
Trên đường Xuyên Việt hướng Bắc Nam (QL 1A). Đoạn từ thành phố Nha Trang
đi Ninh Hòa, qua khỏi đèo Rọ Tượng, nhìn về hướng tây bắc (QL 26, hướng đi
Daklak, cũng là hướng đi Dục Mỹ). Chúng ta sẽ thấy một dãy núi chạy dài
gần như hết tầm mắt, và trên đỉnh cao nhất của dãy núi ấy có hai khối đá
dựng đứng đứng cạnh nhau một cao, một thấp trông giống như hình ảnh của mẹ
bồng con.
Hình như ở một số nước khác cũng có Hòn Vọng Phu. Ngay tại nước ta, cũng
có vài nơi có Hòn Vọng Phu như ở Bình Định, Cao Bằng- Lạng Sơn, Nghệ
An.v.v… Nhưng theo tôi, có lẽ Hòn Vọng Phu ở quê tôi (Dục Mỹ) là hoành
tráng hơn cả xét về kích thước. Nếu như trời quang mây tạnh và không có gì
che khuất tầm nhìn thì khoảng cách vài chục cây số ta vẫn nhìn thấy hòn
núi này một cách rõ ràng.
Trong một chuyến đi điệu (tìm trầm) trên dãy núi Ba Non (dãy núi có Hòn
Vọng Phu). Đây là một dãy núi trùng điệp, được liên kết bởi nhiều tầng
nhiều lớp các dãy núi lại với nhau. Nhìn từ phía đồng bằng, ta chỉ thấy
như một dãy núi lớn chạy dài y như ta đang ngắm một bức tranh được vẽ trên
tấm phông phẳng vậy. nhưng nếu được nhìn từ trên cao như trên phi cơ chẳng
hạn, ta sẽ thấy nó như một tấm màn xanh khổng lồ được thả rơi tự do xuống
đất, vô số các nếp nhăn nằm chồng chéo ngổn ngang là những dãy núi. Hòn
Vọng Phu (HVP) được đứng trên đỉnh của dãy núi cao nhất và gần như ở trung
tâm của “tấm màn xanh khổng lồ” đó.
Trong khoảng chục ngày loanh quanh trong núi, dưới những cơn mưa dầm tưởng
như không dứt. Chúng tôi phải lấn (dời) trại mấy lần vì chưa tìm được nơi
làm có kết quả. Có lúc phải tiến sâu vào, có lúc băng ngang qua các sườn
núi và có lúc phải lấn ngược trở ra, nên chúng tôi không còn biết rõ chính
xác là mình đang ở vị trí nào nữa. Đến một hôm trời đã ngớt mưa, ánh nắng
đã xuất hiện xua đi cái ẩm ướt và lạnh lẽo. Chúng tôi quyết đi dạo xa hơn
(đi tìm cây Dó trầm, khoảng cách tính từ “đôn” nơi đóng trại). Sau khi
vượt qua mấy con dốc dài lởm chởm đá, dưới những tàng cây cổ thụ và chỉ
nhìn thấy chút ít bầu trời lung linh ánh nắng xuyên qua các cành cây kẽ lá
rậm rạp. Chúng tôi đến một trảng cỏ tranh quang đảng không có cây cao. Tìm
một nơi khá bằng phẳng để ngồi thở dốc vừa để sưởi nắng vì đã nhiều ngày
chúng tôi không được tiếp xúc với ánh mặt trời. Tuy nhiên chúng tôi vẫn
cảm thấy lạnh vì hơi lạnh từ núi và vì vị trí này cũng đã khá cao so với
mặt biển. Chưa kịp vấn xong điếu thuốc rê thì Hùng - người em trai cùng đi
với tôi- đưa tay chỉ và gọi tôi thật lớn “Anh Dũng ! Hòn Vọng Phu kìa!
Ngầu quá ngầu!”.(Thì ra chúng tôi đã lên đến sát chân HVP mà không hề hay
biết). Nhìn theo hướng chỉ tay của chú ấy, tôi rất kinh ngạc và choáng
ngợp trước sự hùng vỹ ngoài sự tưởng tượng mà tôi đang nhìn thấy. Cái cảm
giác bàng hoàng ấy giống như của một chàng thanh niên lần đầu tiên
tình cờ nhìn thấy thân thể lồ lộ của người phụ nữ. Trước mắt tôi
HVP thật gần, dường như chỉ cần giơ cánh tay ra là có thể chạm được. Cái
vẻ trần trụi hoang sơ của nó như khiêu khích sự tò mò, nhưng cái đồ sộ
hoang dã của nó như thách thức, như đe dọa nếu bị xúc phạm, như muốn bảo
vệ đứa con… “khổng lồ” chỉ mới vài…“triệu tuổi” của mình làm tôi cảm thấy
rờn rợn gần như kinh sợ !...Cái khoảnh khắc ấy chỉ trong giây lát thôi
nhưng mãi đến bây giờ, có nghĩa là trên hai chục năm rồi, tôi vẫn còn cảm
thấy rõ ràng như đang trước mắt mỗi khi nhắc đến. Tôi nghĩ quả thật con
người quá nhỏ bé và đời người quá ngắn ngủi khi đứng trước thiên nhiên
cùng Đấng Hóa Công…
Thông thường thì tôi chỉ nhìn thấy Hòn Vọng Phu từ rất xa, thấp thoáng ẩn
hiện với những đám mây nên có màu xanh lơ như được bao phủ bởi cây lá.
Nhưng với vị trí rất gần này thì những lần nhìn thấy trước đây chỉ là ảo
giác của khoảng cách. Trước mắt tôi HVP cao sừng sững như một tòa cao ốc,
cao đến hàng trăm mét nhưng chưa được hoàn thành, nó ngổn ngang hỗn độn
như còn trong thuở hồng hoang. Nó được hình thành bởi những khối đá khổng
lồ đủ mọi hình dạng. Nó dựng đứng và cao chót vót tận các tầng mây. Chỉ có
rong rêu và một số loài cây thuộc họ tầm gởi sống được ở trên ấy. Những
loài cây này bám vào các kẽ đá sống nhờ mưa cùng hơi nước từ những đám mây.
Nhìn chung cả núi mẹ lẫn núi con chỉ toàn đá và đá (hóa đá mà!!). Những
đám mây như còn vương vấn hơi ấm của “mẹ con nàng” nên chưa chịu bay đi,
có những làn mây len lỏi trong các kẽ đá phất phơ như những giãi lụa.
Phong cảnh trông thật ngoạn mục như những cảnh trong các phim võ hiệp
phóng tác theo tiểu thuyết của Kim Dung
“ Mây vờn lờ lững áo chinh phụ
Gió đệm du dương tiếng hát nàng”
Tuy được gọi là “Núi Mẹ Bồng Con”, nhưng theo ước lượng của tôi thì đỉnh
đầu của “hai mẹ con” cách nhau phải trên trăm mét. Như vậy đủ thấy Hòn
Vọng Phu ở quê tôi hoành tráng đến cỡ nào rồi !
Sự tích về Hòn Vọng Phu tôi đã được nghe nhiều người kể, thường thì na ná
giống nhau, tôi xin tóm tắt thành hai câu chuyện như sau:
1. Ngày xưa có đôi vợ chồng nọ sống với nhau rất hạnh phúc, họ có được một
đứa con. Sau đó, theo lệnh vua chàng phải lên đường ra mặt trận để bảo vệ
biên cương. Người vợ trẻ ở nhà chờ đợi đã lâu, ngày ngày nàng bế con lên
một nơi cao dõi mắt về phía xa xăm mong ngóng chồng nhưng chàng vẫn biền
biệt. Mòn mõi và đau buồn trong khắc khoải nên mẹ con nàng đã chết rồi hóa
đá thành Hòn Vọng Phu…
2. Câu chuyện thứ hai chỉ khác câu chuyện thứ nhất về lý do sự ra đi của
người chồng. Chuyện kể rằng: Có đôi vợ chồng kia một hôm đang lúc giúp vợ
gội đầu, chàng tình cờ nhìn thấy một vết sẹo dài trên đầu vợ. Chàng liền
hỏi về vết sẹo này và người vợ kể lại rằng “Lúc còn nhỏ, em có một người
anh trai, đang lúc chơi đùa với nhau anh ấy lỡ tay đánh trúng em tét đầu
máu chảy lênh láng. Quá sợ hãi, anh ấy đã bỏ nhà trốn biệt cho đến nay”.
Nghe xong lời kể của vợ, người chồng quá đỗi bàng hoàng vì trớ trêu thay
người vợ đang sống với mình chính là đứa em gái đáng thương ngày xưa. Vừa
quá ân hận, vừa quá xấu hổ chàng lại bỏ nhà ra đi không thể có một lời tỏ
bày!…Rồi người vợ bế con chờ chồng giống câu chuyện trên…
Đó là chuyện nàng Tô Thị của thời xa xưa mà giờ đây đã được xếp vào thể
loại cổ tích. Còn ngày nay, đã bước vào thế kỹ XXI mà quê tôi vẫn còn rất
nhiều nàng “Tô Thị thời hiện đại”. Mong rằng các nàng không đến nỗi phải
kịp “hóa thạch”…
Dục Mỹ quê tôi nay là một xứ nông nghiệp, hai loại cây trồng chính là mía
và mì. Hai loại nông sản này mỗi năm chỉ thu hoạch có một lần. Việc trồng
trọt chăm sóc và thu hoạch kéo dài đúng một năm, nhưng tổng số ngày lao
động chỉ có vài tháng. Thời gian còn lại trong năm, người ta cần phải làm
đủ mọi thứ việc để có thêm thu nhập. Nơi mà người dân thường làm nhất để
kiếm tiền là lên rừng, lên núi. Đó là nói về những người có đất rẫy có vốn
để đầu tư trồng trọt. Còn lại một số không ít người chẳng có nổi một mảnh
đất nào để canh tác thì công việc chính của họ không gì khác ngoài nghề
rừng núi. Bởi nghề rừng núi không đòi hỏi gì nhiều về khả năng, trình độ,
tay nghề, chỉ cần có sức khỏe là được. Họ làm gỗ, hái củi, đốt than, tìm
trầm hương, tìm đá quý, đãi vàng v.v…Đôi khi họ còn làm cả công việc của
tổ tiên mình thời thượng cổ là săn bắt và hái lượm nữa! Nhưng như ai đó đã
nói “ ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên thành quả của mỗi loại công việc
luôn tỷ lệ thuận với gian khó, thử thách và rủi ro…
“Đời tôi gắn
liền với chữ R, Ruộng Rẫy, Rừng Rú, Rìu Rựa rồi gặp Rủi Ro,nên Rưng Rưng
đâm Rầu Rỉ,thành ra Rù Rờ”.
Lắm người nói như thế, tuy nghe có vẻ hài
hước nhưng …thật xót xa và thực thực tế, ít ra là đối với tôi.
Nàng Tô Thị thời xưa thì lên núi để ngóng trông chồng đi chiến đấu với kẻ
thù xâm lược. Phụ nữ quê tôi thời nay cũng có những người con trai, những
người chồng và những người cha đi “chiến đấu”. Nhưng “kẻ thù” bây giờ là
giặc đói , giặc khổ. Vì miếng cơm manh áo họ phải băng mình trong sương
gió, mưa dầm, nắng cháy. Họ phải đối mặt với bao nguy hiểm như thú dữ, đá
sập, cây đè, mưa lũ, bệnh tật… cùng bao rủi ro khác nơi thâm sơn cùng cốc.
Không ít người đã trở thành “thương binh” cụt tay, què chân. Cũng có những
người đã phải “hy sinh” cả tính mạng, và cũng có những kẻ bị lạc đường rồi
“mất tích” vĩnh viễn không trở về…
Thế nên chiều chiều, các nàng Tô Thị quê tôi cũng tay bồng tay dắt. Ra đầu
ngõ dõi mắt về dãy Núi Vọng Phu, nơi người chồng đang “chiến đấu”. Như
đồng cảm với nàng Tô thị xưa, và như để khẩn cầu một sự che chở rồi ngóng
chờ trong lo lắng…
Tôi là người dân Dục Mỹ, đã sống qua thời thơ ấu
cùng cả thời trai trẻ ở xứ này. Và quãng thời gian đó lại rơi vào thời
điểm khó khăn nhất sau biến cố 75. Nên tôi và gần như hầu hết thế hệ trai
tráng cùng tôi ở Dục Mỹ đều phải lẩn quẩn trong cái “trận đồ R”
mà tôi đã nói ở trên. Vì chẳng còn có lối nào
khác khả dĩ hơn! Hiện nay nhờ ơn trời, cuộc sống của gia đình tôi đã tương
đối ổn định. Con cái tôi đều có cơ hội để được học hành . Tôi hy vọng các
thế hệ kế tiếp sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh của các thế hệ cha chú của
chúng. Tôi luôn cầu mong cho mọi người, mọi nhà ở quê tôi đều có công việc
và cuộc sống ổn định. Nếu được như thế thì tôi tin chắc chẳng một ai còn
muốn đi rừng, đi núi nữa cả. Lúc ấy sẽ không còn cảnh vợ trẻ mòn mỏi đợi
chồng, mẹ già khắc khoải mong con đang lặn lội nơi rừng xanh núi thẳm đầy
hiểm nguy. Rừng núi sẽ không còn bị tàn phá vô tội vạ. Các loài động vật
hoang dã sẽ không còn bị xâm hại. Môi trường sống sẽ được cải thiện tốt
đẹp hơn.Và câu chuyện Hòn Vọng Phu sẽ mãi mãi là câu chuyện cổ tích
đẹp, đầy ý nghĩa.

Đinh
Hữu
Ân
Dục Mỹ, ngày 18-12-2009

