trang thơ & truyện Lương Lệ Huyền Chiêu                |                 www.ninh-hoa.com


 Lương L Huyền Chiêu

 Dạy học tại trường
Trung Học Bán Công
Ninh Hòa trước
 năm 1975



Hiện cư ngụ tại:
Ninh Hòa, Việt Nam

 

 

 

 

 

TÌNH BẰNG CÓ CÁI TRỐNG CƠM
Lương L Huyền Chiêu

  Tặng các bạn học cũ ở
trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa

 

  

         Lên học ở bậc trung học, điều thú vị nhất đối với tôi là được học với nhiều thầy. Mỗi thầy bước vào lớp như những luồng gió khác nhau, những tia nắng khác nhau, những dòng nước mát khác nhau nuôi dưỡng tâm hồn bọn học trò nhỏ đang như những hạt mầm đơn sơ nằm vùi trong lòng đất. Thuở ấy trường Nguyễn Huệ chỉ có thầy chứ chưa có cô giáo. Các thầy hầu hết đến từ Huế. Chúng tôi thương thầy tự nhiên như thương cha mẹ. Và sợ thầy hơn sợ cha mẹ.

 

         Trong số các thầy ở trường Nguyễn Huệ, tôi sợ nhất thầy Lê Văn Gạch. Thầy dạy môn lý hóa, một môn quá khó cho cái đầu mơ mộng của tôi. Thầy Gạch rất dữ như đôi chân mày rất xếch của thầy. Giờ học của thầy không đứa nào dám cục cựa. Bất phước cho đứa nào bị gọi lên bảng. Dù có thuộc bài đến đâu thì vì hồn xiêu phách lạc đứa học trò đó cũng chỉ ao ước được về chỗ với con zero còn hơn phải đứng trước mặt thầy. Nhưng cũng vì sợ thầy mà chúng tôi cố học không dám bỏ bê môn Lý hóa.

 

         Thuở ấy hầu hết các thầy đều còn trẻ và còn độc thân. Ngoài giờ ở trường thầy Gạch hay đi chung với thầy Bông. Mỗi lần đang ngồi cùng Bích Thủy trong quán bi da Miền Nam, thoáng thấy bóng thầy Gạch thầy Bông bước vào là tôi vội vàng trốn vào nhà sau trong khi tim đập thình thịch.

 

 

         Năm đệ ngũ, trường có tổ chức văn nghệ. Thầy Bình, giáo sư hội họa được giao phụ trách một màn múa. Màn múa này cần 12 cô nữ sinh mà lớp đệ ngũ năm của tôi đã được chọn đến 3 cô. Dù chưa ra dáng thiếu nữ, tôi cũng được chọn và được xếp đứng phía sau các chị cao lớn xinh đẹp. Tất nhiên là tôi mừng lắm, vì khi vào đội văn nghệ chúng tôi được miễn một số giờ học. Một phòng học trống được dành cho thầy Bình tập vở múa "Tình Bằng có Cái Trống Cơm". Chị Hạnh em gái thầy Bình là người hướng dẫn trực tiếp chúng tôi. Thầy Bình dùng phấn vẽ một hình chữ nhật trên nền nhà rồi giảng:

"Hình chữ nhật này có cạnh vừa bằng bước chân của các em. Nó có 4 góc là vị trí các em sẽ bước đến. "

 

Thầy ra dấu cho chị Hạnh bước đi làm mẫu

"Thầy hát

"Tình bằng (góc 1 bước qua góc 2)

Có cái (góc 2 bước qua góc 3)

Trống cơm (góc 3 bước qua góc 4)

Rồi, bỏ bàn chân trái ra sau nhún xuống một cái

Khen ai

khéo vỗ

ố mấy bông mà nên bông

Nào, nhún xuống.

Một bầy tang tình con nít

Một hai ba bốn

ấy mấy lội, lội sông

một hai ba bốn”

 

         Chị Hạnh di chuyển lã lướt, nhịp nhàng và duyên dáng cho đến nỗi chúng tôi nhìn mê mệt rồi mơ mộng hôm nào mình cũng được xinh đẹp như thế trên sân khấu.

Đội múa chia làm hai hàng đi ra từ hai cánh gà.

"Phải cố đi cho đúng điệu Tango. " Thầy Bình dặn dò.

Tango là cái gì nhỉ? tôi tự hỏi. Dù sao tập múa vui hơn ngồi học trong lớp. Ước gì ngày nào cũng hát với múa, khỏi học!!! Và chúng tôi hào hứng đến nỗi quên mất đã đến giờ phải về lớp.

 

 

         Về đến lớp chúng tôi mới nhớ hôm nay đến giờ thầy Gạch và thầy đang đằng đằng sát khí ngồi chờ lũ xướng ca vô loài trở về với lớp học... Chúng tôi líu ríu về chỗ khép nép như những tội đồ. Dù thầy không phạt chúng tôi vì thầy hiệu trưởng đã nhắc nhở các thầy phải ưu tiên cho đội văn nghệ, chúng tôi biết thầy đang giận.

 

         Hôm đó thầy giảng một bài học khó đến nỗi không ai hiểu được bài. Sau khi đã hỏi đến đứa học trò thứ ba mà vẫn không có câu trả lời đúng, thầy hét lên một tiếng như Trương Phi. Sau đó, mặt đỏ bừng bừng thầy ra lệnh cho tất cả lớp phải quỳ lên mặt bàn. Tội nghiệp cho các chị lớn áo dài lượt phượt. Quang cảnh ấy quá là kỳ dị nhưng sự sợ hãi đã làm tê liệt mọi suy nghĩ của chúng tôi...

 

         Sau khi cả lớp đã răm rắp quỳ cả lên bàn học, thầy Gạch ra lệnh mỗi khi thầy đập cây thước xuống bàn, chúng tôi phải vòng tay lại. Tiếng thước thứ hai chúng tôi được bỏ tay xuống. Sau khoảng mươi lần vòng tay rồi bỏ xuống, tôi bắt đầu hé mắt nhìn sang dãy bàn con trai. Nhìn thấy mấy đứa nghịch ngợm nhất lớp bây giờ mặt mày lấm lét, thiểu não, tôi bỗng thấy tức cười quá chừng. Rồi tôi cười thật. Không thể nào kềm chế được. Mặc dù tôi cố mím môi nhưng vai tôi vẫn rung lên. Thật là một tình huống bất ngờ và kinh khủng. Đã không lo học hành, bỏ lớp đi múa rồi bây giờ còn dám…

 

          Như giọt nước tràn ly. Thầy Gạch bước xuống khỏi bục, tát cho "cô học trò bé nhỏ ngoan ngoãn Huyền Chiêu" một cái tát thật đau. Cô sợ quá cho đến nỗi không dám khóc và cũng không thấy đau. Cả lớp chết khiếp và im lặng như bị trời trồng.

         Trong suốt cuộc đời của cô, đó là lần duy nhất cô bị ăn đòn.  

oOo

          Giờ học cuối cùng của năm đệ tứ rơi đúng vào giờ thầy Gạch. Và chúng tôi đã có thêm một giờ học kỳ lạ hơn nữa. Hôm ấy thầy không dạy một chữ nào, không mắng một câu nào, không đánh đòn một đứa nào. Thầy chỉ ngồi… khóc. Nước mắt thầy lả chả rơi xuống quyển sổ điểm danh. Chúng tôi đã quen với những giờ học lạ kỳ của thầy nên chỉ biết ngồi lặng im.

 

         "Năm nay tau sẽ xa tụi bây. Tau sẽ đổi về Huế. Tụi bây biết không ? trên đời này tau ghét nhất những đứa không lo học. Hồi tau còn nhỏ nhà tau nghèo lắm.  Nghèo đến nỗi nhiều lúc mẹ tau phải nhịn ăn để tau có chút gì trong bụng mà cắp sách đến trường. Năm tau đậu trung học, biết tau thích kẹo đậu phụng, mẹ tau cố xoay tiền mua thưởng tau miếng kẹo đậu phụng.”  

 

Nước mắt thầy lúc này càng thêm ràn rụa. Chúng tôi cũng đã bắt đầu khóc theo thầy...

"Khi tau ra trường bắt đầu kiếm ra tiền thì mẹ tau đã qua đời. !

Tau nói thật. Đứa nào ham chơi hơn ham học. Đứa nào làm cho mẹ buồn là tau ghét nhất trên đời. "

 

         Thầy Gạch là giáo sư lý hóa nhưng thầy đã dạy cho chúng tôi một bài học không thể nào quên về tình mẹ.

 Thầy ơi em nhớ mãi những giọt nước mắt khóc mẹ của thầy và em luôn kính yêu thầy.

 

     

 

 

 

Lương LHuyền Chiêu

3/2010

 

 

 

trang thơ & truyện Lương Lệ Huyền Chiêu         |                 www.ninh-hoa.com