
Trâu bừa ruộng Ninh Hòa - Ảnh: Sử Xương Hải

Tôi
không hiểu tại sao làng tôi sau năm 1975 nhà nào cũng nuôi bò, nhưng những
năm 50, 60 khi tôi còn nhỏ nhà nào cũng nuôi trâu.
Lúc ấy nhà tôi có bốn con trâu mà Cộ là con trâu cầm bầy khôn ngoan,
dũng cảm nhất nên cả nhà ai cũng thương quý nó, nhất là cha tôi.
Khi
sang Mỹ định cư nhớ về làng cũ, nhớ về cha tôi đã già râu tóc bạc phơ suốt
đời vất vả trên đồng ruộng, tôi có làm một bài thơ về cha tôi lâu lâu giở
ra đọc, xin trích hai câu đầu:
“Cả đời chôn chặt với dòng sông
Yêu mến con trâu, quý ruộng đồng”
Cha
tôi làm nông, trước nhà gần cổng ra vào dưới tàng cây vú sữa rợp bóng mát
có một chuồng trâu khá rộng lợp bằng lá dừa về sau thay bằng tôn. Ngay tại
đầu sân có một giàn rơm hình vuông cao tới bụng, chính giữa trồng một cây
trụ lõi cao thẳng đứng, gọi là trụ rơm hay nọc rơm. Trên giàn, rơm rạ được
vun thành đống xây tròn chung quanh nọc rơm, trên đầu nọc rơm úp một cái
gầu che mưa, là lương thực dự trữ của trâu bò. Làng tôi, đại đa số là nhà
nông, hầu như nhà nào cũng có chuồng trâu và nọc rơm. Họ coi rơm rạ như là
một vấn đề sinh tử quan trọng ưu tiên hàng đầu của họ. Bước vào làng nổi
bật những nọc rơm vươn cao dưới ánh mặt trời.
Tháng
Ba đồng lúa chín vàng, bầu trời xanh lơ, nắng đẹp, nông dân mang bồ ra
đồng cắt gốc đập bồ. Rạ thải ra được xếp ngay hàng thẳng lối trên ruộng,
mỗi trưa chủ nhà cho người đến trở rạ, phơi chừng hai ba nắng là khô. Chủ
nhà huy động toàn nhân lực trong nhà ra đồng cuốn rạ, bó lại thành từng bó,
dùng chàng gánh về nhà. Kẻ trên giàn, người dưới đất dùng cây có chảng hai
đưa từng chàng rạ lên cao cho người vun, phải vun cho xong ngay trong buổi
chiều, không để lại ngày mai vì sợ mưa rào bất thình lình.
Vụ
Tám là vụ mưa, ruộng ngập nước nên khi lúa chín được gặt bằng những cái
vòng hái đưa tới đưa lui thoăn thắt, nhịp nhàng bởi các bà và các cô thôn
nữ lành nghề. Lúa gié được bó lại thành từng bó chất lút chàng gánh về nhà
là phần việc nặng nề dành cho các ông và các chàng trai lực lưỡng. Lúa bó
được chất thành từng đống cao trên sân. Sáng hôm sau thức dậy, sân lúa đã
thấy đầy người nói cười vui vẻ, kẻ đạp lúa, người kĩu thóc... Khi thóc
sạch được chia thành tám đống bằng nhau, nhóm gặt chọn một, rồi chia đều
ra cho các bạn gặt mỗi người nhận một phần khoảng chừng nửa giạ. Thành quả
của một ngày công quá ít ỏi, nhưng chịu khó đi gặt mướn mãn mùa cũng được
mười, mười lăm giạ thóc, bán lấy tiền may áo quần mới cho con, và mua sắm
một vài thứ:
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh"
- Trần Tế Xương
để vui Xuân đón Tết cùng bà con chòm xóm.
Rơm thải ra được chủ nhà rải đều trên sân phơi, khi khô sẽ được vun thành
nọc rơm.
Gặp
năm mưa bão, rơm rạ bị ướt hết hay bị nước cuốn trôi là cả một nỗi lo âu "ăn
không ngon, ngủ không yên" của bà con nông dân vì năm tới sẽ không có
lương thực cho trâu bò. Tiền đâu để thuê mướn người cắt cỏ ròng rã suốt cả
một mùa cày? Cuối vụ nếu mùa màng bị sâu bọ phá hại, bị hạn hán hay lụt
lội làm mất trắng, thì nhà nông coi như phá sản, con cái phải nghỉ học ở
nhà chận trâu hay đi ở đợ ở mướn cho người. Những nỗi cơ cực của đời nông
dân trong đó có con trâu không có bút mực nào tả xiết. Xin hãy đọc vài câu
ca dao, tục ngữ chuyên chở những nỗi buồn mênh mang đã từng vang lên giữa
đồng không mông quạnh:
- Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày...
- Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời im, bể lặng, mới yên tấm lòng
- Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Trâu cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công?
Mỗi
buổi chiều tà, khi lùa trâu về chuồng đóng cổng xong xuôi, thằng Lường đâu
đã hết nhiệm vụ? Nó phải rút rơm rạ vô chàng, gánh ra bỏ đầy máng ở đầu
chuồng cho trâu. Nửa đêm, cha tôi còn phải dậy bỏ rơm rạ cho trâu thêm một
lần nữa. Khi sao Mai mọc ở đằng đông chừng nửa cây sào, cũng là lúc tiếng
chuông chùa Thiên Bửu ngân lên từng tiếng boong boong... là cả nhà tôi
thức dậy. Người nấu cơm nước, kẻ học bài, kẻ lùa trâu, người vác cày ra
ruộng, kẻ đi cấy. Cả người lẫn trâu đều làm việc cật lực cho đến khi mặt
trời đứng bóng mới trở về nhà. Ðúng là:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Công
việc của mục đồng vẫn chưa hết, sau khi bỏ rạ rơm cho trâu xong, phải cào
phân trâu khô cùng rạ rơm ẩm mục gom thành đống sẵn sàng đâu đó, để đến
khi trời chạng vạng tối bầy muỗi xuất hiện bay vo vo như ong vỡ tổ là châm
lửa un khói để đuổi muỗi cho trâu. Khắp xóm làng khi chiều xuống có đủ mọi
thứ khói: khói bếp, khói rơm rạ, khói un muỗi... đây đó, hòa lẫn, bay là
là trên cành cây mái rạ đã được các văn sĩ gọi là "khói lam chiều" nghe
thanh bình, thơ mộng và nhàn tản lắm. Công việc un muỗi tầm thường như vậy,
nhưng lại là một công việc tối quan trọng của nhà nông. Nếu thằng Lường vì
lý do nào đó mà không làm thì tôi phải tức tốc dẹp bỏ hết mọi chuyện học
bài, làm bài, để nhảy vào thay nó. Nếu cả hai đều không làm, thì đêm hôm
đó dù đi làm về nhà có muộn cách mấy, cha tôi cũng vào xách cây đèn bão ra
treo tại đầu chuồng, lúi húi cào phân khô, rạ mục un muỗi cho trâu đàng
hoàng đâu đó xong xuôi rồi mới chịu vô nhà tắm rửa, ăn cơm, nghỉ ngơi. Và
sau mỗi lần như vậy, bọn tôi đều được ông nghiêm nghị gọi đến để... nghe
ông "ca" một bài ca con trâu:
- "Tao nghe nói ở Cà Mau, người ta quý trọng con trâu còn hơn cả con
người. Bởi vì con trâu phải đi cày bừa nặng nhọc vất vả suốt ngày ở ngoài
đồng để nuôi con người. Nhờ nó mà con người có cái sống, cái ăn, cái mặc,
cái học hành... Chính vì thế mà ở trong đó ban đêm người ta giăng mùng cho
trâu ngủ. Thiệt là nhân đạo hết chỗ nói! Còn ở quê mình, nông dân nhà nào
cũng nghèo xơ nghèo xác, mùng màn còn không có cho người, lấy đâu cho trâu!
Cho nên chiều xuống nhà nào nhà nấy cũng đều phải lo un muỗi cho trâu. Nay
chúng bay chỉ có mỗi công việc như thế mà cũng không làm, thì tao chẳng
biết chúng bay muốn gì? Hay là chúng bay muốn ăn roi cày? Suốt đêm đàn
muỗi sẽ tha hồ đốt, sẽ thi nhau hút máu, như thế thì mấy con trâu làm sao
ngủ được? Ngày mai chúng còn hơi sức đâu nữa để mà đi cày? Tại sao chúng
bay còn nhỏ tuổi mà lại không biết thương yêu con vật?"
Làng
tôi ba mặt là sông nên rất thuận tiện cho việc nuôi trâu. Con sông Lốt có
nhiều bến sông cát trắng, nước chảy trong vắt thật lý tưởng cho trâu nằm
như bến Ông Năm Xanh, bến Ông Gần gần nhà tôi. Có nhiều ruộng rộc nằm dọc
theo con sông Ðục thích hợp cho trâu cày bừa hơn bò, như rọc Bà Xã Ba, rọc
Quẹo, rọc Biền Cát, rọc Ông Bảy Chuyển, rọc Ông Năm Son, rọc Bà Xã Năm...
Sau vụ Tám, hầu hết những ruộng rọc đều ngập nước lênh láng, mọc nhiều cỏ
lùng, cỏ lác, lúa chét, lúa rài... hấp dẫn bầy trâu lội nước để ăn.
Tôi chăn trâu từ lúc còn nhỏ ở bậc tiểu học, đến khi lên đệ Thất, đệ
Lục, đệ Ngũ ở trường Trần Bình Trọng, vẫn còn phải tiếp tục chăn trâu vào
các ngày cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, nghỉ hè để thay cho thằng Lường về
nhà thăm má thăm em nó.
"Con trâu là đầu cơ nghiệp" của nhà nông. Suốt bao năm làm việc cực
nhọc "trên đồng cạn, dưới đồng sâu" cha má tôi đã dành dụm chút "vốn liếng"
để mua về một con trâu nghé cái đặt tên là Én.Lớn lên nó sinh được ba con
con. Gần ba năm nó mới sanh một lần, sanh như thế gọi là sanh thưa, ít ai
muốn nuôi vì không có lợi, nhưng cha tôi vẫn cứ nuôi. Cả ba con trâu con
đều rất to con tốt tướng: con đực, ông đặt tên là Cộ, hai con cái tên là:
Bầy, Lũ. Con Cộ rất mau lớn, khi mới được bốn tuổi thì nó trổ mã trông đã
oai vệ rồi: cổ rô, ức to, lưng phẳng, da đen bóng, hán rộng, hai đùi sau
to bành ky, hai con mắt đen lay láy nằm dưới cặp sừng cong đen như mun
nhọn hoắt. Giữa hai cái sừng có một cái xoáy màu đen sậm là những sợi lông
đen óng ánh mọc cuốn tròn theo hình trôn ốc trông rất đẹp. Nghe nói chính
cái xoáy trâu này mà trâu con nào cũng gan bẫm, lầm lì, dữ tợn, cọc cằn.
Do đó khi thấy người nào có đóng một vài cái xoáy trâu trước trán thì
người ta nói những người đó cọc tánh. Cha tôi cưng con Cộ như con. Ông
thường vuốt ve, chăm sóc, tắm rửa nó mỗi ngày nên trông nó sạch sẽ càng
thêm dễ thương, dễ mến. Ông thường khoe:
- "Con Cộ này cày rất chiến, lại nhẹ roi".
Tôi thấy trên ruộng, ông cày dễ dàng, khỏe khắn, không vất vả cứ phải
la hét om sòm như nhiều ông cày khác. Lâu lâu mới nghe cha tôi cất lên hai
tiếng ngắn ngủn như Cộ tới (đi tới), Cộ dí (quẹo phải), Cộ thá (quẹo trái),
Cộ dò (đứng lại) chỉ nhỏ nhẹ thôi nhưng con Cộ đều thi hành răm rắp đúng
theo ý ông. Ðứng trông con Cộ kéo cày mà thương cho nó. Một mình nó thủ
bên dí là bên nặng (hai con Én, Bầy thay phiên nhau đi bên thá) nhưng
nghiệt thay mỗi lần cày nó đều bị sang nài suốt cả vụ như vậy. Cái sợi dây
nài không đặt ở chính giữa của cái quải mà lại đặt lấn sang phía bên nó,
cho nên bao nhiêu sức nặng của đường cày phần lớn đều đè trên vai nó, nó
phải gánh thay cho con trâu cái đi bên cạnh, nhưng không bao giờ thấy nó
có thái độ vùng vằng bất mãn, phân lê phân bì, sợ khó sợ khổ hay "mánh" gì
hết. Nó luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, luôn luôn tỏ ra mình là kẻ cả,
lúc nào cũng hùng dũng, mạnh mẽ lướt tới trước. Cày suốt một buổi ruộng
sình lún gần tới đầu gối, bốn chân lê lết bước hết muốn nổi, nhưng hễ mở
cày ra thì cái đầu nó cứ nghinh nghinh lên trời, cái chân nó cứ rượt rượt
tới trước, bước xăm xăm đi theo cái từ đồng này sang đồng khác. Tìm được
nó để dẫn về là cả một vấn đề trầy vi tróc vảy của hai cha con tôi: mệt
phờ người. Vậy mà cha tôi chẳng bao giờ đánh nó, ông chỉ giá giá cái roi
cày trước đầu nó rồi mắng yêu:
- "Cày thì thở, mở thì theo cái, chết đó nghe con!"
Hình như hiểu được lời ông nói nên cái đuôi của nó cứ ngo ngoe phe
phẩy như muốn tỏ ra rằng nó đã biết lỗi. Tôi không hiểu tại sao suốt ngày
trững mỡ "đi theo người yêu" hết con này đến con khác chẳng thiết gì đến
việc ăn uống như thế mà nó vẫn cứ mập mạp khỏe mạnh như thường?
Khi
nó được sáu bảy tuổi thì trong làng không có một con trâu nào xịt lại nó.
Con trâu Chảng của Bà Xã Ba cầm bầy các năm qua có đôi sừng cong dài cả
thước, mục đồng đôi khi không cỡi trên lưng mà ngồi trên đầu nó, hai chân
gác lên hai cái sừng dài ca mấy câu vọng cổ khi nó cà rịch cà tang đi trên
con đường làng, nhưng nay già rồi đành phải chịu thua con Cộ của cha tôi
sau hai trận đụng nhau bán sống bán chết.
Bến
Ông Gần, nước chảy trong leo lẻo, rộng rãi là chỗ nằm nghỉ ngơi quen thuộc
của đàn trâu xóm tôi, cứ đến 11 giờ trưa hay 5 giờ chiều là chúng tự động
kéo xuống nằm. Ðàn trâu nằm yên trong nước trông giống như những tảng đá
đen sì lúc ngúc, thỉnh thoảng đầu cút xuống nước một chập thật lâu rồi từ
từ ló cái mõm lên thở phì phò văng nước ra trông khoái chí lắm, như thể
chúng muốn khoe với nhau về làn hơi dài vô địch của mình. Cả đàn đang nằm
im như vậy nhưng khi con trâu Cộ của cha tôi xuống bến, dừng lại tại mé
nước, rướn cao cổ lên ù một hồi dài thì cả đàn trâu đều đồng loạt đứng dậy
nhướng mắt nhìn về phía con Cộ, đầu gật lên gật xuống như thể chúng đang
làm động tác "chào kính" vị chúa tể xếp sòng của mình. Và sau khi con Cộ
khịt khịt mấy tiếng ra hiệu "an tọa" gì đó thì cả đàn đồng loạt nằm xuống.
Những lúc ấy, tôi thấy con Cộ thực sự có quyền uy tột đỉnh đối với bầy
trâu chẳng khác gì các bậc vua chúa thời phong kiến xa xưa của xã hội loài
người vậy.
Cũng
nhờ bến sông này mà tôi biết nhiều kiểu bơi như: bơi ngửa, bơi chó, bơi
sãi. Nhớ có lần đi học về ngang qua bến Chùa Kỳ gặp nước lớn, một tay cầm
sách vở, một tay bơi nhưng tôi vẫn qua được bên kia sông an toàn. Sau này
vào Nha Trang học, tôi lại thêm một phen mê biển. Mỗi lần tắm, tôi thường
nằm ngửa trên biển nửa tiếng đồng hồ mới bơi vào bờ.
Mỗi
buổi trưa tại bến Ông Gần, sau khi thấy đàn trâu nằm yên đâu đó rồi, chúng
tôi bèn cỡi hết áo quần ra giặt phơi trên bãi cát, xong nhảy ùm xuống sông
bơi ra chỗ “bụi tre lở” là nơi nước sâu ngập lút đầu có hai dòng nước xoáy
lòng chảo ở hai bên và một dòng nước vận xà bang ùng ục ở giữa thật nguy
hiểm có thể nhận chết người như chơi. Bao nhiêu câu chuyện kể về ma Da nắm
chân người tắm lôi vào lổ tre chết đuối ba ngày nổi lên đều xuất phát từ
bụi tre lở này. Nhưng mục đồng chẳng sợ, trưa nào cũng vậy, chính tại bụi
tre lở này là điểm tập trung để thi bơi. Khi nghe đếm một hai ba là chúng
tôi cả chục đứa, có cả con gái nữa, thi nhau bơi sãi xuống tận bến nhà ông
Tám Trạc ở phía dưới xa tới 200 mét, đứa nào ôm được gốc sao tại đó trước
nhất sẽ thắng. Ba đứa thắng nhất nhì ba sẽ được chúng tôi thay phiên làm
trâu để cỡi đi vòng vòng trên bãi cát. Tuy nhiên, thú vị nhất vẫn là đi mò
tôm và cá trầu tại khúc sông sau lưng nhà ông Hai Nhì là vùng nước đứng và
sâu tới nửa cây sào. Dọc theo hai bờ sông tua tủa những gốc tre, có những
gốc tre khô chặt ngắn lởm chởm chìm dưới nước lâu đời là nơi cư ngụ của
loài tôm càng. Con nào con nấy to bằng cổ tay có hai càng dài nằm ẩn trong
các ống tre cứ việc thò tay nắm đầu kéo lên. Còn cá trầu thì nằm im trong
các hang hốc ven bờ cỏ dùng hai lòng bàn tay úm thật nhẹ và dùng mười ngón
tay lừa thế tóm gọn. Tôm cá bắt được, có khi có cả mấy chục con, được mang
hết lên bến đốt lửa dùng ghim tre xỏ dọc nướng trui, nhất là tôm con nào
con nấy trông vàng rực thơm phức, chấm với muối ớt nặn chanh ăn mê thôi.
Chúng tôi thường có những bữa tiệc mục đồng đơn giản mộc mạc đầy tiếng
cười hồn nhiên vô tư như vậy. Lúc bấy giờ mặt trời không còn đứng trên
đỉnh đầu mà đã đi lệch qua cây gáo trên bến đến một gang tay mà đàn trâu
vẫn còn mê dòng nước mát cứ nằm im chưa muốn dậy. Trước niềm vui ấy nếu có
ai đến hỏi chăn trâu sướng hay khổ thì chúng tôi sẽ trả lời rằng:
- " Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình
trâu…"
Con Cộ yêu đồng ruộng, bến sông, đường làng giống như người, đi đâu nó
cũng nhớ đường trở về nhà. Về mặt này tuy là cùng chung một họ nhưng bò
lại thua xa trâu, nên người ta mới chê là "ngu như bò" và khen con trâu,
con chó:
- "Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu"
Khi vụ Tám cày cấy xong xuôi, Cha tôi và tôi lại lùa mấy con trâu lên
Tân Trúc gần Dục Mỹ để gởi cho một người quen chận trâu lãnh tại đó, đến
sau Tết mới lên lùa về để chuẩn bị cho mùa trồng thuốc lá, gieo đậu xanh,
hay mè... Tân Trúc là vùng cao, cách một dãy núi Ðèo Cạnh, xa trên 10 cây
số, vậy mà sáng hôm sau tôi lại thấy con Cộ có mặt tại chuồng, chắc nó đã
băng rừng lội suối đi suốt cả một đêm không ngủ. Ba tôi gãi gãi hai cái
tai nó và nói bằng một giọng trìu mến:
- "Con đừng về nhà kiểu này nữa chỉ khổ cho chủ mà thôi. Vì sáng mai
chủ lại phải mất công dẫn con đi lên trên đó. Ở trên đó cao ráo, tháng
Chín tháng Mười không bị ngập lụt, lại có cỏ non cho con ăn, con biết
không? Con cứ ở lại trên đó rồi sau Tết chủ sẽ lên lùa con về."
Hình như nó hiểu lời cha tôi nên các năm về sau nó không còn bỏ về nhà
theo cái kiểu "ba gai" ấy nữa.
Cha tôi lúc nào cũng thương nó nhất là vào mùa cày, bất kể vụ Ba hay
vụ Tám ông đều bắt tôi dắt riêng một mình nó đi lẻ ăn trong các vườn tược,
trên những bờ sông bờ ruộng hay gò đống sau khi mở cày ra. Còn ông sau khi
mở cày ra ăn vội ba hột cơm trưa xong là mang đôi giỏ trạc mạ chạy te te
lên vùng Vạn Thiện, Phú Sơn xa hàng năm, bảy cây số để cắt cỏ... để rồi
mỗi chiều về trên vai ông lúc nào cũng có một gánh cỏ mật cỏ bắp nặng trĩu
là món cao lương mỹ vị đặc biệt dành riêng cho đôi trâu cày.
Một
ngày kia Ba tôi vô cùng đau buồn. Một trận đụng độ kinh hồn bạt vía giữa
con trâu Xe của ông Tám cuối làng và con trâu Cộ của cha tôi. Con Xe còn
trẻ, to con, mập mạp mới mua từ đồng Tân Lâm, Tân Tứ đem về nổi tiếng cày
hay, bán lộn giỏi. Hai con vật đụng nhau suốt một tiếng đồng hồ. Con Xe có
lợi thế hơn ở cặp sừng. Cặp sừng của nó là loại "sừng cúm" trời cho, không
quá dài mà cũng không quá ngắn, thật vừa vặn để khi nó lảy qua lảy lại thì
hai cái mủi sừng của nó cứ khoét chính xác như để vào ngay hai con mắt của
đối phương, nếu không móc được mắt thì cũng móc hầu, móc tai, móc hàm thật
hết sức nguy hiểm! Vì thế mà con Cộ nhà tôi bị thương nhiều chỗ máu chảy
ra ướt mặt, chịu không nổi, đành phải quay lưng bỏ chạy. Nhưng con Xe
thuộc loại vua gan bẫm không chịu dừng lại mà cứ hối, cứ rượt nà theo sau,
lúc thì chém vào mông, khi thì lảy vào hai chân sau. Từ cuối làng Ðiềm
Tịnh hối lên tận các làng Phú Lễ, Bình Thái, Phú Văn. Người ta thấy tội
cho con Cộ quá nên chạy ra dùng gậy gộc la hét thị uy và cản đường, nó mới
chịu thôi. Cha tôi phải bỏ cả việc gánh mạ rải ruộng cấy chạy lên Gò Dinh
tại làng Phú Văn để dẫn con Cộ về thì trời đã tối xẩm. Ba tôi khóc ròng vì
thấy trên đầu nó bị thương nhiều chỗ còn rỉ máu tươi, mông cũng bị chém
mấy đường sâu rướm máu. Ðem Cộ về nhà, cả nhà xúm lại soi đèn xem vết
thương của nó ai cũng khóc mếu máo. Má tôi đi nấu nước muối, tôi và chị
tôi bưng đèn chạy ra các hàng rào kiếm hái lá dũ dẽ non. Cha tôi lấy nước
muối rửa vết thương, lấy lá dủ dẻ giã nhuyễn rịt vết thương cho nó. Tôi
thấy hai con mắt nó long lanh ươn ướt như cảm động trước hành động nhân từ
của người chủ đã tận tình chăm sóc, thương yêu và chia xẻ nỗi đau buồn
thất trận của nó. Từ đó cả hai gia đình đều cố gắng cách ly chúng. Suốt
nửa tháng nó được nghỉ việc. Ngày nào cha tôi cũng đi cắt cỏ tươi gánh về
cho nó ăn. Má tôi thì lấy cám gạo lức trộn với chuối cây giã nhỏ đem ra
cho nó tẩm bổ. Còn tôi thì dẫn nó lẻ ăn trên các bờ ruộng mọc đầy cỏ non,
chiều về tắm rửa kỳ cọ cho nó. Hơn một tháng, vết thương lành lặn, sức
khỏe sung mãn trở lại, trông nó hùng dũng phong độ như xưa. Ngày nào nó
cũng chém rầm rầm vào gốc me gốc gạo. Nếu không báng vào các bờ ruộng cao
thì cũng san bằng mấy cục gò mối, húc bụi đất tung bay mù mịt. Hình như nó
đang âm thầm toan tính chuyện "võ công khổ luyện" để chờ ngày tái đấu?
Buổi
trưa hôm ấy trời trong vắt không một gợn mây, bầy trâu nhà tôi đang ăn cỏ
tại Gò Dền gần Ðập Ðiềm Tịnh. Trong một phút lơ là của mục đồng, con Cộ
một mình đi xăm xăm băng qua Ðất Lớn, ruộng Mả Khách, Gò Lẫm, ruộng Ðồng
Ba - Ðất Sét, Gò Găng, ruộng Hạn Ngũ, nhảy qua mương cái, băng qua viên
gia bà Hai Lô - ông Ba Khuôn, vượt qua hương lộ, băng qua viên gia ông
BaYếu, ruộng Ông Xã Nhì, rồi leo lên gò Ông Trịnh ngổn ngang mồ mả. Khi
phát hiện con Xe đang gặm cỏ ở phía cuối gò giáp ruộng Bờ Thềm, con Cộ
lặng lẽ chẳng nói chẳng rằng, cũng không thèm nghinh chiến, từ khoảng 50
thước xa, trong thế chủ động bất ngờ, nó cúi gầm cái đầu xuống, gồng cái
cổ rô bành ky lên, chạy một mạch như cuồng phong lao thẳng vào chỗ con xe
đang đứng, đánh một cái "rầm" dữ dội khủng khiếp vào đầu con Xe. Thừa cơ
hội con Xe trong một giây thất thần, chới với, nó dùng đôi sừng dài tấn
công tới tắp chém vào đầu vào hàm con Xe, đẩy con Xe lùi ra sau mấy bước.
Hình như nó rút kinh nghiệm lần trước nếu để con Xe lấy lại được thế cân
bằng trận đấu, hai bên mặt đối mặt đánh trực diện với nhau thì sớm muộn gì
nó cũng bị thua đau trước cặp sừng cúm là vũ khí lợi hại của con Xe. Cho
nên với thế thượng phong thần tốc, nó chớp lấy thời cơ và cơ hội bằng vàng
đã "xốc cáng" được con Xe, vô hiệu hóa hoàn toàn cặp sừng cúm thần sầu quỷ
khóc ấy. Và bằng tất cả lòng thù hận nung nấu trong lòng từ bấy lâu nay,
vận dụng hết toàn lực nó đẩy tới, vừa đẩy vừa chém túi bụi. Con Xe bị lâm
thế độc, đầu nghiêng hẳn về một bên trong tư thế cố hết sức vùng vẫy để gỡ
ra nhưng không cách nào gỡ ra được. Thất thế, nó cứ lui dần, lui dần để
tìm cơ hội. Nhưng hễ con Xe lui một bước thì con Cộ lại nhấn tới một bước,
cố bám sát nút nhất định không chừa một khoảng hở nào. Khi lùi đến cuối gò,
hai chân sau của con Xe không còn điểm tựa nên bị hỏng chân, toàn thân của
nó mất thăng bằng ngã nhào xuống đám ruộng sình nằm ngửa chinh hinh thì
con Cộ nhào theo sử dụng cặp sừng dài như đôi song kiếm tha hồ chém vào
đầu, vào bụng, vào chân con Xe.
Cũng
may khi trận đấu vừa diễn ra đã có nhiều người ở lối xóm, những người đi
chợ về, kể cả các bà, các cô thôn nữ cấy gần đó cũng chạy đến, cùng trẻ
mục đồng đứng xem đông như ngày hội và khi thấy tình thế nguy kịch cho
tính mạng của con Xe, người ta mới ùa đến để can ra, kẻ dùng roi cày, gậy
gộc, đòn gánh, người lấy rơm rạ bó lại thành cây đuốc, con Cộ vừa bị đánh
vào lưng vào đầu vừa bị đốt vào đít hoảng quá bỏ chạy để lại con Xe nằm
thở dốc trên bãi chiến trường đầy bùn sình trộn lẫn máu tươi.
Chiều
hôm ấy cha tôi trở về nhà, má tôi lo lắng hỏi:
- "Sao, nghe đám trẻ nói con trâu Xe của Chú Tám bị thương nặng lắm
phải không? Ông không xuống thăm chú xem sao? “ Cha tôi trả lời vui vẻ:
- "Từ chiều tới giờ tôi ở dưới nhà chú để giúp chú săn sóc cho con Xe,
nó bị thương nặng nhưng không đến nỗi nào. Tình trạng của nó cũng tương tự
như con Cộ mình bữa trước, chắc phải mất cả tuần mới đi cày được.
- Đang thời vụ mà nghỉ cả tuần thì mạ già hết?
- Chú nó cũng than như vậy, nhưng tôi có hứa với chú là sẽ sẵn sàng cày
giúp cho chú nếu ruộng chú bị bê." Má tôi đăm chiêu:
- "Ông thấy chưa? Nuôi trâu đực đã không sinh lợi mà còn cứ phải hồi hộp,
lo lắng và khổ dài dài như vậy… Sao ông không thử tính lại xem cái nào có
lợi thì làm?
-Ý má mày nói sao? Có phải ý má mày muốn bán con trâu Cộ đi có phải
không? Không! Không được! Không dễ gì có một con trâu đưc khôn và cày tốt
như vậy đâu. Chủ và Vú đã từng nuôi một bầy trâu có cả chục con đực mà đâu
có con đực nào khôn và cày hay như con Cộ của mình. Con trâu mà hay thì
người cày cũng đỡ mệt. Má mày an tâm, bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ treo một
cái trống có gắn lục lạc ngay cổ của nó y như hai con trâu của chú Bốn
Hích và chú Hai Máy vậy, thì nó sẽ chịu phép không còn cách gì đi theo cái
và đi bán lộn nữa.”
Một
năm sau tôi khăn gói vào Nha Trang để học. Kể từ đó tôi xa nhà, xa dòng
sông, bến nước, xa cánh đồng, xa những bờ ruộng mọc đầy cỏ non mà tôi và
con Cộ đã từng có một quảng thời gian dài khắng khít như một đôi bạn. Rồi
sau đó tôi lại bước vào đời quân ngũ miệt mài trên khắp các nẻo đường thập
tử nhất sinh, tôi đã không có một dịp nào để trở về thăm lại con trâu Cộ
của cha tôi nữa.
Nhưng
tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều thắng trận của nó. Hôm ấy dù không
được mục kích tận mắt trận đấu vẻ vang oanh liệt của nó, nhưng tôi đã được
đám bạn mục đồng kể lại thật đầy đủ chi tiết. Tôi vô cùng nể phục nó. Dù
không phải là con người nhưng nó cũng đã có một ý chí bất khuất quật cường
và đầy mưu trí dũng cảm. Tôi chạy xuống gò Ông Trịnh mà lòng tràn ngập
niềm hân hoan vô bờ bến. Tôi đã la hét lên như một người điên để mừng nó
thắng trận. Tôi thấy nó đang đứng trên một gò đất cao vươn vai, đầu ngẩng
lên, lưng thẳng, mặt mày rạng rỡ, hai con mắt sáng trưng đen lay láy,
trông nó thật là hiên ngang oai hùng! Nhìn đầu cổ mình mẩy nó còn ướt đẫm
mồ hôi và lấm lem những bùn đất, tôi biết là nó mới vừa trải qua một cuộc
hỗn chiến cam go. Tôi dang rộng hai tay ôm nó vào lòng. Tôi vòng cánh tay
qua cái cổ rô to bự sư của nó nhưng vẫn không ôm hết, Tôi mân mê, rờ rẫm,
và hôn hít nó. Nó vẫn đứng yên không một chút nhúc nhích cử động. Đối với
tôi nó vẫn tỏ ra hiền lành, trầm tĩnh như vậy. Tôi biết rằng không chỉ một
mình nó đang vui mà cả tôi, cả nhà tôi, nhất là cha tôi cũng đang vui mừng
hớn hở. Cha tôi đã cho nó nghỉ cày ba ngày để dưỡng sức, và mỗi ngày ông
đều đi cắt cho nó một gánh cỏ, coi như đó là phần thưởng danh dự mà nó
phải được nhận lãnh. Trong ba ngày, tôi như người phục dịch túc trực bên
nó, tắm rửa nó, đập muỗi mòng cho nó, dẫn nó đi lẻ ăn ngoài đồng ruộng, bờ
sông. Mặt trời đã ngã bóng, nắng chiều đã nhuộm tím trên dãy vúi Vọng Phu
xa, nhưng tôi vẫn còn nấn ná chưa muốn dẫn nó về. Bên kia sông những lô
ruộng mới cấy, mạ non chưa bén rễ vẫn còn một màu vàng hoe. Một đàn cò
trắng bay lượn qua lượn lại trên bầu trời xanh rồi cùng một lúc sà xuống
đậu trắng cả ngọn cây gáo trơ vơ đứng giữa cánh đồng. Con Cộ ngước cao cổ
nhìn theo màu ráng chiều đỏ sẫm tận trời tây rồi ù lên một hồi dài như
tiếng gọi đàn, như muốn nhắc nhở đàn trâu còn đang say sưa gặm cỏ trên Đất
Lớn, Gò Lẫm, Gò Găng hãy mau mau cất bước trở về chuồng.
Đó
là những hình ảnh sau cùng đầy huy hoàng và ấn tượng của con trâu Cộ cầm
bầy của cha tôi, còn lưu trong ký ức của tôi ngày nào.

Vinh
Hồ
2/7/09

Trang XUÂN 2009- Văn Học Nghệ Thuật
Và Quê Hương