
Dù
thời gian đã trôi qua hơn 40 năm, ký ức về tuổi thơ vẫn mãi chưa
hề phai nhòa nơi tôi.

Hồi
đó - khoảng thập kỷ 60 - cùng trang lứa, ở cùng dãy phố, nhà lại
sát vách nhau nên chơi thân với nhau mặc dù Q là con trai.
Tuy
đứa nào cũng được sống trong hoàn cảnh khá giả, nhưng hình như
các cô chiêu cậu ấm thường càng được nuông chiều chăm chút bao
nhiêu thì càng ốm yếu khẳng khiu đến tội nghiệp, - chúng tôi là
mẫu trẻ con như vậy đấy. Cho nên hai bà mẹ nhiều khi ngồi với
nhau thường than vãn về sức khỏe của con mình- vậy là ba tôi (vốn
là một lương y) quyết định bồi dưỡng cho tôi bằng món cao dộc
buổi sáng, tuy món ăn không đến nổi khó nuốt lắm, nhưng tính tôi
hay nhõng nhẽo, cứ phải đợi ba mẹ dỗ dành mới chịu ăn, và chỉ
trong vòng ba tháng, con người tôi lột xác hẳn, tôi có da có
thịt, nét mặt hồng hào trông lanh lợi ra phết! và Q sau đó cũng
vậy.
Dọc
hai bên dãy phố Lê Lợi - Trưng Trắc, chúng tôi kết thân gồm 8
đứa, tuổi tác không chênh lệch nhau là mấy, trong đó 4 đứa cùng
tuổi, 3 đứa lớn hơn 1 tuổi và 1 đứa nhỏ hơn 1 tuổi. Q- thằng con
trai duy nhất của nhóm lớn hơn tôi 1 tuổi nhưng không được chỉ
định làm nhóm trưởng vì Q “quậy” lắm! nhờ có tính phóng khoáng
lại khéo tay nên trong các buổi tụ tập vui chơi hễ vắng Q là cả
nhóm mất vui.
Chiều
thứ bảy, chủ nhật nào chúng tôi cũng quần tụ lại để chơi. Khi
thì u mọi, khi bịt mắt bắt dê, kéo co, bán hàng xén và nhiều
nhiều trò chơi vui nhộn khác nữa, rồi kéo nhau ra cầu bến sông
Dinh- (phía sau nhà tôi) để được đứng từ trên cầu nhảy bổ xuống
sông cút một hơi dài ra tận giữa dòng, chúng tôi bơi nhảy thỏa
thích… có khi cả bọn rủ nhau trốn học cuốc bộ lên mãi tận Quang
Đông (xóm mù u) để tìm bắt dế, con gái chúng tôi cũng mê chơi đá
dế không kém lũ con trai; hoang hơn nữa xuống tận Hà Liên- Bến
Đò bắt còng, bắt cua để nghịch. Hồi đó nhà đứa nào cũng có xe
đạp, nhưng chỉ để người lớn đi thôi, còn lũ nhóc tụi tôi thì… đi
bộ vô tư. Có lần, do quá ham vui về nhà muộn, đứa nào cũng bị ba
mẹ phạt đòn- vậy mà có chừa tính đâu, ngoan được 1 tuần, 2 tuần
khi vết roi hằn trên da tan biến, chúng tôi thỉnh thoảng lại
nháy nhau gọi là đi “dã ngoại” một chuyến.
Trong
số 7 đứa con gái còn lại của nhóm, xem ra Q quý mến tôi nhất, vì
thật tình mà nói tính tôi nhỏ nhẹ, nhát gan lại yếu đuối hơn các
bạn khác, nên bao giờ tôi cũng được Q quan tâm giúp đỡ, tuy vậy
thỉnh thoảng hắn cũng giở giọng đàn anh quát tháo tôi, những lúc
đó tôi thường tủi thân lẫy hờn không thèm chơi với Q nữa, vậy là
chú chàng lại một phen năn nỉ, làm đủ trò hề cốt để tôi cười và
làm lành với nhau.
Tôi
không làm sao quên được: một buổi chiều cuối hạ. Q rủ tôi chơi
trò đánh đu, chúng tôi thích thú vui cười nắc nẻ; bỗng chốc
không hiểu vì đâu: -ghét tôi?- không phải! - hay “ngon trớn”- Q
đẩy tôi lên mãi tận trên cao, tôi hoảng quá kêu thất thanh, càng
kêu Q càng đẩy mạnh hơn, đến khi tôi không còn chủ động an vị
trên ghế đu, tôi ngất lịm và ngã xuống đất; may nơi đây là nhà
kho chứa đầy rơm, chứ không thì không bể đầu cũng gãy chân tay…
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình được nằm ấm cúng trên giường chung
quanh ba mẹ anh chị nét mặt đầy lo âu, tôi trở mình ê ẩm, chiếc
xích đu “giả chiến” được cột từ trên xà ngang của trần kho lại
bắt đầu ám ảnh, tôi co mình sợ hãi và khóc thét lên khiến cả nhà
lại một phen hốt hoảng.
Sau
trò chơi đầy nguy hiểm đó, ba mẹ tôi nghiêm cấm không cho tôi
chơi với bọn con trai nữa, và cũng từ đó nhóm chúng tôi bắt đầu
tan rã dần, các chị lớn lần lượt xa gia đình để vào Sài Gòn tiếp
tục việc học hành; một năm, rồi hai năm Q cũng vào Sài Gòn học
bậc trung học.
Cứ
mỗi độ hè về, chúng tôi mới có dịp tề tựu lại để nói chuyện phím,
chúng tôi lớn nhanh như thổi, bọn con gái phơi phới như đám lúa
non vươn mình trước gió, còn Q trông khôi ngô lịch lãm như người
thành phố!
Mỗi
lần về quê, tôi đều được quà của Q, khi thì măng cụt, khi chôm
chôm lúc lại nhãn lòng; Q biết tôi thích ăn trái cây nên quà cho
tôi bao giờ cũng toàn là trái cây, Q không cùng ăn mà chỉ ngồi
bên cạnh hoặc đối diện để nhìn tôi cẩn thận bóc từng quả ngon
mọng nước vô tư ăn lấy ăn để, tôi không mời bạn, nhưng nếu có
mời Q cũng không ăn và thường bảo với tôi rằng : “ Nhìn bé ăn
như thế này Q cũng đã thấy ngon miệng và no rồi !”
Tôi nghiêng đầu cười và nháy mắt
tinh nghịch.
…
Rồi thời gian qua mau,
tôi bước chân vào ngưỡng cửa cấp II, cấp III rồi đại học, chúng
tôi ít có dịp gặp nhau; và rồi khi đất nước bước sang trang sử
mới, chúng tôi xa nhau không kịp gửi lời từ giã, mà còn thời
gian đâu mà còn từ giã khi lệnh của chính quyền C.M lâm thời
quận N.H khẩn cấp lập danh sách các gia đình thuộc diện “tư sản”
buộc phải dãn dân - đi lao động vùng KTM (đa số là bà con người
Hoa ở xóm chợ Dinh) - Q cùng gia đình vội vã “ra đi”. - gia đình
tôi vì hoàn cảnh phải ở lại…
Vậy mà đã hơn 30 năm xa
cách, không một bức thư, không một lời nhắn hỏi; - chiều nay,
vẫn một buổi chiều nắng hạ, tình cờ trên mảnh đất quê hương N.H
- mảnh đất đã vun đắp cho chúng tôi bao kỷ niệm đẹp của thời thơ
ấu tôi gặp lại Q. - một việt kiều Mỹ về lại quê hương, Q to con
hơn, trắng đỏ như một ông tây chính hiệu.
Q đứng trước cửa nhà
khoanh tay nhìn người dân quê mình đang uể oải sinh hoạt buổi
chợ chiều, không biết lúc đó Q đang nghĩ gì, hình ảnh trước mắt
có gợi lại nơi Q một thoáng “quê hương?! Không chút do dự, tôi
mừng rỡ chạy lại gọi Q, vẫn giữ dáng đứng khoanh tay trước ngực,
Q đưa mắt nhìn tôi hững hờ nhích mép với cái cười bất đắc dĩ,
thái độ vô tâm tẻ nhạt của Q khiến tôi “ quê” cứng cả người. Một
phút, hai phút trôi qua rồi tôi cũng lấy lại bình tĩnh để hỏi
thăm Q và một số bạn bè ra đi cùng đợt với Q, Q miễn cưỡng trả
lời kèm với tiếng “Ok”, Q không hề hỏi thăm tôi lấy được nửa lời,
lẽ nào người đối diện với tôi lúc này không phải là Q?! hoàn
toàn khác hẳn về phong cách, hay vì cuộc sống hiện tại kỷ niệm
ngày xưa đã bị đánh mất nơi Q, không còn chút gì để mà thương mà
nhớ?!
Tôi cảm thấy khó chịu
chào Q rồi quay đi trong trạng thái hụt hẫng, tôi tự trách mình
sao quá vội vàng, lòng xót xa cho bao kỷ niệm thời thơ ấu tươi
đẹp, nhưng ai đó đã vô tình không biết trang trọng nâng niu:
Gặp lại anh tôi nhớ hè thuở trước,
Mình rủ nhau trốn học bắt dế, cua.
Bị thầy phạt bởi trả bài không thuộc,
Mẹ đánh đòn vì đầu gội nắng trưa.
Gặp lại anh giữa buổi chiều nắng hạ
Anh quên tôi hay chẳng muốn hỏi chào
Anh nhìn tôi như một người xa lạ
Bạn ngày xưa mà vội lãng quên sao?!

Phan
Phụng
Dung
01.09