Buổi
sáng cuối tuần mùa đông. Ngủ dậy tự nhiên đời bỗng nhiên vui.
Tôi vào bếp mở tủ lấy quyển cook book ra đặt trên bàn, rồi lật
lật, tìm tìm. Chọn cái bánh nào mà trông đẹp nhất, ngon nhất mà
cũng thật dễ làm nhất cho chắc ăn, để khỏi hồi hộp vì bị "tổ
trác". Loay hoay một hồi, cuối cùng bột cũng được đổ vào khuôn
và tôi bắt đầu đặt bánh vào lò đã mở lửa sẵn để nướng.
Từ
lâu thói quen của tôi đã thành cái tật. Cuối tuần nào tôi cũng
hay bày trò nấu món này, món kia cho gia đình ăn. Thực đơn hôm
nay sẽ là món "Hủ tiếu Nam Vang". Mặc dầu chưa bao giờ đi Nam
Vang. Nhưng cái món này ăn riết rồi tôi cũng ăn cắp được nghề để
tự mình nấu. Tôi thì học cái gì cũng "chậm tiêu", nhưng được cái
"học ăn" là tôi giỏi nhất.
Định
lên lầu rủ con gái đi chợ mua thêm vài món còn thiếu cho nồi hủ
tiếu chiều nay. Nhưng chân bước vừa mới lưng chừng cầu thang,
tôi nghe tiếng bấm máy hình click, click, click, rồi ánh sáng từ
flash light chớp, chớp, chớp lia lịa trên phòng của con gái.
Thấy cửa phòng khép hờ không đóng, tôi tò mò bước vào. Con gái
tôi đang ngồi giữa một rừng giày. Trời ơi con gái tôi mê giày.
Đi làm, lãnh lương mỗi tháng mua một đôi giày. Giày nhiều quá
nên mỗi khi mang không biết chọn đôi nào. Nên hôm nay nó phải
chụp hình, rồi dán hình mỗi đôi giày vào trước những cái hộp, để
khi nhìn hình sẽ thấy được đôi giày nào mình muốn mang, mà không
cần phải mở hết các hộp ra tìm. Tôi ngồi xuống mân mê từng đôi
giày. Đôi nào cũng đẹp, cũng xinh xắn, đủ màu, đủ kiểu trông
thật đã con mắt. Nghĩ bụng mình già rồi mà vẫn còn mê, huống hồ
chi con gái. Ước gì được trẻ lại để mang ké những đôi giày đẹp
này. Chân con lớn hơn chân mẹ một số, nhưng nếu có mang vừa,
chân vẫn chưa yên. Vì giày chi chưa mang đã mỏi, giày chi chưa
mang đã thấy đau lưng tức ngực.
Ngồi
nhìn những đôi giày của con. Tự nhiên rồi quá khứ, rồi kỷ niệm ở
đâu bỗng cuồn cuộn kéo về làm lòng mình xôn xao nặng trĩu. Giữ
không được nữa nên tôi phải buông ra thành lời. Kể chuyện cho
con nghe lúc nào tôi cũng bắt đầu bằng hai chữ ngày xưa. Ừ ngày
xưa đó bằng tuổi con, mẹ chỉ có mỗi một đôi guốc cao gót, để
mang khi mặc áo dài đi nhà thờ. Con biết không mặc áo dài mình
phải mang guốc cao gót thì dáng đi mới đẹp. Bên cạnh chiếc áo
dài và đôi guốc cao gót là mái tóc dài. Bởi vậy ngày xưa mỗi lần
mẹ đi nhà thờ, có nhiều anh chàng trồng "cây si "mẹ ở trước cổng
nhà thờ. Kể đến đây tôi phải ngừng, vì con gái tôi tự nhiên hỏi
vô duyên. " Cây si" là cây gì?.. Tôi mắng con gái lớn rồi mà còn
dại. Thì "cây si" là.. là..là.. "cây si" đó. Không biết nó có
hiểu được câu trả lời của tôi không mà hai mẹ con cùng cười ngặt
nghẻo.
Đó
là khi mẹ lớn rồi. Lúc còn nhỏ chừng bảy, tám tuổi mẹ phải đi bộ
hơn cây số mới tới trường học. Bốn mùa xuân hạ thu đông chỉ có
một đôi dép Nhựt. Japanese shoe đó hả mẹ? lại hỏi nữa. Tôi trả
lời không phải, dép Nhựt là dép có hai cái quai con đang mang
lẹp xẹp ở trong nhà đó. Vào mùa mưa mẹ đi học khổ lắm. Sợ đủ thứ,
nào sợ sấm sét ở trên trời, nào sợ mấy con cóc cọt, ểnh ương
nhảy tùm lum ở dưới chân. Nghe đến đây con gái tôi rùng mình
phục lăn ra "Mẹ gan thiệt đó nghen". Sau những ngày mưa xong thì
đường bị sình lầy. Trong đời, chưa bao giờ mẹ thấy con đường nào
mà nhiều bùn lầy như con đường đã dẫn mẹ đến trường thời thơ ấu.
Có lần đi học giữa đường tự nhiên đôi dép đứt quai vì bị lún
sình. Mẹ phải ráng kéo được chiếc dép lên, rửa sình sơ sơ bằng
vũng nước đọng bên cạnh. Xong mẹ rút sợi dây thun đang cột tóc
trên đầu, gấp làm đôi lại, xỏ xuyên qua cái lỗ nhỏ ở phía trước,
rồi cột lại bằng một cọng cây khô ở phía dưới. Thế là mẹ có lại
được đôi dép để mang đi đến trường.
Rồi
mỗi ngày mẹ vẫn phải mang đôi dép cột dây thun đó đi học.. Chờ
đến cuối tuần Bà ngoại mới sai Dì hai xuống tiệm Nam Thuận Lợi
mua cho mẹ đôi dép mới khác. Được mang dép mới, mẹ mừng hết lớn,
mỗi ngày đi học cứ vái trời đừng mưa. Mẹ đã quý đôi dép mới hơn
đôi chân của mẹ. Mỗi khi gặp vũng bùn, mẹ phải xắch đôi dép trên
tay, và lội sình bằng đôi chân non bé nhỏ của mình. Khi đã đi
qua hết đoạn đường sình lầy rồi, mẹ vô mấy cái nhà gần đó xin
nước rửa chân, rồi mang dép vô lại đi tiếp. Có khi đôi dép chưa
đứt quai, mà lại mòn lủng qua ngón chân cái, và ở đằng sau gót.
Chiều nào đi học về, mẹ cũng ra đằng sau giếng, tìm chỗ xi măng
nham nhám chà rửa chân cho sạch.
Ngày
nay con có đầy đủ quần áo, giày dép cho cả bốn mùa, và có nhiều
để thay đổi qua lại mỗi ngày. Đi học có người đưa có người rước,
sung sướng quá. Gót chân con đỏ hồng như thoa son, mà có lần bà
nội nhìn cháu rồi quở" con nhỏ tha son dưới gót chân hay sao mà
thấy thiệt ngộ ". Rồi cũng một đôi dép nhựt khác, mẹ đã mang đi
xuống tàu phiêu lưu vượt biển. Đôi dép như đôi hia ngàn dặm, đã
cho mẹ những bước đi thật dài đến một xứ sở thật xa lạ, và mẹ đã
lê la đôi dép đó suốt một năm trong trại tỵ nạn Hồng Kong, trước
khi nước Gia Nả Đại mở rộng vòng tay nhân đạo đón mẹ tới bến bờ
tự do. Mà từ lâu mẹ đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai của
mình. Bây giờ thì mẹ có đủ tiền để mua thật nhiều đôi dép Nhựt
mình thích. Nhưng có những đôi dép đã làm nên cuộc đời mẹ vẫn đi
tìm nhưng không thấy ai bán. Nhìn lại, mới đó mà mẹ đã sống một
nửa đời ở bên ni, và đã bỏ lại một nửa đời ở bên nớ.
Kể
đến đây tôi bỗng giật mình, vì mùi thơm của cái bánh đã chín bay
ngào ngạt lên tận trên lầu. Vừa chạy xuống bếp ,tôi vừa ngoáy cổ
lại kêu con gái sửa soạn rồi cùng đi chợ với mẹ kẻo trưa. Buổi
tối mùa đông ngoài trời tuyết bay bay mù mịt nghiêng nghiêng
trong gió. Trong nhà mọi người đang thưởng thức Hủ tiếu Nam Vang,
bên cạnh chén nước soup nóng hổi, thơm lừng. Lòng tôi dạt dào
sung sướng. Cám ơn Trời, cám ơn Đời đã cho tôi một ngày thật
hạnh phúc bên mái ấm gia đình.

Nguyễn
Thị
Thu
(Cầu Gỗ)
Đầu năm Kỷ Sửu 2009
T.B. Trước thềm năm mới. Kính chúc quý
đồng hương xa gần mọi sự an lành trong năm 2009.