Lần sinh nhật vẫn còn
ghi đậm trong trí nhớ là năm tôi mươi hai tuổi, mẹ dẫn đến nhà Thầy Ba
Đương ở ngã ba Ninh Hòa ( cha của chị Ánh Phượng) để thầy cởi sợi giây
chuyền đeo nơi cổ và từ đó về sau không còn phải đeo nữa. Năm đó ba má tôi
đã cúng một con gà cồ và hương hoa trà quả rất nhiều gọi là lễ vật “cúng
hạ đàn”. Tôi sờ cổ thấy không còn sợi giây chuyền bằng sợi giây chỉ ngũ
sắc của Thầy Ba nữa, cảm giác mình là người lớn không cần phải có ai che
chở, tôi đã có thể tự lập, không còn bé bỏng. Đó là điều quan trọng hơn
hết.
Thời của tôi và trứơc đó,
việc mừng sinh nhật cho một người đúng ngày sanh ra, có lẽ rất hiếm trừ
những gia đình đại phú theo văn minh Tây Phương. Hồi đó, đứa bé sinh ra,
cha mẹ và gia đình cúng đầy tháng để ăn mừng mẹ tròn con vuông. Tiếp đến
là cúng đầy năm, gọi là “thôi nôi”. Nguyên ý nghiã chữ thôi nôi là đứa bé
không ngủ trong nôi nữa. Nhưng trên thực tế, ở quê hương chúng ta, em bé
thường được mẹ cho ngủ vỏng hay nằm trong lòng mẹ để hưởng hơi ấm. Trong
lể cúng thôi nôi, người ta bày ra một mâm lỉnh kỉnh những đồ vật và thức
ăn lẫn với nhau như: dao, kéo, gương, lược, bút viết, sách vở, xôi, chè,
kẹp tóc… Cha mẹ lên đèn nhang cúng mười hai bà mụ, mười ba đức thầy. Theo
truyền thuyết khi sinh ra, đưá bé được những người nầy dạy dỗ và che chở
trong vòng 12 tháng. Trong khi đó bà mẹ đưa đứa bé đến bên mâm đồ vật và
thức ăn xem nó chọn thứ gì để tiên đoán cuộc đời và tương lai của nó!
Còn lễ “cúng hạ đàn” là
một chứng nhận vô cùng quan trọng trong đời đứa bé. Đây là bứơc thứ nhất
gia đình công nhân nó đã đi vào thời gian trưởng thành. Sau mười hai năm,
từ khi sanh ra, cũng là một vòng cuả mười hai con giáp. Đứa bé đúng 12
tưổi, nhưng theo tục lệ Việt thì nó đã là tuổi 13. Nếu hồi còn bé, đứa bé
khó nuôi, khóc đêm, hay bệnh vặt…Thì cha mẹ đem ký bán cho một Pháp sư
trong làng. Ông nầy làm phép, đeo vào cổ đưá bé một giây ngủ sắc bằng chỉ
bện đẹp giống sợi giây chuyền. Từ đó hàng năm cha mẹ cũng phải dẫn nó đến
thầy cúng sao hạn và thay giây chuyền mơí…Đến tuổi 13 là nó được giải cởi
giây chuyền, vì từ nay nó không còn bé nưã mà đã thành người lớn… Tôi cũng
ở trong trường hợp nầy nên phải làm con nuôi ông thầy Ba Đương.
Sau nầy, khi qua định cư
ở California, tôi có dịp thấy dân tộc Mể Tây Cơ thường tổ chức lễ mừng đứa
con đến tuổi 13 bằng một lễ long trọng. Họ mời hết bạn bè đến công viên,
ăn uống ca nhạc và treo một con vật bằng giấy hay hình ngôi sao, hình nộm
theo ý thích cuả đứa bé, phía bên trong chứa đầy kẹo bánh. Đứa bé được bịt
mắt, xoay nhiều vòng, tay cầm cây gậy, tìm đến nơi treo quà, cố gắng đánh
vào đó. Thời gian đưa bé tìm được và đánh bể hình mộm được toàn thể mọi
người reo hò, rung chuông, la hét cổ vỏ. Khi nó đập được, hình nộm bể ra,
kẹo bánh rơi túa tủa xuống cỏ…bạn bè và bà con nhãy vào lượm, hả hê chúc
mừng nó đã thành người lớn. Có khi đứa nhỏ đó có bạn trai hay bạn gái cũng
mời đến cùng chung vui. Như thế tục lệ của nhiều nước, cũng có cái chung
là đến tuổi “bẻ gãy sừng trâu” được cho “thoát khỏi” thời con nít…
Tôi không nhớ sau đó ba
má có làm sinh nhật cho tôi nữa không mà chỉ nhớ tôi đã tổ chức sinh nhật
cho các con tôi, mục đích tạo một ngày đặc biệt cho cả gia đình, khi có
duyên mọi người sum hợp. Lúc các con ở xa thì chỉ gọi phôn chúc “happy
birthday” thế thôi. Ngoại trừ những năm chồng tôi ở trại tập trung, thì
cha con tụi nhỏ nhà nầy vào ngày sinh nhật tôi, đều có tổ chức một buổi
tiệc nhò, có năm tại nhà hàng, có năm làm tại nhà thì đứng bếp vẫn là tôi.

sau khi thổi tắt đèn
– Bé Uyên và Minh mút kem
Trong không khí đón mừng
Giáng Sinh và năm Mới, ở đất Mỹ nhà nào cũng rộn ràng,không nhiều thì ít,
bởi đó là dịp mua sắm rẽ nhất trong năm. May mắn sinh nhật tôi đúng dịp
nầy nên năm nào cũng được quà của các con, lại còn làm tàng, có năm bảo
chúng trả hàng mua tặng vì cảm thấy không cần thiết. Vào đầu tháng mười
hai là thằng con út đã bắt đầu hỏi: “ Năm nay má thích tặng món gì?”. Suy
nghĩ hàng tháng tôi cũng chưa nghĩ ra là mình thích món gì, bởi cuộc sống
của tôi quen đơn giản, một hộp son phấn xài trên mười năm cũng chưa hết,
áo quần mặc vài lần đem cất, mười năm sau đem ra mặc lại vẫn thấy lạ mắt
và còn được nghe chồng khen: “Em mặc áo nầy đẹp quá!”. Thằng con út than
phiền: “ Sống như má nên kinh tế suy thoái, có làm phải có tiêu để đồng
tiền luân lưu, guồng máy công nhân hoạt động thì con của má mới không mất
việc làm chứ!” “Một mình má mà gây họa được sao?” “ Nhiều người giống như
má lắm, mà cứ đổ tội Tổng Thống không biết làm việc, ông nào rồi cũng như
nhau thôi; bộ tưởng tổng thống là có phép thuật gì chớ, thôi không nói
chuyện xã hội nữa, má thích bánh sinh nhật loại nào?” “Loại nào cũng được!”
Vợ chồng Huyên và Hoa ở
Alhambra, vốn là bà con bạn dì, cũng nhớ ngày sinh nhật cuả tôi. Hai vợ
chồng xuống chơi từ ngày hôm trước. Hoa mang đến tặng mừng ngày sinh cuả
tôi bằng một hộp quà gói rất đẹp. Tôi hồi hộp mở ra, đó là lọ dầu thơm,
chai lotion, sản phẩm cuả một hảng nổi tiếng… Con dâu tôi chọn mua bánh
trái cây đủ loại, có nhiều màu xanh đỏ cuả những trái dâu, đào… trông thật
đẹp mắt. Tôi bào cắm hai ngọn nến, hai đứa cháu nội ngồi hai bên, cháu
trai luôn mồm hát “Happy birthday bà nội” rồi thổi tắt ngọn đèn phía bên
nó. Còn đứa cháu gái hai tuổi ngồi nhìn ngọn đèn lung linh phản chiếu ánh
sáng trên màu sắc của trái cây, cháu say sưa ngắm không chớp mắt không
chịu thổi đèn! Như vậy đủ thấy tính khí con trai thật đơn giản, còn con
gái thì hình như tạo hóa đã ban cho tâm hồn mơ mộng ngay từ lúc mới lọt
lòng.

mừng sinh nhật cuả
tôi dịp Noel 2008, thiếu gia đình Vũ
Riêng ông xã tôi thì vừa
uống cà phê sáng vừa gọi " Đã có quà sinh nhật cho bà xã rồi đây!” Tôi hỏi
anh: “Quà gì mà mới sáng sớm kêu réo hăng vậy?” Ông xã vưà cười vừa trả
lời: “ Một bài thơ mừng sinh nhật vợ!” Đang loay hoay trong bếp, vội tắt
lửa, đến trước màng ảnh computer, tôi đọc một bài thơ con cóc cuả chồng,
viết theo thể thơ Đường luật tựa đề là “mừng sinh nhật vợ”, bài thơ như
sau:
Sinh nhật vợ tôi đúng
ngày nầy
Mua quà tự hỏi món gì
đây,
Xe hơi nàng bảo không
biết lái,
Hột xoàn em dặn …Sợ bị
trầy!
Muốn em mua sắm mong ký
check,
Mời đến nhà hàng sướng
ngất ngây
Loay hoay trong bếp em
cười bảo
“Hãy đến gần em…nói nhỏ
nầy!”
Lad
Chỉ trong mấy phút sau
khi chồng tôi “send” đi, là một loạt những email cuả bạn bè lên tiếng chúc
mừng tôi. Trong số ấy, tôi trích ra những bài thơ họa như sau:
Chúc mừng sinh nhật đúng
ngày nầy,
Dũng + Mỹ bày ra món gì
đây?
Trèo đèo lội suối nay đà
chán?
Ba đội mười truông khéo
trật trầy,
Mừng nhau sinh nhật xuân
nào chán?
Chung hưởng ngày vui lại
ngất ngây
Bạn bè dăm đứa cùng vui
thú
Trời đất cho nhau cuộc
sống nầy
PhạmviDân
Anh bạn cuả tôi ơi! Hẳn
anh đã đọc bài Tuổi già là sung sướng nhất”cuả Hương Tràm Cà Mau! Nhớ hai
câu thơ : “Bà già đã tám mươi tư, ngồi bên cưả sổ viết thư kiếm chồng”.
Lúc còn trẻ tôi cứ tưởng đó là câu chuyện chế giễu. Bây giờ đã lần lần vào
thế giới cuả những người già nầy thì mới hiểu ra : “ Phái nữ chỉ hết yêu
khi tim ngừng đập!”
Người Xứ Vạn từ bên Úc
đã ,mau mắn họa lại và gởi đến như sau:
“Hãy đến gần anh… hỏi
nhỏ nầy…!”
Đến mùa sinh nhật… thích
gì đây?
Tàu bè sắp tậu đà lo mục,
Vòng xuyến chưa đeo đã
sợ trầy!
Phú quý e thành dân
trưởng giả
Sang giàu ngại mất tuổi
thơ ngây
Thôi mình! Sinh nhật em
chỉ thích
Một túp lều tranh…Với
“nhỏ” nầy!
Cảm ơn Người Xứ Vạn đã
nói giùm với ông xã tôi: “ Em chỉ thích một túp lều tranh bên bờ biển ở
đảo Maui thuộc Hạ Uy Di, sáng chiều đùa giỡn với sóng biển, đêm đêm nhìn
ngắm sao trời, tai nghe tiếng lắc cắc lộc cộc của những thanh niên nam nữ
gỏ nhịp trong điệu múa lửa Hạ Uy Di. Ông xã em mà nhìn hai chiếc gáo dừa
cuả các cô vũ nữ úp trên hai gò bồng đảo chắc là vui lắm…!
Trong nhóm Ninh Hòa.com
có vợ chồng Lai Đán trả lời nhanh như chớp. Đây là những người bạn cùng
trường Trần Bình Trọng, cùng quê hương xứ Nem; bây giờ cũng ở gần nhau
trong vòng 20 phút lái xe. Mấy câu thơ cuả Lai Đán như sau:
Hãy đến gần em…nói nhỏ
nầy!
Chớ có lanh quanh chuyện
đó đây,
Quà em mong đợi đơn giản
lắm
Anh biết mà sao…giả thơ
ngây!
Hai bạn Lai Đán ơi! biết
tẩy mà không chiụ giấu dùm còn la to cho bàng quan thiên hạ cười…!
Ngoài bốn câu thơ còn
thêm lời chúc “Happy birthday chị Mỹ, chúc anh chị trẻ mãi không già”
Ông Văn Hùng Đốc vốn là
bà con ( Chồng cuả dì tôi ở Phú Hòa) cũng lên tiếng chúc mừng:
Thương cò lặn lội ven
sông
Nuôi cả ba con với một
chồng
Đến ngày sinh nhật đông
đủ cả,
Dượng dì mừng cháu đã
thành công!
Bài thơ nầy có lẽ ý cuả
Dượng là nhắc đến truyện ngắn tôi viết đăng trong “ Giọt Nắng Xiên” có tưạ
đề Chị Cò, nên Dượng Đốc mới hạ bút thương tôi thân cò trong những năm
tháng còn ở VN.
Ồ! lại còn nhiều bạn gởi
đến nữa, nào Như Hường, Lữ Thanh Cư, Thi Thi, Vợ chồng Sơn Nết, em, các
cháu tôi từ VN cũng mail đến chúc mừng. Chỉ có một bài thơ cuả chồng tôi
làm, anh cố tình lơ mua quà cho tôi, vì lần nào anh mua cũng bị chê, nên
lần nầy anh chỉ tặng cho tôi một bài thơ. Khôn như thế hóa ra lại được bạn
bè khắp nơi vui lây với cái ngông của thi sĩ gàn!
Diệp Thế Lâu, em út tôi
đang phụng dưởng mẹ ở Ninh Hòa; cũng gởi bài thơ chúc mừng ngày sinh nhật:
Mừng
sinh nhật chị tôi
Sinh nhật
chị em đã đến rồi,
Sắm sửa
chi nhiều anh Dũng ơi!
Hột xoàn?
Mua đại năm ba chiếc,
Xế hộp?
tậu chi …sớm lổi thời!
Dìu nhau
tơ tóc du vào mộng,
Giữ chặc
tào khang trọn biển đời.
Xa xôi
ngàn dặm em xin chúc,
Một
cỏi tình yêu quyết chẳng rời!
Diệp Thế
Lâu
20-12-08
Niềm vui mỗi năm một đến,
nhưng ta thì mỗi năm cũng đánh dấu một tuổi già! Thôi thì chúng ta cứ vui
trọn những ngày tháng đang được hưởng phúc trời ban. Sau những năm tháng
trần ai khổ cực trong thời ly loạn xưa; giờ đây được thong thả và chồng
con cũng nhớ đến ngày sanh cuả vợ, của mẹ, bà nội… Bạn bè xa gần vẫn còn
thư từ thăm hỏi! Hạnh phúc nầy là một phúc đức ! Xin cảm ơn mọi người!

Mỹ
Hiệp
Tháng 12 năm 2008

Trang XUÂN 2009- Văn Học Nghệ Thuật
Và Quê Hương