RUỘNG
MUỐI HÒN KHÓI
Lê Phú Thọ

Gánh Muối
- Ảnh: Sử Xương Hải
uộc sống
làm ăn của đa số người dân miền quê tôi lệ thuộc vào thời
tiết. Những ngày mưa gió đã chấm dứt và tiếp theo là những
ngày nắng ráo, cái nắng của miền nhiệt đới. Những đồng
ruộng muối đang còn ngập nước sau mùa mưa lụt, được tháo
nước ra để các bờ ngăn các đám ruộng muối trơ lên và nước
chỉ còn lại rất ít trong mỗi đám ruộng muối. Nghề làm ruộng
muối, ruộng muối Hòn Khói, khoảng thập niên 1950 theo lối
tiểu công nghệ và có tính cách gia đình.
Mỗi sở ruộng muối gồm
nhiều phần. Diện tích dùng để chứa nước mặn thường được qui định khoảng
2/3 toàn thể diện tích sở ruộng. Diện tích chứa nước được ngăn chia ra
nhiều phần:
1- mương dẫn nước từ
ngoài sông nước mặn vào ruộng,
2- hồ chứa nước chia
làm nhiều hồ, chiếm ½ diện tích chứa nước,
3- ruộng chịu, chứa
nước mặn với độ đông đặc cao, và sau cùng, nước mặn với nồng độ cao được
cho vào
4- ruộng ăn, nơi thu
hoạch được muối.
Nước mặn được đưa qua
nhiều giai đoạn, dưới ánh nắng mặt trời, để nồng độ mặn của nước sẽ cao
dần, để khi nước mặn cuối cùng được đưa vào ruộng ăn thì nồng độ đậm đặc
cao và với mùa hè nắng tốt, khoảng bốn năm ngày nắng thì có thể thu hoạch
được muối.
Về nhân sự, thường là
một người coi nước, và tùy theo sở ruộng muối nhỏ hay lớn, ba hoặc bốn đầu
bạn. Mỗi đầu bạn có đầu cào và đầu gánh. Mỗi đầu cào có thể có hai hoặc
ba người cào muối. Đầu gánh có thể có ba, bốn người gánh muối tùy theo
lượng muối dưới đồng ruộng muối mỗi lứa muối ít hoặc nhiều.
Bắt đầu một mùa muối,
người coi nước hằng ngày hoặc cả đêm, theo dõi tháo nước từ trong sở ruộng
muối ra ngoài sông nước mặn đến khi nào nước trong các đám ruộng muối còn
rất ít, để bờ ngăn và mặt ruộng lộ hẳn ra. Người coi nước và ba bốn người
bạn cùng nhau đắp các bờ của những đám ruộng muối. Những người bạn cuốc
cào đất vun bờ, người coi nước cầm thêu làm láng mặt bờ. Làm bờ xong, mọi
người cùng nhau cào đất bùn trong diện tích mặt các đám ruộng, thường là
những đám ruộng ăn. Đất bùn được đẩy ra vùng chứa nước mặn. Toàn thể các
đám ruộng ăn được cào hết đất bùn và được phơi dưới nắng. Phơi nắng vài
ba hôm, các đám ruộng ăn được cho ít nước từ ruộng chịu vào và sau đó các
đất bùn còn sót lại được cào đẩy ra vùng chứa nước mặn. Mặt các đám ruộng
ăn được phơi nắng vài ba hôm nữa. Đến lúc mọi người dùng bàn đập, dàn
hàng ngang để đập mặt đám ruộng ăn cho bằng phẳng. Đập ruộng được làm
dưới trời nắng tốt vào buổi trưa khoảng 10, 11giờ trưa đến 3, 4 giờ
chiều. Nắng càng tốt thì đập mặt ruộng mới phẳng và láng. Trời nắng gắt,
nước mặn khô, mặt ruộng rất nóng. Trên nắng, dưới chân nóng buốc, không
một tí gió, công việc làm rất vất vã. Sở ruộng muối đã đập xong và được
phơi nắng vài ba hôm liền. Sau đó các miếng ruộng ăn được cho ít nước từ
ruộng chịu vào để vừa trán trên mặt đám ruộng và để phơi nắng vài ba hôm
nữa. Cũng dưới trời nắng tốt, mọi người bạn và coi nước dùng trang cào
đẩy chút ít bùn đất còn lại và một ít muối để làm thật láng mặt ruộng.
Mặt ruộng ăn láng phẳng phiu- cứ một đám ruộng chịu, hai miếng ruộng ăn-
được phơi nắng bốn năm hôm dưới trời nắng tốt.
Các người bạn được
nghỉ ngơi và bắt đầu giờ đây người coi nước luôn luôn theo dõi cho nước
vào các ruộng ăn, đồng thời phải lấy nước từ ngoài sông nước mặn vào hồ
chứa mỗi lần có triều nước dâng lên. Vào mùa nắng tốt, cứ khoảng bốn năm
ngày có muối trong các đám ruộng ăn. Khoảng ngày thứ năm, tất cả các
người bạn cùng người coi nước dùng trang đẩy xới lớp muối vừa mới đóng để
các hạt muối rời ra và các hạt muối sẽ kết tinh lại thành hạt lớn hơn
trong vài ngày nắng tốt tiếp theo.
Khi lượng muối trong
đám ruộng ăn khá nhiều, người coi nước thông báo cho các người bạn để
chuẩn bị cào muối. Muối được cào thành đống trong từng đám ruộng ăn. Tùy
theo lượng muối ít hoặc nhiều, mỗi đầu bạn có thể có từ một, hai người
cào và bốn, năm người gánh muối từ đám ruộng đem lên bờ nơi có mặt gò rộng
làm sân để chứa muối. Muối được vun thành đống hình thang bốn mặt và hai
đáy (đáy lớn và đáy nhỏ) là hình chữ nhật. Muối đổ thành đống lớn và nếu
chưa kịp tiêu thụ, đống muối được lợp những tấm tranh như lợp nhà để tránh
trời mưa.
Vào khoảng thập niên
40, muối sản xuất từ các đồng ruộng muối được đưa đến kho dự trữ muối tại
làng Đông Hà (Rớ) bằng ghe thuyền qua con sông đào nước mặn, mỗi khi nước
thủy triều dâng cao. Khoảng năm 1950, chuyên chở muối bằng xe vận tải
chạy bằng than củi (không phải than đá). Khoảng giữa thập niên 50, xe vận
tải chạy bằng xăng được sử dụng trong việc chuyên chở muối từ đồng ruộng
đến kho dự trữ muối.
Trong thời Pháp thuộc
và đến trước khoảng thập niên 1950, Sở Thương Chánh của Pháp độc quyền
thu mua hết muối. Thời ấy, ở mỗi vùng ruộng muối có các đại diện Sở
Thương Chánh kiểm soát. Muối ở các đồng ruộng muối đều được đưa về tập
trung thành đống lớn tại Đông Hà ( Rớ). Mỗi đợt chở muối xong, các chủ
điền (chủ ruộng muối) lãnh tiền tại Sở Thương Chánh. Số tiền thu được
chia đôi: chủ điền một nửa và một nửa là phần của coi nước và các đầu
bạn. Coi nước được hưởng tiền cao hơn mỗi đầu bạn. Tiền mỗi đầu bạn chia
hai cho đầu cào và đầu gánh. Khoảng những năm 1950, tôi có trực tiếp lãnh
một đầu cào trong sở ruộng của ông chú tôi. Thực ra, làm một đầu bạn chắc
là khá hơn. Nhưng ông chú tôi, chủ của sở ruộng ấy, lại lãnh phần đầu
gánh của tôi để cho em và các con chú làm. Trong khi ấy, tới mùa muối, Mẹ
và các chị tôi phải đi gánh muối thuê cho các đầu bạn khác.
Những ngày nắng tốt
thường khoảng năm sáu nắng (5, 6 ngày nắng), muối được cào một lần. Gặp
lúc trời sắp chuyển mưa, muối phải cào gấp, nếu không, qua một cơn mưa,
muối sẽ tan mất. Đa số dân miền quê tôi rất cần cù và nhẫn nại trong đời
sống. Họ làm ăn theo thời tiết. Làm nghề nông trong mùa mưa, mùa nắng họ
làm ruộng muối. Lao động quanh năm, bất kể mưa nắng, nhưng vẫn thiếu thốn
triền miên.
Sau khi Pháp rút khỏi
Việt Nam, các đồng ruộng muối không còn bị cai quản qua Sở Thương Chánh
của Pháp nữa. Những khách hàng trực tiếp mua muối tại gò muối của sở
ruộng muối ấy.
Những năm gần đây,
ruộng muối Hòn Khói mở rộng diện tích và muối đã trở nên hàng xuất khẩu.
Kỹ nghệ làm muối vẫn chưa được tiến bộ lắm.
Lê Phú Thọ
