|
|
||||
|
Mục
Lục
Trang
Bìa
Chúc
Tết
Tử Vi
Sinh Hoạt
Niềm
Vui
Cuối
Năm
Hình
Ảnh
Hoa/
Năm
Mới
Nhớ
Đường
Xưa
Linh
Tinh Chuông
Gió
Tôn Giáo
Năm
Bính
Thân
Năm
BÍNH
THÂN (2016)
d_bb
Liêu Trai Chí
Dị (252-253) Y Học
Kinh Nghiệm Cuộc Sống
Hương
Vạn Vật
Biên
Khảo/
Văn
Học
Ký
Ức Ngọt Ngào
Thư từ,
bài vở, hình ảnh hoặc
|
Mái lợp tranh bền hơn lợp rạ và đẹp nhất là việc cắt mái. Sau khi lợp nhà xong người thợ cắt mái dùng một cái cu liêm cắt con chấu ( con chấu là dùng khí cụ dũa 3 mặt khắc lên lưỡi của cái liềm những đường sâu để tạo cho lưỡi liềm sắc bén vì có nhiều khứa nhọn thay cho mài bén lưỡi liềm) dùng để cắt rạ hay tranh, tạo thành một chân tranh vừa dày vừa đẹp.
Từ đường ông ngoại gồm một nhà trên dùng để thờ phụng, một nhà ngang để sinh hoạt gia đình, một nhà lẫm dùng làm nhà ngủ và có kho chứa lúa, để rương hòm của gia đình. Nối tiếp nhà ngang là nhà bếp và sân trong nhà. Chiếc sân này tuy bé nhỏ song đối với chúng tôi là một khu sinh hoạt trong những buổi sớm và chiều cùng tối trong những ngày giổ chạp. Các dì, mợ dùng nơi đây để ngồi gói bánh ít, bánh chưng bánh tét. Bọn cháu bu chung quanh để trầm trồ và vòi vĩnh xin cho những chiếc bánh ú nhỏ vét trong những chậu đựng nếp, đựng một ít thịt heo làm nhưng bánh còn sót lại. Dì Ba, dì Sáu, mợ Bảy là những người lơ đểnh nhất đã để lại cho chúng tôi những chút dư thừa đáng quí này. Cái sân con còn là khung mưa để chúng tôi trần truồng nhảy giởn, tắm lúc mưa lớn. Bốn bên các suối nước tuôn rơi là những thác nước hạnh phúc của tuổi thơ.
Sau nhà bếp là một dãy nhà tranh vách bằng tre đang dày, vừa chắn gió vừa gây thoáng để khói bếp bay xa. Nơi đây có một bếp nước mà tuổi thơ của chúng tôi thường trực hằng ngày ngồi xem bếp lửa để ấm chè lá nấu cho ông bà ngoại cùng các cậu mợ ăn xong uống tráng miệng. Cũng nên nói sơ qua về cách nấu chè lá này vì ngày nay dần dần đã đi vào quên lãng.
Ở thôn quê trà được trồng để gia dụng trong nhà. Bán ra chợ thường vì dùng không hết, Lá trà dùng phần nhiều là lá trà già. Khi đến lứa, trà được hái (chừa các lá non và mầm) rồi đem phơi khô. Sau khi phơi khô trà được vò nát để dùng nấu nước chè lá. Nồi nấu chè lá không có vòi cũng không có nắp đậy. Thường được gọi là cái ôm. Hình nó tròn trên miệng có vành được dùng một thanh tre vót tròn hay một đoạn cây mây to bằng ngón tay, quấn quanh cổ để nhắc lên nhắc xuống, cho nên mới có tên “ôm”. Khi nấu thì lấy một nắm chè khô bỏ vào ôm và đổ lưng chừng nước. Khi nước sôi, lần lượt đổ thêm nước vào rồi tiếp tục nấu nhiều lần cho đến khi nước chè trong ôm đậm đặc và xác chè nổi lên cùng bọt bèo vươn cao trên cổ ôm. Nước chè được pha vào một cái bát to chứa 2/3 nước lạnh. Dùng nẹp ôm kẹp cổ ôm nước rồi đổ trà vào bát nước lạnh. Trong lòng bát, nước từ màu trong trắng của nước lạnh đổi sang màu vàng của nước trà và độ nóng của lòng bát vừa đủ để uống. Bưng bát nước chè lá nổi đầy bọt với làn hơi nóng bốc lên cho ông bà ngoại, lòng tôi sung sướng, hân hoan như làm một việc quan trọng để góp phần vào bữa ăn ngon cho ông bà ngoại. Cái bát đựng nước của ông bà là cái bát cổ xưa, tôi được các cậu dì giải thích là ông ngoại mua từ bên Tàu, nó mỏng, bên ngoài có vẽ bụi trúc, nhành mai. Nhất là trên miệng bát có bịt đồng. Vì vậy cho nên khi bưng bát nước chè lá lên nhà tôi đi rất cẩn thận trước hết là sợ đổ nước ra ngoài và nhất là sợ vấp té làm bể bát uống chè quí báu. Vì thế nên ông bà rất yêu mến tôi nên cho tôi được cái ân huệ là bưng nước chè lá trong mỗi bữa ăn. (Tôi còn nhớ có lần một người cháu khác thay tôi bưng bát nước chè lá, vì sợ bể bát nên đã nhúng ngón tay cái vào nước để được giữ chặc hơn, nên bị ông ngoại la cho là vô phép) Ôi tuổi thơ! Hạnh phúc thật đơn sơ! Kỷ niệm thân thương còn mãi mãi!!!
Hè nhà rộng gần 2 thước, được tráng ci măng nên đêm đêm trải chiếu nằm để hiu hiu đón gió đồng quê, ngắm các ngọn cau đong đưa trước gió và chìm sâu trong giấc ngủ quê hương.
Cái sân nhà ngoại cũng đầy kỷ niệm. Sân dùng để đập lúa ngày mùa, phơi lúa sau mùa và trồng rau cải trước Tết.
Sân nhà ngoại được nện đất ruộng, cao ráo và phẳng lì. Trước ngày đập lúa độ 2 ngày sân được đổ cho thấm nước và trét lên trên mặt một lớp phân bó tươi để chống việc nức nẻ. Buổi sáng lúa ngoài đồng được cắt và phơi nắng. Xế chiều lúa được gánh về và đập cho đến tối thì xong. Lúa thu hoạch được đổ đống trên hè nhà. Sau vài ngày được đổ ra sân phơi thêm vài nắng nữa rồi đong cất vào bồ vào cà tăng vây trong lẫm lúa. Trước Tết vào độ đầu tháng chạp thì sân nhà được gieo trồng cải. Dọc theo sân, dùng thanh tre cứng rạch sân thành hàng song song nhau và cách nhau chừng nửa thước rồi rắc hạt cải xuống và lấp lại. Thường thì cuối sân chừa ra vài thước để đánh líp gieo hạt cải, hạt tàn ô, xà lách, thành từng đám rộng độ một thước để chuẩn bị rau sống ăn trong ba ngày tết. Trong tháng chạp thường có những trận mưa phùn nước vừa đủ thấm đất thường được gọi là mưa gieo cải, khiến cho việc trồng cải được dễ dàng thực hiện. Cải trên sân mọc thành hàng xanh tươi và thường được nhổ bớt gọi là tỉa để cải có thể phát triển mau chóng Cải tỉa được dùng để ăn sống. Cải non mà chấm với mắm cua đồng thì đúng là món ăn “dân tộc” (cua ngoài đồng bắt về rửa sạch giả nát lấy nước và thịt bỏ vào đủ muối để trong một tuần thì dùng để làm nước chấm ăn rau muống luộc, rau cải non và nhất là ăn với cơm nguội). Để tránh gà phá thì thường dùng hàng rào làm bằng cây cau chẻ ra thành thanh nhỏ bằng 2 ngón tay kẹp với tre chẻ thành dây dài đan thành một tấm dài vây quanh sân. Đến mùa xuân, Tết đến thì trong sân cải đã trổ nhồng, hoa cải có màu vàng phơn phớt chập chờn với gió xuân như một vườn hoa mai nơi thôn dã. Vườn cải trước sân chỉ nở hoa vàng trong dịp đầu xuân. Còn cảnh vườn xuân thì ngay từ đầu ngõ. Đó là vườn cau nhà ngoại.
Vườn cau nhà ngoại rộng lớn. Nó chiếm gần một nửa toàn bộ khu nhà. Ranh giới đầu tiên là phía trước, được bao quanh một hàng rào bằng cây duối. Duối là một loại cây có thân mộc gỗ rắn chắc và nhiều lá. Lá thân nhỏ, dày, nhám và có nhiều diệp lục tố. Cây duối luôn luôn giữ được màu xanh tuy lá vẫn bị úa vàng song bao giờ sắc xanh cũng vẫn um tùm lấy thân cây. Có nhiều cây duối cổ thụ cao đến 5, 6, thước và sồng đến trăm năm. Hiện nay ở Bình Định có hàng duối ở dưới chân chùa Ông Núi cao đến 6 thước sống thành hàng dài làm lối đi cho khách hành hương.
Lá duối là một món ăn rất thích cho loài dê. Cho nên người đời thường gọi mấy người đàn ông thích gái là người “thích ăn lá duối”. Lá duối còn dùng làm giấy nhám cho các học sinh lau chùi cán bút làm bằng gỗ và nhất là dùng để đánh bóng trái vụ để chơi vụ. Cây duối còn có trái ăn rất ngon. Trái duối màu vàng vị ngọt là món ăn thích vị cho tuổi trẻ. Khi vào núi đôi khi gặp được một bụi duối vàng đầy trái chín thì tha hồ mà ăn, tha hồ mà hái đem về.
Duối đặc biệt là đâm nhiều cành nên hàng rào trồng bằng duối thì rất kín. Duối ít cần nước nên mùa hè cũng như mùa đông đều xanh tươi. Đặc biệt duối cũng rất ít phát triển nên ít tốn công cắt tỉa. Bởi vậy nên nông thôn thường trồng duối làm hàng rào. Ông ngoại cũng vậy.
Hàng rào vườn ngoại vây quanh khu nhà. Đẹp nhất là hàng rào phía trước, rồi đến hai bên và cuối cùng là phía sau. Sở dĩ phía sau không được chăm sóc là vì phía sau không có đường đi, tiếp giáp với nhà hàng xóm.
Ngõ nhà ngoại nằm chính giữa vườn, xây gạch và lợp ngói . Đây là nơi tụ hội của con cháu trước khi vào nhà. Ngồi nơi bực thềm ngõ nhìn xuống đám ruộng trước ngõ rồi đến một cái bàu có tên là Bàu Bà Lặng. Từ Bà Lặng viết có g và không g tùy theo nghĩa của nó. Người xưa có kể lại rằng: “ Cái bàu này của một người đàn bà sống cô độc, tháng năm chỉ có nghề lặn bắt ốc cua. Người trong xóm thường gọi là bà lặn. Có câu chuyện khác là bà này cũng sinh sống nhờ khai thác cá cua của bàu song bà luôn luôn trầm lặng. Cui cút suốt cả cuộc đời cho nên người dân làng mới gọi là bà lặng.
Tuy nhiên dù lặng có g hay lặn không g thì cái bàu kia vẫn là bàu của bà Lặn và đối với tuổi thơ của chúng tôi vần là kỷ niệm nhiều đối với nhà ngoại.
Trước tiên đây là một địa điểm câu cá của tôi. Bàu tuy không rộng lắm song lại đầy đủ các loại cá. Mỗi thứ cá lại thích hợp với cái thú câu hay bắt.
Đầu tiên là cá tràu. Lớn thì gọi là tràu, nhỏ thì gọi là cửng, mới nở thì gọi là ròng ròng. Bắt cá tràu có nhiều cách. Trước tiên là câu, có nhiều lối câu. Câu bằng con nhái gồm có, câu ống, câu nhắp, câu thụt, câu cắm.
Câu ống thường dùng một cần câu làm bằng tre đặc ruột có nhiều đốt nhặc. Gốc cần to gần bằng ngón chân cái và ngọn bằng ngón tay út. Nơi đầu ngọn có gắn một cái ròng rọc thường làm bằng xương hay ngà voi có hai lổ nhỏ, một để gắn vào đầu cần, một để luồn sợi giây câu. Sợi giây câu thường làm bằng giây tơ tằm se ba hay bốn dài độ ba bốn chục thước. Sau này sợi giây câu thay thế bằng sợi nilông. Cuối sợi câu có một hòn chì nhỏ và một lưỡi câu. Mồi là một con nhái. Nhờ sức nặng của chì và nhái mà con mồi được ném đi xa, rồi nhờ một cái ống ( có nơi là một cái lon sửa bò, có nơi làm bằng gỗ dùng để cuộn sợi câu gọi là ống câu) Cho nên có tên gọi là câu ồng. Câu ống thường dùng để câu cá tràu lớn sống nơi các hồ rộng. Con mồi được kéo bơi trên mặt nước và được cá táp rất mạnh. Một buổi câu được một con lớn bằng bắp chân là đủ “sở hụi”.
Câu nhắp thường dùng một cần câu làm bằng cây trúc dày mắt (đốt) thường có độ dài trên 3 thước. Nhờ cần câu dài nên câu có thể vươn xa trên diện tích hồ. Câu nhắp dùng để đưa mồi vào những vùng nước nhỏ có lau lách, có bèo sậy che kín. Cá thường nhỏ bằng bắp tay.
Câu thụt thường dùng cần ngắn gọn có cục chì nặng cốt kéo con mồi chìm nhanh xuống đáy hồ. Lối câu này có thể nhử được các con cá ở trên mặt nước, lưng chừng nước và dưới đáy nước. Nếu quan sát tường tận thì lối câu thụt làm cho con nhái chìm xuống nước giống hệt một con mồi đang lặn xuống nước. Thường người ta câu thụt bằng thuyền nhỏ chèo đi khắp mặt hồ hay sông suối.
Câu cắm thì lại dùng được hai thứ mồi: nhái và trùn. Cần câu cắm chỉ cao độ 4 tấc bằng tre vót mềm, cuối cán vuốt nhọn để cắm chặc vào đất. Sợi câu cũng ngắn vừa từ đầu cần xuống đến gốc cần. Dọc theo các bờ đầm, hồ, người câu, cắm cần trên bờ và để con mồi chìm trong nước nơi có khoảng trống. Đêm đến cá bơi vào các khoảng trống thấy mồi bèn ăn rồi mắc vào lưỡi câu. Khuya đến người câu đi thăm mồi bắt lấy cá và thay mồi khác. Câu cắm có nhiều cần và mỗi đêm chỉ đi thăm cần một vài lần là được. Câu cắm nếu có thuyền nhỏ thì rất tiện cho việc di chuyển.
Ngoài việc ban ngày cũng như ban đêm đi câu quanh bầu bà Lặn, tôi cùng cậu Bảy đi đơm cá vào các đêm mưa trong những vụ nước lụt từ sông Côn ùa vào. Nguyên xưa kia dãy ruộng trước nhà ngoại là một dòng sông chi nhánh của sông Côn. Sau này dòng sông đổi dòng thành ruộng và các vũng nước sâu trở thành các bầu nước nằm rải rác từ khúc sông đoạn Cầu Phú Phong vào đến đồng Xuân Hòa. Cho nên đến mùa nước lũ, dòng sông Côn nước nhớ đến con sông xưa mà về tạo thành dòng, mặc tình cho nước tràn ngập láng lai. Khi nước bắt đầu tràn qua các bờ ruộng, tôi và câu Bảy lội bì bỏm dưới cơn mưa, băng qua đám ruộng trước ngõ nhà ngoại, cuốc những trỗ nhỏ vừa đặt chiếc dẹp (đang bằng tre có khoãng cách nhỏ hơn ngón tay út cốt để bắt những con cá rô cá trê ở đồng và cá lúi, cá ngựa ở sông theo dòng chảy vào đồng. Dòng chảy chỉ tràn ngập chớ không ào ạt như ở ngoài sông cho nên nước lên từ từ. Do đó chúng tôi cũng đơm cá vào đêm tối. Cái ngõ vườn ngoại vừa cao vừa kín gió . Nhất là xây gạch lợp ngói và nền tráng ci măng, có hai cánh cửa bằng gỗ, vừa an ninh vừa ấm áp cho hai cậu cháu trải chiếu nằm coi giữ dẹp đơm cá. Nếu trời lạnh quá thì chúng tôi lại dùng một chậu than phủ tro cho cháy chậm để cùng ngồi ôm chậu than chống lạnh. Mỗi khi nghe có tiếng lội bì bỏm trong nước, phần nhiều chúng tôi đều lên tiếng bằng cách ho húng hắng như báo rằng chúng tôi có mặt để cảnh cáo kẻ có ý muốn giở trò trộm cá. Trời lụt nên cá giờ nào cũng “chạy rong” cho nên cứ vào khoảng 2 giờ là chúng tôi đi thăm dẹp cá. Cá bắt được chỉ dùng để ăn chớ không khi nào đem ra chợ bán.
Bầu bà Lặn ngoài là địa điểm cho chúng tôi câu cá, đơm cá còn để cho ông ngoại lấy nước tưới vườn cau. Vườn cau nhà ngoại to cây, quằn trái và xanh tốt quanh năm. Mùa nắng vườn thường được tưới nước mỗi tháng hai lần. Trong vườn bên phía tay phải (từ cửa đi vào có một sòng tát nước xây bằng gạch rất kiên cổ. Thường thì quanh năm đều có nước vì sòng tát này có nước ruộng ngoài vườn chảy vào thường xuyên(chỉ trừ mùa khô tháng 5, 6 ). Tuy nhiên mỗi khi tát nước vườn cau ông ngoại bao giờ cũng tạo nơi ruộng bên ngoài một con lạch nước chạy men theo bờ ruộng chảy vào sòng tát bên trong tránh cho chủ ruộng sợ mất nước ruộng. Ban đầu có hai người tát nước từ bầu vào ruộng và bên trong có hai người tát nước lên vườn. Nhờ nhà có sòng tát nước nên chúng tôi có dịp tập tành và không bao lâu tôi là một thành viên tát nước. Phần nhiều tôi được cho tập sự ngoài ruộng để tát nước sòng thấp. Khi nào thạo việc mới được vào vườn tát nước sòng cao. Việc tát nước vui vì nhiều người, người cuốc rảnh khơi dòng cho nước chảy, người đắp bờ chặn nước nơi đất sâu. Vui thật là vui.
Nhờ vườn cau nhà ngoại mà tôi sớm biết được câu đố về cau: Đầu rồng đuôi phụng le te Mùa xuân ấp trứng mùa hè nở con.
Tôi biết được các loại cau như cau nếp, cau tẻ, cau lửa v. v. phân biệt rành mạch cau già cau non. Cau dùng để cưới xin, dùng để cúng ông bà và nhất là để các bà ăn trầu. Gia đình ông bà ngoại phần đông các bà đều là chiến sĩ nhai trầu. Bà cố, bà ngoại, má tôi, dì Ba, dì Năm, (trừ dì Sáu) đều là dân nghiện trầu. Không biết các bà vì nhuộm răng mà ăn trầu hay vì ăn trầu mà nhuộm răng. Nếu lấy dì Sáu ra làm nhân chứng thì dì Sáu tuy nhuộm răng mà không ăn trầu. Tuy nhiên theo dì kể lại thì dì cũng biết ăn trầu song dì không thích nên không ghiền trầu.
Vườn nhà ngoại có trên trăm cây cau. Ngoài cậu Bảy ra, tôi là một chuyên viên leo cau để hái buồng cau. Đến mùa cau chín (cau dày đúng độ) vườn cau nhà ngoại được thợ hái cau leo lên hái xuống và các bà xúm nhau chẻ (thường gọi là bửa) để phơi khô. Tuy nhiên không biết ông ngoại đã dùng cách nào không biết mà chia cau có trái đúng dày thành từng lứa để việc hái trái và bửa cau thành từng đợt tránh sự dồn dập trong một vụ mùa. Ca dao có câu:
Thương nhau cau sáu bửa ba Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười
Một trái cau, khi bửa ra để mời nhau ăn chứa chan tình cảm. Cho nên khi thương nhau thì tình nặng (dày) còn khi ghét nhau thì tình nhẹ ( mỏng).
Việc bửa cau thì dì Ba đứng đầu. Vừa siêng năng vừa mau lẹ. Còn nhớ có một thời dì Ba bị đau đầu ngón tay trỏ, sưng và nhức nhối gần suốt một năm. Dân gian gọi đó là “đau đầu trun” Khi lành thì ngón tay có tật. Tuy nhiên dì vẫn thường xuyên bửa cau, phơi khô gởi cho má tôi, dì Năm để dành ăn hằng năm.
Việc trèo cau hái quả, tôi là người rành hơn hết. Thường thì trèo cau phải dùng “nài”. Đó là một vòng tròn quấn bằng giây rơm, giây chuối khô hay bất cứ một loại giây nào có độ bền chắc, có đường kính độ 2 tấc giúp cho người trèo cau xỏ hai bàn chân vào để làm điểm tựa ép sát vào thân cau để leo lên và tụt xuống. Tuy nhiên khi người leo cau đã thành thuộc rồi thì thường bỏ nài mà leo chân không. Khi leo đền ngọn cau thì việc đầu tiên là thử xem trái cau đã đủ “dày” chưa. Thường thì hái một quả quăng xuống cho người dưới đất bửa ra xem rồi quyết định hái hay không. Khi đã được chấp thuận thì người hái dùng tay kéo mạnh khiến buồng cau rời khỏi thân và buồng cau được thả xuống gốc. Đó là cách hái cau để bửa. Còn nếu hái cau để cúng hay để bán làm lễ cưới thì phải dùng dao nhỏ cắt giữ cho được hai mép buồng cau cho đều và phải buộc dây thả xuống từ từ không cho một trái cau nào rời ra khỏi buồng. Nếu chỉ hái có một buồng thì người hái cau phải để buồng cau trên bắp về của mình và tuột dần xuống với buồng cau trong lòng. Cau dùng trong lễ cưới xin bao giờ cũng sum trái tròn trịa và nếu còn râu trên đầu trái thì càng tốt. Tuy nhiên ruột bao giờ cũng vừa dày và được lưu lại để người mua thẩm định.
Khi hái cau mùa thì tôi thường không tụt xuống mà chuyển từ cây cau này sang cây cau khác bằng cách lấy trớn đu đưa cho ngọn cau lắc lư rồi nghiêng dần đến cây cau bên cạnh và khi chúng gần nhau thì thì tôi chuyền qua cây cau bên cạnh. Ban đầu cứ sợ cây cau gãy song nhiều lần chuyền cau tôi nhận thức được rằng thân cau rất cứng và dai . Không khi nào có trường hợp gãy cả. Nhờ kinh nghiệm mà việc hái cau mau hơn việc trèo lên trụt xuống thông thường.
Vườn cau ghi vào lòng tôi những đêm hè nằm nơi hiên nhà nhìn những tàng cau lắc lư trên nền trời đầy sao. Tiếng tàu cau rụng ngoài vườn nghe rào rạt. Tôi thường nhẩm đếm để sáng hôm sau ra vườn lượm vào. Tàu cau rụng có nhiều việc cần đến. Trước hết là cắt lấy mo cau. Mo cau là phần đầu của tàu cau lúc ở trên cây thì ôm lấy thân để cho thân tàu càu vươn tàn ra bốn phía. Tiếp đến là thân tàu cau vừa cừng vừa dài có cái trên 1 thước. Từ trong thân lá cau mọc thành hàng tua ra như một cái lông gà. Mỗi lá cau cũng có gân là dài theo thân là và rất cứng dùng để làm chổi quét sân. Dân gian tướt bỏ lá chỉ còn lại gân và bó lại làm chổi để quét sân.
Mo cau dùng để làm gàu xách nước, dùng để gói cơm đem theo ra đồng (cơm bó bằng mo cau vừa thơm vừa lâu thiu) Chúng tôi cũng thường dùng mo cau còn dính vào tàu cau để làm xe. Một đứa ngồi lên, một hay hai đứa kéo đi. Ngoài Bắc có cảnh cởi ngựa tàu cau song ở quê ngoại chỉ có cảnh đi xe ngựa tàu cau mà thôi. Như vậy cây cau toàn thân đều dụng được cho việc gia đình và đồng áng.
Cau còn dùng trong đông y. Rể cau dùng trị đái són, Lá dùng trị bệnh co giật của trẻ em. Võ trái cau thường gọi là đại phúc bì trị bệnh phù thủng, bí đại tiểu tiện. Hạt cau già trị kiết lỵ, viêm ruột, và cầm máu.
Ngoài ra cổ hủ cau (ngọn cau non) là một món ăn rất khoái khẩu và là món lợi sữa cho các bà mới sanh con. Vườn cau nhà ngoại còn là nơi chim se sẻ về nghỉ đêm. Cũng là nơi sinh sản của đàn chim sẻ. Tôi rất sành việc dò tìm các tổ chim vừa mới nở, tuy nhiên tôi lại không thích nuôi chim se sẻ.
Nhìn chúng từng đàn sà xuống sân nhà mổ thóc, vừa ríu rít vừa nhảy chờn chơn rồi vụt bay lên các ngọn cau khi có người đi ngang qua sân trông thật thích thú. Thỉnh thoảng chúng tôi lấy chiếc lồng bàn ra để ngoài sân chống một thanh tre cho hở rộng một bên và bên trong bỏ một ít gạo. Dưới chân thanh tre có cột một sợ chỉ. Chim se sẻ thấy gạo chúng len lén nhảy từng bước một vào mổ gạo. Khi ấy sợi giây bị giựt và lồng bàn úp xuống nhốt một vài con se sẻ. Nhử để vui chơi chớ không khi nào chúng tôi ăn thịt hoặc để nuôi.
Vườn nhà ngoại ngoài trồng cau ngoại còn trồng 4 cây xoài. Cây xoài lớn và lâu năm nhất là cây xoài mật được trồng nơi sòng tát. Bóng cây cao tỏa mát gần ¼ khu vườn. Xoài mật là một loại xoài có lá nhỏ dày và xanh tốt quanh năm. Trái xoài nhỏ, da dày, ăn sống rất chua song khi chín lại có vị ngọt đậm đà. Cho nên có tên là xoài mật. Có lẽ ông ngoại chỉ muốn có bóng mát cho cái sòng tát và giếng nước bên cạnh nên ông trồng cây xoài này cốt có bóng mát nhiều hơn ăn trái. Và vì cận đường cái nên khi xoài còn xanh ít ai kèo phá. Cây xoài khá cao nên chúng tôi ít khi trèo hái trái mà chỉ ra ngổi hóng mát bên sòng tát để đợi trái xoài chín rụng. Mùa xoài chín đêm đêm xoài rụng nhiều, có nhiều trái rụng xuống nước sóng tát cho nên trái ít dập và vì đất vườn cau luôn luôn ẩm cho nên chúng tôi được thưởng thức xoài chín rất ngon lành. Đôi lúc xoài rụng nhiều chúng tôi có một cách ăn xoài chín rất nghệ thuật là rửa sạch trái xoài rồi dùng tay vò cho trái xoài mềm nhủn ra xong rồi cắn một đầu và nút mật ngọt của trái xoài. Lối ăn cách này không đầy bụng vì chỉ có nước ngọt và ăn được nhiều.
Cây xoài thứ hai là cây xoài tượng quỳ nằm ở góc trái của vườn. Cây xoài này gió làm nghiêng một bên về phía vườn cau. nên có tên là xoài quỳ. Đây là một cây xoài tượng mà ông ngoại đem từ đất Phú Yên về trồng. Đó là giống xoài nơi chùa Đá Trắng ở Đồng Xuân duy nhất để cống vua. Ông ngoại quý cây xoài này lắm. Nhờ là loại xoài quỳ nên rất sai trái và vì gần mặt đất nên khi xoài lớn ông ra vườn chăm sóc kỹ lưỡng. Thường khi xoài già ông lấy giấy bao bọc trái rất cẩn thận. Đây là tặng phẩm duy nhất của ông ngoại gởi cho con cháu ở xa. Ba má tôi ở tận Nha Trang mà cũng được hưởng phần quà vườn nhà. Các cậu, các dì ở gần cũng đều được biếu tặng.
Cây xoài thứ ba mọc ở góc vườn ngay sân phơi lúa. Không biết vì sao mà cây xoài này ốm tong teo và ít khi ra quả. Có lẻ vì nó mọc sát cây dừa đang tươi tốt. Tuy vậy ông ngoại không chặc đi .
Cây xoài thứ tư là cây xoài sẻ mọc ở sau nhà cạnh nhà bếp. Xoài sẻ là một loại xoài trái nhỏ, hột lớn, không có mùi thơm, song lại sai trái. Nó như bầy chim se sẻ vườn nhà. Có để cho vui cảnh vui vườn. Có cây xoài sẻ để chúng tôi không hái phá cây xoài quỳ. Tuổi trẻ chỉ cần nhiều chớ ít khi cần ngon. Gần bên cây dừa và cây xoài đẹt còn có cây sầu đông. Nhà của ba má tôi ở ngay bên đường vào nhà ngoại được cây sầu đông che chở nắng hè.
|
|||
www.ninh-hoa.com |