Thùy và gia đình nàng đã
đến trại tị nạn Palawan, Phi Luật Tân hơn một năm nay nhưng hồ
sơ xin định cư của gia đình vẫn chưa nhúc nhích vì khi đến trại
chồng nàng đã khai tên người chị đã định cư ở Mỹ từ năm 1979 để
được đoàn tụ theo diện anh chị em ruột thịt. Tưởng rằng mọi việc
sẽ êm xuôi như dự tính, nhưng sau ba tháng đợi chờ để gặp phái
đoàn phỏng vấn của Mỹ thì họ bảo rằng người chị khi đến trại tị
nạn Hồng Kông đã không khai tên chồng nàng trong hồ sơ. Thế là
gia đình nàng phải nằm lại tại hòn đảo nhỏ bé này và không biết
đến bao giờ mới có cơ hội đi định cư như những gia đình khác.
Đêm
nay, Thùy nằm bên đứa con bốn tuổi, cô bé thật kháu khỉnh dễ
thương đang ngon giấc và bên trái, chồng nàng đang ngủ như chết
vì chiều nay một nhóm bạn bè trong trại tổ chức tiệc tất niên có
mời chồng nàng tham dự. Vốn là người thích ăn nhậu lại ham vui,
chẳng lo lắng gì đến việc định cư của gia đình nên mỗi khi có
“tiền viện trợ” chồng nàng hay làm những món nhậu thật ngon rồi
mời bạn bè đến chung vui, đôi khi cũng say bí tỉ.

Đêm
đã khuya nhưng Thùy không ngủ được vì đêm nay là đêm trừ tịch,
nàng để lòng về với gia đình, quê hương của mình bên kia bờ đại
dương. Nàng nhớ lại những ngày Tết bên mẹ, bên những đứa em nhỏ
dại mà bây giờ thì xa quá và gần như mất hút trong tâm trí của
nàng.
Nơi tạm dung sau khi đến trại tị nạn là một căn nhà
sàn lợp bằng lá dừa nằm sát bờ biển với những hàng dừa cao vút.
Những ngày cuối tuần thỉnh thoảng Thùy cùng những người bạn
trong trại xách xô lội ra biển bắt những con ốc hương, ốc nhảy
về luộc với lá xả chấm mắm gừng thật tuyệt vời. Đôi khi đạp phải
mấy con đồn đột thì Thùy la toáng lên vì chưa quên hình ảnh con
đĩa trong những đám ruộng ở quê nhà. Những đêm trăng sáng nhìn
ánh trăng chiếu lấp lánh trên mặt biển và tiếng sóng vỗ rì rào
từ xa vọng lại, tim Thùy nhói đau khi nhớ về một phương trời xa,
nhớ đến mái tranh nghèo yêu thương nơi mấy chị em nàng đã sống
và lớn lên mà bây giờ đã nghìn trùng xa cách.
Ngày
ấy, sau khi cha nàng mất trong một cuộc hành quân ở chiến truờng
xa, mẹ nàng rời bỏ thành phố Sài Gòn dắt díu đàn con về quê
ngoại tá túc. Thùy là người chị cả lúc đó mới vừa lên sáu tuổi
và đứa em út còn nằm trong bụng mẹ chờ ngày sinh. Đứa em chưa
một lần nhìn được mặt người cha thân yêu nhưng mỗi lần bị la
mắng đều lên đầu hè ngồi khóc gọi “Ba ơi!” làm mẹ Thùy vội vàng
ôm em nàng vào lòng dỗ dành không ngớt. Cuộc đời của mẹ Thùy là
một chuổi ngày dài của những nhọc nhằn, cơ cực và buồn thảm. Cả
cuộc đời của mẹ dường như không có lấy một mùa xuân. Chồng mất
khi mẹ nàng đang ở tuổi ba mươi mà phải cưu mang bốn đứa con còn
quá nhỏ để có thể giúp bà một tay trong cuộc sống. Mẹ Thùy là
một người đàn bà chịu đựng, đảm đang nên cuối cùng gia đình nàng
cũng vượt qua được những khó khăn lúc đầu. Mẹ Thùy luôn luôn dạy
bảo các con rằng: “Các con nên cố gắng học vì chỉ có học mới có
thể thoát khỏi cảnh nghèo và thay đổi được cuộc sống mà thôi.”
Và bà khuyên các con nên cố công đèn sách cho dù mẹ có phải lặn
lội thân cò nơi bờ sông, quán vắng mẹ cũng cam lòng.

Những
ngày cận Tết là những ngày không vui của mẹ nàng vì bà phải làm
thế nào cho bốn đứa con nhỏ dại của bà bằng chị, bằng em với bà
con xóm giềng. Chính cái ăn, cái mặc cũng đã làm cho bà hụt hơi
huống hồ phải nhọc công so bì với thiên hạ. Lúc ấy Thùy cũng đã
là một cô gái ở tuổi dậy thì và cũng biết giúp mẹ quán xuyến
việc gia đình, nhất là săn sóc cho ba đứa em. Dần dần Thùy cũng
hiểu được nỗi buồn và nỗi cô đơn của mẹ khi mẹ nàng là một góa
phụ ở cái tuổi còn quá trẻ. Có những đêm sau khi mấy đứa em đã
yên giấc, Thùy nghe được tiếng thở dài của mẹ cùng những giọt
nước mắt trong đêm khóc cho cuộc đời không may của mình. Mẹ nàng
dường như mất hẳn nụ cười từ đó cho dù những lúc vui nhất. Từ
nỗi buồn thân phận trong cảnh mẹ góa con côi gậm nhấm trong
người của mẹ nàng, ngày chồng chất ngày đã đưa mẹ đến căn bệnh
ngặt nghèo, vô phương cứu chữa.
Thùy rất thương mẹ nhưng nàng chẳng biết làm thế nào
cho mẹ vui và chỉ biết giúp mẹ làm mọi việc trong nhà sau giờ
tan học. Những lúc hai mẹ con ngồi bên nhau, mẹ Thùy thường nắm
tay và bảo với nàng rằng: ”Rồi đây con sẽ phải thay mẹ để lo cho
các em vì mẹ biết mẹ sẽ không còn sống được bao lâu nữa”. Nghe
đến đây, Thùy ngã vào lòng mẹ và nghẹn ngào khóc, nàng mường
tượng đến một tương lai đen tối sẽ xảy đến cho gia đình nàng nếu
một mai không còn mẹ. Nàng linh cảm rằng mẹ nàng như đang chuẩn
bị cho một chuyến đi không bao giờ trở lại.
Hai
năm sau đó mẹ Thùy qua đời trong những ngày cuối năm, sắp tết,
bỏ lại bốn chị em nàng sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ khi
ở tuổi còn quá nhỏ; để lại môt nỗi đau thương khôn cùng trong
lòng Ngoại mỗi khi nhìn đàn cháu cũng như sự ngậm ngùi thương
tiếc của những kẻ qua đường khi mỗi chiều nhìn hình ảnh bốn chị
em Thùy ra ngồi ngoài ngõ chờ bà Ngoại đến ngủ. Thùy cảm thấy
xót xa, rơi nước mắt trong cảnh côi cút của chị em nàng khi nhớ
đến câu ca dao:
Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Nhưng
có lẽ hoàn cảnh tạo con người, sống trong cảnh nghèo khổ dường
như con người trưởng thành sớm hơn, nhất là trong một đất nước
chiến tranh. Thùy đã quên đi những ngày xuân cũng như những mùa
xuân đã qua đi trong đời nàng để lo cho các em. Những ngày xuân
đi qua đời nàng là những ngày của tủi buồn và đơn côi cho dù bên
nàng có một người đang yêu nàng tha thiết. Thùy đi trong đời
không bằng những rộn ràng của tuổi mộng mơ mà bằng những bổn
phận và trách nhiệm lúc nào cũng đè nặng trên vai. Chính những
tình cảm này đã làm cho nàng trở nên hờ hững, lạnh lùng bên cạnh
một mối tình tuyệt đẹp mà các bạn gái của nàng hằng mơ ước mà
không có được.
Rồi Thùy cũng đi lấy chồng như bao nhiêu người con gái
khác. Không giống như mẹ nàng trở thành góa phụ ở tuổi ba mươi
nhưng Thùy cũng không tìm thấy một tình yêu đích thực trong hạnh
phúc lứa đôi như nàng mong ước. Có lẽ cuộc đời của nàng cũng đầy
bất hạnh như cuộc đời của mẹ nàng và hình như những đức tính của
mẹ nàng đã thâm nhập vào nàng lúc nào mà nàng không hay biết để
mãi đến sau khi lấy chồng nàng mới biết rằng nàng là hiện thân
của mẹ.
Mấy mùa áo cưới đi qua,
nàng sống âm thầm và chỉ còn biết yêu con cũng như dành hết tình
thương cho các em mà thôi. Bao nhiêu mùa xuân qua đi là bấy
nhiêu nỗi buồn chất chồng khi Thùy nhớ đến mùa xuân đầu tiên mấy
chị em quấn quit bên nhau trong căn nhà hiu quạnh thiếu vắng
bóng mẹ hiền. Từ đó, với Thùy mùa xuân dường như không còn nữa
vì:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Ai đem xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
Chế Lan Viên
Bên ngoài sóng vẫn vỗ rì
rào suốt đêm thâu. Một cơn gíó nhẹ len qua vách lá làm Thùy rùng
mình vì cảm thấy lạnh. Nàng nghiêng mình ôm con vào lòng, đặt
nhẹ lên trán con nụ hôn ngọt ngào yêu thương rồi đưa tay vuốt
nhẹ mái tóc còn xanh của con và thì thầm: “Con ơi! Cuộc đời của
bà Ngoại cũng như cuộc đời của Mẹ đã không có mùa xuân. Đêm nay,
đêm giao thừa nơi đất khách, mẹ cầu nguyện cho đời con được
nhiều may mắn tìm được những mùa xuân đẹp nhất trong đời…”. Rồi
Thùy thiếp đi trong giấc ngủ muộn màng mặc cho một mùa xuân buồn
đang lặng lẽ đi qua…

Thu Phương
Những ngày giáp Tết năm Kỷ Sửu