Mùa
xuân 1996, lần đầu tiên Khu Americana (Nam Orlando) tổ chức Hội Xuân do
hai anh Trần Thái Khương và Phạm Sách tổ chức được sự hưởng ứng của gần 50
gia đình HO mới qua Mỹ tạm cư tại Khu chung cư Americana. Cũng có trồng
cây nêu, múa lân, đốt pháo... cũng đầy đủ các hương vị Xuân như trà hoa
sen, bánh tét, bánh chưng, rim, mứt, bia, rượu... Và cũng có văn nghệ văn
gừng nữa. Rất đông đồng hương từ nhiều nơi trong thành phố Orlando đến
tham dự làm cho ngày Hội Xuân nơi
"xóm
nghèo" thêm ấm áp "Tình Viễn Xứ". Nhiều bản nhạc Xuân được hát lên gây nhớ
nhung, luyến tiếc về những mùa Xuân chỉ còn trong tâm tưởng của kẻ xa nhà.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái khuôn viên hồ tắm Americana
chật ních người, cái sân khấu trang trí đơn sơ nhìn ra bờ hồ với bốn chữ
"Mừng
Xuân Bính Tý" và các nghệ sĩ trình diễn đều là cây nhà lá vườn, nhưng đã
ghi được khá nhiều ấn tượng trong lòng khán giả bởi cách trình diễn tự
nhiên của họ, như giọng hát Nguyễn Công Danh, cây
cười Nguyễn Mãng, v... v... Tôi đang chuẩn bị tiết mục trao quà Tết cho
các em thiếu nhi thì có một người mặc bộ vét xám vui vẻ lịch sự đến bắt
tay tôi và nói:
- Đây là bài thơ Xuân tôi mới vừa làm, anh xem thử được không? Nếu được
thì nhờ anh lên giới thiệu anh Phạm Ngọc Cửu đọc giùm...
Tôi cầm tờ giấy lướt nhìn bài thơ viết tay không đề tên tác giả, trả lời:
- Dạ thưa anh được chứ, rất hân hạnh, xin anh vui lòng cho biết quý danh
để em sẽ giới thiệu sau tiết mục này?
- Tôi là Phan Long, chủ tiệm thực phẩm Tiến Hưng.
Tôi ngạc nhiên:
- Là thương gia mà anh cũng làm thơ à?
- Vâng, tôi có làm lai rai, để cho vui vậy mà.
Hôm đó anh Cửu đọc bài thơ rõ ràng từng chữ được quý đồng hương vỗ tay tán
thưởng nồng nhiệt, tôi xin chép lại nguyên văn bài thơ:
TẾT NHỚ NGUỒN
Ngày Xuân ăn bánh chưng xanh
Bóc từng lớp lá tìm tình quê hương
Đông tàn gom nắng tha phương
Bên nhau ngày Tết nhớ thương về nguồn
Xa quê mấy chục năm trường!
Xuân reo như giục nỗi buồn chưa tan
Nâng niu những nụ mai vàng
Mừng xuân đón Tết nhớ ngàn năm xưa.
Từ đó chúng tôi là bạn thơ với nhau. Cứ mỗi Xuân về anh gởi cho tôi một
Thiệp Chúc Xuân trong đó in một bài thơ Xuân do anh sáng tác được trình
bày trang nhã bên cạnh những đóa hồng rực rỡ.
Năm 2002, vì bị ảnh hưởng vụ khủng bố 911, đời sống kinh tế của người Việt
tại Orlando gặp nhiều khó khăn, chiều 28 Tết rồi mà quầy bán chuối chợ
Tiến Hưng vẫn còn nguyên, nhà thơ Phan Long bèn viết bốn câu thơ dán ngay
tại quầy:
Hôm qua chuối hãy còn xanh
Không ai nhìn đến buồn tênh lại vàng
Chối từ sao! Được thời gian
Chuối luôn là ngọt chín càng ngọt hơn.
Lạ lùng thay chỉ không đầy hai ngày, quầy chuối được quý đồng hương "chiếu
cố" không còn một nãi!
Thơ Phan Long thực sự đi vào đời sống và tác giả của nó cũng đã nhanh
chóng nổi tiếng là người xuất khẩu thành thơ, làm thơ nhanh gần như Tào
Thực ngày xưa vậy. Trên các trang báo tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, tôi bắt
gặp thơ anh. Trong các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn học, nghệ
thuật của Cộng Đồng Việt Nam tại Orlando, kể cả trong các đám hiếu, hỉ...
tôi nghe thơ anh, lúc thì anh đọc, lúc thì anh ngâm những bài thơ do anh
mới vừa đặt bút viết còn nóng hổi, giọng anh lúc nào cũng nhẹ nhàng, trầm
ấm, truyền cảm.
Anh còn nổi tiếng là Mạnh Thường Quân hào phóng trong các buổi ra mắt
sách, anh cũng không ngần ngại đứng ra tổ chức ra mắt sách cho nhiều thi
hữu.
Càng ngày càng có nhiều người in thơ, ra mắt thơ nhộn nhịp, mỗi lần gặp
anh tôi hay nhắc:
- Sao chừng nào tới nhà thơ Phan Long đây?
Sau nhiều năm im lặng, bỗng đầu năm ngoái anh gọi tôi:
- Thấy anh em khuyến khích quá nên mình dự định sẽ gom một số bài để xuất
bản một tập chừng khoảng trên 100 trang.
Quả đúng như thế, Tình Viễn Xứ thi tập đầu tay của Phan Long dày 170 trang
do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản năm 2007 tại Hoa Kỳ. Bìa,
tranh bìa: Hs Vũ Đình Lâm & LM Trần Anh Dũng (Paris). Đánh máy, trình bày:
Đoàn Anh Võ. Đọc bản thảo: Đỗ Xuân Hùng, Ái Khanh, Lê Nguyễn, Nguyễn
Huỳnh. Ảnh: Kinh Luân. Thư họa: Vũ Hối.
Buổi ra mắt sách được tổ chức hết sức long trọng tại Nhà hàng
Việt-Nam-Town, Orlando, với số người tham dự rất đông.
Tôi thích bức tranh bìa nền vàng hoa cúc, màu của mùa Xuân:
Anh cho em mùa xuân,
Nụ hoa vàng mới nở
(thơ Kim Tuấn)
Ẩn hiện trên đó: dòng sông, chiếc cầu, trẻ mục đồng, con trâu, chiếc nón
lá, cánh diều, mặt trời, đám mây, bản đồ Việt Nam và nơi góc xa Nữ thần Tự
Do... Nhìn bức tranh bìa hiểu được nỗi niềm tâm sự sâu kín của tác giả
muốn trao gởi qua Tình Viễn Xứ. Bên trong: Lời Giới thiệu của nhà thơ Như
Hoa Lê Quang Sinh, Tựa của nhà thơ Trần Vấn Lệ, Bạt của nhiều văn thi sĩ:
Minh Khoa, Lê Nguyễn, L.M. Khấn Nguyễn, Sơn Tùng, Ái Khanh. Ngoài ra còn
có 3 phụ bản màu, nhiều phụ bản đen trắng, hai bức thư họa, hai bản nhạc:
một của Ns Mã Đình Sơn, một của Ns Linh Phương phổ thơ Phan Long.
Tập thơ gồm 92 bài gồm các thể Đường luật, ngũ ngôn... nhưng nhiều nhất là
lục bát và thất ngôn.
Đề tài viết về cuộc sống, thân phận người Việt lưu vong, đề cao tình vợ
chồng, anh em, bè bạn..., ca ngợi thú đi câu, tả cảnh đẹp thế giới trên
bước đường du lịch, viết về bốn mùa đặc biệt mùa Xuân có đến 29 bài chiếm
tỉ lệ gần 1/3 tổng số bài trong thi tập.
Thơ Phan Long chừng mực, đôn hậu, nhẹ nhàng, trong sáng, trữ tình và lạc
quan. Tứ thơ dạt dào, phong phú, lời thơ tự nhiên, bình dị, dễ hiểu. Trong
cách biểu hiện, người thơ tỏ ra mẫn cảm, bén nhạy, trái tim dễ dàng rung
động trước ngoại cảnh và thường có những tứ thơ hay từ ngữ mới lạ, ngộ
nghĩnh, dễ thương. Có thể nói Thơ Phan Long là niềm tin yêu về cuộc sống,
là tinh thần vui vẻ, lạc quan, hy vọng mà tác giả muốn trao gởi đến người
đọc. Nếu ai có tâm sự buồn, nhất là buồn nhớ quê hương thì Tình Viễn Xứ sẽ
là niềm an ủi vô bờ. Thơ Phan Long luôn ẩn chứa một cái TÌNH rất thiết tha
trìu mến và nhân hậu, đó là: tình chồng vợ, anh em, bằng hữu, đồng hương,
tình làng nghĩa xóm, tình mến Chúa yêu ngưòi, kể cả tình yêu thiên nhiên,
đất nước và đặc biệt tác giả muốn tô đậm ở thi tập này là Tình Viễn Xứ.
Mặc dù ổn định, thành công nơi xứ người, đời sống vật chất sung túc dư
thừa, con cái học hành đỗ đạt... nhưng trong lòng thi nhân vẫn nặng trĩu
mối u hoài: Tình Viễn Xứ. Suốt thi tập dù không đề cập đến tình yêu trai
gái, nhưng hình ảnh người nữ, chiếc nón lá, tà áo dài, những chữ "em" hay
"nàng" dường như không thiếu vắng trong thơ Phan Long. Bóng hồng luôn tha
thướt và nữ tính vẫn ẩn hiện trong thơ làm cho thơ Phan Long không khô
cứng mà trở nên dịu dàng, êm ái, trữ tình, hấp dẫn, rất đẹp và cũng rất
thơ.
Sau đây, người viết xin ghi lại những câu, những bài thơ Xuân mà mình tâm
đắc để chia xẻ cùng quý bạn trong dịp Tết đến, Xuân về. Vì muốn dành cho
quý bạn những nốt lặng cần thiết, những khoảng không gian trầm lắng để
thưởng thức trọn vẹn cái hay cái đẹp và cả cái "ý tại ngôn ngoại" của thơ
nên người viết xin hạn chế tối đa việc dùng lời.
Qua thi tập, gần như mỗi lần Tết đến tác giả đều có khai bút làm một bài
thơ Xuân, xin hân hạnh giới thiệu ba bài tiêu biểu:
Bính Tý
Ngại lắm đi ngang mấy bụi riềng
Vào nhà lọ mẻ đã lên men
Ra ngoài hàng dậu dây mơ quấn
Thoang thoảng bay mùi ngũ vị hương.
(trang 88)
Xuân Mèo
Xuân Mèo duyên dáng đẹp làm sao
Nhẹ bước vườn hoa bướm vội chào
Ríu rít chim non mừng nắng mới
Ung dung ngồi ngắm đất trời cao.
(trang 91)
Xuân Con Gà
Thua được chuyện đời tung cánh vỗ
Nòi gà đâu ngán những lần chơi
Gọi đàn tục tục cùng nhau lại
Sáng sớm, trưa, chiều giọng vẫn oai!
(trang 93)
Đặc biệt bài "Xuân đến cùng ai" có nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh:
Vui buồn Xuân cũng về chơi
Mặc ai tha thiết, mặc người dửng dưng
...
Yêu Xuân gọi nắng tơ vàng
Nâng niu những nụ dịu dàng gởi trao
...
Ghét Xuân đời thấy lạnh lùng
Hoa về khắp lối không cùng ước mơ
...
Nhớ Xuân như Mẹ cho quà
Mong từng ngày đếm, tuổi hoa đến rồi
...
Mừng Xuân với những nụ cười
Vì Xuân không tuổi nên đời còn nhau
(trang 34)
Thi sĩ Minh Khoa có làm một bài thơ Đường luật chơi chữ, lấy 8 mẫu tự đầu
mỗi câu ghép lại thành hai chữ Long Phan để tặng anh, anh đã họa lại như
sau:
Lời nghe sao ngọt tựa sơn ca
Ong bướm vui trong cảnh thái hòa
Nhắc đến thuở nào thương nhớ quá
Gợi về kỷ niệm những ngày xa
Phương này cất giữ trong tim mãi
Hai ngã đâu quên những mặn mà
Ai đã trao nhau tình thắm thiết
Ngàn đời ca tụng những loài hoa.
(trang 55)
Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Xuân đến
chỉ mang buồn nhớ cho nhau:
Xuân đến đào mai đượm thắm màu
Đón mừng người Việt khắp năm châu
Ba mươi năm sống đời xa xứ
Mỗi độ Xuân về lại nhớ nhau...
(Mỗi độ Xuân về, trang 61)
Xuân sang bên đó, Xuân đến bên này, là lúc người viễn xứ chạnh lòng nhớ
quê hơn lúc nào hết và món quà gởi quê là
"nửa lòng
Xuân thắm" xiết bao cảm động:
Xuân trải hồng lên vạn cỏ cây
Xuân sang bên đó đến bên này
Cho tôi xin nửa lòng Xuân thắm
Nửa gởi về thương góp tháng ngày
(Xuân không tuổi, trang 68)
Xuân về với vạn vật, muôn hoa, Xuân cũng tưng bừng reo vui trong lòng tác
giả:
Mùa Xuân về với muôn hoa
Reo vui trong nắng bao la ngập tràn
Đào hồng, Cúc thắm, Mai vàng
Cùng mùa Xuân đến dệt ngàn ý thơ
Xuân về trải mộng giăng tơ
Cho đời kết lại bao chờ đợi mong
...
Phải có một tâm hồn lạc quan yêu đời yêu người lắm mới khẳng định:
Có hoa đời đẹp như mơ
Nên mùa Xuân chẳng bao giờ tàn phai
(Xuân với muôn hoa, trang 69)
Đúng rồi! Mùa Xuân không lỗi hẹn ai bao giờ, dẫu đời đôi lúc muốn làm ngơ:
Nàng Xuân xinh đẹp thế gian ơi
Ngày Tết đầu năm lại đến chơi
Mang cả hoa thơm và nắng ấm
Giăng tơ trải mộng dệt khung trời
...
Rồi Xuân tạm biệt với muôn hoa
Hạ về Thu đến tiết Đông qua
Tỏa ấm lên chồi non lá biếc
Lòng Xuân muôn thuở vẫn chan hòa
(Xuân không lỗi hẹn, trang 70)
Đọc bài miêu tả cảnh Xuân sau đây nhớ đến Đoàn Văn Cừ nhà thơ theo khuynh
hướng tả chân thời tiền chiến:
Tình Xuân
Xuân trở lại gợi lòng nhung nhớ quá
Bên đèn hương, nghi ngút rước ông bà
Đón giao thừa, Mai nở Cúc thêm hoa
Chờ sáng sớm, bình minh Hồng rực rỡ
Trời mở rộng, tình Xuân vui hớn hở
Đàn én bay vòng lượn trước sân nhà
Đường dập dìu bao người quen kẻ lạ
Trẻ mừng reo, quần áo mới tung tăng
Pnong bì đỏ, tiền mới in xếp thẳng
Lời đẹp trao, câu chúc tụng an lành
Người cảnh cũ phương xa buồn thổn thưc
Pháo nổ dòn vui đón với mùa Xuân.
(trang 71)
Đôi khi mở lòng nhỏ to tâm sự với ngày Xuân, dưới mắt tác giả Xuân vẫn là
người:
Rồi chuyện chờ nhau, để gặp nhau
Nửa đời yêu trước, nửa đời sau
Cảnh đời ai đổi ai thay mặc
Mình vẫn nguyên sơ tự buổi đầu.
(Tâm sự với ngày Xuân, trang 72)
"Xuân
Hồng" là một bài thơ Xuân hay:
Mừng đón Xuân sang đến mọi người
Nắng hồng Xuân đẹp dáng Xuân tươi
Hương Xuân ngào ngạt lan trong gió
Vạn vật mừng reo đón gọi mời
Bướm đợi hoa chờ khoe sắc thắm
Én vòng quanh lượn cánh buông lơi
Trần gian rạo rực quên không ngủ
Đón Chúa Xuân về khắp mọi nơi
Hồn Xuân nghe ấm lòng chan chứa
Lắng khúc êm đềm tiếng nhạc rơi
Xuân nhẹ vào hồn xao xuyến lạ
Xuân mang tươi thắm đẹp cho đời.
(Xuân Hồng, trang 122)
"Bao giờ
mới hết Xuân" một bài thơ Xuân có nhiều ý tứ ngộ nghĩnh:
Xuân đến đông chưa kịp giã từ
Vẫn còn chút lạnh luyến lưu ư...
Nắng lên tỏa xuống sương còn sớm
Chim hót ngoài nghe giọng ngọt lừ
Xuân trẻ như ngày xuân mới lớn
Nhẹ nhàng đưa cánh én mang thư
Đón xuân ai biết bao giờ đủ...
Đến mãi, đếm hoài chẳng thấy dư
(Bao giờ mới hết Xuân, trang 75)
Nếu
"Xuân Xa"
là một bài thơ Xuân dễ thương:
Xuân về dịu mát ngát hương thơm
Lòng nghe phơn phớt gió xuân hôn
Quên hết cảnh đời đang tất bật
Cho tình xuân thắm đẹp nhau hơn
Đã trãi bao mùa xuân xứ lạnh
Càng thương nắng ấm chốn quê nhà
Xuân sang thềm cũ người đâu đó
Gợi nhớ buồn vui xuân xứ xa
Xuân chẳng vì ai xuân đúng hẹn
Tôi quê hương đó nhớ nhung hoài
Xuân ơi! Ngày nắng mưa trên phố
Những cánh hoa buồn thiếu nắng mai
Người vẫn chờ xuân ở cuối khuya
Như tôi mong Tết đón giao thừa
Ai chẳng mơ ngày xuân đổi mới
Nắng vàng trên khắp lối xuân xưa.
(Xuân xa, trang 84)
thì
"Những
mùa xuân nhớ" lại là một bài thơ Xuân cảm động:
Xuân sang xứ lạnh phương xa
Đón xuân gợi nhớ quê nhà bao năm
Chưa về từ cuộc bảy lăm
Ba mươi xuân đến tưởng nằm chiêm bao
...
Phương trời lạnh gió xuân lay
Quê nhà Tết đến nơi này xuân sang
Ai về gởi cánh mai vàng
Ghé thăm vườn cũ tặng nàng Xuân xưa.
(Những mùa xuân nhớ, trang 119)
Ngày xưa, Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông buồn rầu tự hỏi "Chiều xuống
quê hương đâu tá nhỉ?" (Nhật mộ hương quan hà xứ thị?- thơ Thôi Hiệu)
Ngày nay, Phan Long nhìn cảnh Xuân về trên vạn vật buồn nhớ và mong mỏi
một ngày quy cố hương:
Xuân tới ngày về trong chiến thắng
Trăm con hợp lại nước chung nguồn
(Về với muôn hoa, trang 74)
Xuân ơi ta hẹn Xuân về
Vang vang tiếng pháo lòng nghe thanh bình
(Tình Xuân xa xứ, trang 128)
Mừng đón năm Hai Ngàn Lẻ Hai
Hòa bình khát vọng ước mong hoài
Cầu mong chinh chiến không còn nữa
Thế giới thanh bình trong nắng mai
(Hơn hai ngàn năm góp lại, trang 136)
Giấc mơ ngày về trong chiến thắng, trăm con nước chung nguồn, Xuân về vang
tiếng pháo, chinh chiến xưa không còn, lòng nghe thanh bình quá, quê hương
và thế giới, thanh bình ngập nắng Xuân, là những thao thức khôn nguôi, là
niềm ước mơ tột cùng của hồn thơ Phan Long, đó cũng là tâm sự chung của
đàn chim lưu lạc. Hãy nghe nhà khoa học không gian kiêm nhà văn Toàn Phong
Nguyễn Xuân Vinh bày tỏ niềm ước mơ của mình:
"Tôi ước
mong rằng quê hương xưa của chúng ta sẽ phải thành một nước thịnh vượng,
dân chúng sống trong một bầu không khí tự do như người dân ở các cường
quốc khác."
(Trích
"Kẻ Sĩ
và Đất Nước"
của Nguyễn Xuân Vinh đăng trên Tập San Hội Y Nha Dược Sĩ tại LA, 1996
trang 137)
Một ước mơ rất bình thường của mọi người Việt Nam nhưng biết đến bao giờ
mới trở thành hiện thực?
Xin cám ơn thi sĩ Phan Long với lời cầu chúc
"lòng
Xuân muôn
thuở vẫn chan hòa"
để không ngừng sáng tác những vần thơ Xuân đầy ắp tình người:
Xuân mang tươi thắm đẹp cho đời.
---š
{ › ---
Vinh
Hồ
Tháng
12/2007

