Theo
lịch xưa của người Tàu, trong 12 con giáp, dê là sinh vật
xếp thứ 7 sau con ngựa và trước con khỉ.
+
Nguồn gốc: Dê là con vật thân quen và gần gũi với con người từ rất xa xưa,
hàng trăm ngàn năm về trước, nhiều thơ văn, ca cổ đã còn ghi lại nhiều
hình ảnh, mô tả về con dê.
+
Dê và con người: Dê và cừu đã được xếp vào nhóm tiểu gia súc.
-
Đại gia súc là trâu
bò ngựa.
-
Gia cầm là gà, vịt,
ngan, ngỗng.
Con người đã biết thuần dưỡng và nuôi dê để lấy thịt, sữa, da. Dê cũng đã
giúp con người sống còn.
+
Các vùng nuôi dê ở Việt Nam.
Dê và cừu đã được nuôi nhiều ở Ninh Thuận (Cà Ná, Tân Mỹ …) và Bình Thuận
(Tuy Phong, Vĩnh Hảo …) nơi đây có nhiều trang trại tư nhân lớn vài ba
trăm đầu gia súc vì vùng này có khí hậu nắng ráo quanh năm, không có nhiều
mưa vào mùa đông (tháng 10, 11,12), và ít mưa dông vào mùa hè (tháng 4-8)
là vùng đất hướng lâm nên rất thích hợp cho chăn nuôi dê và cừu.
+
Giống dê hiện nuôi.
Dê Bách Thảo- thân hình to lớn, khỏe mạnh, sắc lông đen tuyền hay lang
trắng nhập từ ngoại quốc.
Dê địa phương- Ninh Thuận- còn gọi là dê cỏ, nhỏ con hơn. Dê cái rất mắn
đẻ, năm cho 2,3 lứa, mỗi lứa 1-3 con. Hiện đang có kế hoạch lai tạo giống
dê nuôi, dê đực Bách Thảo và dê cái địa phương, để cho ra giống Ninh
Thuận, vừa lớn con vừa phù hợp thủy thổ, cho nhiều thịt, dễ chăn nuôi, ít
bệnh tật.
Dê đực có thân hình thon gọn, sắc lông đen tuyền hay có lang trắng, đôi
khi có đốm sao trắng. Đầu nhỏ, dê đực có đôi sừng nhỏ và nhọn, dê cái sừng
nhỏ hơn hay không sừng. Hai tai to và quặp xuống, đôi mắt lanh lợi. Dê đực
có râu cằm rất đặc trưng, râu dê, hai dịch hoàn dê đực phát triển lớn,
không cân xứng với thân hình, do đó mà sinh lực rất dồi dào. Mỗi sáng khi
thả dê ra đồng kiếm ăn, dê đực thường đứng đợi sẵn ở cửa chuồng, các dê
cái ngang qua đều được dê đực giao phối.
Chân dê có 4 móng, hai móng to hơn ở trước và hai
móng nhỏ hơn ở sau, nhờ thế mà dê chạy nhảy rất nhanh nhẹn trên các
gò đồi, sườn dốc thẳng đứng để tìm thức
ăn là lá cây rừng khắp mọi nơi, không hề e sợ thú hoang như cọp, beo, …
không ngại sình lầy(3).
+
Chuồng trại.
Chăn nuôi dê ít tốn kém, đàn dê, cừu hơn trăm con chỉ cần một một người
theo chăn dắt. Hằng ngày thả dê, cừu tự do đi tìm kiếm thức ăn ở các đồi
núi trọc, lá cây rừng, cỏ mọc hoang dại trên các sườn đồi, rừng thưa, đồng
cỏ dưới cây có bóng mát hay cỏ cây mọc hoang ở khắp mọi nơi.
Chuồng trại nơi nuôi giữ dê,cừu rất đơn sơ, mái tôn hay mái tranh lá, vừa
đủ để che mưa nắng. Bao quanh là hàng rào bằng tre hay cây rừng hay kẽm
gai. Nền chuồng bằng đất nện. Phân dê, cừu được dồn về một góc chuồng. Đôi
khi có chuồng sàn bằng gỗ, cao 5-7 tấc trên mặt đất. Sàn có khe hở để phân
dê, cừu rơi xuống bên dưới sàn. Phân dê, cừu được ủ cho oai, dùng làm phân
bón rất tốt cho các loại cây trồng như thuốc lá, cây ăn trái …
+Sản
phẩm của dê.
Ninh Thuận và Bình Thuận là hai nơi cung cấp dê thịt chính cho thị trường
Saigon, Chợ lớn và vùng phụ cận. Thịt dê là món ăn ngon, bổ dưỡng,
lạ miệng và khoái khẩu.
Kỹ thuật nấu nướng thịt dê đòi hỏi nhiều công
phu cầu kỳ không dễ chế biến thông dụng như thịt bò, thịt gà. Thịt dê có
mùi tanh và mùi dê rất đặc trưng nên sau khi thái thịt thành miếng nhỏ,
thịt phải được rửa
qua cồn pha loảng hay nước củ cải trắng để làm mất
mùi trước khi nấu nướng. Thịt dê có nhiều đạm và sinh tố nhóm B, nên rất
cần để bồi dưởng
cho
các thực khách gầy yếu, người bệnh ở giai đoạn hồi
sức. Nấu nướng và chế biến thịt dê phải dùng thực nhiều gia vị mới hấp dẫn
và ngon miệng.
- Lẫu dê, cary dê, sườn dê quay me, súp dê hải vị là những món hấp
dẫn, khoái khẩu lại rẽ tiền, giới sành ăn bình dân rất ưa thích.
- Thịt dê nấu nước dừa, dê mai quế lộ, xà lách dê, dê tẩm bột chiên,
gỏi dê ngũ sắc, dê bát bửu … được chế biến và giới thiệu ở các đại tiệc.
- Dái dê (ngọc dương) tiềm thuốc bắc rất quí hiếm, được dành riêng cho
giới thượng lưu các đại gia và ăn gì bổ nấy nên thường được giới mày râu
chiếu cố.(4)
Sữa dê cũng bổ dưỡng không thua kém sữa bò, sữa trâu, nhưng vì dê cái
thường cho ít sữa nên không có lợi nhiều về phương diện kinh tế.
Da dê cũng được thuộc để làm các dụng cụ bằng da như thắt lưng, ví xách,
áo da …
+
Cách nói lóng của dê.
Danh từ dê còn ngụ ý nói lóng, nói xách mé là hành vi trêu chọc ghẹo, xúc
phạm, tấn công phụ nữ.
- Theo điển tích của Tàu thì từ xa xưa các vua chúa đều có nhiều quyền
lực, nên có nhiều cung tần mỹ nữ, mà sức lực của vua thì có hạn (đọc Cung
Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu nói lên nỗi niềm tâm sự uẩn khúc, éo le than
thân trách phận của người cung phi). Các vua là thiên tử có quá nhiều
người đẹp ở trong cung, mỗi đêm nào có biết ăn nằm với ai? Vua di chuyển
bằng xe hai bánh gỗ do dê kéo, theo sau có hoạn quan và đoàn gia nô. Các
cung phi đều muốn gần với vua, được ân ái để ngõ hầu sinh ra hoàng tử hay
công chúa, ước mong về sau thành Hoàng Thái Hậu. Nên trước mỗi nhà đều cho
trang trí nhiều cây hoa lá cành, lá dâu sum suê để khi xe dê của vua ngang
qua, dê sẽ dừng lại vì ham mãi mê ăn lá cây mà quên việc kéo xe, vua cũng
dừng theo và ngủ qua đêm với nàng cung phi đó.
- Một cách bài bạc của người Tàu ở Chợ lớn (Đại thế giới) hay tại quận
Ninh Hòa (Tết năm Mậu Tí 1948) chính quyền lúc bấy giờ cho phép tổ chức
đánh bạc công khai-đánh Cửu Nhơn- trụ sở là nhà lầu Ký Hy- cao nhất Ninh
Hòa thời bấy giờ. Ghi số đề 40 con vật, đánh một đồng nếu trúng thì được
nhà cái thưởng khoảng 32 đồng. Ngày xổ 2 lần: buổi sáng lúc 12 giờ, buổi
chiều lúc 6 giờ. Con dê nhằm vào số 35, 36 là Bà vải. 37 là Ông Trời, 38
là Thần Tài, 39 là Thổ Địa ... Nói xách, nói mé, nói 35 là hành động và cử
chỉ của người dê xòm.
+
Con dê với y học.
Viện Pasteur Nha Trang còn được gọi là Sở thuốc, nơi đây để điều chế các
loại vacxin thì huyết thanh trị bệnh cho người và gia súc đều lấy nguồn
gốc từ súc vật như huyết thanh từ máu ngựa và bò, vacxin dại từ não dê,
cừu non hay não chuột ổ, vacxin đậu mùa từ lớp da bụng của trâu nghé,
vacxin cúm từ trứng gà, vacxin dịch tả gà Newcastle từ trứng gà ấp, vacxin
dại chó Flury từ trứng gà ấp …
Để điều chế vacxin phòng ngừa bệnh dại do chó cắn, trước 1975, hằng năm đã
phải sử dụng cả vài ngàn dê, cừu con (không quá hai tháng tuổi, nặng từ
3-6 kg) để nhằm cung cấp đủ vacxin phòng dại cho toàn Miền Nam.
Virút dại được lan truyền từ chó sang người qua vết cắn hoặc chó liếm chỗ
da bị rách, trầy, xước … Virút có sẳn trong nước bọt của chó đã bị dại, cư
trú nơi hai tuyến nước bọt ở sau tai.
Vírút còn gọi là siêu vi trùng, sống ký sinh nội bào, kính hiển vi điện tử
mới soi thấy được, vírút dại có ái lực mạnh với tế bào thần kinh. Do đó mà
khi đã xâm nhập được vào cơ thể, virút tìm mọi cách đến tế bào thần kinh
và lần vô trung tâm não bộ (nơi đỉnh đầu). Tùy theo vết cắn ở xa hay gần
não bộ mà bệnh dại được phát bệnh sớm hay muộn (được gọi là thời gian ủ
bệnh).
Thế giới hiện nay chưa tìm được thuốc kháng sinh đặc hiệu để chửa bệnh
dại. Khi bệnh đã khởi phát thì rất khó chửa trị. Tương tự như HIV, Ebola …
Tuy nhiên người đầu tiên đã điều chế ra vacxin phòng bệnh dại là Louis
Pasteur (1822-95) từ não thỏ. Do đó mà viện Pasteur Saigon vẫn giữ mãi
truyền thống tiêm ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn nên thường gọi thân
quen là “nhà thương chó”
+
Phương pháp điều chế vacxin.
Virút dại PV được tiêm thẳng vào não dê hay cừu non (não súc vật già có
chất melanine dễ gây phản ứng phụ và rủi ro cao), 4-6 ngày sau thì dê, cừu
non chết vì dại. Mổ lấy não, pha loãng với nước cất
2 lần với tỷ lệ 1/10. Xay nhỏ (như cách xay nước ép trái cây), bọc qua 3
lớp vải gage. Bất hoạt với Formaldehyt có nồng độ 1% và nhiệt độ 37độ C
thời gian 1 tuần để diệt vírút dại nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên
nhằm tạo ra kháng tử. Vacxin Fermi
simple- Vacxin sau đó được đưa qua công đoạn kiểm định để đánh giá về vô
trùng, an toàn và hiệu lực (Habel test). Nếu các test đều đạt yêu cầu thì
sau đó mới được tiêm cho người. (1)
Pháp đồ tiêm phòng dại.
Điều trị bệnh dại bằng phương pháp tiêm vacxin là một cuộc chạy đua giữa
virút dại do chó cắn và kháng thể có được của cơ thể do tiêm vacxin (kháng
nguyên). Do đó đòi hỏi bệnh nhân phải được tiêm sớm, nếu không thì cuộc
chạy đua sẽ thất bại, mà đích đến là trung tâm não bộ.
Do đó vacxin dại không chỉ tiêm một lần mà phải được tiêm làm nhiều lần,
nhắc lại cách nhau 3-5 ngày với mục đích làm lượng kháng thể có được từ hệ
thống tế bào trong cơ thể sản sinh ra kháng thể, mỗi lúc một tăng cao dần
lên nhằm có đủ khả năng để trung hòa virút dại đã xâm nhập vào cơ thể do
chó cắn.
Số lần tiêm thay đổi tùy theo vết cắn xa hay gần não bộ, tiêm vacxin sớm
hay muộn, vết cắn thẳng vào da hay qua quần áo của bệnh nhân, vì khi cắn
qua quần áo thì nước bọt của chó đã thấm vào lớp vải trước khi đến chổ da
có vết răng, và vết cắn nằm ở xa hay gần não bộ. Nếu vết cắn ở mặt, đầu,
bộ phận sinh dục thì nguy hiểm cao hơn ở tứ chi. Những trường hợp này có
khi phải dùng đến huyết thanh kháng dại.
Sự gia giảm nhiều hay ít lần tiêm là do vị BS điều trị quyết định.
Một cách thông thường thì không phải hể chó nào cắn người cũng đều là chó
dại. Virút dại chỉ cư trú ở hai tuyến nước bọt mang tai và theo xuống răng
của chó trong thời gian 3-5 ngày trước khi chó chết vì dại. Chẩn đoán bệnh
dại chỉ có Thú Y sĩ mới biết mà thôi, với mắt thường rất khó mà kết luận.
Chẩn đoán chính xác phải dựa vào phòng thí nghiệm.
- Nếu chó đã chết thì mổ lấy não, quét qua kính, nhuộm màu, soi kính hiển
vi quang học tìm Corps de Negri. Nhưng phương cách này không được chính
xác lắm vì có thể nhằm lẫn với màu sắc của thuốc nhuộm.
- Phương cách chính xác hơn là mổ lấy não, nghiền nhỏ với nước muối sinh
lý mặn, quay ly tâm lấy nước nổi tiêm vào não chuột ổ,theo dõi chuột trong
thời gian 10 ngày. Nếu chuột ổ chết với triệu chứng bại liệt, đặc trưng
của dại thì kết luận là chó đã bị dại. (2)
Cách thông thường nhất là khi chó nghi ngờ bị dại cắn thì tiêm 1-2 liều
vacxin dại, tiếp tục theo dõi con chó trong thời hạn 10 ngày. Nếu chó tươi
tỉnh, chạy nhảy, ăn uống bình thường thì không đáng lo ngại. Nếu chó chết
thì tiếp tục tiêm vacxin đủ liều qui định. Vì khi chó bị dại thì phải chết
từ 3-5 ngày sau khi cắn (không chết vì đói, khát hay bị đập chết), theo
dõi thêm 5 ngày nữa là thời gian an toàn. Nếu chó cắn mà không biết chủ,
chó hoang, thì phải tiêm đủ liều đã qui định. Thà bắn lầm hơn bỏ sót.
Hiện nay qui trình sản xuất vacxin dại trên não dê, cừu non không còn được
áp dụng để sản xuất nữa, đã dùng não chuột ổ (Vacxin Fuenzalida) nay cũng
đã lỗi thời. Hiện nay là phương pháp sản xuất vacxin dại trên nuôi cấy tế
bào, liều tiêm ít hơn, rủi ro ít hơn và an toàn cũng cao hơn.
Vào mùa hè 1973, một thầy lang ở Trảng Bàng, Tây Ninh, công bố có thuốc
gia truyền đủ khả năng chửa lành được bệnh chó dại cắn, đồn khắp Sài gòn
và lục tỉnh. Tác giả bài viết này đã đến tận nơi và xin được hai viên
thuốc là tinh bột gạo, màu vàng nghệ, sần sùi, to bằng đầu ngón tay cái,
có mùi thuốc bắc, nếm hơi đăng đắng. Về phòng thí nghiệm xin cấp 6 con thỏ
nặng 1,5-2 kg. Pha thuốc chia đều cho thỏ uống.
- 2 thỏ uống trước khi tiêm liều CVS (Challenge virút standard) liều thử
thách.
- 2 thỏ uống sau khi tiêm liều CVS, xem như trước đó đã bị chó dại cắn.
- 2 thỏ không uống gì cả, chỉ tiêm liều CVS để làm chứng.
Theo dõi 14 ngày sau, tất cả 6 thỏ đều chết với triệu chứng vì dại, chứng
tỏ thuốc không có công hiệu hay nói cách khác thuốc không có khả năng làm
trung hòa virút dại CVS.
Virút dại hiện nay vẫn còn tiếp tục lan truyền trong cộng đồng dân cư là
một vấn nạn lớn đối với Tổ chức y tế thế giới WHO và không thể tiêu diệt
được hết vì virút dại lưu trú nơi chồn hoang, sống trong rừng, chồn là vật
lành mang trùng, chồn không bị dại, chồn cắn chó săn, chó săn cắn chó nhà,
chó nhà cắn người.
Viện Pasteur Saigon trước 1975. Có công trình nghiên cứu tìm virút dại
trên não chuột cống, não dơi nhưng không có kết quả.
Tác giả bài này nhân đề tài
con dê, năm Ất Mùi, muốn đề cặp thêm đến bệnh
chó dại với mong ước cung cấp cho quí đồng hương và độc giả gần xa một số
kiến thức và chia xẻ một số thông tin cơ bản về bệnh dại.
Mong ước lắm thay !