
Kỳ 28:
Anh
đang hứng thú kể chuyện tham gia đóng phim “Bão Tình” và
chuyện “Bắt Cá Sấu bất đắc dĩ” tại Đặc khu Rừng sát cho cả
nhà cùng nghe nhưng mẹ em đã cắt ngang:
- Cháu ăn
đi …tô canh chua nguội hết bây giờ.
- Dạ,
vâng mời hai bác. Nhưng tô canh hãy còn “khói lửa mịt mù” kìa bác ạ.
Có lẽ anh
nói “có duyên” sao đó đã làm cho mẹ em không thể nhịn cười được.
Anh cảm thấy thoải mái hơn.
Cả nhà
tiếp tục bữa ăn. Mẹ xới cơm, còn em bới cơm cho mọi người. Anh lùa cơm
thật nhanh vào miệng để làm gì, em biết không nhỉ ? Câu trả lời thật đơn
giản…thì…để đưa chén cho em, rồi được nhìn em bới chén cơm mới cho anh.…..mà.… “nóng lòng chờ đợi”….
Nhìn anh,
ba em hỏi:
- Vậy là
cháu chưa có trận đụng độ nào lớn phải không ?
- Dạ có
chứ, thưa bác. Đụng thường xuyên khi cháu còn ở Giang Đoàn 44 Ngăn Chận
đóng trục tại Trà Cú. Thật ra, dù ở ngoài khơi hay trong sông rạch cũng
đều có cái hiểm nguy và gian nan của nó. Đụng độ với địch trên biển tương
đối ít xảy ra nhưng thủy thủ đoàn phải hứng chịu bao sóng gió ngày lẫn đêm
trong những lúc thực hiện các công tác tuần tiễu, hoặc kiểm soát cận duyên
các tàu ngụy trang chở vũ khí của địch bị hải quân phát hiện.
Bữa ăn
thật ngon cũng vừa chấm dứt. Mọi người nhìn anh, lắng tai nghe anh kể.
Chuyện dài cũng có và chuyện ngắn cũng có thôi, chỉ e rằng anh không đủ
thời giờ để kể. Vì là dân ban B nên quen cách lý luận, bởi nếu có kể thì phải có
đầu có đuôi.
- Trục-lộ
số 4 nối liền giữa xa-cảng miền Tây và Mỹ-Tho chạy ngang trước mặt một căn
cứ hải quân hùng hậu, trong đó có mặt của Giang-Ðoàn 44 Ngăn-Chận
(GÐ44NC). Hậu cứ của giang đoàn tác chiến này tọa lạc gần chân cầu
Bến-Lức, chỉ cách Sài-Gòn chừng mười mấy cây số về hướng Tây Nam. Tầm hoạt
động của giang-đoàn rộng lớn và rất quan trọng trong việc hộ tống, yểm trợ
và bảo-vệ cây cầu Bến Lức và dòng sông Vàm Cỏ Đông đổ ra biển tại Gò Công.
Trên cầu Bến-Lức là quốc-lộ 4 nối liền miền Tây qua ngã Mỹ Tho. Dưới cầu
là sông Vàm-Cỏ Ðông. Ðây là hai huyết mạch chính từ miền Tây dẫn về hòn
ngọc viễn đông của Sài Gòn hoa lệ. Bắt nguồn từ Komchai Mea, Kampuchia,
sông Vàm-Cỏ Ðông xuôi dòng qua địa phận Tây-Ninh rồi chảy quanh-co, uốn
khúc xuống mãi tận Bến-Lức. Dòng sông theo thời gian hiền-hòa và thơ-mộng.
Nhưng đặc biệt nó chảy ngang qua những địa-danh nổi-tiếng với nhiều trận
đánh đẫm máu như Gò-Dầu Hạ, Bến Kéo (Tây-Ninh), Trà-Cú, Củ-Chi
(Hậu-Nghĩa), và quận lỵ Ðức-Hòa. Khi chảy đến đây, sông Vàm-Cỏ Ðông hợp
lưu cùng sông Vàm-Cỏ Tây từ Long-An; cả hai nhập thành một có lưu lượng
nước lớn chảy vào sông Vàm-Cỏ ở Cần-Ðước trước khi đổ vào sông Xoài-Rạp
rồi ra biển Vũng-Tàu.
Sông Vàm-Cỏ Ðông rất trù-phú, nước sông vàng lợt, đục ngầu vì nhiều phù sa
lẫn mầu mỡ và bùn sình. Vì lẽ đó, sông này có nhiều cá và tôm. Ngư phủ và
dân chài địa phương tự giới hạn địa bàn làm ăn của họ nơi đây mà không dám
thí mạng vào các vùng cấm-địa bắt cá tôm.
Tất-cả
mọi sự di-chuyển của GÐ44NC bằng đường sông về Trà-Cú để tiếp-tế và
yểm-trợ các đơn-vị bạn nơi đầu sông đều phải thực-hiện vào những đêm không
trăng sáng. Nói một cách nôm na, đêm càng tối càng tốt, thì càng lợi thế
khi bị địch tấn công. Nhất là phải đợi đến lúc nước ròng vì như thế địch
sẽ khó nhìn thấy tàu hải-quân lướt sóng nhấp nhô trên đường chân trời khi
nước thủy triều dâng cao. Tuy nhiên, địch luôn lắng tai nghe
tiếng máy tàu chạy, nhìn nóc phát sóng vô-tuyến điện, rình rập ven bờ và
sau cùng bắn vào các giang đĩnh của GÐ44NC.
Trình-diện tân-đáo tại GÐ44NC xong, cháu được cử công-tác đóng trục
định-kỳ ở Trà-Cú. Nói là định kỳ nhưng thường thì nằm "mút chỉ cà tha" ở
Trà-Cú.
Vì có sẵn
chút ít kinh nghiệm chiến đấu trên sông rạch lúc còn ở Giang-Ðoàn 27
Xung-Phong, nên công việc của cháu dễ dàng hơn và tự tin hơn khi đụng
trận, nhất là tin vào mệnh số không sát quân của cháu.
Cháu
trách nhiệm năm giang-đĩnh gồm có ba Alpha và hai Tango trang bị đủ loại
vũ khí cực mạnh, kiểm soát ghe tàu qua lại, công tác yểm trợ và tuần-tiễu
dọc theo sông Vàm-Cỏ Ðông. Ngoài ra, cháu cũng có trách-nhiệm trong việc
chuyển-vận cùng phối-hợp hành-quân đánh giặc và tăng phái yểm-trợ
Giang-Ðoàn 54 Tuần-Thám đóng đô ở Trà-Cú.
Nơi cháu trục tại Trà Cú. Đằng trước và đằng sau là những cánh đồng tràm
bao-la, sình khô đen đúa do phù-sa lâu ngày bồi đắp. Trước kia, những cánh
đồng này chắc có rất nhiều cây, nhưng nay cây cối đã khô cằn trụi lá hoặc
bị đốn để dễ bề quan-sát quân trinh-sát của địch.
Vì gần biên-giới Miên-Việt, cho nên những mưu-tính tấn-công vào căn cứ hải
quân Trà-Cú chắc chắn nằm trong kế-hoạch đại quy mô của Cộng sản miền Bắc
nhằm mục đích xua quân vào thủ-đô Sài-Gòn.
Đặc biệt ở một khúc quẹo trắc trở và hiểm nguy nhất mà thủy thủ đoàn
GÐ44NC gọi đó là "cua tử-thần". Nơi đây, địch thường xuyên thụt B40 vào
tàu. Mỗi lần như thế GÐ44NC chống trả mãnh liệt.
Hai con
đường duy nhất từ Trà-Cú về Sài-Gòn, hoặc bằng đường sông hoặc bằng đường
bộ, đường nào cũng sặc mùi ám khí và nguy hiểm.
Từ
Trà-cú, ta có thể nhìn thấy Chi khu Ðức-Hòa không xa lắm và tỉnh lỵ Hậu
Nghĩa bằng mắt trần dán theo con đường đất thẳng tắp, dài đúng bảy cây số.
Dọc bên đường là ruộng mía rậm rạp, cao ngất-nghểu và rộng thênh thang đến
nỗi cò bay phải mỏi cánh. Vì có địa-thế ẩn núp tốt nhờ nhiều mía chằng
chịt nên địch quân thường đắp mô để chận đường, đánh phá và bắn giết quân
bạn….
Ba em thích nghe đã đành nhưng những câu chuyện chiến tranh lại làm cho mẹ
em thích thú và lo âu.
Anh bắt
đầu kể lại chuyện đụng độ với địch của chàng lính thủy cho ba mẹ em nghe….