trang thơ & truyện Lương Lệ Huyền Chiêu                |                 www.ninh-hoa.com



 

 Lương L Huyền Chiêu

 Dạy học tại trường
Trung Học Bán Công
Ninh Hòa trước
 năm 1975



Hiện cư ngụ tại:
Ninh Hòa, Việt Nam

 

 

 

 

 

 

Vịnh Vân Phong cách biệt với thế giới bên ngoài bởi trùng điệp những núi cát trắng xoá trăm năm không bóng người tìm đến.

Mỗi khi ngồi trên xe đò vượt đèo Cổ Mã tôi vẫn nhìn về hướng những đồi cát hoang vắng không biết bên kia có những gì?

 

Cách đây khoảng hơn 20 năm một con đường được khai phá đưa người tìm đến Vân Phong.

 

Tôi có may mắn được đi thăm Vân Phong trong những ngày đầu tiên ấy.

Thật sững sờ khi nhìn thấy rừng Dương cổ thụ hàng ngàn năm với những thân cây già cỗi như những lão phù thủy đứng im lìm bí ẩn nhìn người đi qua. Rồi biển hiện ra lạ lùng với màu xanh thẫm vì quá sâu (có nơi đến 36mét. )

 

Trùng điệp những đồi cát lốm đốm cây xanh hoang sơ và hùng vỹ nối tiếp nhau. Cứ tưởng một nơi Sơn cùng thủy tận như thế này chắc không có bóng người. Cho nên tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một xóm nhỏ có người sinh sống.

 

Xóm có 7 cái nhà mà thật ra là 7 túp lều vách làm bằng cây rừng nhỏ như cây chà rang, mái lợp bằng lá cây gì giống như lá cây dứa rừng.

 

Chủ nhân của những ngôi nhà chắc chắn không phải người Việt. Họ có nước da đen bóng, tóc quăn, mũi tẹt, môi dày.

 

Nơi đây chứa đựng nhiều điều kỳ lạ.

- không có sông, suối hay giếng nước. Cần nước họ ra bãi biển lấy tay moi một hố cạn

Là có nước ngọt.

- ở sát biển nhưng người dân không biết đánh cá chỉ sinh sống bằng ăn trái rừng, đốt than. Họ phải mang than vượt qua hàng cây số đường đồi cát tìm đến làng người kinh ở đầm Môn để đổi lấy những thứ cần dùng.

- Họ dần dà quên cả ngôn ngữ của tổ tiên, Họ không có chữ viết, nói tiếng của người Kinh và hoàn toàn không nhớ gốc gác của mình.

 

Người Việt gọi họ là người Đằng Hạ và nơi họ sống là Sơn Đừng.

 

Có câu ca dao

“ Sơn Đừng là Sơn Đừng cùi,

Đi chợ mang gùi đầu đội nón mo”

 

Cùi ở đây không phải là cùi hủi mà là nghèo khổ. Người ta bảo có nhà người Đằng hạ chỉ có một cái quần và quần chỉ dành cho người đi chợ, người o nhà lấy lá cây quấn quanh thân.

 

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc người Đằng Hạ.

 

2 phụ nữ người Đằng Hạ

 

Có người cho rằng người Đằng Hạ đến từ Indonesia. Một chiếc thuyền đánh cá từ Indo bị bão đánh trôi dạt vào đây rồi không thể trở về.

 

Nhưng theo tôi thuyền đánh cá thì không thể có đàn bà đi theo và tại sao con cháu người đánh cá không biết nghề đi biển chỉ biết sống dựa vào núi rừng.

 

Giả thuyết thứ hai là người Đằng hạ là người thiểu số vì tránh chiến tranh lưu lạc đến đây.

 

Cũng chưa giải đáp được điều bí ẩn vì người thiểu số ở VN có truyền thống sống nhờ núi rừng thuộc dãy Truòng Sơn. Cách đây mấy trăm năm rừng núi của nước ta mênh mông có chạy loạn thì họ không tìm ra biển, nơi khó sống đối với họ.

 

Tôi tin vào giải thích trong một bài báo mà tôi đã quên nguồn.

Người Đằng Hạ thuộc một bộ tộc thiểu số ở Tây Sơn Bình Định. Họ theo nhà Tây Sơn và làm thuộc hạ.

 

Sau khi nhà Tây Sơn suy tàn, Vua Gia Long truy sát những ai theo Tây Sơn. Trước cảnh bị sát hại dã man một số người dân tộc quá sợ Hãi dẫn theo vợ con chạy trốn. Dù không quen sống ở gần biển nhưng vịnh Vân Phong là nơi ẩn trú kín đáo nhất. Trời thuong cho họ nguồn nước ngọt kỳ lạ ngay sát biển.

 

Sau này có truyền thuyết trên đường chạy trốn vào Nam, Nguyễn Ánh có ghé lại Sơn Đừng được trời cho biển xuất hiện đầy cá cơm cứu đói và nước ngọt do người Sơn đừng cung cấp.

 

Nhưng lịch sử về người Sơn Đừng rất mù mờ và sau khi Gia Long lên ngôi các truyền thuyết mang màu chính nghĩa của Nhà Nguyễn luôn được lan truyền.

 

Tôi vẫn tin vào truyền thuyết người Đằng Hạ tìm đến Sơn Đừng vì sợ bị truy sát bởi nhà Nguyễn. Các dân tộc ít người dầu không có chữ viết nhưng họ có sử thi để các già làng kể cho con cháu nghe về gốc gác và những Huyền thoại tôn vinh bộ tộc của mình. Riêng người Đằng Hạ có lẽ vì quá sợ sự truy lùng nên không dám kể cho con cháu nghe mình từ đâu tới. Có lẽ bạn đầu nhóm người này cũng đông nhưng rồi vì môi trường sống khắc nghiệt, hôn nhân cận huyết, trẻ em đau ốm không thuốc men, chết sớm người Đằng Hạ đi vào con đường tiẹt chủng.

 

Trở lại vịnh Vân Phong nhiều lần càng lúc tôi càng buồn.

Rừng cây duong cổ thụ Huyền bí đã biến mất nhường chổ cho các dìa tôm phủ bạt nhựa đen bẩn thỉu.

 

Nhà cửa được dựng lên san sát hai bên đường dẩn vào Vân Phong. Vân Phong không còn hoang sơ như xưa. Xóm Sơn Đừng văn minh hơn khi có một đồn biên phòng được dựng lên gần đó. Một lớp học đã được xây với một thầy giáo là anh bộ đội và ba học trò da đen, tóc quăn, mắt màu đồng ngồi ngơ ngác.

 

Nghe nói hiện nay người Sơn Đừng đã bỏ xứ đi làm thuê làm mướn đâu đó và bị đồng hoá thành người Việt cùng khổ. Còn nơi chốn hùng vỹ, hữu tình của họ đã mọc lên những Resort vô cùng tráng lệ.

 

Thôi thì mọi thứ trên đời đều thay đổi kể cả chính mình cũng không phải là mình của ngày hôm qua.

 

 

 

 

Huyền Chiêu

Tháng 5/2022

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

trang thơ & truyện Lương Lệ Huyền Chiêu         |                 www.ninh-hoa.com