
Phạm Thanh Khâm & Phù Linh Trân
(Thân tặng Anh Đường Du Bình)
Lời Dẫn Nhập
Xa quê nhà quá lâu, chúng tôi thấy ấm lòng khi mở trang mạng
NinhhoaDOTcom. Chúng tôi cùng sinh trưởng ở Ninh-Hòa, lập gia đình với
nhau từ 1963. Sau bốn mươi lăm năm đi sinh sống nhiều nơi, chúng tôi cùng
nghỉ hưu trí vào tuổi cao niên ở Hoa Kỳ. Người mình thường nói lá rụng về
cội như cây có gốc nước có nguồn; chúng tôi thực thích thú đọc được nhiều
bài viết giá trị về quê hương Ninh-Hòa. Cám ơn các tác giả và những người
điều hành NinhhoaDOTcom đặc biệt Anh Thành và Chị Giỏi.
Di Dân Đến Ninh Hòa
Tác giả Nguyễn Thặng viết: ”Giữa Thế Kỷ thứ 17, cư dân Quãng Nam, Quãng
Ngãi, Bình Định đến Ninh Hòa sinh sống...Những xóm làng đầu tiên của Ninh
Hòa là những làng xung quanh Ngã ba sông Dinh, nay là Thị trấn Ninh hòa và
các thôn ở vùng ven”.
Sau đó các thương thuyền người Hoa đầu tiên đến Ninh-Hòa theo ngã Sông
Dinh. Theo bài viết của người Sưu Tầm Hậu Bối Đường Sơn được Quách Cảnh
dịch ra Việt văn (1995) về lịch sử Võ Đế Miếu (Chùa Ông), có 6 lần trùng
tu chùa trong vòng non 200 năm. Trùng tu lần đầu năm 1814, lần 2 (1912),
lần 3 (1954), lần 4 (1956), lần 5 (1967), lần 6 (1993: Xây cổng Tam Quan
mở đường vào Chùa Ông).
Năm Xây Chùa Ông Và Bến Cảng
Tác giả cho biết còn nhiều dữ liệu thiếu sót chưa tìm được, mong thế hệ
tiếp nối bổ
túc, có thể chia làm hai phần.
Phần 1 liên quan đến năm xây
chùa: Tài liệu (bảng tổng kết cuối bài) ghi Chùa Ông được trùng tu lần đầu
năm 1814 do vị Đại Tổng Lý Ban Quãng Đông đầu tiên Đàm Mãi Nhủ.
Trùng tu có nghĩa chùa
được xây trước năm 1814, nhiều năm sau mới có trùng tu lần đầu. Vậy câu
hỏi cần giải đáp: Chùa Ông được xây năm nào và nhánh người ở tỉnh nào ở
miền nam Trung Hoa cho các thương thuyền cập bến lần đầu tiên ở “Bến” chùa
Ông? Có thể trong 550 bài vị của các vị tiền bối thờ tại chùa Quảng Đông
Ninh Hòa cung cấp các dữ liệu trên hoặc ngay tại Chùa Ông có ghi các dữ
liệu này?
Phần 2 liên quan đến năm có bến cảng: đoạn 2 của bài viết có nguyên văn
“Công nguyên 1910, phía Đông Ninh-hòa nay là thôn Văn Định, Xã Ninh Phú,
các thôn phụ cận là bến tàu các thương thuyền Đông Nam Á cập bến vận
chuyển hàng hóa lên chợ Ninh Hoà, trong đó đa số là người tỉnh Quãng Đông,
Phúc Kiến….” Câu hỏi được đặt ra là từ năm 1814 (năm trùng tu Chùa Ông lần
1) đến 1910 (96 năm) có hàng hóa chở đến chợ Ninh-Hoà bằng đường thủy dọc
sông Dinh hay không? Người viết chưa có dữ liệu nhưng suy đoán là trong
suốt 96 năm này, Chợ Ninh Hòa chắc phải có hàng hóa chở đến theo ngã sông
Dinh. Như vậy “công nguyên 1910 có thể là 1810 (?), họăc trong khỏang thời
gian này?
Tài liệu địa lý Sông
Dinh Và Ba Phụ Lưu
Theo tác
giả
Vinh Hồ, phụ lưu Sông Cái, Sông Đá, Sông Lốt nhập vào sông Dinh tại Họng
Ngã Ba gây lũ lụt các tháng 8, 9 , 10 âm lịch (tháng 9, 10, 11 dương lịch).
Sông Dinh dài độ 51 cây số tính từ Núi Vọng Phu ra Cửa Hà Liên, Vịnh Nha
Phu.
Theo
dự án UNDP VIE/97/002, nước Dinh dâng cao 3.07 m ghi nhận được vào tháng
11, 2002. Nước sông Cái dâng cao 8.59 m vào tháng 11/2003.
Theo tác giả
Lương Lệ Huyền Chiêu, nước sông Dinh qua một mùa nắng hạn không mưa không
lụt đen ngòm như một vũng ao tù (Xúc Cảm Cuối Năm).
Dựa theo các
dữ liệu trên, lưu thông bằng thuyền trên sông Dinh từ Cửa Hà Liên đến Cầu
Dinh chỉ xảy ra từ tháng 2 đến tháng 8 (6 tháng) trước khi xây các Đập Đúc
Ninh Giang, Đập Bảy Xã Suối Trầu, Đập Chị Trừ.
Phủ Đường Cũ của Phủ
Ninh Hòa
Cũng theo tác giả Vinh Hồ dựa theo lời kể của Trần Thế Vinh quê ở Thuận
Lợi cho biết Phủ Đường Cũ của Phủ Ninh Hòa ở làng Phước Đa. (“Từ Cầu Dinh…đi
ra hướng Bắc chừng một cây số…..có một con đường rẽ
trái).
Người Hoa Đến Ninh Hòa
Vì
còn thiếu nhiều dữ liệu,
có thể đưa nhiều suy đoán ngoài bến chùa Ông để đến chợ Dinh.
Đầu thập niên 1800, một số thuyền buôn đi từ Quãng Đông, Phúc Kiến, v.v.
trong biển Nam Hải vào Vịnh Nha Phu tránh bão. Họ thấy cửa Hà Liên và nước
hạ nguồn sông Dinh an toàn (từ tháng 2 đến tháng 8). Họ cho thuyền ngược
dòng đến làng Văn Định Hạ, neo thuyền bên tả ngạn, đi khảo sát thị trường
dọc theo đường làng đến Phủ Đường cũ Phước Đa. Cư dân lập nghiệp đến từ
Quãng Nam, Quãng Ngãi Bình Định ở những làng chung quanh là thị trường tốt.
Họ quyết định lập cơ sở buôn bán ở vùng Ngã Ba Sông Dinh. Khi Phủ Đường cũ
ở Phước Đa dời về địa điểm Ngã Ba Bùng Binh ngày nay, hậu duệ của những
người buôn bán đầu tiên tập trung vào khu chợ Dinh ngày nay. Những năm sau
thương thuyền tiếp tục đến, nhiều thương gia và con kiến đến khuếch trương
thương vụ. Họ giữ quốc tịch Trung Hoa đến 1954 (Theo Tác giả Đường Du Bình
trong bài Trường Tiểu Học Bình Hòa).
Thị trường Ninh hòa đem lại lợi tức cao, những người Hoa đầu tiên bắt đâu
chỉnh đốn chặt chẽ cộng đồng Hoa ở Ninh-Hòa. Để tưởng nhớ người quá cố và
thờ cúng thánh thần hộ trì, nhiều cơ sở tôn giáo/chùa Tàu đã được xây cất
(phần cuối trang mở đầu NinhhoaDOTcom). Chùa Ông có lẽ là một trong nhiều
công trình xây dựng đầu tiên trước năm 1814.
Hai chúng tôi học hai trường khác nhau, người học chữ Việt người học chữ
Quan Thoại. Nhân chuyến đi du lịch Hải Nam Trung Quốc năm 2002 (được viết
trong bài Bạn Cũ Trường Xưa Và Đời Tha Hương của Phù Linh Trân), chúng tôi
muốn tìm hiểu thêm về những chuyến hải hành của người Hải Nam đi buôn bán
từ các thế hệ trước. Tại các gia đình chúng tôi thăm viếng và ngay tổ
đường họ Phù, chúng tôi nghe điều đáng tiếc là nhà của họ bị tàn phá trong
cuộc cách mạng văn hóa Mao Trạch Đông. Mọi tài liệu cất giữ trong nhà từ
nhiều đời bị đốt bỏ. Hy vọng lớp hậu sinh tương tự như học sinh trẻ Hải
Nam trong ảnh đinh kèm với tính nhân bản và nhờ khoa học tiến bộ ngày nay
tránh được các sai lầm của bậc cha anh cùng nhau tái thiết những đổ nát.

Thăm Vườn Bông Trường
Đức Trí
Nhân ngày giỗ bốn năm của thân phụ của chúng tôi, Chị Nguyễn Thi Thi đã
cảm tác bài thơ Nhớ Thầy Phạm Văn Thưởng. Bài thơ đã làm chúng tôi xúc
động vì bài thơ đã chuyên chở tình người, tình bạn, tình nghĩa thầy trò,
công đức cha mẹ. Một lần nữa, chúng tôi cám ơn Chị Thi Thi, cám ơn Anh
Thành và toàn ban biên tập đã làm nhiều điều cao quí. Vào thăm vườn bông
trường Đức Trí, tìm thấy nhiều Anh Chị cựu học sinh Đức Trí dùng nước thời
gian tưới vườn hoa của ngôi trường xưa, nơi đã cho chúng ta bắt đầu tiếp
cận với tinh hoa của trí tuệ. Chúng tôi trân quí đọc từng bài của các Anh
Chị Đường Ngọc Chi, Nguyễn Thị Tri, Trần Thị Nghệ, Minh Trí, Lương Lệ
Huyền Chiêu, Đường Du Hào, Nguyễn Văn Thành, Lữ Thanh Cư,…. Các Anh Chị đã
viết bằng trái tim của mình.
Thay Lời Kết
Nhân dịp đầu năm Mậu Tý, hai chúng tôi kính chúc Quý đồng hương Ninh-Hòa
một năm mới an lành và phát đạt.

Phạm Thanh Khâm & Phù
Linh Trân
Houston, Texas cuối tháng 1/2008