Thơ & Truyện Nguyễn văn Thành                   |                 www.ninh-hoa.com



 Nguyễn Văn Thành

Cựu học sinh
 Trung học Trần Bình Trọng, niên khóa 1960-1964.




Hiện cư ngụ tại
Minnesota, Hoa Kỳ.

 

 

 

 


***

Tại tâm dịch Covid-19 ở Sài Gòn-thủ phủ kinh tế của Việt Nam- một diễn biến gây nhiều chú ý vào một ngày gần cuối tháng 8: Sở Công Thương Thành Phố yêu cầu cho 25.000 người giao hàng trở lại vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Việc chính quyền đưa ra đề nghị nêu trên cho thấy chính quyền đã thừa nhận chính sách đưa quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho toàn bộ dân cư thành phố, cùng với chính quyền địa phương, là một thất bại!

 

Ngay từ khi chính quyền ấn định kế hoạch dùng bộ đội cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày đầu giới nghiêm 23 tháng 8, nhiều chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về thất bại được báo trước.

 

Rất nhiều người nhìn thấy điều mà Nhà Nước không nhìn thấy!

 

Đó là những người ở vị trí quyết định đã vội vàng đưa ra những chủ trương mà ngay từ đầu đã thấy sai lầm.

Đó là việc cấm hoàn toàn người giao hàng ở một số quận, nhưng ở một số quận khác vẫn cho hoạt động nhưng chỉ trong phạm vi quận đó thôi. Việc giải quyết hàng hóa cho hơn 10 triệu dân, họ trông cậy hoàn toàn vào bộ đội.

 

Dân tình khi nghe Phó Thủ Tướng phát biểu “Không để bất kỳ người dân nào đứt bữa, thiếu chăm sóc y tế” hay Ủy Viên Bộ Chính Trị - Bí Thư Thành Ủy hùng hồn tuyên bố “Không để hộ dân nào khó khăn, thiếu ăn, thiếu đói, thiếu mặc do thực hiện giãn cách xã hội" đều thở dài, chán ngán vì biết rõ rằng mấy cái câu đó chỉ là khẩu hiệu, chỉ là công thức nói để các tờ báo lượm liền cho có cái tựa mà đăng!

 

Khi Sở Công Thương đề nghị cho 25.000 người giao hàng hoạt động trở lại, điều đó có nghĩa là công khai thừa nhận mô hình cung cấp thực phẩm trước đây là hoàn toàn thất bại, thất bại thảm hại.

 

Thất bại có thể biết trước.

 

Với một thành phố hơn 10 triệu dân, để đưa được thức ăn đồ uống đến từng người, thì phải dùng một lực lượng ước chừng 50 ngàn người. Không thể điều 50 ngàn lính làm việc đó được. Số lượng ấy là quá lớn. Và những người lính được huấn luyện và đào tạo để cầm súng, bắn súng,… nay lại bất ngờ chuyển sang lựa chọn và đóng gói thực phẩm rồi vận chuyển đến từng nhà. Riêng việc đấy đã đủ thất bại rồi! Về chuyện di chuyển, các nhân viên giao hàng khi cần ngay lập tức có thể đến ngay, còn với những người không chuyên nghiệp, đó là việc không dễ dàng chút nào.

 

“Không để cho người dân thiếu ăn" chính phủ nói, chính quyền địa phương cũng lặp lại như vẹt nhưng thật sự không làm được. 

Không làm được vì những người thiếu ăn thiếu mặc quá đông Nhà Nước không thể tính hết, không thể tính hết nên không đủ nguồn lực. Nếu không có sự đùm bọc chia sẻ từ các nhóm thiện nguyện và từ mỗi người dân thì chắc chắn rất nhiều người đã chết vì đói.

 

Truyền thống người Việt chúng ta chưa từng có chuyện người dân lợi dụng chiến tranh hay dịch bệnh để đục nước béo cò, chưa hề có cảnh dân ta nhìn đồng bào mình đói mà không chia sẻ miếng ăn, chưa từng có cảnh dân ta nhìn đồng bào mình sắp chết mà dửng dưng.

 

Tuy không có truyền thống chống dịch như chống giặc nhưng người Việt ta có truyền thống đạo lý nhường cơm sẻ áo thấm đẫm trong tâm khảm của mỗi người.

 

Bởi vậy, các tầng lớp trên, từ quan chức và các nhà báo cho đến các “chuyên gia" hãy bớt nói những thứ mình không biết, bớt cao đạo bớt mị dân, bớt hứa những gì mình không có khả năng, bớt dùng truyền hình quốc gia để chê mắng dân là không có não. Ai có não ai không, ai não to ai não bé, khó nói lắm. Xin thưa, các vị chỉ giỏi khua chiêng gõ trống cho to chứ không thể cứu được dân đâu!

Chỉ có dân mới cứu được nhau.

Đừng kêu gọi dân đóng góp vào quỹ này quỹ nọ mà hãy trân trọng mỗi một hành vi giúp dân của những nhóm thiện nguyện và của từng người trong khu dân cư và trên khắp nẻo đường.

 

Chính quyền phải thấy rằng dân giúp nhau hiệu quả hơn chính quyền nên phải bảo vệ, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, phải ủng hộ chứ không được hoạnh họe, gây khó dễ khi dân giúp lẫn nhau.

 

Các tổ chức dân sự đi làm từ thiện, các nhóm thiện nguyện ở xã hội ta có những khó khăn mà nhiều xã hội khác không có. Đằng sau sự khó khăn đó là sự sợ hãi của Nhà Nước, sự ngờ vực của Nhà Nước đối với các tổ chức như vậy.

Họ sợ các tổ chức mà Nhà Nước không nắm được.

Lo lắng đó, sợ hãi đó là điều rất dễ hiểu rất đúng quy luật điều hành của một xã hội toàn trị.

 

Đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay bộc lộ hết tất cả những điểm mà trước đây người ta đã thấy nhưng bây giờ thấy sâu sắc hơn. Đó là xã hội dân sự là yếu tố cấu thành của xã hội hiện đại, không thể nào gạt bỏ ra được bằng mệnh lệnh hành chính. Cấm cản nó, gạt bỏ nó, xã hội sẽ chịu hậu quả. Cuối cùng Nhà Nước phải gánh hậu quả. Người dân phải gánh đã đành nhưng Nhà Nước cũng phải gánh.

 

Trước khi phong tỏa, các tổ chức từ thiện trợ giúp thực phẩm cho người nghèo vẫn hoạt động được. Người ta nấu cơm, có ngày đến 2000 suất. Có riêng một lực lượng đem đến cho người bị đói. Thế rồi sau đó có lệnh mỗi nơi chỉ được phép có 2 người tham gia phục vụ. Rõ ràng là cấm, vì chỉ có 2 người thì làm thế nào tổ chức nấu ăn cho chừng đó con người nữa? Những chỗ tặng cơm đó buộc phải đóng cửa, người đói phải đến quỳ xuống đưa tay vào nhận phần cơm. Vì sao? Vì phải nhận giấu diếm, vì sợ Nhà Nước biết.

Đến hiện nay tình hình có thay đổi, tức là bắt đầu nới lỏng, cho phép rồi.

 

Tất cả những điều trên cho thấy sự lúng túng, hoàn toàn không hề tính toán, không biết sắp xếp ngay từ đầu, với ảo tưởng là một mình Nhà Nước có thể đảm nhiệm tất cả.

 

Thực tế là khi người dân đóng thuế thì chính quyền phải lo cho dân. Còn đối với người dân, Nhà Nước cần phải để họ giúp nhau, không được cấm cản họ. 

Cấm cho thỏa cái tối kiến của một vài  đỉnh cao trí tuệ nào đấy nhưng cấm chẳng được, đành phải mở nhưng mở he hé.

 

Hiện nay 25 ngàn người giao hàng đã được hoạt động trở lại nhưng với điều kiện phải xét nghiệm hàng ngày, mỗi lần xét nghiệm tốn hơn 200 ngàn. Họ phải bỏ tiền túi ra hoặc nơi thuê họ phải bỏ tiền ra cho họ xét nghiệm. Cuối cùng giá cả hàng hóa tăng lên do có thêm chi phí xét nghiệm, người tiêu dùng lãnh đủ!

 

Mà việc này rất phản khoa học bởi chính Nhà Nước nói mỗi lần xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày. Thế thì tại sao phải xét nghiệm hàng ngày? Nếu có một chứng cứ khoa học buộc phải xét nghiệm là một chuyện, nhưng đây hoàn toàn không phải.

 

Tóm lại, họ rất sợ hãi những lực lượng không phải của Nhà Nước!

 

Thực tế đã bắt mấy cái quy định, mấy cái chỉ thị không chất xám ấy phải thay đổi.

Nếu không thay đổi thì phải trả giá bằng người chết, bằng sự oán thán ngất trời của người dân. Người dân đói thì họ nổi loạn là điều tất yếu.

Tất cả những điều đó đẩy những kẻ lãnh đạo vào thế không chấp nhận không được.

 

Họ - những đầy tớ của dân, chẳng biết nhìn xa, luôn đưa ra mấy cái chỉ thị tào lao, mấy cái quyết định ngu ngốc - chắc chắn đánh mất vĩnh viễn niềm tin từ người dân.

 

Trận dịch này đã bộc lộ tất cả những khuyết điểm của cách quản lý xã hội từ trước đến nay.

 

Đại dịch này đã phơi bày tất cả lỗ hổng của các đỉnh cao trí tuệ.

 

 

Nguyễn Văn Thành

10/2021

 

 

 

 

 

Thơ & truyện Nguyễn văn Thành                |                 www.ninh-hoa.com