Trong âm lịch thì người ta dùng phương pháp thập
nhị chi, hay 12 con giáp để tính chu kỳ cho năm. Sau năm Tí của 2008 thì
đến năm Sửu 2009. Do đó năm mới sẽ là năm Kỷ Sửu, tức năm con trâu. Trong
các loài gia súc gần gũi với nếp sống sinh kế của xã hội đồng quê Việt Nam
thì trâu là loài súc vật rất hữu ích cho giới nhà nông cày cấy ruộng đồng.
Việt Nam là xứ vốn sống nhờ nông nghiệp qua hàng chục thế kỷ, loài trâu đã
chia sẻ cùng con người những nỗi vui buồn đồng áng, sản xuất ra lúa gạo
nuôi sống người dân ta. Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ,
cực nhọc và khoẻ mạnh. Trong tranh của Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con
trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để tóc
chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên
những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ
làm lụng vất vả.

tranh Đông Hồ
Trâu là biểu tượng trong văn hóa:
Trong nguồn kho tàng văn hóa nghệ thuật còn có
mười bức tranh trâu được gọi là "Thập mục ngưu đồ", vẽ con trâu và những
chú mục đồng, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người
vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống. Thực vậy, Thập mục ngưu đồ là mười
bức họa chăn trâu nổi tiếng trong thiền tông, tương ứng với quá trình hành
đạo của một người phát nguyện đạt đích điểm giác ngộ. Mười bức tranh này
có thể xem là biểu tượng rõ nét nhất khi trình bày những tinh hoa của phái
phật giáo đại thừa.

Hội họa nghệ thuật về trâu
Đó là trên phương diện hội họa có sự đóng góp
của loài trâu cho nét văn hóa. Trong văn
học hay phim ảnh nghệ thuật, hình ảnh của trâu bàng bạc trong vô số tác
phẩm, đơn cử ví dụ như:
Trong tác phẩm Mùa Len Trâu trong tập truyện nổi
tiếng Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những
người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Hằng năm khi mùa mưa về, nước
tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu" hay giữ trâu, đưa
trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa nước lũ. Theo nhà văn Sơn Nam cho biết như
sau: “"len" trong tiếng Miên có nghĩa là “đi tự do”, "len trâu" có
nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người
ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải dời chỗ, và trâu cũng không
có chỗ ở cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở
nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước sao thì mà ngủ được, và trưa thì
làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có
trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao. Làm sao người làm ruộng nuôi trâu?
Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi. Ngày thường trời nắng, nuôi trâu
trong chuồng. Đến ngày trời mưa thì phải lùa trâu đi. Vì vậy cho nên phải
đem trâu đi chỗ khác. Đưa trâu đến vùng bảy Núi. Nhưng nó xa nhà mình đến
30 – 40 km, xa quá sao mà đưa đi. Vì vậy, mình phải đưa nó đi lòng vòng,
ăn hết cỏ chỗ này, nước lên, thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba bốn
tháng mới đưa trâu về. Trâu dẫn đi phải có người giữ. Trâu không dẫn đi
thì phải mướn người ta giữ. Người nghèo mướn ai bây giờ? Vậy thì để con
cái đi giữ nó. Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng
mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn. Vì vậy đối với
chúng tôi dân miệt dưới, tôi là dân miệt dưới, đó là một bài học cho thanh
niên trở thành người lớn. Nhưng mà trẻ con ở đó không có được đi học..."
Trong lãnh vực điện ảnh, cuốn phim này đề cập về
khía cạnh đồng quê Việt Nam có loài trâu và những chú mục đồng. Phim dựa
vào cốt truyện Mùa Len Trâu như đã nói trên, và phim này được đạo diễn
Nguyễn Võ Nghiêm Minh từ Mỹ về Việt Nam thực hiện vào năm 2003. Mùa Len
Trâu cho thấy nét văn hóa đặc thù nông nghiệp của Việt Nam, nó rất gần gủi
với chúng ta. Phim được trình chiếu tại Mỹ mang tên "Buffalo Boy" và tại
Pháp mang tên "Gardien de Buffles".
Nói về trâu, một loài gia súc rất quan trọng
trong đời sống người dân quê ở một số nước thuộc vùng châu Á, đặc biệt là
tại quê hương ta. Chúng cho sức kéo cày nặng nhọc, trâu còn cung cấp thịt
và sữa. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua
hình ảnh của những chú bé mục đồng, những sinh hoạt chăn trâu hay len trâu
thì rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu,
cỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu
làng, bên những vựa lúa chín vàng,... Trong sự diễn dịch bói toán hay
trong nếp dân sinh người ta thường cho là người sinh vào năm con trâu thì
chịu khó làm việc cực nhọc, chăm chỉ. Về sức mạnh thì lại nói là “mạnh như
trâu”.

Trâu đầm mình trong nước
Về âm nhạc, hình ảnh con trâu cũng được gói ghém
qua nét nhạc mô tả qua nét phong hóa hay về sắc thái nông thôn dân dã. Nói
về con trâu trong âm nhạc, nhạc sĩ Trần Quang Hải viết trong bài "Đầu Năm
Nói Chuyện Thú Vật Trong Âm Nhạc" khi đề cập đến nhạc cụ như chiêng:
"Chiêng là một nhạc khí phổ thông khắp Đông
Nam Á. Người ta tìm thấy sinh hoạt chiêng cồng tại nhiều nước như Mã Lai Á,
Nam Dương, Phi Luật Tân, Miến Điện, Thái Lan, Căm Pu Chia, Việt Nam, Lào.
Tại Việt Nam, chiêng có rất nhiều, phong phú, đa dạng được kiểm chứng qua
nhiều sắc tộc : Mường, Hrê, Ê đê, Mnông, Gia Rai, Triêng, Xê Đăng, Bahnar,
Chăm, Mạ, Stiêng, Kơ Ho.
Thông thường, chiêng là một nhạc khí dùng
trong ghi lễ trọng thể. Chiêng còn có một giá trị của vật chất khá cao.
Người Mường cho con gái chiêng làm của hồi môn có giá trị khi về nhà chồng.
Có những bộ chiêng quý của người A Êđê được đồng bào trao đổi với nhau trị
giá bằng một con voi hay hàng chục con trâu. Người Gia Rai sử dụng các dàn
chiêng khác nhau trong những trường hợp khác nhau. Dàn chiêng Trum dùng
trong lễ đâm trâu. Dàn M'nhum dùng trong các lễ Tết vui, có uống rượu."
Theo học giả Đào Duy Anh viết trong "Việt Nam
Văn Hóa Sử Cương", con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hay
trong thôn xóm mộc mạc:
"Người nhà quê khi làm việc hoặc khi vui chơi
hay hát lắm. Đứa trẻ chăn trâu, buổi chiều cho trâu về, hoặc cỡi trên cổ,
hoặc nằm trên lưng trâu, nhẹ nhàng cất tiếng hát rồi năm mười đứa khác
cùng họa theo. Những đàn ông, đàn bà cấy lúa, cắt lúa, làm cỏ hay tát nước
ở dươí trăng hoặc ban đêm đập lúa, giã gạo, cũng theo nhịp nhàng tay chân
mà hát để quên mệt".
Trong bài hát của
thiếu nhi như Cánh Đồng Tuổi Thơ của nhạc sĩ Lư
Nhất Vũ qua lời ca về đồng lúa và con trâu.
"Em đi theo ba em ra đồng thăm lúa chín
Lạc gió lang thang giòng cây xanh
Đồng xanh thơm ngát cành rung rinh
Má em qua cầu tre
Em thương yêu quê em
Má thương yêu cánh đồng thơm lúa mới
Đàn sáo líu lo trèo ban mai
Chiều xuống tắm sông đùa vui
Em đem cơm cho ba khi trời chưa
đứng bóng
Ngồi dưới áng mây trời bay ngang
Còn con trâu nghé thì lang thang
Cỏ non tha hồ ăn
Đêm trăng thu mênh mông sương trời
lung linh mái chèo khua sông nước
Đời má với ba còn gian nan
Thì có các con cần ngoan..."
Trong bài hát Con Đường Việt Nam, tác phẩm chung
của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ nói về khung cảnh miền quê Việt Nam có
bóng dáng con trâu gặp cỏ đường chiều, một vài em bé vui chơi thả diều,…
Bản nhạc tả cả một bầu trời quê hương Việt Nam
thanh bình đáng yêu
"Nhớ xưa con đi học
Đường quê biên biệt màu nắng
Bướm bay như mây vàng
Dập dồn vui lây xóm làng
Nhớ hoa bưởi sau nhà
Bóng tre đưa la đà
Tiếng ve kêu trưa hè
Thành tiếng quê hương đậm đà
Đã bao năm rồi đó
Thôi không còn nữa
Bóng dáng con trâu
Gặp cỏ đường chiều
Một vài em bé
Vui chơi thả diều
Có tiếng ai ca
Đưa duyên tình tứ
Đêm trăng hò lớ..."
Phạm Duy thường dùng hình ảnh con trâu trong tác
phẩm của ông, như trong bài Bình Ca:
"Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già
Nằm chơi trâu nhai cỏ
Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa.
Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe."

Hình ảnh em bé quê
Trong bài hát rất phổ thông được sáng tác khoảng
1953 là bài Em Bé Quê, hình ảnh con trâu và em bé mục đồng thật đậm nét
quê hương:
"Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo"

Ai bảo chăn trâu là khổ ?
Trong lịch sử Việt Nam, một vị vua
xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng chính là Đinh Bộ Lĩnh, hay vua Đinh
Tiên Hoàng (924–979), là vị hoàng đế sáng lập nên triều đại nhà Đinh trong
lịch sử Việt Nam. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì ngài mồ côi cha từ tấm
bé, nên thuở hàn vi rất khổ sở phải làm mục đồng chăn trâu ngoài đồng áng.
Cha ngài là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử
Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, nương nhờ
người chú ruột là Đinh Dự. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả
năng chỉ huy thao lược, ở giai đoạn tuổi thơ ngài cùng các bạn chăn trâu
lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Trận chiến Cờ Lau của tuổi thơ làm
rạng danh sử sách, chính những chú trâu của những bé mục đồng đã là phương
tiện giúp cho đoàn quân thiếu nhi ấy huấn luyện trận mạc để rồi sau này
khôn lớn khi trưởng thành, ngài cùng các bạn như Đinh Điền, Nguyễn Bạc,
Lưu Cơ và Trịnh Tú,... đã tạo nên sự nghiệp hiển hách là thống nhất sơn hà,
dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt
nền móng sáng lập nhà nước theo mô thức tiêu biểu cho sự lãnh đạo trung
ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Ruộng nương
trâu cày
Nguồn gốc của loài trâu:
Quê hương chính của loài trâu là vùng
Nam Á và vùng Đông Nam Á. Trâu nuôi
khi trưởng thành thường nặng khoảng
từ 250 đến 500 kg. Loài trâu rừng hoang dã lớn hơn thế rất nhiều, con cái
có thể nặng 800 kg, con đực lên tới 1.2 tấn, và cao tới khoảng 1.8 m.
Các nhà khoa học chia loài trâu làm 3 giống như
sau :
1/ Giống trâu hoang dã châu Á, còn
gọi là arni, được xếp vào giống có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ một số rất ít
được tìm thấy dưới chân rặng Hy mã lạp sơn. Một số ít khác được bảo tồn
trong vườn quốc gia Hukuang, Miến Điện. Vùng Đông nam Á, kể cả dãy Trường
Sơn có khoảng chừng 50 con.
2/ Giống trâu sông (river buffalo),
có 50 nhiễm sắc thể, sống ở độ cao 2.800 mét ở Nepal và vùng Nam Á.
3/ Giống trâu đầm lầy (swamp buffalo),
có 48 nhiễm sắc thể, còn gọi là carabao, được nuôi nhiều ở nước Phi và
vùng Đông Nam Á. Giống carabao nầy còn là con vật biểu tượng quốc gia của
Phi Luật Tân.
Năm 2007 vừa qua, các nhà khoa học
Phi cho biết đã thành công ghép (clone) được giống trâu vô tính đầu tiên.
Đầu năm 2008, họ lại bắt đầu lại tạo một giống trâu siêu chủng cho rất
nhiều sữa, đặt tên là Glory, đặt theo tên của bà tổng thống Gloria
Maccapagal Arroyo.
Tại Ấn Độ có giống trâu Murrah được
tiếng cho nhiều sữa nhất thế giới. Trâu Murrah có sừng xoắn khác với trâu
thường có sừng vòng cung. Mỗi năm một con Murrah có thể cho đến 3000 lít
sữa. Ấn độ sản xuất 30 triệu tấn sữa trâu hàng năm. Phần còn lại của thế
giới chỉ bằng một nửa số lượng ấy. Ấn Độ cũng đã lai tạo được một giống
trâu siêu chủng đặt tên là Nili-Ravi.

Trâu sữa
Murrah
Trâu cho sữa:
Tại Trung Quốc, kỹ nghệ chăn nuôi
nông phẩm đã biến trâu cày thành trâu sữa, vì sữa trâu có giá trị dinh
dưỡng rất cao. Các nhà chăn nuôi Trung Quốc đã nỗ lực vào những công trình
nghiên cứu hầu tạo đàn trâu cày khoảng 20 triệu con dư ra sau khi nước này
cơ giới hóa nông nghiệp, trâu cày giờ đây được biến thành trâu sữa. Phương
pháp này được thực hiện bằng cách cấy bào thai trâu sữa có phẩm chất tốt
vào bụng trâu cày cái.
Viện nghiên cứu trâu của Đại học Canh
Nông Quảng Tây, nơi được coi là một "thung lũng trâu" của xứ Tàu, thành
công dùng kỹ thuật ghép giống cho ra đàn trâu thật nhanh và tốt nhất hiện
nay trên thế giới. Họ cho biết kết quả là giá trị dinh dưỡng trong sữa của
đàn trâu sinh ra từ ống nghiệm (do cloning process) cao gấp 1.8 lần so với
sữa bò với mùi vị thơm ngon. Điều quan trọng hơn là kỹ thuật cloning tạo
do việc cấy ghép bào thai không có vấn đề chuyển gene nên luôn bảo vệ mức
an toàn về thực phẩm.
Người dân nông thôn vốn quen thuộc
với sữa trâu, và trâu sữa cho loại sữa tốt hơn sữa của dê, bò hay trừu,
phẩm chất dinh dưỡng và ý thích của người tiêu thụ là yêu chuộng hơn sữa
bò hiện nay.
Trong quá khứ thì trâu Murrah Ấn Độ
và trâu Niri-Raphi của Pakistan là những giống trâu sữa tốt nhất thế giới.
Trung Quốc đã du nhập 55 con trâu Murrah và 50 con trâu Niri-Raphi. Trải
qua nhiều năm tìm tòi các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp hợp giao
truyền thống để tạo ra được giống trâu mới thích hợp với điều kiện tự
nhiên cho nhu cầu địa phương, nhưng tốc độ tạo giống khá chậm, không thể
thực hiện nhanh hơn như việc ghép giống trâu sữa cho nhu cầu giống tốt tại
địa phương được. Trường Đại học Canh Nông tại Quảng Tây đã thử nghiệm và
cho ra đời 8 con nghé sữa qua ống nghiệm, sự thành công này đưa đến những
nỗ lực gia tăng nhu cầu ghép vô tính sau những con trâu sữa đầu tiên của
Trung Quốc.
Hiện Quảng Tây là nơi có lượng trâu
lớn nhất Trung Quốc. Theo dự tính thì Quảng Tây sẽ bỏ ra 10 năm để trâu
sữa hóa toàn bộ đàn trâu cày hiện nay, khiến giá trị của đàn trâu mới sẽ
lên tới 12 tỷ yuan (Trung tệ), trong đó người dân sẽ thu về được 6 tỷ
yuan. Hiện nay một người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 6 kg sữa bò mỗi
năm, trong khi mức tiêu thụ trung bình
của thế giới là 100 kg. Thị trường sữa của Trung
Quốc quả thật lớn nhất thế giới do mức dân số, và mức độ sữa cung ứng cho
nhu cầu phải gia tăng thật lẹ, sữa trâu đang được người tiêu thụ rất thích
tại những thành phố miền Nam Trung Quốc.
Về tôn giáo, theo truyền thuyết Phật
giáo có câu chuyện kể rằng trước khi thành Phật, Đức Thích Ca đã bỏ ra sáu
năm để hành pháp khổ hạnh đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương. Rồi về
sau ngài thấy phương pháp khổ hạnh chỉ đem lại đau khổ mà trí tuệ chẳng hề
tăng trưởng, nên ngài quyết định dùng lại thức ăn để có đủ sức hành thiền
quán niệm hơi thở. Trong thời gian 49 ngày thiền định, ngài được thôn nữ
Sujata dâng cúng cháo sữa và nhờ đó sức khỏe ngài được hồi phục nhanh
chóng. Tai xứ Ấn vì bò là vật thần linh nên chẳng mấy ai muốn dùng sữa bò.
Có thể rằng ngài được cung cấp sữa dê hay sữa trâu.
Thật vậy Ấn Độ đã dùng sữa trâu từ ngàn xưa. Tại vùng bắc Ấn là nơi có
rất nhiều trâu sinh sống. Theo ngành dinh dưỡng học, sữa trâu rất bổ dưỡng,
rất thích hợp với người suy dinh dưỡng vì trong sữa trâu giàu chất béo,
giàu calcium, năng lượng cao gấp đôi sữa bò. Trong 100 mg sữa trâu có 110
kcalo, trong khi cũng cùng 100 mg sữa bò chỉ có 66 kcalo. Ngoài ra, sữa
trâu thích hợp để chế biến thành bơ, fromage hoặc yaourt.
Sữa trâu nhiều chất béo hơn sữa bò
nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, nhưng lượng sắt có trong thịt trâu
lại cao hơn thịt bò. Trong thịt trâu chỉ có 1,5 - 5,6% mỡ so với thịt bò
là 10 - 20%.

Trâu kéo cày
Bàn về tục ngữ, ca dao về loài trâu phải nói là
rất nhiều bàng bạc trong dân gian.
Tục ngữ có nhiều từ ngữ hay câu liên
quan về trâu, ví dụ như: "Trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng",
Đầu trâu mặt ngựa, Trâu chậm uống nước đục, Trâu cột ghét trâu ăn, "Ngưu
tầm ngưu, mã tầm mã" (hay "Trâu tầm trâu, mã tầm mã"), "Trâu bò được ngày
phá đỗ, Con cháu được ngày giỗ ông", "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết",
Trâu già lại gặm cỏ non, "Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi", "Nước giữa
dòng chê trong, chê đục, vũng trâu đầm hì hục khen ngon",
Ruộng sâu, trâu nái,
Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu,
Mất trâu rồi mới làm chuồng,...
Về ca dao thì có cũng rất nhiều trong
dân gian chẳng hạn như:
1. Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu
Tham vì ông lão tốt râu mà hiền
2. Trâu kia kén cỏ bờ ao,
Anh kia không vợ đời nào có con.
3. Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi nằm
4. Đường về đêm tối canh thâu
Nhìn anh tôi tưởng con trâu đang
cười
5. Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa
đồng
6. Trâu anh con cưỡi con dòng,
Lại thêm con nghé cực lòng anh
chăn.
7. Trâu buộc thì ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.
8. Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai,
trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm...
9. Đêm qua kẻ trộm vào nhà,
Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu.
10. Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì
về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám trở về chọi
trâu.
...
Những buổi lễ trâu là vật hy sinh:
Theo phong tục cổ truyền địa phương,
dù là của người kinh hoặc người thượng đều có những tạp tục liên quan đến
loài trâu mà chúng ta hãy xét qua.
a/- Tập tục lễ hội chọi trâu ở vùng
biển Đồ Sơn (Hải Phòng) tại miền Bắc được tổ chức vào ngày mồng chín tháng
Tám âm lịch hàng năm, đây là ngày lễ hội lớn. Ca dao của câu 10 ở trên tỏ
rõ dù ai buôn bán nơi đâu thì vào mùng chín tháng tám có tục chọi trâu hãy
về tham dự.
Nguồn gốc hội chọi trâu còn được sách
Đồng Khánh Dư ghi lại qua lời tương truyền rằng ngày xưa có người dân
trong xã đi qua Đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thấy hai con trâu húc nhau,
thấy động chúng bỏ chạy xuống biển. Sau này dân xã Đồ Sơn mở hội chọi trâu
vào ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch như truyền thống hàng năm và tin rằng
trong ngày hội thế nào cũng có trận mưa to gió lớn. Đó là vị thủy thần Đồ
Sơn được tin rất hiển linh. Đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thờ vị thủy thần
Đồ Sơn trên Núi Tháp thuộc huyện Nghi Dương. Một tích khác truyền lại là
dân biển Đồ Sơn do sống nhờ vào nghề chài lưới, vì có người trong xã nằm
mơ thấy Thần Thuyền hiển linh báo mộng nên xây dựng ngôi đền để thờ thủy
thần trên núi Tháp ngó ra biển. Vì qua giấc mộng thì ngày hôm sau người đó
lên núi nhìn thấy một đàn chim sẻ bay lượn trên nền trời xong bay ra hướng
biển. Từ đó dân chúng tại Đồ Sơn mới dựng đền trên núi cao.
Trong ngày lễ chọi trâu, khi trâu
giao đấu thì những thanh niên của Đồ Sơn chia thành hai hàng trình diễn
những màn múa cờ nhiều màu sắc của lễ hội. Những động tác nhịp nhàng múa
cờ được thao diễn theo trận chiến giữa hai con trâu võ sĩ đang hì hụt húc
nhau chí mạng trong sự reo hò của người tham dự.
Chung qui thì ý nghĩa của lễ chọi
trâu là dịp để người dân địa phương cầu mong được sự an bình và thịnh
vượng trong cuộc sống.

Trâu chọi Đồ
Sơn
b/- Trong khi trên vùng cao nguyên
trung nam phần có ngày lễ hội mùa đâm trâu tế thần. Phong tục đâm trâu
thịnh hành theo phong tục cổ truyền của những dân tộc miền cao nguyên, đặc
biệt là ở 2 vùng Kon Tum hay Gia Lai. Tục đâm trâu là sự thử thách đọ sức
mạnh của con người và thiên nhiên. Những buổi lễ này được dân làng cử hành
thường vào mùa thu hoạch cuối năm là cơ hội để các trai và gái làng biểu
diễn tài năng của mình. Nam thì múa khiên, múa giáo, hay phóng lao. Trong
khi nữ thì múa hát (xoang) cổ động cho buổi lễ đâm trâu. Còn người già đảm
trách nhiệm vụ cúng tế và đặc biệt là đánh ching (tức chiêng bằng không có
núm).
Con trâu tế thần (gọi là Kapô) được
cột dưới cột Gưng. Nó có thể chạy quanh cột Gưng thành vòng tròn. Sau lời
tế lễ, vị trưởng lão làng ra lệnh bắt đầu hành lễ, các chàng trai khoẻ
mạnh như những dũng sĩ đóng khố Ktel (khố hoa) múa khiên, múa lao. Tiếng
chiêng đuổi trâu chạy chàng dũng sĩ liền bám theo con trâu phóng những mũi
lao ác nghiệt vào con vật hy sinh cho buổi lễ. Theo nhịp ching chiêng nhún
nhảy, các cô gái nắm tay nhau xoang (múa) vòng quanh. Họ múa hát vui mừng
cho tới khi con trâu bị lao đâm gục ngã quỵ và lời cúng tế dâng lên các
thần linh của vị trưởng lão làng chấm dứt rồi thì lễ được kết thúc.
Trâu là vật có nghĩa :
Chuyện các buổi lễ trên cho thấy số
mạng trâu ra đời để phục vụ con người, trâu cho sức khoẻ cày cấy, cho
những cuộc giao đấu chọi nhau, rồi cho thịt, cho sữa. Chuyện sau đây cho
thấy những con trâu sống có nghĩa với con người, vì chúng đã xả thân cứu
lấy chủ của chúng.
Năm con trâu đã cứu chủ nhân của nó
thoát khỏi cái tát và sự đuổi bắt của một con gấu. Chuyện thật này đã xảy
ra ở Trung Quốc. Bà nông gia Luo Fengju, 55 tuổi sống tại thị trấn Thành
Ninh, thuộc tỉnh Vân Nam thuộc bị một con gấu đen tấn công nhưng bà may
mắn thoát chết và trở về nhà an toàn nhờ những con trâu đã cứu mạng cho bà.
Một hôm đang đang làm việc trên cánh
đồng, bỗng nhiên, có một con gấu xuất hiện nhào tới tấn công bà tới tấp,
gấu đánh bà té lăn xuống đất.
Trong cơn đau đớn bà la hét, rồi thì
năm con trâu đang ăn cỏ ở gần đó bỗng nhiên lao tới tiếp cứu và tấn công
lại con gấu, chúng bao vây con gấu trong thế vòng tròn đánh hội đồng.
Trước sức húc của trâu tấn công đối thủ, chú gấu đã tìm cách thoát vòng
vây bỏ chạy. Trên đường trở về làng năm con trâu hộ tống bà Luo đi ở giữa,
chúng thật sự là những anh hùng và có nghĩa với chủ.
Về đến nhà thoát nạn xong bà Luo tâm
sự rằng nếu như không có những con trâu thì bà không biết tính mạng của bà
liệu đã ra sao trước con gấu hung dữ kia.

Một hình ảnh như chú Sửu
Sau hết tôi xin tóm tắt lại một bài
tạp ghi mang tên "Con trâu của chú Sửu", do ngòi bút của Hồ Sĩ Bình kể lại,
một chuyện khá cảm động về người nông gia suốt đời tận tụy với nghề nghiệp.
Chú Sửu là một nhà nông làm lụng cần
cù ngoài đồng áng. Cả cuộc đời của chú gắn liền với con trâu, bởi vì chú
sống bằng nghề cày thuê. Những con trâu chú cày bừa rất siêng năng như chủ
của chúng. Do vậy dân chúng trong làng ngoài xóm ai cũng muốn mướn chú cày
bừa cho bằng được, quanh năm chú làm không hết việc. Công việc cày thuê
tuy vất vả nhưng nhờ vậy mà chú Sửu đã nuôi được cả nhà với 6, 7 miệng ăn.
Hãy nghe tác giả mô tả về chú Sửu như sau:
"Cuộc đời của chú đã thay trâu
cũng năm sáu lần rồi. Chú có thói quen chọn lựa trâu rất kỹ lưỡng. Khi
chọn trâu, chú săm soi, rờ khám khắp châu thân của con trâu, từ mắt, miệng,
tai, háng, hông... và kể cả những đặc điểm quan trọng để xác định là giống
trâu tốt như bộ lông phải rậm dày, nhất là có bao nhiêu xoáy, xoáy nằm ở
vị trí nào thì tốt, v.v... Nói chung, chú có đầy kinh nghiệm mua sắm trâu,
rành đến độ chỉ cần nhìn tướng là chú đoán biết con nào là trâu chiến, cày
khỏe, siêng năng, và tính khí như thế nào. Chú chọn trâu kỹ đến nỗi, nhiều
khi đi khắp vùng, năm bảy ngày trời mà không chọn được phải về không. Khi
chọn được trâu vừa ý rồi dẫn nó về nhà, thôi thì không có hạnh phúc nào
vui hơn, khuôn mặt hả hê rạng rỡ như một người đào được vàng. Cả đêm ngồi
thắp đèn dầu, ngắm nghía, hết vỗ mông đến xoa bụng, xoa ức, cà sát mặt vào
lưng trâu mà sung sướng, hít hà".
Một ông chủ thương trâu bằng tình
nghĩa đậm đà, khi trâu già chú phải bán đi lấy tiền mua trâu mới, tác giả
Hồ Sĩ Bình viết tiếp:
"Rồi khi trâu già, hết thời chú
phải bán trâu cho người ta làm thịt, chú lại buồn rời rợi, nằm cả buổi
nhìn lên trần nhà, không thiết tha ăn uống. Vợ con biết tính cũng không
dám nói năng chi. Không buồn sao được, con trâu gắn bó với chú trên dưới
10 năm trên đồng cạn, dưới đồng sâu, mưa nắng, rét buốt cắt da chỉ có
người và trâu chia sẻ nhọc nhằn, gian khổ. Những lúc ấy, có dịp nhìn vào
mắt chú thấy ngân ngấn nước mắt, giọt nước mắt của người lực điền quay mặt
không dám nhìn người ta dắt trâu đi."
Cái tình nghĩa con người với con vật
suốt cuộc sống cực khổ lam lũ của trâu vì kiếp của chúng được tạo hóa cho
ra đời dưới cung mạng của một vì sao lầm than, nhưng chú Sửu là người gần
gũi với loài trâu. Chú quý sức lao động của trâu và luôn thông cảm và yêu
thương chúng bằng những giọt nước ấm khi phải chia tay vói những con trâu
mà chú nuôi:
"Cuộc sống nơi thôn dã dần dần
được cơ giới hóa và thay đổi cách lảm việc, máy cày ngày càng nhiều, ít ai
còn mặn mà với việc thuê trâu cày. Tiếng kêu tắc rị kéo trâu trên ruộng
đồng cũng thưa vắng đi. Thế nhưng chú Sửu vẫn keo sơn ràng buộc với phương
tiện cày bừa xửa xưa. Cả làng chỉ độc mình chú còn cày trâu. Chú cứ khư
khư cái nghiệp dĩ cày thuê nặng nhọc của mình. Theo chú thì máy móc được
cái là khỏe, nhanh nhưng là cày dối, nhất là cày ở mấy góc ruộng, máy làm
sao mà khéo bằng trâu cho được. Nhờ có tiếng là cẩn thận siêng năng nên
nói thế nên nhiều người vẫn thuê chú. Dĩ nhiên công việc không còn được
như xưa, nhưng cũng đắp đỗi qua ngày. Công cán ở quê, sau mùa thu hoạch
người ta mới trả bằng lúa. Nói cho đáng tội, những chủ nông cứ ỷ y có máy
cày, việc thuê mướn chú gần như vì thương cảm, trợ giúp nên họ trả công
bằng thứ lúa hạng hai hay hạng ba pha tạp nhiều hạt thóc lép. Biết phận
mình bị hắt hủi, chú vẫn lặng lẽ cặm cụi bên con trâu già một nắng hai
sương trên những cánh đồng khô khốc. Chú không thể xa lìa công việc đã gắn
bó tự thuở nảo, và thuở nào..."
Rồi việc gì tới sẽ phải tới theo qui
luật đào thải của thiên nhiên. Đầu năm nay, khi chú bước qua tuổi 70. Mấy
đứa con đã lớn, chú có cả cháu nội và cháu ngoại. Mấy đứa bàn và dứt khoát
không cho cha đi cày thuê nữa, và sợ rằng làng xóm dị nghị, người ta nói
già rồi mà con cái không nuôi nổi sao. Tác giả trở về quê thăm chú. Đường
vào ngõ làng tháng giêng khi trời còn mưa lất phất, bên hiên nhà sao mà
vắng vẻ. Chú Sửu nằm thu mình không nói gì cả, người xuội hẳn đi, trên đôi
mắt buồn rưng rưng ngấn lệ. Chú bảo mình còn khỏe, thế mà... Tác giả muốn
đề nghị để an ủi, nhưng mọi lời nói lúc này không khỏa lấp được gì trước
sự hụt hẫng, sự đổi thay chới với của một người đang phải chia tay với
những gì thân quí nhất trong nếp sống đã có từ lâu. Cuộc sống ấy vẫn thế,
đôi khi chú Sửu chưa bao giờ nghĩ tới giây phút cuối này, giây phút bất
ngờ quá nhưng biết làm sao hơn. Cuối cùng rồi thì sáng nay con trâu đã bị
mang đi bán, cái chuồng trâu đã trống vắng. Chỉ còn lại một khoảng trống
se sắt tê buốt nơi góc sân quen thuộc, và thoang thoảng mùi phân trâu còn
vương vấn đâu đây như là nỗi nhớ của thời gian.

Cảnh đàn trâu quê hương
Thưa quý bạn bài viết của tác giả
trên cho thấy đạo lý làm người không phải mang ý niệm sinh sát như đâm
trâu, hay chọi trâu, một loài vật ra đời mang ý nghĩa cao quý của nó. Bà
nông gia Luo hay chú Sửu hiểu ý nghĩa thâm thúy nhất của loài trâu đối với
chủ của chúng. Trong năm Kỷ Sửu này ta hãy hình tượng ra những con trâu
chăm chỉ làm việc bên những cánh đồng lúa Việt Nam để chúng ta một thời
hãnh diện là miền Nam Việt Nam là vựa lúa của vùng Đông Nam Á vào đầu thập
niên 1960. Điều chắc chắn sức trâu cày cho niềm hãnh diện này không phải
là ít.

Việt
Hải

Trang XUÂN 2009- Văn Học Nghệ Thuật
Và Quê Hương