N g u y ễ n t h
ị đ à o
11A1
Ngàn tia nắng đang nung màu cho phượng đỏ thêm, cho lá phượng
xanh thêm và rồi khúc nhạc ngàn đời của mùa hè cũng bắt đầu trổi
giọng
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
(Nguyễn văn Vĩnh dịch)
Riêng với người học sinh, sắc đỏ phượng và âm thanh của chị
ve sầu đã gây trong lòng người biết bao nhiêu là cảm giác. Những nỗi
buồn bắt đầu khơi dậy trong lòng. Nhìn màu phượng đỏ, nhìn ngôi
trường đang im lìm dưới sức nóng gây gắt, chiếc cổng bé nhỏ đã khép
kín, không bóng dáng một ai, từng ngần ấy cảnh vật đã mang biết bao
nhiêu tiếng nói đến lòng người. Mùa hạ mang nhiều ý vị đến với ta,
đến với người thơ, sống và cảm nhiều. Cái khí nóng uất trời ấy đã
được đón nhận trong cõi thơ, màu phương đỏ là điểm sáng tô thêm phần
tươi đẹp, tiếng ve là khúc nhạc ru ngủ mọi sinh hoạt đang chìm đắm
dưới hàng ngàn tia nắng gắt. Tất cả đều được ghi lại dưới ngòi bút
của các thi nhân. Ở cùng một cảnh vật, Nhưng mỗi người mang những
tâm trạng khác nhau. Có người gọi mùa hạ là mùa chia tay, có người
gọi mùa hạ là mùa của xum họp, là mùa của hạnh phúc. Cũng như Xuân
Tâm đã sung sướng khi nhìn bóng hè sang lòng rộn ràng khi học vừa
chấm dứt.
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ
Mùa hạ đến với Xuân-Tâm biết bao nhiêu là thú vị : mùa Xuân
của ông đã nằm trong mùa Hạ. Ông vui mừng đón nhận cái không khí
nóng bức ấy với một tấm lòng tràn đầy sung sướng.
Tay bắt tay không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi; trời mai đầy ánh sáng
Xuân-Tâm vui khi nhìn mùa hè đến thì với Xuân-Diệu, ông đang
luyến tiếc cảnh trời Xuân đã qua, một mùa Xuân đến gởi một chút
hương trên ngàn hoa, nội cỏ thì đã vội ra đi để nhường chỗ cho sức
nóng của mùa hè.
Chỉ còn lại mùa Xuân quá vãng
Một chút hương vương vấn bụi hồng tàn
Gió thêm nóng ngày dài thêm ánh sáng
Ve thêm sầu – em cũng kém dung nhan
Hè của Xuân-Diệu cho ta thấy cả một sự thay đổi, từ nhiệt độ,
quang cảnh, thời gian đến những âm thanh khác biệt giữa hai mùa. “Ve
thêm sầu” đã nói lên được tiếng rên rỉ “Suốt mùa Hè” của chị ve sầu,
đã gợi trong ta sức nóng của mùa hè khi nhìn cái “dung nhan” kia
đang tiều tụy khô héo, dưới ngàn tia nóng. Nhưng mùa hạ của Tạ Ký đã
đưa ta đến một khung trời tươi sáng
Vàng dâng ngập mái mơ xưa
Chim gáy lê thê rộn xóm dừa
Bờ rộng đôi lòng say nắng hạ
Sắc màu lỏng lẻo gió đong đưa
Thật là một quang cảnh tươi sáng và linh động cũng có nắng
hè, có cả tiếng gáy lê thê của một vài chú chim bên khóm dừa, Nhưng
cái nắng của Tạ Ký nó dễ chịu hơn, nó mang cả những chất men nồng
làm say lòng đôi tình nhân trong một trời nắng hạ.
Trong cái tia nắng ấy đã gợi cho con người nhớ đến những ngày
tháng qua, không phải chỉ có buổi chiều, tối và cảnh mưa rơi mới có
thể mang tâm hồn con người trở lại quá khứ mà cái trưa nắng gắt kia
cũng đánh thức, cũng gợi lên bao kỷ niệm của mình. Ở đây ta thấy rõ
Hồ-Dzếnh đang đứng dưới trời ngập nắng mà nhìn lại ngôi trường nho
nhỏ, nơi đó ngày xưa ông đã sống qua những giờ phút vui tươi với
tiếng cười ngây thơ như còn vang lại.
Sâu rộng quá những giờ vui trước
Nhịp cười say trên nước chưa trôi
Trưa hè thường thấy hai tôi
Ném đầu chim chích, bắt đôi chuồn chuồn
Còn khung cảnh nào đẹp hơn đây không? Cả một buổi trưa nóng
bức thế mà Hồ-Dzếnh đã cùng người bạn gái nhỏ đuổi bắt chuồn chuồn
vui đùa bên nhau. Còn khung cảnh trong sáng và linh động nào hơn.
Buổi trưa của mùa hè, đã mang ta đến gần với sức nóng, nhưng
trong cái nóng bức đó, thi nhân đã tìm ra vẻ đẹp của thiên nhiên. Ở
đây Bùi Giáng đã nhìn cảnh trưa hè:
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phượng cao pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời – lá rụng úa thu phai
Một buổi trưa của Bùi Giáng khiến ta hình dung được tất cả,
những hình ảnh của nó: có nắng vàng in trên tóc, có mây phủ trên vai
và rồi ông đã dùng ngòi bút lùa những mây trắng xốp kia về dưới chân
trời, để rồi ngẫm nghĩ và nghe ngóng từng âm thanh của chiếc lá rụng
cuối thu. Cũng trưa mùa hạ Tạ-Ký đã diễn tả như sau:
Máu rơi từng giọt thương tu hú
Rát cổ trưa nao rượu nắng vàng
Lảo đảo cây rừng rơi ánh nắng
Vài con bê cái chạy lang thang.
Cái sức nóng như thiêu như đốt kia, không những chỉ ảnh hưởng
tới con người mà còn làm cho cảnh vật chung quanh phải choáng váng,
lảo đảo. Buổi trưa hạ nghe tiếng tu hú kêu, kêu như điên như dại,
kêu cho rát cổ, cho máu rơi từng giọt để rồi cứ uống “ rượu nắng
vàng”. Tạ Ký còn cho ta thấy được cả rừng cây đang lảo đảo dưới sức
nóng và những con bê cái chạy lang thang. Một hoạt cảnh thật linh
động dưới ánh nắng và đã đưa dần Tạ Ký đến tâm sự của mình
Trưa khép tâm tư mỏi đợi chờ
Phượng làm đỏ mộng nắng vàng mơ
Lim dim trường hé vài mi cửa
Áo biếc chìm trong nét bụi mờ.
Khi nhìn thấy hoa phương đã ngập trời, bao nhiêu tâm hồn đang
rung động, xao xuyến nhất là thời còn cấp sách. Tạ Ký cũng vậy, nhìn
phượng nở và ánh sáng vàng kia ông đã chờ đợi và xây đấp biết bao
nhiêu là mơ mộng của mùa thi, quang cảnh ngôi trường đang lim dim
ngủ trong cơn nắng hạ và bóng dáng học sinh cũng chìm mất trong ánh
nắng mờ của mùa hạ.
Cảnh xưa đứng trước ngôi trường xưa Hồ Dzếnh đã nhớ lại những
ngày còn cắp sách.
Hồn xưa dậy, chim cành động nắng
Lá reo trên hồ lặng lờ trong
Trưa im im đến não nùng
Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang
Buổi trưa hè ở thôn quê thật là vắng lặng, mọi cảnh vật như
chìm đắm trong khí nóng oi ả của nắng hạ, cảnh tịch mịch ấy được
Bàng Bá Lân nêu lên:
Lửa hè đốt bụi tre vàng
Trưa hè ru ngủ xóm làng say sưa
Khóm chuối lá bơ phờ nghĩ ngợi
Rặng cau gầy nghển với trời cao
Bàng Bá Lân đã nhân cách hóa tất cả mọi vật từ bụi tre, thôn
xóm, đến cây chuối, cây cau đang chịu đựng những tia nắng như thiêu
đốt của mùa hạ.
Nói đến mùa hè, không nói đến hoa phương thật là một thiếu
sót. Sắc Phượng, tiếng ve và ánh sáng nung đốt ấy hiện về cùng một
lúc, hòa hợp lẫn nhau tạo nên một mùa hạ. Một mùa hạ tươi đẹp, với
những con đường ngập tràn xác phượng với bầu trời xanh ngắt, thỉnh
thoảng một vài đám mây đang lửng thửng theo làn gió, một khung cảnh
im lìm vắng vẻ nơi thôn quê, xa xa vọng lại tiếng gà gáy, nghe buồn
buồn trong lòng :
Tiếng gà gáy
buồn nghe như máu ứa
Chết không gian
khô héo cả hồn cao
Thắm tuyệt vọng
hai hàng bông phượng lửa
Thê lương đời
như trãi mấy binh đao
(Xuân-Diệu)
Mùa hè của Xuân Diêu với ánh nắng gay gắt kia đã làm cho tâm
thồn thơ của ông như đang đứng trước sự điêu tàn của chiến-tranh.
Cảnh thê lương buồn vắng đó đã gây trong lòng ông một cái rung động
động nhẹ nhàng.
Hận trời đất tội lây cho khóm cỏ
Cho cành hao cho con bướm ngu ngơ
Muốn đi chết ở trong lòng nắng đỏ
Để lòng tan, tiêu hủy cả hư vô
Với những vần thơ của Xuân-Diệu, ta đã thấy được cái nóng ghê
hồn đó, đang thiêu đốt mọi sinh vật. Trước mắt của nhà thơ, thôn xóm
miền quê ở đây không còn một chút nhựa sống, không còn tươi đẹp và
linh đồng nữa, tất cả đã chết, chết dần trong biển lửa.
Cũng cùng màu hoa phượng, nhưng qua cặp mắt của Nam Trâm nó
tươi đẹp hơn. Cảnh vật ngày hè của Nam Trâm cũng như hè của
Xuân-Diệu nhưng nhẹ nhàng và dễ chịu hơn:
Hoa phượng, như giọt tuyết
Nhỏ xuống phủ lề đường
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ gốc sông Hương
Một bức tranh dưới nắng hạ, bên dòng sông Hương thơ mộng của
cố đô Huế, ta cũng có thể tưởng tượng ra, từng cánh , từng cánh hoa
đỏ kia đang rơi đầy trên lề đường và nhuộm đỏ cả một gốc sông Hương
Nhưng màu phượng của Xuân-Diệu, Nam Trâm khiến ta liên tưởng
đến một bầu trời đầy nắng lửa. Riêng Xuân Tâm một nhà thơ đã nói
đúng cái tâm trạng người học sinh khi niên học vừa chấm dứt, mọi sự
phiền toái của sách vở đều ngủ yên để nhường lại cho tâm hồn một
niềm sung sướng vô biên khi thấy bầu trời ngập đầy sắc phượng, khi
nghĩ đến lúc mình sắp trở lại quê hương có cha mẹ, có anh em và có
cả một vườn cây sai quả :
Trong khoảnh
khắc sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi,
thầy mẹ đợi em trông
Trên đường làng
huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng
nhiều trái cây ngon ngọt
Dưới sức nóng của ngày hè, con người không thể chợp mắt được,
tuy thế nhưng trên con đường, nắng của Nguyễn Giang cũng chẳng có
một bóng người chỉ có hàng thông già đang rũ rượi dưới sức nóng và
một vài tản mây trắng đang vục mình dưới bầu trời xanh thẳm.
Xào xạc đường trưa vắng bóng người
Bốn bề nắng hạ phẳng bằng soi
Lo thơ dưới núi hàng thông cỗi
Trắng xóa bên trời tảng đá vôi
Lối tả cảnh tài tình của Nguyễn Giang đã vẽ lại con đường
nắng thật vắng lặng nhưng không thiếu vẻ trang nghiêm và tươi sáng.
Anh Thơ cũng vậy, ngòi bút của Anh Thơ cũng nhẹ nhàng đi lướt qua
khung trời của nắng hạ vào một buổi trưa nơi miền quê hẻo lánh.
Trời trong biếc không qua mây gợn trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.
Một bầu trời xanh ngắt, từng cơn gió thổi đến mang cánh diều
đi cao vút lên không. Rồi bên vườn một khung cảnh sáng chói lại hiện
ra: lũ bướm đang chờn vờn bay lượn trong vườn đầy hoa lựu đỏ. Màu đỏ
của hoa lựu hay màu đỏ của nắng đang tràn ngập cả khu vườn dưới một
buổi trưa hè.
Anh Thơ cũng dùng những vần thơ để tả lại cảnh trưa hè nơi
thôn vắng:
Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu …
Những dĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.
Cũng cảnh trưa hè, Bàng Bá Lân đã phát họa một bức tranh đồng
quê thật rõ rệt và sinh động:
Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát dàn trâu ngẫm nghĩ nhai
Ve ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài
Trưa hè của Bàng Bá Lân còn gợi lên được sự sinh hoạt của con
người dưới cái nóng như đốt ấy.
Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy dầm như tắm…
Đứng lặng trong mây một cánh diều
Nóng như thế nhưng lại không một cơn gió, trưa hè của bàng Bá
Lân thật gay gắt khó chịu, mọi sinh hoạt như ngừng hẳn lại đến nỗi
cánh diều cũng im lìm bất động trong nắng hạ chói chang và không một
làn gió thoảng để rồi:
Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng
Quả chín bâng khuâng rụng trước hè
Vài cô về chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre
Thật đúng là một buổi trưa nơi thôn dã, một buổi trưa hè của
bàng Bá Lân thật đầy đủ, một bức tranh thật linh động và mang nhiều
nắng hạ. Ta thử hình dung xem cảnh trưa hè của Bàng bá Lân, một vài
cô thôn nữ đang núp nắng dưới bóng tre xanh, đàn chim non sợ nắng
đang bay tìm chỗ mát. Ngần ấy cảnh ta cũng thấy được cái nóng đó ra
sao. Nam Trâm cũng vậy trong bài thơ”Huế ngày Hè” của ông cũng cho
ta thấy được ánh nắng của mùa hè:
Đường sá ít người đi
Bụi cây lắm kẻ núp
Xơ xác quán nước chè
Ra, vào người tấp nập
Nhưng cũng vẫn ngòi bút đó ta cũng nhận thấy sức nóng của Huế
đêm hè:
Trời nóng băm bốn độ
Đèn, sao khắp đế đô
Mặt trăng vàng, trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô
Nam Trâm đã xác nhận đích thực cái nóng ban đêm ở xứ Huế.
Cảnh đèn, sao lấp lánh cả cố đô và ở trên nền trời xanh thẳm đó đã
có bóng chị hằng đang thẹn thùng nấp sau nhánh phượng
Nhưng rồi cái nóng bức đó cũng sẽ được xoa dịu khi mặt trời
đi ngủ, những màng sương mỏng manh đang dịu dịu buông rơi như để an
ủi vuốt ve vạn vật. Cảnh trăng hè nơi thôn quê đã được Đoàn văn Cừ
diễn tả:
Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ
Bóng cây lơi lả bên hàng dậu
Đêm vắng, người im, cảnh lặng lờ.
Đoàn Văn Cừ đã dùng cả thính giác, thị giác một cánh rất tài
tình, đã mang con người đi xa dần cái nóng. Rồi ta lại thấy:
Bên giếng năm cô gái xứ quê
Từng đàn vui vẻ rủ nhau về
Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước
Kĩu kịt đi vào lối cổng tre
Một quang cảnh khác hẳn với ban ngày. Dưới ánh trăng mùa hè
ta thấy được một bầu không khí vui nhộn, một khung cảnh thật nên
thơ, thật đẹp. Dưới ánh trăng hè có đoàn người đi gánh nước, họ đang
vui vẻ cười nói và đang đi dần vào lũy tre xanh.
Trong xóm giờ lâu quá nửa đêm
Tiếng chày giã gạo đã ngừng im
Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi
Đom đóm bay qua dãi nước đen.
Bằng Bá Lân thật là một thi sĩ của thôn quê, cảnh đêm trăng
các cô gái cùng rủ nhau đi gánh nước và tai nghe từng tiếng chày giã
gạo một hoạt cảnh mà ngày xưa vẫn thường thấy, đã được Bàng Bá Lân
gói ghém trong vài câu thơ, nhưng ta vẫn thấy nó đẹp, đẹp một cánh
nhẹ nhàng và nghe êm ái như thơ của ông
Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi
Đom đóm bay qua dãi nước đen
Chỉ hai câu thơ thôi, ta thử phác họa xem, có phải là một bức
tranh huyền huyền ảo ảo và được nổi bật dưới những ánh sáng chớp lòe
của đàn đom đóm đang bay qua “dãi nước đen” chăng.
Trong cõi thơ mới ta đã tìm thấy được những tâm hồn mơ mộng,
mơ mộng trong những buổi chiều tà, trong cảnh mưa rơi và trong làn
gió thổi … tất ở đâu họ cũng gởi gấm được tâm sự của mình. Vì thế
mùa hạ tuy nóng bức, cảnh vật xác xơ nhưng cũng đã gợi cho thi nhân
một đề tài, một cảnh sắc hữu tình để sáng tác. Nhờ cài tâm hồ đa sầu
đa cảm ấy mà mùa Hạ đã đi vào thơ một cách nhẹ nhàng. Các thi nhân
đã ghi nhận bằng tất cả mọi giác quan để cho ta cả một vườn thơ mùa
hạ và cho ta những khung cảnh nên thơ và linh động đó