
Mùa
Xuân: Nói về cây tre, cây
nêu đi vào Văn Học Việt Nam
Mỗi làng quê Việt Nam phần lớn đều có lũy tre xanh bao bọc quanh làng,
hoặc người nông dân trồng tre bên bờ sông, bờ đê chống nước lũ lớn chảy
xói mòn, làm cho vỡ đê, vỡ đường gây nên ngập úng đồng lúa đang vào vụ
chín vàng. Có khi người dân còn trồng tre để làm hàng rào bảo vệ mảnh vườn
trồng đủ loại cây trái, hoa quả, cây bonsai...chung quanh nhà.
Còn cây nêu cũng là cây tre đực, cứng cáp, thẳng đứng cao khỏang chừng
trên mười mét, phần ngọn chót cuối cùng có cành lá tre hơn một mét, và có
treo một cái giỏ nhỏ đan bằng tre. Theo cổ tục của người Việt từ xa xưa
(xưa bấy nay phải làm theo xem như lệ tục dân gian) chiều ba mươi tháng
Chạp Âm Lịch mới dựng cây nêu trước sân nhà, ngụ ý để trừ ma quỷ không xâm
phạm, phá phách gia cư vào những ngày đầu Xuân mới.
Cây tre ở Việt Nam giúp ích rất nhiều cho người nông dân như: làm cán
cuốc, cán rựa, phụ tùng cho cái bừa, đan thúng, rổ, nia, ghe thuyền cho
lúa, vào mùa lũ lụt. Thời xa xưa khoa học công nghệ xây dựng bằng bê tông,
cốt sắt, xi măng, gạch chưa phát triển, con người dùng tre, trúc (một họ
với tre, nhưng thân cây nhỏ hơn, chiều dài ngắn hơn tre, chỉ dài chừng
khoảng hơn năm mét), nứa, để xây cất nhà ở. Xây dựng cầu tre bắc qua sông,
rạch nhỏ để làm phương tiện giao thông rất thuận lợi ở vùng nông thôn.
Chính vì đó mà cây tre, trúc, tầm vông... đã đi vào nền văn học nghệ thuật
của Việt Nam thêm nhiều hình ảnh giàu ấn tượng đẹp, vừa phong phú, mang
đậm chất văn thơ trữ tình lãng mạn qua mấy câu ca dao tình tứ, trong sáng
như:
"Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh"
Với bóng dáng chiếc cầu tre, cũng toát hình ảnh tượng hình sinh động kèm
theo lời ru ấm áp bên chiếc nôi của mẹ thật thanh thoát, đưa con trẻ vào
giấc ngủ êm đềm:
"Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời"
Hình ảnh chiếc cầu tre ở miền Tây nhiều sông lạch nhỏ, còn có tên gọi là
Cầu Khỉ, từ năm 1953 nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà vừa là một soạn giả cải
lương nổi tiếng khắp miền Nam đã xúc cảm mạnh mẽ trước một cảnh đẹp duyên
dáng, nên sinh tình lai láng với bài thơ trữ tình ngọt ngào"
Ai ở làng quê
Đã từng qua nhịp
Qua nhịp cầu tre
Lắng nghe, lắng nghe
Tiếng hò, tiếng hát
Dưới mái nhà tranh
..................................
Cầu tre nối nhịp đất lành
Nằm nghe tiếng hát tâm tình quê hương
Cầu tre làm chiếc đò ngang
Nối đôi bờ đất, đôi làng thương nhau
Nhà anh ở kế bên cầu
Nhà em ở cuối đầu cầu bến sông
Bến sông mới đỏ hừng đông
Em ra vo gạo bến sông bên cầu
Anh vừa mở cổng thả trâu
Thấy em, anh vội xé rào nhìn em
Rồi qua cầu nói với em
"Thấy cô vo nếp, anh thèm mùi xôi"
Vì anh, khi mới hửng trời
Qua cầu em biếu đĩa xôi, muối mè
Cầu tre lắt lẻo cầu tre
Con đò chở tấm tình quê qua cầu
Từ ngàn xưa cây tre được xem là một vũ khí sắc bén của dân tộc dùng để
chống giặc giữ làng, bảo vệ quê hương. Cây tre già rất cứng, đầu vót nhọn
(như ngọn tầm vông vót nhọn) tre dùng làm cây cán dài để cắm ngọn dáo,
mác, dáo đánh giặc giữa trận tiền. Chông tre vót nhọn cắm quanh thành trì,
dưới thông hào nối biên giới, tên tre vót nhọn cũng làm vũ khí bắn giặc
xâm phạm ranh giới lãnh thổ nước ta. Ngoài ra vào những ngày lễ lớn, ngày
Tết Nguyên Đán hình ảnh chiếc đu tre vẫn còn là một ấn tượng còn tồn tại
mãi trong ký ức ở các làng quê vùng Tây Bắc. Trên đu tre có đôi cặp nam nữ
gắn liền với nhau, những thú vui tươi hấp dẫn trong ngày hội truyền thống
Tết Nguyên Đán của dân tộc, vì thế nhà thơ Hồ Xuân Hương đã diễn tả sắc
sảo đôi trai thanh, gái lịch thi đua đánh đu trên chiếc đu tre thật hào
hứng, hả hê, gợi lên tình cảm luyến ái nồng nàn qua bài thơ thất ngôn bát
cú:
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai ôm gối hạt khom lưng cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi Xuân đã biết Xuân chăng tá
Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không.
Nhà thơ Hồ Dếnh ca ngợi miền quê ngoại về hình ảnh lũy tre xanh tươi mát,
hiền hòa dễ thuơng làm cho tác giả rung động dạt dào nơi quê mẹ, có sông
dài, có cỏ mọc mượt mà, với bãi lũy tre dài:
Làng tôi thắt đáy lưng tre
Sông dài cỏ mượt đường đê tứ mùa
Nhịp đời định sẵn từ xưa
Ươm tơ tháng Sáu lên chùa tháng Giêng
Hình ảnh lũy tre xanh gắn liền với xóm làng, đồng ruộng, gây nhiều cảm
hứng với các nhà thơ. Những cảm xúc đó thể hiện qua nhũng câu ca dao được
lưu truyền trong dân gian:
Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng
Bên bờ, vải, nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội hàng đàn tung tăng
Nhà văn Đòan Văn Cừ cũng xúc cảm sâu sắc về cảnh làng quê đầy hình ảnh
sinh động, rất dạt dào đầy chất thơ:
Làng tôi mươi chục mái nhà tranh
Một ngọn chùa cao, một mái đình
Một rặng tre già vươn chót vót
Một giòng sông trắng chảy vòng quanh
Nhìn lại quê hương quận Ninh Hòa, những lũy tre xanh luôn luôn gắn chặt
với dòng sông, che mát dòng sông, bến nước làm tức cảnh thành những câu
thơ lai láng, đượm tình quê hương tình người được ẩn dụ và nhân cách hóa
của nhà thơ Vinh Hồ chan chứa trải nghiệm với nhiều kỷ niệm êm đềm, sâu
lắng, ngọt ngào thương yêu, đậm nét qua bài thơ Sông Cái, Sông Dinh, Hình
Ảnh Mẹ:
Đèo cao không ngăn được bước chân em
Dốc thẳng không ngăn được tình em
Thương em mẹ đặt con sông Cái
Đẹp xinh huyền diệu chảy trăm miền
................................................
Lớn lên mẹ đặt con sông Dinh
Sông Cái, sông Dinh hình ảnh mẹ
Chỉ một dòng thôi, chở mấy tình.
(Trích Đặc San 5 năm 2003-2008)
Lũy tre làng từ thời ngàn xưa đã làm nên lịch sử, một chiến công hiển hách
vang dội, đánh thắng giặc Ân của anh hùng Phù Đổng Thiên Vương vào thời
vua Hùng Vương thứ sáu, đã nhờ tre mà đánh tan giặc Ân bảo vệ nền độc lập,
tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Đây là một nét đẹp văn hóa được duy trì từ
thời Âu Lạc, vừa tượng trưng cho truyền thống chống giặc ngoại xâm, giữ
gìn khí phách anh hùng của dân tộc Việt.
Ngoài thơ ca, cây tre đã ẩn hiện lên một tác phẩm văn học đầy huyền diệu,
sinh động qua câu chuyện cổ tích "Cây Tre Trăm Đốt" được lưu truyền khắp
dân gian từ đời xưa đến hôm nay để con cháu ta đọc và học như một tác phẩm
văn chương.
Thời nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng khắc sâu hình ảnh trúc và tre cùng một họ,
tuy nhiên cây trúc nhỏ hơn cây tre, có ruột đặc. Trong lúc thi nhân ngồi
câu cá bên bờ ao, cảm xúc tức cảnh sắc trời thu đổi thay với nhiều hình
ảnh đặc sắc, gợi hình với nhiều màu sắc:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh biếc
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
Về thơ mới, Hàn Mặc Tử đã cảm xúc hình ảnh lũy tre lúc vào mùa Hè, Thu đầy
ấn tượng bởi tâm hồn tác giả tràn đầy đa cảm qua bài Tình Quê:
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hồn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Ngày nay có bài thơ miêu tả để ca ngợi cây tre đầy nét chân thực, với vần
điệu nhịp nhàng, rắn rỏi mang đầy màu sắc tình quê hương trong bài Tre
Xanh trong tập thơ Cát Trắng:
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đá sỏi, đất vôi bạc màu.
................................
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy, cành rời
Vẫn nguyên cái gốc tuyền đời chở mang
..............................
Tre già, măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau...mai sau...mai sau
Đất xanh...tre vẫn mang màu... tre xanh
Cây tre, trúc, tầm vông, nứa đi vào văn học nghệ thuật giàu hình ảnh sinh
động phong phú với cú pháp văn chuơng như so sánh, ví von, ẩn dụ nhân cách
hóa, tạo nhiều ấn tượng muôn màu, muôn vẻ đầy tượng thanh, tượng hình. Tuy
nhiên trang báo Xuân Ất Mùi nhỏ hẹp không thể nào ghi chép thêm nhiều tác
phẩm đặc sắc của các tác giả cảm xúc về cây tre.
TRẦN
NGỌC CHÁNH
NGUYÊN PHONG
Toronto- Canada,
2/2015

