lưng, còn mặt trước nhìn xuống thị trấn Đồng Văn (h. 1). Những ngọn núi đá vôi và đá kiểu của núi lửa cao nhọn là thành lũy kiên cố ngăn cản hiệu quả sự tấn công của bộ binh hay xe tăng vào năm 1979. Nhưng hai chục năm sau, kẻ thù phương Bắc giàu có lên đã dư dã sắm nhiều hỏa tiễn, làm nhiều máy bay và một đống tàu chiến... đe dọa và có thể xâm chiếm nước ta dễ dàng !. Lúc sáng sớm trước khi uống cà phê và leo lên núi này, tôi dậy sớm lang thang cùng người em một anh trong đoàn, tôi có hỏi một anh thanh niên người Tày:

 - Chào em, cuộc sống ở đây em thích gì nhất ?

 - Dạ em thích bóng đá, thích cổ vũ khi đội tuyển đá banh nước mình đoạt thắng lợi.

 - Thế em sống sát bên Trung Quốc không sợ bọn nó hay sao vì nó cũng từng đánh chiếm Đồng Văn?

 Em cười và trả lời rất dứt khoát :

 - Nếu nó lại xâm lấn, tụi em sẵn sàng cầm súng chống trả bọn chúng !

 Không biết rằng em sẽ chống trả quân thù lớn mạnh bằng phương cách gì tốt hơn nhưng tôi nghe em thanh niên này nói hăng say mà thỏa lòng !

 

Từ một đỉnh núi cao nhìn xuống thị trấn Đồng Văn (h. 1)

 Một góc nhìn thị trấn Đồng Văn

từ con đường lên tháp canh nhìn xuống (h1a)

 Có thể nói núi non sông suối ở các vùng cực Bắc của đất nước và người dân bản địa đã góp phần đáng kể ngăn chặn kẻ thù phương Bắc từ hai ngàn năm nay (h. 2). Khi tiến qua đánh nước ta, chúng phải chọn con đường biển phía Quảng Ninh hay cửa ải hẹp Chi Lăng phía đông bắc nhưng không phải lúc nào cũng êm xuôi ! Nếu chúng tiến đánh những vùng cao nguyên đá như Đồng Văn này sẽ khó tiến quân về vùng xuôi với rất nhiều đường đèo hiểm trở tựa vào núi cao mai phục bọn chúng !

Núi non hiểm trở quanh vùng Đồng Văn (h. 2)

  Chuyến theo con dốc dài đi lên phải toát mồ hôi nhưng chuyến trở xuống gió thổi nhẹ nhàng do bước chân đi được nghỉ ngơi nên cũng khỏe khoắn nhiều. Chúng tôi trở về khách sạn trả phòng và chuyển hành lý lên xe khởi hành theo đường đèo Mã Pí Lèng đi đến huyện Bắc Mê nghỉ đêm để sáng mai đi thuyền trên sông Gâm.

 

 III. ĐÈO MÃ PÍ LÈNG và CÁC DÒNG SÔNG

 

 Từ giã Đồng Văn, xe đưa đoàn theo quốc lộ 4C đi qua một con đèo trước đây khá hiểm trở có tên là Mã Pí Lèng thuộc huyện Mã Pí Lèng và Mèo Vạc, Hà Giang. Tuy đường đi có nhiều khúc cổ tay, ngoằn nghèo nhưng với các phương tiện cơ giới bây giờ, đường cũng dễ đi đủ hai xe tránh nhau. Được xây dựng trên các triền núi đá vôi lởm chởm nhưng khá vững chải của công viên địa chất Đồng Văn nên dù trời mưa to cũng không sợ lỡ đất đá như đèo Bảo Lộc của Lâm Đồng.

 

 Vùng Mã Pí Lèng viết đúng theo cách phát âm của người bản địa là Mả Pí Lèng. Trước kia thời 1959, đường được cả ngàn lượt thanh niên gian nan để mở đường do chưa có máy móc phải dùng đồ thô sơ để đục đẽo đá cứng ở độ cao 1200 m. Hai mươi cây số đi qua đỉnh núi của đèo làm xong. Phải mất 6 năm nữa con đường 160 km qua Cao Bằng mới hoàn tất. Có lẽ giai đoạn này, miền Bắc thiếu thốn đủ thứ chứ nếu có những xe làm đường chuyên nghiệp chưa phải loại đời mới bây giờ như trong Nam thời 1960 không phải dùng sức người quá khổ như thế ! Xe dừng trên một khúc rộng trên đèo để mọi người xuống xe chiêm ngưỡng con sông Nho Quế xanh mướt dưới vực sâu nhìn từ đèo xuống. (h. 3). Đó là con sông xuất phát từ Vân Nam, Trung Hoa dài 192 km ; ở nước Việt nó chỉ có 45 km đi qua Đồng Văn, Mèo Vạc đổ vào sông Gâm hay nói dúng hơn là sông Gầm ở Cao Bằng.

 

Dòng Nho Quế xanh mướt nhìn từ đèo Mã Pí Lèng

 Con đường về huyện Bắc Mê đi qua rất nhiều trạm thủy điện như Nho Quế, Chiêm Sơn, Na Hang, Bắc Mê, Bảo Lâm, Nậm Mạ, Yên Sơn... Đường đi quanh co theo các dòng sông như Nho Quế, sông Năng, sông Nậm Mạ, sông Neo... qua các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn đưa đoàn chúng tôi đến huyện Bắc Mê lúc sẩm tối. Bữa tối ăn bữa cơm nơi đây với các món ăn cũng tương tự như những chỗ ăn lần trước !

  

Bữa ăn một quán" lớn" vùng cực bắc đều giống nhau :

rau luộc, canh rau, cá sông, dĩa muối ớt thêm dĩa gà luộc

và đậu hủ kho nhưng ngon và sạch.....

 Có lẽ cuộc sống mộc mạc, đơn sơ của các dân tộc bản địa nơi đây đã tạo nên các sinh hoạt cũng đơn giản như chính cuộc sống của họ. Lối suy nghĩ, cách nói năng khi tiếp xúc không rắc rối nhưng chơn chất. Những ngày nắng tốt leo núi dăm hạt bắp, ngày mùa leo núi thu hoạch. Ngày này qua tháng nọ cứ đơn điệu, lập đi lập lại một cung bậc như bữa ăn rau muối thường ngày của họ. Khi lễ lạc, ngày mùa hay có khách sẽ thêm vài món cá sông hay gà luộc.. v.. v.... Tôi nhớ những hình ảnh trông thấy khi ở Đồng Văn dậy sớm đi tìm quán cà phê uống cho ấm bụng giấc sáng. Tôi và em trai của một anh chị trong đoàn rất ngạc nhiên lúc ghé khu Phố Cổ tìm chỗ nhâm nhi cà phê. Có khoảng năm sáu quán cà phê nơi quảng trường cũ nhưng có lẽ bán khuya nên họ dẹp sơ về ngủ. Quán nào cũng không có cửa ngõ, có thể tự do đi lại thông nhau với quầy kệ để nhiều vật dụng cho việc pha chế cà phê giăng khắp bàn nhưng không có chủ và chắc là không sợ kẻ gian như dưới miền xuôi! Chỉ e rằng cơn lốc thành thị hóa và nhiều thứ "văn hóa" đi kèm sẽ làm suy thoái bản tính chất phác, trung thực vốn có của họ.

 

 IV. ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG GÂM

 

 Ngủ lại Bắc Mê, ngày thứ tư của chuyến ra bắc, sau khi ăn sáng xong, xe đưa chúng tôi tới bến thuyền cách trung tâm thị trấn chính của huyện không xa để xuống thuyền sắt xuôi dòng sông Gâm..

 

 Sông Gâm trước kia vẫn gọi là sông Gầm là một nhánh của sông Lô phát xuất từ Vân Nam, Trung Hoa có tên là Bạch Nam Hà dài 297 km, chảy vào Việt Nam có tên sông Gâm (Gầm) dài 217 km đi qua các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang rồi đổ vào sông Lô ở huyện Yên Sơn. Các con đường đèo cũng uốn lượn theo các con sông đổ vào sông Gâm dưới vực đèo qua các vùng đá phiến thạch anh Bắc Kạn.........

 

Ngồi thuyền xuôi dòng sông Gầm đến Na Hang,

Tuyên Quang

  Đoàn chúng tôi xuống bến thuyền ở Bắc Mê lên chiếc thuyền sắt khá vững chải chở thoải mái khoảng hai mươi người đợi sẵn với hai anh em cầm lái trẻ tuổi. Thuyền bắt đầu rời bến đi đến chặng đầu tiên là Na Hang là một thị trấn nhỏ ven sông. Vì sợ không kịp thơi gian nên thuyền chỉ lướt qua không ghé lại. Do mấy bữa nay có mưa nguồn nên nước của con sông có màu vàng đục. Nhìn núi non hùng vĩ ven sông với sương giăng khói tỏa, chúng tôi như cảm thấy hồn thiêng sông núi đang có mặt nơi đây ! Đà Lạt nơi tôi sinh sống thuở nào núi non rất đẹp nhưng dáng vẻ Tây phương. Còn đây, cái đẹp của cảnh quan như hòa quyện với nhau vừa hùng vĩ, vừa kỳ bí, vừa sâu lắng lại có sức hấp dẫn lạ lùng. Đó là cái đẹp có hồn của sông núi ! Từ thuyền nhìn lên những ngọn núi cao, những vách đá ven sông dựng đứng, màu sắc khi xanh thẳm, khi xanh lơ thay nhau tạo nên những cảnh sắc tuyệt vời. Thuyền đi qua những khe hẹp giữa hai vách núi trắng đen hòa cùng màu xanh của cây cối trông mãn nhãn !

 

Núi non ven dòng sông đi đền lòng hồ Na Hang

  Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những thác nước lớn nhỏ từ triền đá cao chảy xuống trông rất ngoạn mục.

Những thác nước từ triền núi cao đổ xuống điểm thêm cho cái đẹp vốn sẵn có của dòng sông.

 Thấp thoáng xa xa trên triền dốc núi có rải rác bản làng của người dân tộc mà có lẽ cuộc sống văn minh thành thị rất xa lạ với họ. Qua Na Hang, dòng sông bây giờ trở nên xanh như ngọc biếc, thuyền chúng tôi đi vào một vùng nước xanh thẳm vời nhiều cột đá lớn nhỏ nhô lên mà người dân tộc gọi là Vài Phạ nghĩa là cọc đá để cột trâu của trời ! 

 

 

Một cột đá như một tòa nhà

cao gần 100m ở giữa con sông.

 Cả đoàn đều trầm trồ trước cảnh quan của khu vực này. Ai nấy đều ra phía trước thuyền ghi lại những góc đẹp của những cột đá hòa quyện cùng sông nước xanh biếc và núi non giăng mắc mây khói quanh quanh ! Chắc chắn đất nước nào cũng có những cảnh đẹp riêng của họ. Và không phải cảnh đẹp nào cũng giống nhau. Núi non, cảnh trí nơi đây và chúng tôi có một sự thân thiết của tình tự quê hương. Cái đẹp của cảnh sắc trước mắt thực sự chất chứa hồn thiêng sông núi như một nhắc nhở cho con cháu quyết tâm giữ gìn giang sơn gấm vóc của cha ông để lại !

 

Sông nước và núi non hòa quyện

 Nghe nói cá sông Gâm rất ngon, người thầy từng dạy Triết lớp 12 của tôi đi cùng đoàn đã dặn anh hướng dẫn viên công ty Thế Hệ Trẻ báo cho nhà thuyền mua cá lăng là món chính buổi ăn trưa trên thuyền. Sông Gâm, theo như anh hướng dẫn du lịch cho biết có năm loại cá nổi tiếng là cá anh vũ, dầm xanh, cá lăng, cá bống, cá chiên cùng nhiều loại tôm cá khác. Cá anh vũ xưa để tiến cung dâng cho vua và hầu như mất bóng. Bữa cơm do đứa em tài công khoảng trên hai mươi tuổi chuẩn bị từ khi thuyền rời bến trông tươm tất và quả thật nấu khá ngon miệng nhất là cá lăng hấp ướp hương vị rau thì là pha nghệ ăn với bánh tráng.

 

 

Bữa ăn rất vui và ngon trên thuyền dọc sông Gâm.

  VI. THĂM THÁC BẢN GIỐC

 

 Rời hồ Ba Bể, đoàn chúng tôi lên đường đi Cao Bằng để ghé thăm thác Bản Giốc, một thác nước được nhiều người Việt rất quan tâm vì hai lý do chính yếu. Trước hết, đó là một trong những thác nước đẹp nhất nước Việt Nam. Và thứ hai đó là một thác nước phải chia ranh và đóng cọc mốc biên giới ngay giữa thác xác định phần phía trái của thác chính cùng nguyên thác phụ gần đó là của Việt Nam ; nửa bên thác chính phía đông là của nước Trung Hoa mà bây giờ đều gọi quen là Trung Quốc ! Trước năm 1999, khi chưa có sự phân định biên giới vùng thác Bản Giốc, hầu như người dân Việt theo sách vở cũ và những tư liệu lịch sử từ thời Pháp thuộc vẫn nghĩ rằng thác Bản Giốc đương nhiên là của nước ta !

 

 Từ những năm 2000 trở đi, rất nhiều người vẫn nghĩ là có một sự sắp xếp nào đó kèm theo những mưu toan xảo trá của Trung Quốc trong việc đảo ngược những giấy tờ gọi là hòa ước chính quyền Pháp xâm chiếm nước ta đã ký với nhà Thanh Trung Hoa từ 1887 và 1895 phân chia thác Bản Giốc như đã nêu trên. Năm 1999, hai bên tái xác nhận và định rõ lại đường biên giới đi qua giữa thác chính..... Hầu như không thấy Trung Quốc công khai trưng bản gốc của Hòa ước 1887 và 1895. Chỉ nghe họ nói như thế và trong những gì hai bên đàm phán đưa ra về Bản Giốc..... Một kẻ thù cả hai ngàn năm nay chưa bao giờ đứng về cái thiện, cái đúng sẽ dùng đủ mưu tính khi đàm phán biên giới ! Hình ảnh của Trung Quốc xưa nay luôn đồng nghĩa là mưu mô, gian xảo, trí trá, tiểu xảo, hung tợn.... ! Khó mà tin vào được những gì họ nói vì nói một đằng làm một nẻo như chuyện biển Đông trước mắt.

 

 Thành ra, trong chuyến đi này, tôi rất thỏa lòng được ghé đến một địa danh lịch sử còn nhiều nghi vấn..... Chỉ sợ lòng tham không đáy về đất đai, biển đảo của bọn xâm lược phương Bắc này chẳng bao giờ dừng lại. Bọn chúng về lâu dài đang mưu tính nuốt dần không phải chỉ là thác Bản Giốc mà thôi.....

 

 Chúng tôi ghé lại Bản Giốc trong một buổi chiều mưa tầm tả. Thác nước từ độ cao chảy ào ào xuống khiến bọt tung tóe bay khắp khu vực trước thác hòa cùng cơn mưa nặng hạt. Tôi nhìn những người trong đoàn thấy họ dù mưa gió vẫn thích đứng chụp cảnh thác nước lịch sử ! Tâm trạng của mỗi người không ai giống ai, nhưng chắc chắn cùng có mẫu số chung là tình yêu quê hương đất nước tràn trề mà thác Bản Giốc là một hình ảnh rất tiêu biểu để qua đó nghĩ về số phận và tương lai quê cha đất tổ nhiều hơn !

 Mưa và bụi nước từ thác tung tóe

trong khi đang đứng trước thác Bản Giốc.

  Con sông Qui Sơn   người địa phương đây đọc là Quây Sơn, phát xuất bên Trung Hoa chảy vào Việt Nam ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Sông chảy đến xã Đàm Thủy chia nhiều nhánh chảy thành thác đổ xuống một vùng rộng như một hồ nước nhỏ. Mức nước dưới chân thác so với con sông phía trên là khoảng 35 m. Sông chảy thành thác rồi thành dòng quay trở (qui) lại Trung Hoa.

 

 Quả thật nhìn thác nước trong cơn mưa chiều, chúng ta thấy sự hùng vĩ và cái đẹp của nó. Cảm nhận về cái đẹp mỗi người mỗi vẻ nhưng giống nhau vì thác nước vùng biên giới này từng gắn liền với bao triều đại gắn liền với việc thành hình nước Việt ở phương Nam. Sự chia đôi biên giới của thác nước cũng có nghĩa trong tâm thức là chia đôi cái đẹp hay là cái đẹp nửa vời !Cái đẹp của thác chưa thực sự hoàn hảo và của riêng đất nước Việt !

 

Thác Bản Giốc vùng biên giới trong cơn mưa chiều......

 Dù mưa chưa ngớt, chúng tôi vẫn muốn đứng nhìn thác nước ví như nàng con gái tuyệt đẹp đang một thân chịu sự giằng co của hai chàng trai mạnh yếu cách biệt..... Nhưng rồi anh hướng dẫn viên đã thúc giục trở lại xe để còn di chuyển thêm 180km theo QL4a về Lạng Sơn ghé thăm nhiều di tích lịch sử khác nữa.....

 

 Lên xe rời thác Bản Giốc khi cơn mưa chiều đã bớt. Xe đưa chúng tôi về lại một khách sạn ở Cao Bằng nghỉ đêm để sáng hôm sau đi thị trấn Đồng Đăng cách khoảng 125 km. Đồng Đăng vốn được biết đến qua câu ca dao quen thuộc :

 

 Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

 Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

 Ai lên xứ Lạng cùng anh,

 Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em......

 

 Ngày nay, ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng từ trước, thị trấn Đồng Đăng và thành phố Lạng Sơn từng được đề cập nhiều và đi vào lịch sử với những trận đánh ác liệt cách đây 40 năm ngăn chặn bọn xâm lược phương Bắc tràn vào vùng cực bắc và đông bắc nước ta. Tháng 2/1979, mấy chục quân đoàn của bọn xâm lược Trung Quốc tiến công nước ta về mạn bắc trong đó có Đồng Đăng và Lạng Sơn phải gánh chịu những tổn thất rất lớn. Nơi đây từng chứng kiến những thiệt hại về quân số, xe tăng của bọn chúng cũng như những hy sinh mất mát của người dân vùng này.... Bốn mươi năm trôi qua (1979-2019), những vết tích của cuộc chiến đấu khốc liệt thuở ấy vẫn còn ở một số địa điểm lịch sử nhưng bộ mặt phố xá đã thay da đổi thịt của một thời hòa bình......

 

 VII. THĂM THỊ TRẤN ĐỒNG ĐĂNG

 

 - Thăm cửa khẩu Tân Thanh

 Ngày thứ sáu của chuyến thăm vùng cực bắc đất nước, đoàn chúng tôi đã đến thăm cửa biên giới Tân Thanh. Anh hướng dẫn viên của đoàn "mau miệng" giới thiệu với trạm biên phòng là "đoàn cán bộ hưu trí" nên chúng tôi được mau chóng dẫn vào bên trong cổng đến cột mốc kề bên số 1090, phân định biên giới hai nước. Cách 15 mét bên hàng rào là lính TQ trong giờ nghỉ đứng lố nhố nhìn sang. Năm 1979, chúng ta đã ngăn chặn bọn xâm lược TQ ngay những vùng biên giới cực bắc này. Nhưng rồi 40 năm sau, bằng những hiệp ước gì đó, họ đã tràn sang đất Việt bằng hàng hóa, bằng những đoàn du lịch, bằng những đoàn đầu tư hay mua đất đai nhà cửa mà không cần đến súng đạn. Những vùng biển đảo họ lại có cách xưa nay là cưỡng chiếm nhân danh " Biển Đông từ thời xa tít là của Trung Hoa !" (theo cách nói của Đăng Tiểu Bình, kẻ ra lệnh tấn công nước ta năm 1979). Không xâm lược bằng cách này thì xâm nhập đủ kiểu bằng con đường khác của hàng hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao, áp chế, cưỡng chiếm, mưu mẹo, thủ đoạn.... v.. v...

 

 "Cửa khẩu" hay cửa biên giới Tân Thanh nằm cách phố xá vài chục mét với những hàng xe tải ra vào nườm nượp nhập các sản phẩm của TQ như máy móc, đồ điện tử rẻ tiền, áo quần, giầy dép.. v.. v... Những loại hàng hóa như thế bày bàn những khu chợ ngay trước con phố có cửa ngõ đi qua biên giới. Bên nước Việt khi mấy anh TQ chơi xỏ lá ngưng nhập hàng là biết bao đống nông sản như dưa hấu, thanh long, măng cụt, bưởi xoài đổ lăn lóc ngay phía cổng biên giới.....

Cổng biên giới Tân Thanh ở Đồng Đăng

 Chúng tôi để ý thấy trừ một hai tiệm trước cổng biên giới có đề tiếng Hoa để trưng bảng hiệu, còn khắp nơi trên con đường xe chạy qua thị trấn hầu như không thấy bảng hiệu chữ Hoa. Đó là dấu hiệu đáng mừng vì người dân nơi đây đã nghiêm ngặt giữ gìn bản sắc dân tộc không như Quảng Ninh, Đà Nẳng hay Nha Trang.... trưng bảng chữ Hoa khắp nơi y như là những thành phố “anh em” với Tàu !

 

Cột mốc 1090 bên trong cửa biên giới

với tòa nhà cao lớn của TQ

 Sau buổi trưa, đoàn chúng tôi lai đi tiếp ghé thăm một thắng cảnh có tiếng ở vùng đông bắc là vùng Mẫu Sơn. Chúng tôi sẽ quay trở lại nơi này để ghé thăm ngọn đồi nàng Tô Thị, di tích thành nhà Mạc.. v.. v.. vì giành nhiều thời giờ cho chuyến đi Mẫu Sơn.

 

 II. THĂM MẪU SƠN

 

 Trong một buổi chiều trời mây quang đãng, đoàn chúng tôi đã đi đến vùng Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, cách Lạng Sơn 30km về hướng đông. Con đường đi lên một cao điểm của vùng núi Mẫu tuy hẹp nhưng khá tốt uốn lượn đưa chuyến xe lên trên một đỉnh cao của vùng núi Mẫu. Không khí trên cao điểm này thật trong trẻo. Mùa này, ban ngày chỉ khoảng 24-25 độ nên khá dễ chịu.

 

 Trong những năm 1925, người Pháp đã tìm kiếm nơi nghỉ ngơi ở phía đông bắc Việt Nam và đã nhận thấy vùng núi này rất thích hợp. Họ đã cho làm con đường 16km nối quốc lộ 4a đi lên đỉnh núi này. Mặt trước của cái lô cốt còn sót lại trên đỉnh mà chúng tôi leo lên ghi là 1180, chắc là cao độ so với mặt biển. Như thế, đây chỉ là một cao điểm của vùng Mẫu Sơn. Theo tư liệu và cách gọi của người dân tộc Tày, Nùng, Dao sống ở đây, dãy Mẫu Sơn có hai ngọn núi cao là Phia Pò hay còn gọi Công Sơn hay là núi Cha cao khoảng 1541m. Còn núi thứ hai là Phia Mè hay là núi Mẹ cao khoảng 1520 m. Như thế, chỗ chúng tôi đang đi lòng vòng "tham quan" chỉ là một điểm cao của vùng Mẫu Sơn mà thôi. Tiếc rằng chúng tôi chưa kịp hỏi người dân nơi đây chỉ cho thấy ngọn nào quanh đây là núi Cha và núi Mẹ ! 

 Người Pháp đã chọn nơi đây vì có ngọn núi tương đối tiện cho việc lên xuống, xây dựng chỗ nhỉ ngơi. Họ đã cho xây những dãy nhà nghỉ hay căn lầu lớn để đến nghỉ. Bao nhiêu năm qua, những căn nhà này đã bị hư hao trông cũ mèm nhưng vẫn giữ kiểu cách xây dựng thuở nào. Du lịch có thể phát triển mạnh nhiều nơi tương tự như Sa Pa ở Lào Cai núi Bà Nà ở Đà Nẳng, Bà Đen ở Tây Ninh.. v.. v.. nhưng ở đây, Mẫu Sơn vẫn đứng nhìn thời gian trôi nhanh giữa một vùng núi non rất đẹp và hấp dẫn. Nhưng trong lòng tôi vẫn nghĩ rằng dầu sao, cái dáng vẻ hiện thời nơi đây có cái đẹp thật quyến rũ vì còn chất hoang sơ. Mặt trái của phát triển du lịch, nếu khai thác quá đà, sẽ làm tan nát cái đẹp vốn có của những nơi như thế này !

Những dãy căn nhà còn lại từ thời Pháp tại Mẫu Sơn

 Từ trên điểm cao nhất của ngọn núi đang ghé thăm, quan cảnh núi non, trời mây bao la và màu xanh ngút ngàn cho lại những cảm xúc nhẹ nhàng, trong lắng !. Đất nước chúng ta quả là có nhiều địa điểm du lịch quá tuyệt vời !

Khung cảnh với vài nóc nhà giữa núi non bao la....

 

Những căn nhà nhỏ đang tàn tạ,

đứng chơ vơ theo năm tháng

  Chúng tôi đi bộ một khoảng xuống núi. Vừa đi, chúng tôi vừa tận hưởng những cảm xúc êm dịu trước cái đẹp để kịp trở về nghỉ ngơi ở thành phố Lạng Sơn. Ngày mai là ngày cuối cùng của chuyến đi ra vùng biên giới phía bắc, chúng tôi sẽ ghé lại thị trấn Đồng Đăng thăm nàng Tô Thị, thành nhà Mạc... để trưa mai ghé thăm Ải Chi Lăng cách thành phố Lạng Sơn 42 km và trở về Saigon.

 
 Mang theo những ấn tượng về quan cảnh tươi đẹp và bầu không khí trong lành từ vùng Mẫu Sơn, chúng tôi về nghỉ đêm ở Lạng Sơn chuẩn bị cho chuyến thăm khu vực Phường Tam Thanh với dãy núi Vọng Phu có tượng đá nàng Tô Thị và dấu tích thành nhà Mạc vào sáng hôm sau.

 

 III. THĂM DÃY NÚI VỌNG PHU VÀ THÀNH NHÀ MẠC 

 

 Khi xe chạy vào thành phố Lạng Sơn chúng tôi hình dung những ngàytháng 2/1979, TQ mở cuộc tấn công quy mô sang các tỉnh vùng biên giới phía bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Thị xã Lạng Sơn đã bị quân địch chiếm đóng ngay khi chúng tiến công ban đêm. Bên Việt Nam đã tổ chức nhiều đội dân quân chống trả cùng với các lực lượng chính quy được điều tới. Trận chiến đã làm cho Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành phía bắc hầu như bị tàn phá hoàn toàn. Khi bọn giặc rút lui, chúng đã cho giật phá tất cả những công trình những nơi chúng tấn công chiếm giữ. Sau năm 1979 mãi đến 1988, bọn chúng vẫn tiếp tục cho nã đạn pháo thường xuyên vào các vùng biên giới gây nhiều thiệt hại và thương vong cho dân chúng và binh lính..... Nhưng ngày nay, trừ những nơi còn được giữ lại để làm di tích, Lạng Sơn và những tỉnh thành sát biên giới Trung Quốc đã được xây mới trên đống gạch đổ nát. Cũng như thị trấn Đồng Đăng, chúng tôi thấy thành phố Lạng Sơn với đường phố và nhà cửa khang trang có lẽ chỉ mới xây dựng mấy chục năm nay thôi !

 

 Ca dao xưa của vùng Lạng Sơn có câu : Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...... Ngày nay, tỉnh Lạng Sơn bao gồm thành phố Lạng Sơn ( đi lên từ thị xã Lạng Sơn -2002), thị trấn Đồng Đăng cùng một số huyện nữa. Thị trấn Đồng Đăng lại cách thành phố Lạng Sơn 14km về phía đông nam. Còn dãy núi Tô Thị hay còn gọi là dãy núi Vọng Phu lại ở thành phố này. Do đó, nên chỉnh lại câu ca dao này cho phù hợp với địa lý và bao quát hơn với thực tế :

 

 Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa,

 Cùng nàng Tô Thị với chùa Tam Thanh...

 

 Lạng Sơn đây tức là "xứ Lạng" của câu ca dao cũ hay nói rộng ra là vùng Lạng Sơn hay tỉnh Lạng Sơn trong đó có Đồng Đăng. Có như thế sẽ dễ xác định vị trí địa điểm du lịch !

 

 Xe chở đoàn chúng tôi ghé con đường Tô Thị nằm ngay dưới chân dãy núi nhỏ có tượng đá nàng Tô Thị. Leo lên mấy chục bậc cấp, chúng tôi đã đến dãy tường đá trước đây là thành nhà Mạc. Nhà Mạc đến thời Mạc Mậu Hợp bị giết (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), con cháu như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan.. v.. v.. chạy lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao bằng, Lạng Sơn để tránh sự tấn công của họ Trịnh ở Thăng Long. Ngày nay tại Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn... vẫn còn di tích thành lũy thời thoái trào nhà Mạc phải tránh lên vùng đông bắc.

 

 Trên một vuông đất hẹp trên dãy núi Vọng Phu vẫn còn hai lũy đá có cổng của thành nhà Mạc vắt ngang hai triền đá vôi.

 

 Từ vùng đất giữa hai cổng thành trước và sau leo lên triền dốc nhỏ có mấy viên đá làm bậc cấp leo lên để "ngắm" nàng Tô Thị được làm lại vào năm 1991 sau khi "tượng" đá cũ bằng vôi bị nước ăn mòn chân làm đổ xuống. Tượng đá cũ mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trong các tư liệu cũng không phải là"pho tượng" có giá trị nghệ thuật ! Hình ảnh đá kết dính với nhau như hình người mẹ bồng con có ý nghĩa phần lớn nhờ vào câu chuyện cổ tích về người đàn bà bồng con đợi chồng đi chinh chiến lâu ngày hóa thành đá. Bài hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương cũng góp phần tô điểm cho câu chuyện nàng Tô Thị. Ở miền trung trên đỉnh Đèo Cả của Phú Yên cũng có đá mẹ cạnh hòn đá nhỏ mà dân nơi này cũng gọi là Hòn Vọng Phu. Bây giờ, người ta làm lại tượng đá Tô Thị mới trông thô thiển chẳng ra sao cả. Phải đứng thật xa mới thấy vóc dáng của nàng Tô Thị nhưng giống như bà cụ già !

Tượng mới trông như một bà cụ già hơn là

một thiếu phụ đợi chồng !

 

Từ chỗ dựng tượng nàng Tô Thị

nhìn xuống rộng lúa TP Lạng Sơn

 Xe đưa đoàn ghé chợ thành phố Lạng Sơn. Trước mặt chợ là sông Kỳ Cùng mùa này nước đỏ lòm. Sông chảy từ bên Trung Hoa sang vùng Lạng Sơn lại quay về phương Bắc.

Dòng sông Kỳ Cùng chảy qua Lạng Sơn

mùa này nước đỏ hồng.

 Có lẽ việc ghé thăm tượng nàng Tô Thị và nếu có thời giờ thăm hai động Nhị Thanh, Tam Thanh là để cho biết thôi chứ không hấp dẫn mấy ! Đích chính của chuyến ghé thăm tỉnh Lạng Sơn là Ải Chi Lăng sau buổi trưa nay sẽ kết thúc bảy ngày của chuyến hành trình ra bắc để chiều tối bay vô Saigon.

 

 VIII. THĂM ẢI CHI LĂNG

 

  Sau khi dùng cơm trưa sớm, chuyến xe của Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ đi theo quốc lộ 1A đến xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cách thành phố Lạng Sơn khoảng 50km về phía đông bắc để viếng thăm một trong những di tích quan trọng nhất đã góp phần to lớn  vào những trang sử hào hùng chống giặc xâm lăng phương Bắc để bảo vệ nền tự chủ của dân tộc Việt Nam.

  Ải Chi Lăng ngày xưa rất hẹp, có nhiều thành lũy để ngăn giặc, có núi non cao vây quanh và nhiều chỗ có đầm lầy hiểm trở. Từ phương Bắc tiến qua đất Việt, đây là con đường khó khăn nhất để tiếp giáp với con đường cái quan thuận tiện hơn tiến về kinh đô Thăng Long cách đó 110 km. Ải Chi Lăng là một thung lũng hình bầu dục dài khoảng 20km, chỗ rộng nhất khoảng 3km. Cửa núi đi vào lũy Ải Chi Lăng xưa ở phía bắc là vùng núi non hiểm trở gọi là Quỷ Môn Quan cách vùng Khâu Ôn của biên giới Việt Trung là 60km. Cách đó 4km về phía nam là lũy núi Ngõ Thề. Ngõ Thề là thành lũy xưa để các binh lính trấn nhậm vùng cửa Ải Chi Lăng thể hiện quyết tâm giữ vững thành lũy trước quân thù.  

Cửa Ải Chi Lăng do việc làm đường đi qua nay chỉ có hai vách đá xây hai bên ghi dấu.....

 Anh Trần Thế Dũng, người hướng dẫn đoàn lần này, trong bài viết ngày 12/04/2015 đăng trên báo Tuổi Trẻ Online đã lưu ý cho chúng tôi về cách nhìn Ải Chi Lăng trong một tổng thể với nhiều địa đểm quan trọng do việc mở đường làm thay đổi hình dạng :"Tuy nhiên, công trình vốn là lũy ải (chiến lũy hình thang) được đắp trước thế kỷ XV nhằm án ngữ khu vực bãi lầy, nay được cắt ra một đoạn để ngành giao thông mở đường mới vào những năm 2000, được ngành văn hóa địa phương gắn biển Ải Chi Lăng là không xác đáng. " (Đừng gây hiểu lầm về Ải Chi Lăng). Theo anh Dũng trong bài viết của mình phải hiểu Ải Chi Lăng là một khu vực có thung lũng hiểm trở với nhiều công trình xưa và bao quát như đã nêu trên.

 Nhà thơ Nguyễn Du khi phụng mệnh triều đình Huế lên Lạng Sơn qua Ải Chi Lăng đón sứ nhà Thanh đã nhận xét :

 

 QUỶ MÔN ĐẠO TRUNG

鬼門道中 

 

Quỉ môn thạch kính xuất vân côn (căn), 鬼門石徑出雲根
Chinh khách nam quy dục đoạn hồn.
征客南歸欲斷魂
Thụ thụ đông phong xuy tống mã,
樹樹東風吹送馬
Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên.
山山落月夜啼猿
Trung tuần lão thái phùng nhân lãn,
中旬老態逢人懶
Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn.
一路寒威杖酒溫
Sơn ổ hà gia đại tham thụy?
山塢何家大貪睡
Nhật cao do tự yểm sài môn.
日高猶自掩柴門

(Thanh Hiên Thi Tập) 

 

Tạm chuyển lục bát:

 

GIỮA ĐƯỜNG ĐI ẢI QUỶ MÔN 

 

Quỷ môn đường đá chân mây,

Về nam khách muốn lìa bay vía hồn!

Hàng cây tiễn ngựa gió đông,

 Đêm nghe vượn hú dãy non trăng tà.

Vẻ già lười gặp người ta,

Đường đi sợ lạnh nhờ qua rượu nồng.

Nhà ai say ngủ hõm non,

Mặt trời cao tỏ cổng còn cài then.

 ( DAS tạm dịch) 

 

 Hai câu đầu cho thấy "khách đi xa"(chinh khách) ở đây vừa chỉ đoàn sứ nhà Thanh mà Nguyễn Du đi đón nhưng cũng ám chỉ những đoàn quân xâm lăng phương Bắc từng đi qua ải Chi Lăng phải "đoạn hồn"...... Sau này khi làm chánh sứ sang nhà Thanh, Nguyễn Du có thêm một bài thơ nữa :

 

QUỶ MÔN QUAN 

 鬼門關 

 

Liên phong cao tháp nhập thanh vân, 連峰高插入青雲
Nam bắc quan đầu tựu thử phân.
南北關頭就此分
Như thử hữu danh sinh tử địa,
如此有名生死地
Khả liên vô số khứ lai nhân.
可憐無數去來人
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ,
塞途叢莽藏蛇虎
Bố dã yên lam tụ quỉ thần.
布野煙嵐聚鬼神
 Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,
終古寒風吹白

Kỳ công hà thủ Hán tướng quân. 奇功何取漢將軍 

(Bắc Hành Tạp Lục)

 

Tạm chuyển lục bát :

 

CỬA ẢI “QUỶ MÔN”

 

Dãy non cao ghép mây xanh,

Ải chia nam bắc cuối ranh đây rồi!

Tiếng tăm sống chết là nơi!

Khá thương bao kẻ lắm người lại qua.

Đường che khuất lấp hổ xà,

Tụ đồng khí chướng quỷ ma trải đầy.

Gió xưa xương trắng lạnh bày,

Công chi tướng Hán lạ thay nhận vào.

 (DAS tạm dịch)

 

 Nhờ sự hiểm trở như thế nên Ải Chi Lăng cùng với tinh thần yêu nước của người dân nơi đây và quyết tâm của các triều đại hùng tráng đã ngăn chặn, đánh bại bao lần giặc phương Bắc tràn sang. Những dãy núi của vùng Ải Chi Lăng gần chỗ Liễu Thăng bị chém chết có núi Mặt Quỷ với đôi mắt nhìn trừng trừng vào bọn giặc xâm lược khiến bọn chúng phải khiếp sợ. Ngoài ra các dãy núi như Kai Kinh, Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Mã Yên, Kỳ Lân cùng núi Mặt Quỷ làm cho Ải Chi Lăng và Quỷ Môn Quan thêm hiểm hóc cùng với các bãi đầm lầy nằm giữa khiến quân giặc khó lường... Chúng ta có thể điểm qua các trận đánh lớn nhỏ tại vùng Ải Chi Lăng xảy ra trong lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc :

 - Mùa xuân năm 981, thời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng dẫn quân qua vùng Lạng Sơn, các cánh khác của họ đi ngã Tây Kết và sông Bạch Đằng. Riêng cánh quân của Hầu Nhân Bảo bị chận đánh ở cửa Ải Chi Lăng. Vua Lê sai quân bản địa giả hàng khiến Bảo bị mắc vào vòng vây và bị chết chém. (ĐVSKTT, Lê Văn Hưu& VNSL, Trần Trọng Kim)

 - Tháng giêng năm 1077, thời Lý Nhân Tông, quân Tống do Quách Quỳ dẫn sang qua cửa Ải Chi Lăng đã bị phò mã Thân Cảnh Phúc ngăn chặn làm tiêu hao rất nhiều. Đến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu, Bắc Ninh) lại bị quân Lý Thường Kiệt quyết liệt ngăn chặn không cho vượt sông tiến về Thăng Long

(VNSL, TTKim &ĐVSKTT. LV Hưu).

 - Thời nhà Trần, quân Nguyên do Thoát Hoan sang đánh nước ta lần thứ nhất (1284) cũng bị các toán quân nhỏ mai phục gây nhiều thiệt hại khi đi ngã Lạng Sơn qua Ải Chi Lăng(VNSL, TTK)

 

 - Nhưng có lẽ trận thắng vang danh nhất đem lại vẻ vang cho dân tộc ta là trận Chi Lăng. Năm 1427, nhà Minh cử An Viễn Hầu Liễu Thăng, tham tướng Bảo Định Bá Lương Minh, đô đốc Thôi Tụ cùng binh bộ thượng thư Lý Khánh, công bộ thượng thư Hoàng Phúc... sang tiếp viện cho Vương Thông đi từ Khâu Ôn vào nước ta. Liễu Thăng là viên tướng kiêu ngạo nên Lê Lợi nắm rõ yếu điểm đó. Vua sai Lê Sát, Đinh Liệt, Lê Linh, Trần Lựu, Lưu Nhân Chú.. v.. v... dùng thế giặc đi xa mệt mỏi phải đi qua vùng ải hẹp nên cho quân lính giả thua để Liễu Thăng hăng máu đuổi theo. Đường nhỏ lại hiểm trở lại bị quân mai phục làm tiêu hao, Liễu Thăng bị phục binh ở chỗ đầm lầy, quân số đi theo ít ỏi đã bị quân mai phục chém chết ở đảo núi Mã Pha, Ôn Châu tức Mã Yên Sơn bây giờ. Lê Sát, Trần Lựu tiếp tục quay lại đánh đuổi hậu quân chém chết Lương Minh. Bọn Hoàng Phúc, Thôi Tụ thoái lui bỏ chạy về Lạng Giang.... Nhờ chiến thắng quan trọng này nên thế trận quân Minh tan vỡ, quân Minh phải xin rút quân giảng hòa....

 

 Chúng tôi đã học những bài học lịch sử oai hùng như thế từ những năm học tiểu học cho đến trung học. Nhưng đến nơi đây nhìn thấy núi non, sông suối và con người mới hiểu hơn những bài học lịch sử trong sách vở đó. Chỉ tiếc là khi mở mang đường xá giao thông những người có trách nhiệm không bảo tồn được những địa điểm cho thấy dấu vết của thành lũy của cửa ải Chi Lăng. Vật đổi sao dời biết làm sao được ! Giao thông có thuận tiện giúp đi lại và giao thương phát trển, nhưng những di tích lịch sử lại có giá trị giáo dục và hun đúc tinh thần yêu nước để cho hậu thế học những bài học giữ nước rất cần thiết. Nếu nước mà mất đi thì đường giao thông chỉ thuận tiện cho bọn cướp nước dễ vào ra còn có ích dụng gì đâu ! Hai tường đá dựng hai bên đường và một tấm bia ghi nhớ sẽ tàn phai. Đồng thời, nó không xứng hợp với một di tích lịch sử quan trọng trong việc ngăn chặn giặc xâm lược phương Bắc vì quá sơ sài. Có thể làm những căn nhà to lớn để giới thiệu về Ải Chi Lăng gì đó nhưng dấu tích thực sự lại chẳng bảo tồn được ! Vách đá Chi Lăng cũng tương tự như những vách đá ngăn đất đá ở các con đèo mà thôi. Nhưng may mắn vẫn còn gương mặt quỷ của Quỷ Môn Quan trừng mắt nhìn bọn giặc và tay sai, vẫn còn núi Mã Yên, Kai Kinh... để ghi nhớ một địa điểm lịch sử đã thấm sâu vào tâm khảm của một dân tộc yêu chuộng tự chủ và độc lập luôn chống lại được tham vọng xâm chiếm của kẻ thù cướp nước.

 

 Thêm vào đó, bài học lịch sử từ vùng thành lũy Chi Lăng cũng cho chúng tôi thấy rằng việc xây dựng thành lũy vững chắc nhất vẫn là sức mạnh đoàn kết của dân tộc cùng lòng yêu nước và quyết tâm giữ gìn non sông đất nước. Thành lũy Chi Lăng thời nay còn cần thêm sự lớn mạnh và tự chủ của khía cạnh chính trị, kinh tế, ngoại giao, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Ngày xưa đánh nhau với quân Liễu Thăng là nhờ mưu kế lấy ít đánh nhiều và dụ được Liễu Thăng vào Mã Yên để tiêu diệt với gươm giáo thô sơ. Ngày nay, kẻ thù xưa quá lớn mạnh đủ mọi bề nhất là quân sự và kinh tế. Thế giới cũng đổi thay. Lòng yêu nước dù nhiệt tình cũng cần đến một đất nước hùng mạnh được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thông minh, khôn khéo và nhất là biết nên làm bạn thật lòng với ai và xa lánh bọn chỉ dựa trên cái ác, cái xấu gieo tai họa mất nước cho dân tộc.

 

  Đôi mắt quỷ nhìn bọn giặc.... "Quỷ" đối với người dân tộc Tày, Nùng nơi đây cũng là "Thần" giúp đỡ và che chở cho họ chống lại cái xấu, cái dữ. Dân làng Chi Lăng từ bao đời vẫn sống trong sự che chở như thế của quỷ thần được xem là thần linh của người miền xuôi.

 

 Đoàn chúng tôi cũng đi vào một thôn trước mặt Núi Mặt Quỷ đến viếng đền thờ các nghĩa sĩ và tướng lĩnh đã hy sinh khi chống giặc xâm lược xưa kia. Chúng tôi như cảm nhận nơi vùng cửa ải danh tiếng này hồn thiêng của bao tử sĩ như ở quanh đây cùng với quỷ thần vẫn ra sức gìn giữ non sông. Chúng tôi vòng trở lại qua chiếc cầu bắc ngang qua một con sông nhỏ mà trước đây chảy qua các đầm lầy tạo thành thế hiểm địa ngăn cản quân thù. Tôi nghe trong không khí thiêng liêng nơi đây hào khí của biết bao anh hùng đã xả thân vì nước. Tôi nghe từ những dãy núi bao quanh vùng thành lũy Chi Lăng vẫn còn đó tiếng gào khóc của những linh hồn bọn lính phương Bắc bỏ thân nơi xứ người. Và tôi cũng nghe thấy đất nước đang chuyển mình sang giai đoạn mới đủ sức đối phó những mưu toan của kẻ thù lâu đời luôn dòm ngó đất nước ta !  

 Như được tiếp sức bởi một luồng gió trong lành thổi vào tâm hồn, chuyến hành trình thăm những địa điểm lịch sử phía bắc đã giúp chúng tôi biết rõ hơn về quê hương của mình. Một quê hương đầy tiềm năng sẽ trở nên thịnh vượng và văn minh hơn khi được sự lèo lái của những người thật sự yêu nước, thật sự khôn ngoan, khéo léo đưa nước nhà sang một vị thế vững mạnh trên bầu trời Á Đông và thế giới.

 

 

 

 

 

DƯƠNG ANH SƠN
Sài Gòn 30/6/2019

 

 

 

 

 

 

 

trang thơ & truyện Dương Anh Sơn              |                 www.ninh-hoa.com