Nhắc đến xóm Rượu, tôi có rất nhiều kỷ niệm để nhớ. Dịp Tết,
hay lễ lộc, những đoàn lân thường xuất hiện giúp vui cho Cộng
đồng trước giờ khai mạc buổi lễ. Một số lớn nhà hàng Á Đông
trang trí đèn đuốc treo lơ lửng sáng rực đỏ, và thỉnh đầu lân về
múa vì chủ nhân tin rằng lân sẽ mang lại sự may mắn. Xứ lạnh
Minnesota, nơi tôi đang ở thì như vậy, đầu lân không múa ngoài
đường như Ninh Hòa, quê tôi.
Nhìn quang cảnh làm tôi nhớ đến ông ba Bản, ông sáu Gồ chuyên
môn phất lồng đèn, làm đầu kỳ lân và ông địa trong những dịp lễ
Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán. Tôi nhớ nhất là đường ra ấp
Ngoài nằm cạnh sông Dinh, khi đổ xuống con dốc trước mặt gặp bến
bà Lép là tôi bắt đầu lạnh cẳng rồi. Bời vì gốc cây sung bự có
một nhánh thật to xà xuống mặt sông, bến sông lại vắng vẻ rợn
người. Hai bên đường toàn bằng hàng rào tre, và những bụi dúi,
cây trà được cắt tỉa rất đẹp nhưng rậm rạp, kín đáo trông thật
liêu trai.
Dù là ban ngày trời sáng trưng mà đã vậy, huống chi ban đêm thì
chắc chắn tôi không bao giờ dám đi con đường đó vì nỗi sợ ma
nhát, dụ, bắt và dẫn đi giấu ở một nơi nào đó rồi cho ăn c.
trâu. Nghĩ đến là tôi run lẩy bẩy !
Năm nào đó tôi không nhớ rõ, đường ra ấp Ngoài nhộn nhịp hẳn
lên. Người người của các xã, huyện lân cận ra vào tấp nập vui
hơn ngày hội để ngắm những nét vẻ kỳ bí đượm đầy nghệ thuật sáng
tạo phát xuất từ bộ óc tưởng tượng cuả ông ba Bản.
Những thân, nhành và rể cây sần sùi nổi trên mặt đất, những cây
cổ thụ cao trước và sau miếu được xếp đặt và trang trí thật mỹ
thuật làm sống động hẳn lên.
Những cây sung và nhiều cây đủng đỉnh buồng sai trái nặng trĩu
quả chín đỏ mọng, những cây cổ chi (mã tiền) có trái chín vàng
tròn như trái ping-pong. (Xin nhắc là trái cổ chi là món ăn
thích hợp cho loài chim cao các, cổ dài mỏ bự mổ trái ăn rất khó
khăn bởi thế chim phải ngước cao cổ lên để nuốt trái cổ chi vào
bụng. Những trái cổ chi chim ăn rớt hoặc chín rụng đất, người
ta thường lượm hột để bán cho các tiệm thuốc bắc.)
Những vỏ cây bao bọc xung quanh thân cây, nhánh cây hoặc những
rể nổi lên trên mặt đất, tàn cây sần sùi, nhưng với óc tưởng
tượng và những nét vẽ đầy kỹ thuật của ông ba Bản dùng màu sơn
sống động tô điểm trên thân cây, rể cây, tàn cây những hình thù
khác nhau, trông giống như các loại động và thực vật sống rất là
phong phú và khởi sắc màu.
Hãy nhìn những con rồng, con phụng đầy màu sắc rực rỡ, với những
nét vẻ ẩn chìm theo khối u nần của thân cây, xa xa những bầy khỉ
đu dây, và những con cọp trông rất hung dữ, hoa cỏ bướm bay chim
chóc đầy đủ.v. v…
Ông ta vẻ, tô, khắc, họa rất nhiều những cây cổ thụ mọc phía
trước ấp, xem rất đẹp mắt và thích thú vô cùng. Ngay cạnh miếu,
người phụ tổ chức đặt thùng phước sương để tùy lòng hảo tâm của
người xem ủng hộ, bên trong miếu nhang đèn nghi ngút. Ấp Ngoài
của Ninh Hòa trong những đêm ấy tuyệt đẹp vô cùng, đèn điện sáng
trưng người ra kẻ vào tấp nập thật là rất vui nhộn.
Ngồi đây nhớ lại chuyện xưa trong những dịp còn sống ở quê nhà,
nhắc nhở lại quá khứ một thời của những tài năng nghệ thuật hiếm
quí của xóm Rượu như ông ba Bản, đóng góp vào kho tàng văn hóa
dân gian Ninh Hòa.