Những năm sau
đó, vào vùng đất này, cũng còn trên chòi cao, nhìn chung quanh có
những đám dưa. Những đám dưa rộng lớn như những miếng thảm màu
xanh trải dài mút mát. Đến mùa dưa có trái, từ chòi cao trông
xuống đám dưa thật là đẹp mắt. Những trái dưa thật to vỏ màu
trắng, màu xanh sậm, màu xanh dợt, hình bông hoa,…. nằm ngổn ngang
trên những đám thảm xanh rộng hàng vài ba mẫu.
Sau
vài mùa dưa, những mảnh đất rộng mênh mông ấy được đắp bờ chia
từng lô tùy theo thế đất cao thấp. Những lô đất thấp được ngăn
chia đắp bờ thành những đám ruộng nhỏ, dùng làm ruộng lúa. Ruộng
lúa ở đây mỗi năm chỉ làm được một mùa vào mùa mưa vì không có
mương đập. Những vùng đất cao hơn dùng làm đất thổ, trồng bông,
bắp, dưa, khoai,…
Hằng
năm cứ vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, những năm thuận thời
tiết thường có mưa dông. Sau khi gia đình làm lễ tảo mộ xong, Cha
tôi bắt đầu cày lật đất. Có những năm, sau khi gặt lúa xong, trời
mưa, khoảng tháng chạp âm lịch, Cha tôi đã cày lật được một số
ruộng rồi. Thông thường sau trận mưa dông, đất cày được khoảng một
tuần lễ thì đất đã khô. Và sau đó, việc đồng án tạm dừng lại đây,
chờ những cơn mưa tiếp mới có thể làm được….Nếu trời mưa tiếp thì
đất được cày thêm một thời gian nữa. Muốn công việc đồng án cho
kịp thời vụ, Cha tôi thường thuê vài người cày phụ để xong đợt cày
lật. Lúc bấy giờ, Cha tôi chỉ có một cặp bò cày và vài ba con bò
nghé. Có năm Cha tôi cày lấy công cho người khác trong dịp trước
Tết, để đến vụ mùa khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, người ấy sẽ
cày trả công lại cho đồng ruộng của Cha tôi.
Khoảng sau năm 1945, trong những tháng ngày đã rời ghế nhà trường,
có một dạo, tôi và em kề tôi tham gia trực tiếp vào việc đồng án.
Em tôi chăn mấy con bò con. Tôi cày ruộng. Có một lần, trời đổ
mưa, tôi ngưng cày, rán vác chiếc cày rất nặng lên vai. Cha tôi
đóng cày với loại danh mộc nên rất chắc và nặng. Tôi cố vác chiếc
cày lên vai, vì không kềm giữ vững, nên cày tuộc xuống và lưởi cày
xóc vào phía sau bắp cẳng chân trái. Vết thương đau chảy máu, tôi
la khóc. Chú Năm cũng đang cày ruộng của Chú phía dưới gần đấy
chạy lên cùng với em tôi. Chú hái lá chành rành nhai nát, đắp vào
vết thương cầm máu. Một miếng vải xé từ chiếc khăn được quấn giữ
“miếng thuốc” lá chành rành cho khỏi rơi. Ngày hôm sau, chúng tôi
vẫn tiếp tục công việc thường ngày. Vài ba ngày sau, tôi không để
ý gì vết thương ở cẳng chân trái. Thế rồi vết thương đã liền da
lúc nào tôi cũng không hay biết.
Mùa
làm đất thổ bắt đầu vào khoảng cuối tháng mười âm lịch, sau mùa lũ
lụt, theo khẩu truyền của dân quê “Ông chẳng tha, bà chẳng tha,
còn cây lụt 23 tháng 10”. Thời gian này, đồng ruộng lúa đã
xanh rờn. Những vùng đất cao bắt đầu cày lật để chuẩn bị làm mùa
bông dệt vải, các loại dưa, bắp,…Thời tiết thật là lạnh, cái lạnh
hình như thấm tận xương tủy. Quần áo không đủ ấm. Tôi chỉ phủ thêm
bên ngoài bộ quần áo không đủ ấm ấy một chiếc áo tơi lá kè. Mỗi
ngày tôi dậy thật sớm, khoảng 3:00 giờ sáng, lùa cặp bò cày cho ăn
cỏ ở những khoảnh đất cỏ xanh mượt, giữa các đám lúa non mơn mởn.
Trong mùa cày, bò được ăn rơm khô vào ban đêm như là để bồi dưỡng
trong những ngày làm việc nặng nhọc. Sương khuya đọng trên cành
cây kẻ lá. Trời không một tí gió. Thời gian như ngừng lại. Tiếng
sột soạt của cặp bò gậm cỏ nghe thật êm tai. Hình như bò không
biết lạnh là gì chăng, mà chỉ cặm cụi gậm cỏ một cách say mê và
ngon lành. Tôi co ro thu mình trong chiếc áo tơi lá kè, nghe thời
gian chầm chậm trôi qua. Đêm khuya không tiếng dế kêu, không tiếng
ếch nhái rỉ rả. Bên tai tôi chỉ có tiếng sột soạt của hai con bò
đang đua nhau gậm cỏ.
Trời
hừng sáng. Phương Đông ló dạng màu hồng của ánh ban mai. Tôi lùa
cặp bò cho uống nước ở các vũng nước đọng từ các cơn mưa trước.
Sau đó, một ngày làm việc thực sự bắt đầu. Cha tôi cày đất. Tôi
vào nhà trại kiếm vài củ khoai hoặc ít cơm nguội để dùng bữa sáng.
Trở lại đồng ruộng, tôi cuốc góc danh bờ. Các đám ruộng cày còn
lại các góc phải cuốc và danh bờ. Cuốc dọc danh theo bờ để đám
ruộng được tươm tất, gọn gàng. Những ngày mới bắt đầu cuốc đất,
hai bàn tay thường bị phỏng da phồng đôi chỗ. Từ từ về sau da bàn
tay chai dần và không còn bị phồng nữa. Em kề tôi lùa các con bò
còn lại thả ăn cỏ ở các đám đất thổ chưa cày đến.
Các
đám đất thổ đã cày qua một bận, đất còn giữ độ ẩm và được bừa hai
lần cho vỡ luống cày và đất được mềm mại. Cày lại lần thứ hai, các
đám đất thổ ấy không còn cỏ và bừa tiếp hai bận nữa. Thế là các
đám đất sẵn sàng nhận các hạt giống như bông, dưa hấu, bắp…
Trỉa
bông thì cày từng luống cách nhau khoảng 30cm và trỉa hạt bông vào
luống cày rồi lấp đất. Mỗi lỗ hạt bông cách nhau khoảng 30cm, hoặc
trỉa xen vào hạt dưa hấu.
Thông thường
muốn cho hoa màu tốt, bỏ phân bón xuống luống cày, mỗi lỗ trỉa
bông hoặc dưa hấu hay bắp. Một người bỏ một bụm phân bón vào luống
cày cách khoảng 30cm. Theo sau, một người khác trỉa 2, 3 hạt bông
hoặc dưa, bắp bên cạnh phân bón, rồi lấy bàn chân lấp đất lại.

Khi
bông, dưa hấu, bắp,…mọc lên cao khoảng ba, bốn lá cần được theo
dõi, làm cỏ và nên giữ mỗi cụm vài cây tốt, khỏe. Những cây xấu vì
bị sâu bọ gậm nhấm được nhổ vức bỏ. Nhiều cây mọc một chùm sẽ
không cho kết qủa tốt (cây phát triển không tốt, ít trái, hoặc
trái nhỏ). Làm cỏ bông, bắp, dưa,…là cuốc cỏ, xới đất, vun đất vào
gốc cây để cây phát triển tốt hơn.
Từ
ngày trỉa hạt giống bắp đến ba tháng sau, bắp sẽ thu hoạch. Có thể
thu hoạch vài ba đợt. Chọn lựa một số cây bắp tốt, trái lớn, trong
một khoảnh đất để bắp khô làm hạt giống cho mùa tới.
Dưa
hấu được thu hoạch lần đầu tiên khoảng ba tháng sau khi trỉa hạt.
Lứa dưa đầu tiên trái không lớn lắm, gọi là lứa dưa gốc. Cha tôi
thường chọn những trái dưa khá lớn làm dưa giống lấy hạt cho mùa
sau. Những đợt sau, dưa trái lớn hơn và lượng thu hoạch cũng nhiều
hơn. Những đợt dưa cuối cùng, nhỏ trái và không được ngọt, gọi là
những lứa dưa ngọn, dưa đèo. Những trái dưa đèo, nhỏ trái, thường
hái về, cắt vỏ hai đầu trái dưa, ngâm vào nước muối (đã nấu chin
để nguội) làm dưa chua.
Bông
được làm cỏ lần thứ hai khi bông bắt đầu chớm nụ, thường khoảng ba
tháng sau khi trỉa. Khoảng bốn năm tháng sau, bông đã bắt đầu trổ
bông, kết trái. Trái bông già, nức vỏ và bông vải xuất hiện. Khi
bông nở phải hái đem về lặt bông, phơi bông thật khô, cho vào bao.
Những người mua bông đến tận nhà cân từng bao một. Bông phơi thật
khô, cho vào máy cán, cán bông lấy hột và bông vải. Bông vải kéo
sợi, dệt vải. Hột bông tốt, phơi thật khô, làm giống cho các mùa
sau. Vải dệt từ bông vải lúc bấy giờ rất thô sơ, gọi là vải ta. Kỹ
thuật làm vải thời ấy còn qúa thấp kém.
Những
đợt thu hoạch bông càng về sau sẽ khá hơn. Những đám bông tốt ở
vùng đất khá cao, được làm cỏ, săn sóc và có thể giữ lại đến mùa
sau. Hầu hết, các đám đất trồng bông thu hoạch một mùa. Đến mùa
làm lúa, trời mưa lụt to, các đám bông là những vùng đất cao để
cho trâu bò gậm cỏ.
Mùa
trồng dưa leo bắt đầu khoảng tháng mười âm lịch. Đất đã cày bừa
vài bận. Vun thành vồng như trồng khoai lang. Sau đó, cuốc lỗ trên
chớp vồng cách khoảng 30cm, bỏ phân và trỉa hạt giống dưa leo.
Chú
Năm cũng làm dưa vào dịp này. Chú cháu thường mỗi trưa cùng nấu
cơm ăn. Đồ ăn mang theo là một lon sữa bò gạo và vài con cá muối
khô. Trưa đến, sau khi nghỉ việc, ra cạnh gò mối quanh trại, tôi
tìm ít rau dền, rau lan, đem vào nấu canh với cá khô mặn. Bữa ăn
rất đạm bạc, nhưng hai Chú cháu ăn rất ngon lành. Một giấc nghỉ
trưa yên lành để rồi trở lại làm việc khi mặt trời nghiêng bóng.
Dưa leo mọc lên
vài ba lá, lại phải lo chăn đuổi bọ rầy. Loại rầy thân lớn bằng
đầu chiếc đủa con, màu vàng, có cánh bay… rất thích lá dưa leo còn
non. Suốt ngày chăn đuổi rầy để cây dưa mọc lên tốt tươi. Nếu có
được một cơn mưa đỗ xuống vừa ướt đất, thế là thoát được nạn mấy
chú bọ rầy, và những dây dưa leo vươn lên. Bắt đầu làm cỏ vun gốc
những cây dưa leo.
Đã
đến lúc phải đốn cây làm chà cho dưa bò lên. Bên phía trong vùng
đất, bìa rừng gần núi Hòn Một, có một khoảnh rừng hoang chưa khai
phá. Tôi vào đó đốn cây, để nguyên cành lá và lôi những cành cây
ra bìa rừng của ruộng nhà, trải mỏng ra phơi nắng. Một tuần lễ
sau, những cành cây ấy rụng hết lá và được đem gác kín qua các
vồng để dưa leo bò lên.
Nếu
thời tiết thuận lợi, từ khi trồng hạt dưa leo đến sau đó ba tháng
là dưa bắt đầu có trái. Lứa dưa thu hoạch đầu tiên khoảng tháng
thứ tư. Sau đó mỗi vài ba tuần thu hoạch dưa một đợt. Đến mùa dưa,
số dưa thu hoạch khá nhiều, nên người buôn bán dưa leo sẽ đến tận
nơi để mua dưa tại chỗ. Một số trái dưa leo lớn trơn tru được chọn
làm dưa giống để lấy hột trồng cho mùa năm tới. Những trái dưa leo
này tiếp tục lớn và đến lúc trái dưa có màu vàng. Các trái dưa ấy
vẫn còn trên dây. Để đến cuối mùa khi các dây dưa bắt đầu tàn dần,
dưa giống được hái. Trái dưa leo chín vàng được hái vào, bổ đôi
quả, lấy hột. Hạt dưa được phơi trên chiếc nia lớn đến khi khô,
các hạt dưa lép loại bỏ. Hạt dưa tốt, phơi thật khô thường đựng
vào bao vải thưa và treo ở gác bếp. Rất cẩn thận tránh các chú
chuột vì chuột rất hảo càc hạt giống dưa leo, bắp,…
Sau
thập niên 50, lúc bấy giờ tôi đi học trường Trung học Võ Tánh Nha
Trang, vào các tháng nghỉ hè, tôi trở về nhà nghỉ, giúp Cha Mẹ
trong công việc đồng áng. Đồng ruộng lúc bấy giờ đã đắp bờ phân
từng mãnh, tùy theo thế đất cao, thấp. Để đủ gạo cho gia đình ăn
trong năm, Cha tận dụng toàn đồng ruộng để gieo lúa. Sau nhiều năm
thu hoạch mùa màng, đất đai cũng cằn cổi dần. Trong những đám đất
có các ụ gò mối. Các gò mối được đào xới và đất gò mối được trải
ra trên mặt đám ruộng. Hoa màu trồng trên các đám ruộng bồi đất gò
mối phát triển rất tốt. Đất gò mối như một nguồn phân bón dồi dào
cho cây cối. Ruộng đất ở đây làm được một mùa lúa vào mùa mưa.
Công sức đổ ra rất nhiều nhưng thâu hoạch chẳng bao nhiêu, chưa kể
đến những năm nắng hạn, mất mùa. Công việc hằng ngày cuả dân quê
vùng Hòn Khói thật vất vả, khổ nhọc. Người dân quê vẫn chưa có
được một cuộc sống sung túc, tuy nhiên họ rất “giàu lòng, giàu sức
cần lao”, đổ ra nhiều công lao trên những mảnh ruộng, “đất cày lên
sỏi đá”.