Ngọn
gió xuân lao xao đầu ngõ đang thầm thì to nhỏ cùng những
nhánh hồng đào. Cả hai bận rộn xí xô trò chuyện với nhiều nụ
búp non đang leo trèo khắng khít trên cành. Tuy xa quê Mẹ đã
lâu nhưng người Việt chúng ta vẫn hoài nhớ không khí xuân
SaiGon nên ai cũng thích có một nhánh hoa “gợi xuân.” Hoa
mai là biểu tượng cho Tết quê nhà nhưng nơi đây, hình như
tôi ít thấy mai vàng trước ngõ lắm?!
Ở xứ người, Tết là những ngày đông giá lạnh. Hoa mai cũng khó thích hợp
cho thời tiết co ro, co rúm này. Khí lạnh rất tốt cho những cánh hồng đào
khoe sắc hương tươi thắm nên hầu như trong sân nhà người Việt Nam thường
trồng cây hoa anh đào.
Trước sân nhà, tôi cũng bon chen, nâng niu trồng một cây hoa anh đào “làm
dáng...!” Khi rảnh rỗi thì tôi ra đứng cạnh bên, ngắm nhìn những cánh hoa
quyến rũ ong bướm. Tiếng vo ve của mấy chàng ong ì xèo “tỏ tình” giống y
như âm điệu một bài nhạc chỉ có giọng trầm đều nhịp mà không có nốt vi vút
lên cao….o…o…o….miết thôi. Đàn ong cứ quấn quít, mải mê lờn vờn từ đóa này
đến đóa khác mà không biết mệt, không biết mỏi cánh là gì. Bao nhiêu đó,
tôi có thể bâng quơ suy diễn:
- Chắc chắn là mật nhụy hoa đào rất ngon, thơm và ngọt lịm mới có thể
quyến dụ được các anh chàng ong “say tình” đến nổi không còn biết thời
gian…bây giờ là sáng, trưa hay chiều.
- Mỗi khi tôi ra ngắm hoa thì tai tôi đều nghe mấy anh “hảo ngọt” cứ
bay….e…e….e.., đậu rồi ngừng, ngừng rồi đậu đến chóng mặt luôn. Tôi ngẫm
nghĩ, hoa đào này thiệt là tài tình. Dĩ nhiên, vẻ đẹp của hoa đào cũng
“sắc nước nghiêng trời” lắm lắm mới có thể làm đảo điên, ngây ngất mấy
chàng ong “khoái mật ngọt.”
- Cây tuy nhỏ nhắn nhưng mấy mùa xuân Tết đi qua, hoa đào đã nở rực một
góc trời. Nếu trên con đường vắng lặng của nhà tôi, có ai lỡ bước tình
tang nhàn rỗi đi ngang qua, họ không thể nào không “chắc lưỡi hít hà”
trong bụng thầm khen tặng, “Ồ….hoa gì mà quá lộng lẫy màu hồng đỏ thắm.”
Tôi thấy họ dừng chân ngắm nghía, trầm trồ chiêm ngưỡng mà trong bụng tôi
cũng khoái chí lắm!
- Mùa thu tô lá màu vàng úa, đượm nỗi buồn hắt hiu. Những chiếc lá tiều
tuỵ, hom hem treo lửng lơ trên cành gầy guộc, thấy mà mà thương! Thu đi
cho đông về thì cơn gió “lạnh lùng” thay nhau quất hằn, làm lung lay cuống
mong manh đang cố gắng gượng, bấu víu cành trong tuyệt vọng. Chắng mấy
chốc, ngọn gió lạnh vô tình thổi bay “những phiến lá sầu” này thật não
lòng.
Đông vẫn còn tung hoành góc phố. Cây đào ốm yếu đang trơ cành khẳng khiu.
Chỉ còn mươi ngày nữa thì cánh hoa đào phải khoe sắc cho đúng vào thời
điểm mà cô chủ mong đợi. Tôi cứ ghé mắt và chịu khó chăm sóc:
- Không biết mình phải tưới thêm nước cho cây uống no bụng để búp non hí
mắt nhìn trời.
- Không biết mình có phải cho cây chút “thức ăn?” Vì, nếu mình đói bụng
thì mình không có chút “xí quách” nào thì làm sao hoàn tất công việc được.
Cây đào chắc cũng y chang mình vậy thôi?! Thật tình, người cũng như hoa,
không ai có thể đoán chính xác thời tiết ra sao. Cả hai, cô chủ và đóa hoa
chỉ còn biết thẩn thơ nhìn lên trời cao rồi hy vọng - nàng hoa sẽ nở xum
xuê đúng vào thời điểm những ngày cận Tết như mình hằng mong đợi mà thôi.
- Bãi cỏ xanh trước sân nhà sẽ khoan khoái vui tươi khi có thêm màu hồng
đỏ của những cánh đào, tô điểm vài nét chấm phá trên nền xanh ngọc bích
thêm tươi tắn. Một bức tranh đầu năm nhiều màu sắc ngay đầu ngõ ra vào
trong ba ngày Tết thì quí hóa biết bao.
Còn về phần hoa đào cũng có nỗi buồn bâng khuâng vì hoa đang lo sốt vía,
không biết gió, mưa, nắng, lạnh có thương mình không:
- Nếu mưa cứ rả rích rơi hoài thì hơi lạnh sẽ quấn chặt không gian, búp
non rụt rè không dám hé mắt vì sợ hạt mưa làm hoen đôi bờ mi còn non
choẹt.
- Nếu nắng vàng bắt cầu xuống thăm hỏi quá sớm hơn dự tính thì cánh hoa
phải liên tục xì xào tiếp chuyện. Không bao lâu thì các nàng hoa rủ nhau
xúm xít cười toe toét hết trơn.
Ngày mồng một mà không còn nụ búp nào thẹn thùng e lệ, gõ cửa chào thưa,
chúc Tết gia chủ để được nhận lì xì thì “Nguy To!”