trang nhà www.ninh-hoa.com  |  trang thơ & truyện Lương Lệ Huyền Chiêu


 

 
Thơ
   Vườn Xưa
   Mùa Nắng Cũ
   Mười Sáu Tuổi

 Gửi Con Trai Đã Lớn

   Họa Thơ Tặng Bạn
   Tình Cờ Trang Web
   Thơ Gởi Bạn
   Thơ Gởi Học Trò
   Tình Quê
   Tình Yêu Của Bố
 
 
 
Truyện
   Cọp Ninh Hòa
   Học Trò Xóm Rượu
   Xin Chọn Nơi Này Làm
   Quê Hương

 

 

CỌP NINH HÒA

Thuở nhỏ tôi thường nài nỉ bà tôi kể chuyện cọp Ninh Hòa. Những câu chuyện ấy hầu như tôi đã thuộc lòng nhưng tôi vẫn thích được nghe bà kể lại để tôi vừa có cảm giác run sợ vừa thấy lòng hãnh diện vì quê hương mình từng có … nhiều cọp.

- Hồi bà còn nhỏ, quê mình cọp nhiều lắm. Thời đó nhà cửa, dân cư thưa thớt, không biết chừng Cọp nhiều hơn người. Cọp dạn lắm. Mấy "ổng" nghênh ngang muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, coi người như rác. Trời tối, cọp bắt đầu túa về làng. Cháu thấy đó, quê mình như cái lòng chảo, bốn bề núi non. Cọp từ Suối Ré tuôn ra, cọp từ Hòn Hèo lần tới, cọp từ dốc Ðá Trắng, Dục Mỹ, núi Vọng Phu cũng kéo nhau xuống núi.
- Mấy ổng về làng làm gì hả bà?
- Thì mấy ổng buồn buồn đi rong chơi, gặp heo thì bắt heo, gặp chó bắt chó có khi rinh cả bò, ngựa. Cọp ở Ninh Hòa mình chắc lúc đó có cả ngàn con.
Tôi lúc đó bắt đầu thấy run run
- Vậy mình trốn đi đâu hả bà? Thì chiều xuống mình lo nấu cơm ăn rồi đóng cửa đi ngủ sớm. Nói vậy chứ có ngủ được đâu, ở trong nhà nghe tiếng “À nôm“ của mấy ổng mà phát run, lại còn tiếng mấy con chó đi chơi về muộn chun rèn rẹt qua lỗ chó chun nữa chớ. Ban ngày thì đở hơn, mấy ổng về nằm ngủ trong mấy bụi tre rừng – Không hiểu sao cọp thích ở rừng tre - Vậy nên mới có câu chuyện này:

Một bửa, mấy người trong xóm rủ nhau lên rừng bẻ măng. Mấy bà già sợ cọp nên hay ở quanh quẩn bên mấy mấy đứa trai tráng. Hôm đó thằng Lực đứa khỏe nhất trong bọn đang thò cây sào một đầu có gắn câu liêm vào một bụi tre rừng bổng nó đứng bật dậy thét lên một tiếng “A. Cọp“ rồi nó trợn mắt chết trân. Té ra là nó chọt trúng một ông cọp đang nằm ngủ. Ông cọp bị đánh thức, vươn vai chun ra khỏi bụi tre rừng đứng nheo mắt nhìn thằng Lực. Nghe tiếng thét, bà lão Mịch, hàng xóm của thằng Lực xăm xăm bước tới. Thấy tình cảnh thằng Lực, bà nóng ruột xỉa cây gậy về phiá ông cọp quát:

- “Tổ cha mầy, mầy không thấy nó sợ chết điếng rồi sao mà còn đứng đó. Đi chổ khác chơi đi .”

Vậy mà ông cọp lại bỏ đi mới ngộ chớ. Cọp đi rồi bà Mịch bước đến bên cạnh thằng Lực tay vuốt ngực miệng hô “ba hồn chín viá mầy tỉnh dậy Lực ơi !“ Phải một hồi lâu hồn thằng Lực mới nhập về xác của nó. Từ đó thằng Lực coi bà Mịch như là người đẻ nó lần thứ hai.
- Cọp cũng sợ bị chửi hả bà ?
- Không phải đâu, cọp nó thấy bà Mịch không sợ nó nên nó nghi ngờ đây là kẻ mạnh. Để bà kể tiếp chuyện mày nghe. Hồi đó đâu có máy xay gạo như bây giờ. Tối tối, trời có trăng, người ta xúm lại một sân nhà để xay lúa, giả gạo. Xóm đó có thằng đui chuyên giử một tay chày. Bửa đó đang kẻ xay người giả bổng tất cả đều nhìn thấy một ông cọp đang ngồi rình sau một bụi chuối. Mấy người sáng mắt bỏ chạy không kịp kêu một tiếng. Tội nghiệp thằng đui, nó đứng dang chân, chày giơ lên trời, chờ một tiếng “thịch“ để hạ chày mà chờ hoài không thấy. Ông cọp thấy có người không thèm bỏ chạy lại còn giơ chày định phang nó nên nó lặng lẻ bỏ đi mất.

Những câu chuyện của bà tôi có thể là chuyện hoang đường nhưng có một điều có thực là Ninh Hòa quê tôi ngày xưa là giang sơn của hàng ngàn con cọp. Mẹ tôi thường than thở “Chiến tranh! Cọp sợ súng đạn đi hết!“ Tôi không tin rằng cọp đã bỏ đi. Tôi nghĩ rằng cọp đã đến thời kỳ diệt chủng. Những con vật to lớn, mạnh mẻ nhất như Khủng Long, Voi ma mút, Cá Voi, Sư tử, cọp, beo ...và cả loài người nữa sẻ lần lượt biến mất trên trái đất này do một quy luật huyền bí của thiên nhiên.

Văn minh của loài người nếu thiếu tình yêu thương, tính nhân bản chắc chắn sẽ đưa loài người gần đến sự hủy diệt hơn là sự trường tồn.

Có lẻ một ngày nào đó trái đất này chỉ còn lại cây cỏ và những côn trùng bé nhỏ nhất. Cầu trời cho ít nhất cũng còn sót một Adam và một Eva.

“Cọp Ninh Hòa, ma Đồng Cọ, gió Tu Bông“ mới đó mà câu nói này đã thành chuyện cổ tích.



Lương Lệ Huyền Chiêu
 

 

Trang Thơ & Truyện Lương Lệ Huyền Chiêu

home