BẾP
LỬA CHIỀU ĐÔNG
Tùy bút của
Trương Thanh Sơn
ho dù
đang là mùa mưa sụt sùi ở xứ Huế, hay đang là mùa đông tuyết
trắng ở xứ người, cũng không ở đâu mà cái rét mướt, cái thê
lương lại da diết đến nhức buốt như ở những làng quê miền
trung. Cha tôi đi cày bùn ngập đến tận gối, mẹ tôi đi cấy
mong manh một chiếc áo rách trên lưng, tôi đi học chân không
dầm nước bạc…ai cũng mong được sớm về nhà để chui vào bếp.
Không có một lò sưởi
sơn trắng với ly rượu mạnh trong tay, không có chăn bông nệm mút bên cạnh
những ô cửa kính đóng kín, chỉ có mồ hóng đen xỉn, chỉ có rơm rạ và tro
trấu, nhưng bếp nhà tôi lúc này ấm nóng như một trái tim, ở đó cái rét
mướt, cái thê lương như những guốc dép bị bỏ lại bên ngoài thềm nhà.
Lửa ủ mình trong trấu
được rơm rạ đánh thức cháy bùng lên. Những bàn tay tê cóng, những đôi chân
nứt nẻ, được hơi nóng của lửa vuốt ve, chỉ trong chốc lát đã trở lại với
công việc bình thường. Cha tôi đem một vài con cá bắt được trong ruộng cày
ra giếng, mẹ tôi đi đong gạo nấu cơm, tôi đi bẻ măng hái rau.
Rồi đó, bên ngoài trời
mưa thì mặc trời mưa, gió rét thì mặc gió rét, cơm nóng canh sốt vẫn cứ
được bày ra ngay trong bếp, bên cạnh ngọn lửa vẫn đang cháy không thôi do
mẹ thỉnh thoảng vẫn tiếp thêm rơm vào. Bữa cơm nhà nghèo, xin được để dành
cho Tản Đà mô tả
Cơm dưa muối khó
khăn mới có
Của không ngon nhà
khó cũng ngon
Khi vui câu chuyện
thêm dòn
Chồng chồng vợ vợ
con con một nhà
Không phải lúc nào đi
cày cũng bắt được cá, nhưng bữa cơm không vì thiếu cá mà trở nên nhạt
nhẽo. Bởi vì, gần như suốt mùa đông, lúc nào bên cạnh bếp cũng có một hũ
mắm cua chua và mặc dâu bị chế nhạo là húp mắm cua nhọn mỏ, nhưng với tôi
cái món mắm quê mùa này, vẫn cứ là một thứ nước chan tuyệt hảo, nhất là
khi bụng đói với một chén cơm nguội..
Dĩ nhiên mắm cua phải
làm bằng cua, một thứ cua đồng mỏng vỏ nhiều thịt mà bà tôi bảo là được
sinh ra từ rạ mục. Cua do mẹ tôi bắt ở các bờ ruộng sau khi cấy xong và
cũng có lúc do cha con tôi đi xúc trong những ngày trời lụt. Cua bám đầy
các bờ cỏ, chỉ cần vục cái rổ có hình một nửa mặt trăng xuống nước, rồi
giậm chân bạch bạch là cua chui tuột vào rổ. Chưa tới nửa buổi đã có cả
một đụt đầy.
Những con cua cái màu
vàng gạch, cua đực màu tím bồ quân, sau khi rửa sạch bằng cách xóc xóc như
sàng sảy, được lần lượt cho vào cối. Cha tôi giã, mẹ tôi trộn, chỉ vài
mươi chày là cả lũ cua tội nghiệp đã nát nghếu như tương. Cha tôi ngưng
chày để mẹ tôi thêm nước vào cối. Bà lại trộn rồi dùng chén múc đổ trên
sàng bên dưới có một cái thau đang hả họng ra, chờ cái thứ nước sền sệt
màu cà phê sữa tong tong chảy xuống. Cối cạn nước, bà dùng khăn vải tóm
hết xác cua vắt lại một lần nữa, thêm muối. Vậy là xong cái việc mà người
ta cầu kỳ gọi là công đoạn chế biến..
Cái thứ nước giống như
màu đất sét pha loãng ấy được mẹ cẩn thận rót vào hũ, lấy là chuối khô bịt
lại trước khi dùng một viên gạch đè lên để mèo chuột khỏi cắn phá. Hũ mắm
được “dần” bên cạnh ông táo bằng đất, để hơi nóng của tro làm cho mau
chua. Mẹ không sợ tanh, chỉ sau ba bữa đã húp thử ngon lành, nhưng cha con
tôi thì nhất định phải đun chín và thêm thật nhiều ớt, càng làm cho cái
chất thịt của lũ cua đồng trở nên thơm ngon, cay nồng đến chảy nước mắt.
Nhưng kìa, sau khi giã
xong, cha tôi lại ra vườn chặt sát gốc một cây chuối non đem vào. Mẹ tôi
hiểu ý đã chừa sẵn một trã nước cua tươi. Bà đun lên, còn cha thì thái
chuối thật mỏng, tôi đi cắt lá gừng. Nước cua đun sôi kết lại thành dề
được nêm lá gừng non thơm phức. Cơm được mẹ xới lưng chén, chuối chát thái
mỏng gắp bỏ lên, chan nước cua đầy gạch vào rồi cứ thế mà lua. Lua là cách
ăn bị chê thô tục nhưng với một món ăn dân dã như thế thì không thể ăn nhỏ
nhẻ kiểu cách mà ngon được.
Bây giờ, bao nhiêu
thuốc trừ sâu đã làm cho họ hàng nhà cua ở đồng ruộng gần như bị tận diệt.
Tôi mơ màng nhớ lại cái mùi hương mộc mạc của mắm cua, có vẻ như đó là mùi
của đất ruộng, của bông lúa và có cả mùi khói bếp đun bằng rơm rạ.
Cơm nấu bằng lửa rơm
rất dể sống sít hay khê cháy nhất là những cô dâu được cưới về từ thành
thị. Bà tôi là người nấu cơm ngon nhất vì một lẽ dễ hiểu, bà đã có những
bảy mươi năm kinh nghiệm. Miếng cơm cháy từ nồi đất của bà không một nhà
hàng năm sao nào có thể bắt chước được. Nó vàng rộm, dòn tan và thơm như
khoai lùi, bắp nướng. Nó sẽ tan trong miệng sau khi đã nhảy múa rào rạo
giữa hai hàm răng chắc khỏe. Nó luôn luôn là phần thưởng cho đứa cháu yêu.
Trong cái bếp chiều
đông ấy mà có một con cá lóc nướng trui ăn với mắm me còn tuyệt hơn nữa.
Hay một vài con cá rô xé nhỏ đâm với é quế, chuối chát và me non, thêm một
chút rượu trong khi trời mưa thì không còn gì bằng.
Giờ, đang là buổi
chiều của cuộc đời, tiếc là không còn cái bếp lửa ấy nữa.
Trương
Thanh Sơn
8/2010