Hết tháng 10 âm lịch, trời vẫn còn mưa, nhưng đã thưa dần những
cơn mưa lớn. Buổi sáng, hửng lên chút nắng, rồi lại kéo mưa dầm.
Những cơn mưa lê thê làm người ta ngại ra đường với ngọn gió bấc
lạnh, ẩm khó chịu. Chỉ mua thức ăn qua quýt vì trong nhà tháng
mưa lụt hay dự trữ sẵn cá khô mặn, các loại mắm, chỉ vậy thôi
nhưng nồi cơm nóng được cạo đến miếng cháy.
Trong vườn, nước lụt rút đi, để lại lớp phù sa mỏng, mảnh đất
trống mềm ướt được cuốc tơi ra, đánh thành luống bằng chiếc
chiếu đơn, những luống đất đều đặn, thẳng hàng được gieo hạt cải,
sà lách, tần ô, ngò..., nhà nào đất rộng thêm vài dây khổ qua, đậu đũa,
dưa leo...Loại rau thường được trồng nhiều nhứt là cải xanh, khi
lên chừng non gang tay được hái lên trộn chung với các loại rau ăn
sống khác, bữa ăn được dọn lên có rổ rau tươi non là biết đã
sang tháng chạp, đất trống, gieo thêm vài luống dành cho ba ngày
tết, còn lại đám cải già đã lên ngồng sẽ làm dưa chua, đang trổ
bông vàng từng vạt, bông cải vàng bé tí dụ dỗ đàn bướm nhỏ bay
lượn vui mắt. Chẳng cần đi đâu xa, từ nhà tôi rẽ hết một khúc
quanh là tới thôn Phong ấp, nhìn qua hàng rào, hầu như nhà nào
cũng có vườn rau nhỏ lên xanh, mát mắt. Đến khi cải ra bông, dù
bên cạnh có màu sắc đậm đà của vạn thọ, mồng gà chuẩn bị đón
xuân, thì cái dáng vẻ mềm mại, thanh thanh, đơn sơ của ngồng hoa
cải nở vàng từng đám, khiến cho con nắng mùa xuân như lung linh,
làm cho lữ khách bồi hồi, nhớ tới căn nhà cũ, có mẹ ngồi đun củi
trong gian bếp thấp, đen đầy bồ hóng, mẹ như điểm tựa cho ta tựa
vào, có thể những điều cần chia sẻ không thốt được thành lời, vì
khoảng cách giữa hai thế hệ, nhưng tận sâu thẳm là sự cảm thông, đem đến
cho ta khoảng lặng bình yên khi về nơi ấy, khói bếp cay đỏ mắt,
hơi ấm từ lửa, từ người tỏa lan trong những lời rủ rỉ, rù rì của
mẹ.
Nhà tôi cũng có những luống rau sau lụt tháng 10, cũng có những
luống cải ra bông vào độ tết. Nếu không lấy hạt làm giống, cải
trổ ngồng sẽ đem muối dưa, dưa cải ăn với nước cá kho, thịt kho,
trong tiết lập xuân lành lạnh,dằm ớt sim xanh, miếng cơm nuốt
vội suýt mắc nghẹn. Khi làm thêm nhà trước rộng hơn, thêm cái
sân lót gạch, vậy là hết thấy vàng bông cải. Thơ ấu đã đi qua
rồi, không thể nào ngờ rằng, vạt bông cải trước sân tươi tắn,
trong ánh xuân dịu nhẹ, đã lặn vào góc khuất của tiềm thức, chợt
bất ngờ bừng dậy theo con gió đổi mùa. Rồi tôi đi lấy chồng, đĩ
xa, không phải làm dâu. Có một năm ôm con về ăn tết bên nội, lại
bắt gặp chừng 6 chiếc chiếu rau xanh con con, bên bờ giếng, mẹ
chồng vốn kỹ tính, cuốc những luống rau đều tăm tắp, nom như để
làm cảnh, mẹ sai ra tỉa mỗi thứ một ít làm rau sống, nhổ nhẹ
từng gốc sà lách, tần ô, cải, ngò...ngắt bỏ gốc đất, lá rau non
cứng như muốn nhảy ra khỏi rổ.
Tôi biết những chiếc chiếu rau ấy thật tầm thường, đầy rẫy ở
những miền quê, bất kỳ là quê nào, dù vậy, nó đã nằm trong ký ức
của nhiều người, nhớ nó như một sự níu kéo tình cảm, nó gợi lại
nét thân yêu, ấm cúng, bình yên và cả ngon miệng nữa, mà về sau
có khi lên tới đỉnh giàu sang, vẫn nhớ, nhớ tha thiết luống cải
trổ bông, vẻ đep ấy như biểu tượng của mùa xuân êm ấm, trẻ trung
đã qua từ rất lâu rồi./.

HuỳnhTrịnh
Tuyết
Hoa