(Câu chuyện có thật trong mọi ngõ ngách của cuộc đời)
Tuổi thơ tôi êm đềm trôi
qua như cổ tích.Bao lời ru ngọt ngào của má; bao hương thơm ngan
ngát của hương đồng gió nội …theo tháng ngày cứ thấm sâu vào
lòng tôi.Và không rõ tự lúc nào, tôi da diết yêu những vần thơ
viết về đất,về những mảnh vườn nơi thôn dã…Dần theo năm tháng
lớn lên, tôi gom góp tất cả những kỷ niệm ấu thơ của mình để dệt
nên những vần thơ.Tôi lắng lòng trong những đêm tĩnh lặng để
nghe tiếng thở của vườn, trở trăn của đất.Và cứ thế ,vũ trụ xoay
vần, tôi lớn lên theo những giọt mồ hôi của má và tôi sống trong
hơi thở của thơ. Như sự bao dung của má, những vần thơ luôn thầm
thì với tôi trong những lúc tôi buồn. Thơ ôm ấp tôi trong từng
giấc ngủ.
Như bao người làm thơ,
viết văn khác, đôi lúc tôi cũng muốn chọn cho mình một bút danh.
Ý tưởng ấy, tôi thầm thì với má vào cái đêm trước ngày giỗ ba
tôi. Hiểu ra, bà ôn tồn:
- Chuyện đó là tùy ở con, nhưng theo ý má…dẫu gì đi nữa thì cái
tên ba đã đặt cho con là bút danh đẹp nhất. Bởi ba con đã kiếm
tìm, ấp ủ và nâng niu từ lúc con chưa có ở trên đời này. Nghe má
nói lòng tôi cồn cào một nỗi nhớ ba. Nước mắt tôi rơi và cảm
thấy mình có lỗi với ba rất nhiều.Cái điều mộc mạc mà thiêng
liêng ấy nhờ có má mà tôi mới hiểu ra. Từ đó cái tên quen thuộc
mà ba đã đặt, tôi luôn trân trọng và tự hào đặt dưới những bài
thơ yêu dấu của mình.
Cây trong vườn đã bao
mùa thay lá. Những đàn chim tụ về xây tổ, sinh con rồi cũng bao
lần rũ cánh bay đi…để lại trên mái đầu má tôi thêm bao nhiêu
tuổi.Tôi càng gắng sống đúng mình để bà được vui trọn những
tháng ngày còn lại.
Tình yêu của bà đối với
tôi sao mà bao la đến khó hiểu. Dưới đôi mắt của bà chắc có lẽ
tôi mãi là đứa trẻ con dù rằng tôi đã xấp xỉ tuổi ba mươi. Thấy
những cánh thư của độc giả xa gần gửi đến, bà luôn bảo tôi: “Con
coi lấy vợ đi! Để má còn trông thấy mặt con dâu, cháu nội. Lớn
ngồng rồi mà còn gì kén chọn…Mà này, con trai con lứa đừng có
đèo bồng con nọ con kia nghe con.Thiên hạ người ta cười vào mặt
cho! Nghe má nói, tôi hiểu bà đã nghĩ gì nên cố gắng giải thích
nhưng lần này bà chẳng chịu nghe tôi, dẫu có nửa lời.“ Đã đành
là độc giả yêu thơ của con đi. Nhưng sao trong số thư gửi đến,
má thấy có gì đó là lạ”.Tôi chưa kịp phân trần thì bà lại tiếp:“
Mấy tháng nay má để ý: cứ mười bữa nửa tháng là có một lá thư
phong bì màu xanh gửi đến cho con. Góc trên chẳng thấy chữ gì
còn góc dưới thì mười lá đều giống như một”. Tôi thật sự sững sờ
trước những lời nhận xét của má. Có lẽ bà quá yêu thương tôi,
quá lo lắng cho tôi nên mới để ý tới những chuyện mà tôi không
ngờ tới. Đúng như những lời má đã nói cho tôi nghe. Nỗi thắc mắc
của bà là điều ray rứt, dằn vặt trong tôi. Chính tôi cũng không
thể hiểu cái điều khó hiểu ấy. Một phong thư xanh. Đôi dòng cảm
ơn. Và vài lời thôi thúc, động viên tôi hãy viết nhiều hơn nữa
những vần thơ về đất, về tiếng chim, về hoa lá trong vườn…Thư
chẳng ghi nơi gửi chỉ vẻn vẹn ghi ở bên dưới cái tên gắn liền
với những gì mộc mạc nhất: Bé Hai.
Chính những lá thư không địa chỉ kia của người viết đã làm cho
nhịp thơ tôi như ngừng đập. Suốt cả tháng liền, tôi chẳng thể
viết được câu thơ nào cho ra hồn.Trang giấy trước mặt như nhảy
múa khiêu khích và trách hờn tôi. Tôi đâm ra lạc lỏng và vô vị
giữa đất trời. Hương trong vườn, bướm trên bờ giậu, mặt ao ở sau
nhà…Tất cả như đang xa dần trong tôi.
Giành giật tâm trí trong
từng đêm hoang vắng. Mãi một tháng sau đó nữa tôi mới có được
một bài thơ đúng như nguyện vọng của cô Bé Hai nào đó. Tôi đặt
tựa đề cho bài thơ ấy là: “Hương của đất” và gửi ngay đến
tòa soạn. Bên dưới tựa đề tôi sung sướng ghi: Tặng Bé Hai.
Và ở cuối bài thơ tôi không quên ghi nơi viết, ngày tháng và
thêm một câu hơi lạ mà có lẽ chưa một tác giả nào làm điều ấy :
“Xin Bé Hai cho tôi địa chỉ .Cảm ơn !”. Tôi đợi chờ theo vần thơ
đã gửi … Lại đúng một tháng sau, điều mong đợi cháy bỏng ấy đã
đến với tôi. Như một trò chơi của con tạo, ngày tôi nhận thư của
Bé Hai cũng là ngày tôi tròn ba mươi tuổi. Đó là món quà sinh
nhật dễ thương nhất mà Bé đã tặng cho tôi :
“Tác giả “Hương của
đất” vô cùng kính yêu của Bé! Bé rất vui mừng và hạnh phúc
khi được ông tặng riêng bài thơ này. Thành thật với ông, năm
tháng qua, Bé chẳng là người có thật trên cõi đời này đâu. Dù
mọi người vẫn gọi Bé bằng tên của một con người. Họ gọi tên Bé
để rồi họ lãng quên, xa lìa Bé. Hơi thở cuộc sống của Bé chính
là hơi thở của mảnh vườn, của đất, và cả những vần thơ của ông.
Tiếc thay, thơ của ông đến thời chín mọng là lúc hơi thở trong
người của Bé cũng đã sắp cạn kiệt rồi. Bé luôn tự nhủ: Có phải
mọi điều bất hạnh của cuộc đời này đều đè nặng lên đôi vai gầy
của Bé ? Nhưng thưa ông ! Dẫu gì đi nữa thì Bé cũng biết ơn ông
nhiều lắm. Lời cuối, Bé tha thiết xin phép ông hãy để cho Bé
mang những vần thơ của ông về xứ sở mà Bé đã nằm đợi bao năm
qua. Còn địa chỉ của Bé mà ông đã yêu cầu, xin ông hãy đọc lại
những dòng cuối mà ông đã ghi ở bài thơ “Hương của đất”.
Xin chào ông! Chúc ông luôn hạnh phúc. Bé Hai”.
Bức thư trong tay tôi
lặng lẽ rơi xuống đất. Những dòng chữ tím ngát cuối cùng thật sự
níu kéo tôi vào thế giới của hoang vu. Tôi lạnh toát cả người,
cảnh vật xung quanh bỗng hóa thành những hình thù quái dị đang
chằm chặp nhìn tôi.
Bên kia bờ giậu, tiếng
nhạc tang thê lương, não nề vọng lại. Chim bướm vườn nhà tôi
chạnh buồn bay sang bên ấy vướng theo hương cau hương bưởi và cả
màu lửa của những cánh dâm bụt cạnh cầu ao.
Má tôi trở về, đôi mắt
già nua của bà vẫn còn ngấn lệ :“Thật tội nghiệp cho thân con bé.
Đẹp như con Trời con Phật mà mang thân tàn tật suốt mười mấy năm
nay”.
Nỗi buồn của má chảy
sang qua tôi như dòng lũ. Tôi nghẹn đắng trong lòng, nước mắt
lặng lẽ tuôn. Chầm chậm, chầm chậm… tôi bước sang nhà bên … đốt
nén hương dâng lên bàn thờ người quá cố. Tôi tự thấy lòng mình
mang nặng tội ác. Đôi mắt thiên thần của cô bé từ tấm chân dung
đang nhìn thẳng vào mặt tôi như vừa trừng phạt, như vừa thứ tha.
Ngoài sân, người ta đang
chuyền nhau quyển sổ tay màu xanh lá mạ, trong từng trang giấy
là những bài thơ cắt từ các báo và được dán một cách cẩn thận..
Những bài thơ khao khát cuộc sống, khao khát tình yêu, những bài
thơ ngọt ngào câu ca dao, thơm ngát hương đồng gió nội… Trang
cuối cùng là “Hương của đất” – Bài thơ tôi đã tặng riêng
cho Bé …Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt chứa bao điều sâu kín,
khó hiểu.
Đường về, tôi khóc nức
nở như một đứa trẻ. Mảnh vườn nhà tôi trở nên xơ xác như đang
vào mùa lá rụng. Và những vần thơ cũng như đang vụn gãy vùi sâu
vào lòng.
Một con người viết về
hương của đất mà đã vô tình đến nhẫn tâm đánh rơi mảnh đất thân
thuộc của quê mình, đánh rơi một số phận bất hạnh chỉ cách nhau
một bờ giậu nhỏ.

NguyễnTấn
Ka
Ninh
Quang,
tháng 4/2008