Quê tôi,
Ninh-Hòa, năm nào cũng nhận những trận mưa dầm, gió bấc (Bắc) kéo
dài hai ba tháng, gây nên năm ba trận lụt lớn nhỏ. Nước từ núi
rừng lân cận đổ xuống đồng ruộng, gặp nước Sông Dinh từ Trường sơn
chảy về tràn vào ruộng vườn, nhà cửa, đường sá, ngập thành biển
nước mênh mông. Cùng lúc những cơn gió bấc của rừng núi phiá Bắc
thổi về mang theo hơi lạnh tê buốt đến xương. Người, gia súc, chim
muông và cây cỏ cùng chung số phận, chìm ngập bùn lầy, nước bạc,
trông thật tiêu điều buồn bã. Cuối tháng mười âm lịch, chỉ còn
những cơn mưa phùn, để rửa bùn trên ngọn cỏ lá cây, rồi những tia
nắng ấm ló dạng, như tiếp sức cho sự sống, không mấy chốc, cỏ cây
xanh tươi đâm chồi, ra hoa, đơm trái, cánh đồng lúa xanh, vờn theo
cơn gió nhẹ, đàn én bay lượn trên bầu trời, báo hiệu mùa Xuân đến.
Chúng ta có thể
nhờ nhạc sĩ Minh Kỳ tả giùm mùa Xuân lúc bây giờ “Xuân đã về, Xuân
đã về, kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông. Trên cánh đồng,
chim hót mừng thiết tha cùng đàn tung bay vui say. Xuân đã về,
Xuân đã về, ta hát vang lên câu ca mừng, chào Xuân” Đây là Xuân
ngoại cảnh, Xuân nội tâm, chúng ta phải nhờ đến nhạc sĩ Phạm Duy
tâm sự “Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui. một đêm gối
chăn, phòng the đón Cha Mẹ về. Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối
mơ. Bừng reo, rồi theo nắng lên từ Cha chói chan lòng Mẹ …. ”Vâng,
vui Xuân không thể thiếu Cha Mẹ, Ông Bà dù các ngưòi còn tại thế
hay đã khuất bóng, vì rằng “Chỉ có bên Cha Mẹ mới là mùa Xuân
thôi”“Bừng reo rồi theo nắng lên, từ Cha chói chan lòng Mẹ’.
Đây là những
mùa Xuân thi ca, Xuân trong mơ, thực tế chúng ta chưa có mùa Xuân
nào được ấm cúng, sum vầy đoàn tụ. Thời chiến tranh, con xa Cha
Mẹ, chồng xa vợ, anh, em kẻ Nam người Bắc. Kết thúc chiến tranh,
còn tàn tệ hơn nữa vì căm thù, tù đày đói rách triền miên, thiếu
trước hụt sau, gia đình mất mát, phân tán rừng sâu nước độc, biển
cả bao la, hải ngoại mịt mù.
Cho nên năm
này, chúng tôi quyết tìm lại mùa Xuân trong tôi, vì đã từ lâu lắm
rồi, tôi chưa lần nào về quê ăn Tết, năm nay Xuân Nhâm Thìn chúng
tôi có hẹn với một số đông các bạn đồng hương và thân hữu hải
ngoại, gặp nhau tại phi trường Tân Sơn Nhứt, phòng VIP lầu thượng.
Đúng đêm Giao Thừa, chúng tôi có mặt tại Sài Gòn, vừa lúc các bạn
ở quê nhà cũng đông đủ chờ đón, chúng tôi, hai bên tay bắt, mặt
mừng chúc tụng, sau nhiều năm xa cách, tiếng thăm hỏi, đùa giỡn
vang cả phòng không ngơi.
Ngoài bến đậu
xe, một chiếc ” Bus Rồng Vàng” đang chờ đợi, toàn thể bạn bè thân
hữu lên xe, người tài xế không ai khác, đó là bạn Nguyễn văn
Thành, tôi Lê Văn Ngô tình nguyện làm “tour guider”. Trên tay tôi
có tờ báo Xuân Nhâm Thìn”
www.ninh-hoa.com
dày cộm,
nên rất dễ hướng dẫn lộ trình, sau khi điểm danh đầy đủ, các bạn
an tọa, tôi báo tài xế chuyển bánh.
Điểm dừng
chân đầu tiên tại Sài Gòn, là nhà bạn Thu Thủy, nơi đây có một đêm
văn nghệ nâng “Ly rượu mừng Xuân” với toàn ban hợp ca, vang động
cả một góc trời, tiếp theo là các ca sĩ cây nhà như, Thu Thủy, Lan
Đinh, Thanh Nhàn, Lý Hổ, Nguyễn Hương, Lương Lệ Huyền Chiêu, Phi
Ròm, Tuyết Hoa, Lan Hương, Nguyễn Tính, LL Minh Trí v. v. đơn ca,
hợp ca các bài Xuân tặng cho nhau suốt đêm vui đùa quên ngưng
nghỉ.
Trên lộ trình
xuyên Việt, ra miền Trung về quê cha, đất Mẹ nơi chôn nhâu cắt rún
của đàn chim phiêu bạt, là vùng đất NINH-HÒA Chúng tôi dừng xe tại
thành phố biển Nha Trang, thăm vài bạn đồng hương Ninh hòa đang
sinh sống tại đây, đến nhà anh chị Hải Lộc vừa đúng bữa cơm trưa,
được anh chị thết đãi nồng hậu và dự buổi nói chuyện “Nghệ thuật
cắm hoa, trang trí nhà cửa phòng ốc” và cũng được bạn Sử Xương Hải
cho xem vườn “ Hoa Xuân ngày Tết” tuyệt vời. Buổi chiều, chúng tôi
đi thăm Bến tàu “Cầu Đá trăng thề chung ước nguyện” Hải học viện,
nhà nghỉ mát Bảo Đại, xuống ghe qua thăm Hòn Miễu, Hòn Yến, hồ cá
Trí Nguyên…, . trở về thăm Hòn Chồng, nơi bao lần hò hẹn, ”Hòn
Chồng lỡ hẹn tình theo mãi”, hoặc “Hòn Chồng trăng nước dệt duyên
tơ” cũng không quên đến “Tháp Bà huyền bí xăm linh ứng” và Phật
Trắng nhiệm mầu kinh, luật thơ”. Là Phật tử ai hiểu kinh, giữ luật
nghiêm minh, thuộc thơ, chú sẽ cảm nhận sự mầu nhiệm của Phật
Pháp.
Chiều xuống,
chúng tôi về bãi biển Nha Trang, cắm trại, hít thở không khí trong
lành của Thái Bình dương, tắm biển mặn mà, cát trắng thơm tho, đêm
tối đốt lửa, văn nghệ Tân cổ giao duyên, MC là NXV, VH, Tố Anh … ,
tân nhạc gồm có các ca sĩ vừa kể trên, cổ nhạc có ông bầu Ngô
Trưởng Tiến, NXV, Lê thị Hoài Niệm, Trần thị Chất, ngâm thơ Đường
luật Vinh Hồ. v. v…một đêm lửa trại rực trời, chan chứa tình cảm,
lưu luyến kỷ niệm không quên. ”Nha Trang bãi biển hình cong, dừa
xanh, nước mát mặn nồng tình thương. ”
Sáng hôm sau,
xe bus đưa cả đoàn về Ninh Hòa, qua đèo Rù Rì, vượt đèo Rọ Tượng,
nhìn bầy cá măn, bơi chạy tung toé trên mặt nước hồ, hai bên đường
lộ, cánh đồng lúa xanh vừa phủ bờ, trông mát mắt, no tình. Đến nhà
chị Huyền Chiêu và anh Trương thanh Sơn đúng ngọ, bữa cơm đặc sản
của quê hương do các chị Lê thị Đào, Đinh thị Lan, Hoàng Lan,
Nguyễn Y Lan … phụ trách, trong các bữa ăn chắc chắn không thiếu
món bún cá và mắm ruột cá ngừ.
Món ăn chế biến rất tài hoa
Mùi vị nếm nêm đạt dịu hòa
Buổi sáng mùi thơm nem thịt nướng ,
Ban chiều thoang thoảng dĩa cơm gà.
Trong lúc chờ
cơm, chị Huyền Chiêu kể chuyện”Về Đây Nhìn Mây Nước Bơ Vơ”, anh
Sơn nói về món nem Cầu Gổ Ninh Hòa, Thi Thi đọc thơ Lục bát, Lữ
Thanh Cư nói về “Những Năm Tháng Tuổi Ngọc, Phan Kiều Oanh “Chuyện
kể Cô Ba Phước Đa” nhờ thế tôi biết được tin tức bà cô họ của tôi
lưu lạc cách đây gần 50 năm, bạn Phạm Thanh Khâm kể chuyện “ Lò
Trấu Việt Nam” du nhập vào Phi Châu theo bước chân người con Ninh
Hòa, tạo thành một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho dân địa phương
……
Cơm nước xong,
cả đoàn đi tắm biển Dốc Lếch do hướng dẫn viên Ngô thị Ái Kiều đảm
trách, trên đường đi ghé thăm đồng ruộng muối của BS Lê Ánh, tại
Phú Thọ. Đứng đỉnh đèo Bánh Ít, ngắm” Hòn Hèo đội mũ gọi mưa sa,
rồi nhìn qua “ Núi Vọng giăng mây chờ nắng ngã”(Vinh Hồ) “Sừng
sững giữa trời với núi non, Dáng ai thạch nữ tay bồng con”(Lương
Mỹ Trang) “Thân hóa đá vẫn gieo nguồn cảm xúc, Mịt mù xám xanh vây
bủa hình hài”(Dương Công Khánh) “Hòn Khói nặng tình mong nắng đổ,
Vọng Phu vẹn nghĩa động sương sa” (Nguyễn thị Thanh Trí) “Dục Mỹ
luyện rèn chân bỏng rát, Vọng Phu ngóng đợi lệ tuôn sa” (Nguyễn
văn Thành) Nếu vào rừng thì ”Trầm hương thương Núi Người Chinh
Phụ”, Hổ dữ yêu Rừng Rậm Ổ Gà”(LVN) hoặc “Chiều thấy cò bay sáng Ổ
Gà” đêm “Tối nghe trống sấm chùa Thiên Bữu (Vinh Hồ).
Ngày hôm sau,
chúng tôi “Qua cầu sông Dinh cảnh như hoa, Cây trái xanh tươi khí
dịu hòa” (VH) “Sông Dinh nước chảy lững lờ, Êm đềm mát mẻ đôi bờ
tre xanh. (Nguyễn Đích), tha thiết hơn”Ninh Hòa thương quá dòng
sông ấy, Thấm đẫm tình quê đượm sắc màu. Bồi đắp phù sa ươm mạch
sống, Ghi vào thơ nhạc mãi về sau. ”(Nguyễn thị Thu). Đầy đủ hơn :
“ Tình sông nước mỹ miều năm tháng, Nước phù sa phủ láng cánh
đồng. Cây vườn ruộng lúa đơm bông, Cảnh nhà tươi mát thấm lòng
nhân gian “ (Thi Thi). Rời cầu Dinh chúng tôi đến Trường Trung học
Trần Bình Trọng để nghe thầy HT Trần Hà Thanh , cô giáo Lê thị Đào
nói về ngôi trường thân yêu và cô nữ sinh Hải Lộc tâm sự “Nhớ cánh
phượng hồng bay trong gió, Ve vuốt tóc ai lúc tan trường”.
Phi Ròm đề
nghị xe quay về” Dục Mỹ quân trường nóng gió hắc” để nàng kể
chuyện “Ký Ức Tuổi Thơ” sợ ma cho mà nghe. Và Nguyễn thị Cúc dẫn
đi tắm suối ngày mưa lũ. ”Dục Mỹ ơi ngày xưa, Nhớ mấy cho vừa. Nhớ
một thời mắt biếc, Áo trắng dài thướt tha. Muốn biết sinh hoạt
quân trường, xin gặp chị Lê Phan Tuyết để “Tìm Trong Kỷ Niệm…”,
tắm Suối Nước Nóng có bạn Thu Thủy và Phó đức Lâm dẫn đường. Ghé
đập Đá Bàn để thấy “Hồ to nước lạnh sương mù sa”.
Chúng tôi
lập chương trình ngày đi thăm bạn bè, thắng cảnh, đêm về đọc
truyện, ngâm thơ, danh sách đã được anh Thành ghi sẵn trong Đặc
San số Xuân Nhâm Thìn, do đó không thiếu sót ai.
Ngày cuối ở
Ninh Hòa, chúng tôi tổ chức đêm văn nghệ tại sân vận động, chào
đón bà con quê nhà, với đầy đủ các ban văn nghệ của Trường Trung,
Tiểu học Ninh Hòa, Dục Mỹ tham dự. Ngoài tân cổ nhạc, không thể
thiếu trò chơi hô bài chòi “Mỗi lần đón tết mừng Xuân, Bài chòi mở
hội tưng bừng vui chơi”(Nguyễn Đích), nghệ sĩ đứng đầu môn này là
bạn Nguyễn Đích, Lê thị Hoải Niệm với bài “Người xứ nẩu” khán giả
ôm bụng cười ngã nghiêng và cũng tràn nước mắt , đêm văn nghệ
thành công để đời.
Đời có hợp,
có tan, cuộc vui có mấy rồi cũng phải tàn
“Háo hức niềm
tin ngày Xuân hội ngộ,
Hơn bốn mươi
năm chuyển đổi xoay vần.
Hồi ức học trò
in tươi thơ ngây,
Vết hằn cuồn
cuộn khắc sâu từng khuôn mặt,
Bạn bè quê
hương hy vọng mãi dâng đầy. ”
(Nguyễn thị Bảy)
Tha thiết
hơn
“Luyến tiếc lắm
Ninh Hòa xưa yêu dấu,
Cuộc sống
nghèo nhưng đầy đủ tình thâm,
Tình bạn bè
trong thời cắp sách,
Nghĩa xóm làng
ôi sao quá thân thương.
(Nguyễn thị Tri)
Lưu luyến gì
rồi cũng đến phút chia tay,
“Vẫn biết chia
tay là cách xa,
Thôi thì ly
biệt cũng là ta.
Giữ chút niềm
thương chờ nắng ấm,
Chúc người năm
cũ ngõ đầy hoa. ”
(NXV)
Thanh thoát
hơn,
“Không ân,
không oán buộc ràng,
Chỉ còn nụ
cười hân hoan tặng đời.
(Nguyễn Kim)
Chiếc máy bay
“ Rồng Vàng” rời phi cảng Tân Sơn Nhất trực chỉ về tiểu bang
Minnesota, để lại phía sau những người bạn văn chương đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu. Tính lại, chúng ta đã được chín năm
hội ngộ như thế này, công lao người thuyền trưởng không nhỏ. Sức
dẻo dai bền bĩ, tay lái vững chắc, tài tình, xử dụng cần gạt nước
khéo léo, gạt phang những giọt nước bẩn che lấp tầm nhìn xa để
vượt qua bao cơn sóng gió mưa bão, về bến kịp thời, đúng lúc. Xin
cám ơn Người, cám ơn Trời, Cho tôi gặp lại những người tài hoa.
Nhân đây cũng
xin phép các bạn cho tôi được phép trích chép lại thơ, văn, tên
của các bạn trong bài này... Còn nhiều tên tuổi, văn phong giá trị
nữa, song vì giới hạn trang giấy, tôi xin cáo lỗi.
Thân ái kính
chào các bạn.