
Nhiều
khi ta tự hỏi ta sống trên đời để làm gì, một câu hỏi tự lâu đời con người
đã đặt ra: ăn để mà sống hay sống để mà ăn, rồi nghệ thuật vị nhân sinh
hay nghệ thuật vị nghệ thuật... Ta còn hỏi thêm ta sống để mà viết hay
viết để mà sống. Thực sự ra thì tất cả đều chỉ tương đối, không có gì
tuyệt đối chúng ta nên dung hòa, trung dung, cả hai vế ăn để sống và sống
để mà ăn đều đúng cả; cũng như nghệ thuật nên vị cả nhân sinh và nghệ
thuật ; cũng như chúng ta sống thì mới viết được, sống khoẻ, sống đúng thì
viết khoẻ viết đúng viết ích lợi ; sống để mà viết nhưng cũng là viết để
mà sống, không viết thì nhà văn nhà thơ coi như đã chết rồi vì tác phẩm
chính là con cái của nghệ sĩ và đó là bằng chứng hùng hồn cho sự sinh tồn
của họ.
Ngày xưa Nguyễn Du viết TRUYỆN Kiều từ một cốt truyện tầm thường của Thanh
Tâm Tài Nhân bên Tàu mà đã đem cho chúng ta và nhân loại một đại tác phẩm
bất hủ rồi từ đó bao nhiêu người đã viết, cố gắng, sống chết cùng tác phẩm
và họ có thành công không, thời gian và sự thẩm định đã nói lên điều đó.
Nói về tác giả và tác phẩm của thời hiện tại bây giờ chúng ta có rất nhiều
và ai trong số họ sẽ tồn tại với thời gian. Những hiện tượng một thời như
Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài và bây giờ là Nguyễn Viện
liệu có nói lên điều gì và có tồn tại với thời gian. Chúng ta chưa biết.
Có người thích tác phẩm của họ có người chê thậm tệ nhưng âu cũng là lẽ
thường tình. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc là một ví dụ khác của viết để
sống hay sống để viết. Tầm nhìn của ông đã vượt lên trên thời đại của
chúng ta. Thực sự ra viết lách là một cái nghiệp, một cái nghiệp chướng mà
ai vướng vào rồi thì khó mà gỡ ra. Dĩ nhiên có người viết hay có người
viết dở nhưng tựu trung ai cũng cố gắng cả, khi thẩm định đánh giá chúng
ta phải lấy điều đó đem vào sự cân nhắc.
Nhưng chúng ta phải biết rằng phê bình, nhận định, bình luận về văn học
văn chương rất cần thiết nhằm mục đích thúc đẩy định hướng sáng tác. Một
lời khen hay chê đúng đắn đúng mực đúng lúc sẽ giúp cho tác giả có thêm
sức lực mới để sáng tác hay hơn, có ích hơn nhưng một lời khen hay chê
bình phẩm sai lầm hoặc quá đáng sẽ dẫn đến hậu quả xấu khôn lường. Viết
lách đã khó mà phê bình, nhận xét, nhận định bình phẩm lại càng khó hơn.
Nhiều người cho là họ có thể múa bút để xuất thành lời mà không quan tâm
hậu quả. Đời sống thì đầy dẫy những nhiễu nhương bất trắc bất an bất ổn và
đầy lừa mỵ, lừa lọc và do đó cũng phản ánh trong thi ca và văn chương. Khi
người độc giả đọc hay người phê bình đọc thì họ cũng cảm nhận được tất cả
những điều đó nhưng cũng tùy theo trình độ văn hóa, vị trí xã hội, khả
năng thẩm định, khả năng tài chánh để có thể một cái nhìn đúng đắn về một
tác phẩm nhiều khi vốn rất chủ quan và đầy thiên kiến định kiến.
NGƯỜi đọc bình thường có thể khen hay chê thích hay không thích một tác
giả một tác phẩm mà không ảnh hưởng gì nhiều đến thế giới văn học và thế
giới hữu hình nhưng với một nhà lý luận một nhà phê bình văn chương thì
điều ấy thật khác hẳn. Một lời nói một câu chữ câu văn của nhà phê bình,
bình luận văn học có giá trị và tầm ảnh hưởng rất lớn. Nó có thể làm sống
lại một tài năng mà cũng có thể bóp chết một nhân tài. Nếu chỉ khen để lấy
lòng và sợ chê bị phật lòng thì chẳng ai cần nhà phê bình làm gì còn nếu
chê để hại hay hạ nhà văn thì đó là một cái tội, còn sự bất tài thiếu kiến
thức không đủ trình độ thẩm định thẩm thấu thì là sự bất cẩn nguy hiểm như
bác sĩ phẫu thuật thiếu trình độ vậy. Có thể gây chết bệnh nhân vì không
đủ khả năng cứu chữa.
Những cuộc tranh cãi sôi nổi gần đây là cuốn sách mới nhất về Trịnh Công
Sơn bị cấm phát hành ở Việt Nam cũng như những bàn luận sôi nổi đa chiều
nảy lửa từ bài viết của Trịnh Cung hồi đầu năm 2009 là những ví dụ điển
hình về nhựng dị biệt đôi khi và tưởng chứng như không thể nào dung hòa
được của mọi người, của những nhà văn, nhà thơ nhạc sĩ nghệ sĩ và những
người thưởng thức, độc giả, thính giả... Sự dị biệt từ một nhân vật, từ
một cá nhân và đến tư tưởng lối sống, quan điểm sống, lý tưởng và vân vân.
Cũng thì một sự kiện có thật trong lịch sử nhưng đôi khi được nhìn nhận,
đánh giá, thẩm thấu và thẩm định nhận định một cách rất khác nhau thậm chí
trái ngược nhau tùy theo trình độ, kinh nghiệm, thiên kiến, định kiến, đời
sống, hoàn cảnh cá nhân và địa vị xã hội cùng những mối liên hệ. Sự dị
biệt đó là thường tình và hiển nhiên không có gì đáng bàn cãi. Cái đáng
bàn cãi là chúng ta không nên áp đặt quan điểm của mình lên người khác và
xã hội. Điều đó thật khó làm, nói dễ hơn làm. Ai cũng tự cho là mình đúng,
nên không dễ dàng gì mà chấp nhận kẻ khác.
Nếu ai đã từng cầm viết đều có thể đồng ý rằng viết không phải là dễ dàng
như nhiều người vẫn nghĩ. Viết khó hơn nói gấp bội lần, viết khó hơn làm
những công việc tay chân rất nhiều vì nó bao gồm cả suy nghĩ tư duy và
diễn đạt. Viết đã khó mà viết đúng, viết đủ viết cho có lợi ích thì càng
khó gấp bội phần, rồi viết hay viết bất hủ bất tử thì là chuyện của một
vài người mà thôi. Viết truyện viết thơ sáng tác đã khó mà viết phê bình
văn học nhận định còn khó hơn ngàn lần vì nó có thể đụng chạm và nhà lý
luận phê bình văn học phải đi trên một lằn ranh mong manh của sự xây dựng
hay là phá hoại, góp sức hay là hủy diệt văn chương văn học; bởi vì mỗi
một lời khen chê đều rất quan trọng có thể nâng cao vun đắp một tài năng
hoặc giết chết một tài năng. Lịch sử đã minh chứng nhiều trường hợp như
vậy. Viết văn là chạm đến những tầng lớp sấu thẳm nhất của tâm lý con
người còn viết phê bình là chạm đến những ngõ ngách sâu sắc nhất của nghệ
thuật viết văn. Viết văn là trải lòng mình ra cùng trang giấy và tha nhân
còn phê bình văn học là thu mình lại cùng trang giấy và độc giả, nén gọn
những cảm xúc để chỉ còn những lời nhận định chính xác giúp người. Viết là
phản ánh đời sống ghi lại những cảm xúc suy nghĩ suy tư và lắng đọng của
con người bằng câu chữ ngôn từ còn phê bình văn học là đem tất cả những
câu chữ ngôn từ đó lên kính hiển vi để phân tích nhìn ra những khuyết tật
và ưu điểm sàn lọc chắt lọc để giúp cho nhà thơ nhà văn sáng tác tốt tốt
hơn hay hơn. Nhà phê bình phải công tâm chân chính để không có tình cảm cá
nhân sự thành kiến thiên kiến chi phối. Nhiều người chúng ta không biết
rằng số phận và sứ mệnh của người sáng tác và nhà phê bình gắn liền với
nhau rất mật thiết và cả hai đều cần đến nhau cũng như độc giả cần cả hai
người. Độc giả hiện đại đòi hỏi những người sáng tác hiện đại và những nhà
phê bình hiện đại, mới mẻ và đặc sắc, độc đáo cho thế kỷ 21. Xã hội vốn đã
thay đổi đến tận gốc rễ khác xa cách đây chừng 10 năm.
Khoa học kỹ thuật và những khám phá phát minh mới đã làm thế giới phát
triển nhanh chưa từng có nhưng sự băng họai tan rã của đạo đức cũng diễn
ra nhanh chưa từng có và đó là dấu hiệu của sự diệt vong tự hủy diệt của
lòai người. Nhiệm vụ của người sáng tác là phải làm sao đưa những trăn trở
thời đại đó vào tác phẩm và phản ánh trung thực, đúng mức và có tác dụng
tích cực lên xã hội. Tuy nhiên người sáng tác trước tiên và sau hết vẫn
chỉ là sáng tác cho chính họ, những nhu cầu rất cá nhân riêng biệt. Cho dù
chúng ta có cố ý nói khác đi thì sự thật là người sáng tác vẫn sáng tác
cho bản thân và vì bản thân, anh ta có thể nói là anh ta muốn phục vụ nhân
lọai muốn nghệ thuật vị nhân sinh nhưng cuối cùng thì mục đích sáng tác
vẫn là để cho bản thân anh ta mà thôi. Xã hội lòai người cũng phức tạp như
là cả vũ trụ này vậy, đòi hỏi sự tìm hiểu nghiên cứu của tất cả mọi người.
Và nhà văn nhà thơ góp phần vào sự khám phá nghiên cứu đó bằng cách riêng
của mình, rất là riêng biệt không thể nào lẫn lộn lẫn nhau và đôi khi lạ
lùng nữa. Bằng sự góp phần một cách vô tình hay cố ý, nhà văn nhà thơ và
nhà phê bình văn học góp phần rất to lớn cho sự phát triển cho nền văn học
từng quốc gia và toàn thế giới cũng như cho toàn xã hội loài người nói
chung.
Câu
hỏi tự ngàn xưa đã được đặt ra " nghệ thuật vị nghệ thuật" hay " nghệ
thuật vị nhân sinh" và câu trả lời rất khác nhau tùy từng thời kỳ tùy từng
quan điểm quan niệm và ít ai chịu đồng ý với ai, ai cũng cho mình là duy
nhất tuyệt đối đúng. Thực sự ra thì nghệ thuật bản thân nó do con người
tạo nên rõ ràng là vị nhân sinh nhưng đồng thời nó cũng chỉ vì mụch đích
ích kỷ là vì chính bản thân nó nữa. Người cầm viết chân chính đàng hoàng
có lương tâm sẽ viết với trách nhiệm để không bị cắn rứt lương tâm. Ngòi
bút của mình sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ nhiều người. Hiểu rõ sự quan trọng
của ngòi bút giúp cho người viết văn thơ phê bình văn học sẽ có trách
nhiệm hơn thận trọng hơn khi viết, suy nghĩ thật kỹ xem những điều lợi hại
khi mình viết ra đồng ý là có quyền tự do muốn viết gì thì viết nhưng cũng
phải cân nhắc kỹ lưỡng vì đôi khi những dòng chữ tưởng chừng vô hại có thể
vô tình giết người hoặc bị sử dụng để hại người. Sức mạnh của ngòi bút là
rất bất ngờ và vô biên không ai có thể ngờ được. Sự tự do và sự tự chế là
những yếu tố cần thiết và chắp cánh cho nhà văn nhà thơ cũng như nhà phê
bình viết lách, sáng tác và sáng tạo. Phê bình văn học cũng là sáng tạo vì
nó cũng từ tâm trí của con người và có thể ảnh hưởng to lớn đến văn chương
và thế giới. Chúng ta đôi khi không đánh giá đúng mức vai trò của nhà phê
bình văn học hay đôi khi coi phê bình văn học chỉ là trang trí hay tô điểm
cho văn chương. Nếu nhà phê bình nào hay chê người khác thì bị cho là
không yêu văn học.

Nói
chung viết đã khó mà phê bình văn học còn khó hơn nhiều vì nó đòi hỏi một
sứ công tâm trong đánh giá, thẩm định và viết. Sự sai lầm của nhà thơ nhà
văn có thể gây tác hại nhỏ nhưng tác hại của nhà phê bình có thể to lớn
hơn nhiều. Thế giới cũng như văn chương có quá nhiều điều bất trắc, bất
cập và thay đổi từng giờ nên không có gì là chắc chắn, vĩnh cửu trường tồn
cả duy chỉ chỉ có điều chắc chắn là chúng ta viết để mà sống và đồng thời
cũng sống để mà viết. Tình yêu là báu vật thiêng liêng nhất mà con người
có được và thấm đẫm trong văn chương là tình yêu bất tử muôn đời.

Trần
Minh
Hiền
Orlando, ngày 12 tháng 9 năm
2009
love is beautiful

