Trở về trang VT-NTH


www.ninh-hoa.com
 



Mai Thái Vân Thanh

 

™™™ 

Người Đi Qua Đời Tôi:

Kỳ 1   |   Kỳ 2  |   Kỳ 3 


™™™
 

Vườn Hoa

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

                             
                                         
                                       
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thầy Chấn (VN). Các bạn từ trái qua: Minh Hậu (VN), Lệ Chi (bị che mặt), Minh Mẫn (VN), Lã Đoan Trang (Trang Ruồi) (US), và Thanh Tâm (VN). Các bạn đến thăm thầy nhân ngày Nhà giáo.

 

---š { ---

 

Phần 2:

 

Bà Hiệu trưởng của trường là bà Bùi Ngoạn Lạc. Bà đẹp như một nàng tiên diệu hiền. Tôi rất sợ bà, chẳng hiểu có phải là sự tôn kính dành cho một người Hiệu trưởng không nữa. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bà không làm Hiệu trưởng của trường mà “nhường ngôi” lại cho cô Tôn nữ Diệu Trang.

 

Nhìn trong hình, giờ thấy Bà vẫn còn sang và đẹp với mái tóc bạc phau.

 


Thứ tự từ bên trái qua:
Thầy Lạc, cô Trí, thầy Can, chị TTThu (NTH-74), ??, thầy cô Ngân, cô Hải, cô Lạc. Chồng cô Trí đứng phía sau thầy Ngân.

 

? ˜ { @

 

Thu dạy tôi môn Lý Hóa thời đệ nhất cấp tức từ lớp 6 đến lớp 9. Cô Thu ốm và hiền. Không hiểu sao tôi dốt môn này kinh khủng. Mấy cái công thức hóa học tôi nuốt không trôi nên ghét không thèm học bài luôn. Cứ mỗi lần làm bài kiểm tôi chỉ được 02 hoặc 03/20. Vì nó mà điểm trung bình của tôi bị kéo xuống.

 

Con Tuyết Lan thì giỏi môn này lắm. Nó lúc nào cũng được điểm cao. Còn tôi ngồi cạnh lại bị điểm thấp lủn chủn vì nó che bài rất kỹ. Chời ơi liếc qua thử mà không tài nào cọp được. Bạn bè thân mà nó cũng không ra tay giúp đỡ, còn tôi vì tự ái cũng không lên tiếng. Để cho nó thấy, đến giờ Toán làm bài kiểm, tôi chẳng bao giờ che bài mình, ai có muốn coi thì cho coi thả cửa. Nhưng Tuyết Lan nó giỏi đều mọi môn, chắc không thèm coi cọp đâu.

 

Năm 2003, tôi về Việt Nam đi Siêu thị ở Nha Trang có gặp lại cô nhưng cô không nhớ tôi. Học dở quá thì làm sao cô nhớ được, mà chẳng lẽ mình lại nhắc cô là hồi đó con ghét học môn Lý Hóa của cô lắm cô ơi. 

 


Phan Thanh Tâm (VN), Thu Hạnh (US), Liêm (VN), cô Thu dạy Lý Hóa(VN), Việt (VN), Tú (VN), Lệ Chi (VN)

 

  ? ˜ { @

 

 

Thầy Đinh Thành Tiên còn bị học trò gọi là Điên Thành Tinh. Đầu năm học nghe nói thầy Đinh Thành Tiên mới đổi về trường sẽ dạy chúng tôi môn Sử nên cả lớp háo hức tò mò muốn xem mặt thầy mới thế nào. Thầy bước vào lớp với kính râm che mắt, áo ba-đờ-suy đen, xách cặp đen, mang giày cộp cộp đi vào lớp. Wow! Trông ông thầy y như điệp viên “007” thật là ngầu. Cả lớp đứng dậy chào thầy và thầy ra dấu cho mọi người ngồi xuống.

 

Rồi từ từ thầy để cặp lên bàn, cởi áo ba-đờ-suy khoác lên ghế, tháo kính ra để trên bàn, kéo ghế ra và ngồi xuống ghế. Cả lớp nín thở chiêm ngưỡng từng động tác ung dung một cách trịnh trọng của ông thầy điệp viên. Xong thầy nhìn xuống cả lớp và cất giọng oanh vàng:

- Các em mở vở ra học Sử.ử.ử.ử…

 

Chữ “sử” lên xuống với cách phát âm của người Qui Nhơn hay người Quảng gì đó, nghe lạ tai và mắc cười hết sức. Bọn tôi đứa nào đứa nấy bậm môi ráng nín cười. Điệp viên thần tượng nói giọng Nẫu nghe kỳ quá, không êm tai chút nào.

 

Thầy hiền lắm, mặc cho tụi học trò con gái nghịch ngợm giả giọng Nẫu lên trả bài. Con nhỏ trả bài thì làm hề, bên dưới cả bọn thì cười khúc khích. “Chửi cha không bằng giả tiếng”, tụi tôi đúng là quá lộng. Cũng may điệp viên không chấp nhất. Nghe nói thầy giờ đang sinh sống ở nước ngoài nhưng tôi không biết thầy đang ở nước nào.

Bổ túc chuyện mới về thầy Đinh Thành Tiên (kỷ niệm của Chế Hồng Loan):

Số là có năm thầy Đinh thành Tiên dẫn các bạn trong đội bơi lội vào Cam ranh dự thi, trong số đó có người đẹp Chế Hồng Loan. Cô nàng tranh thủ ở Cam ranh có nhà bà con nên trốn ra nhà họ chơi và ngủ đêm ở đó. Đến sáng ngày mới lò dò vào trình diện thì bị thầy “chụp cổ mời đi ăn sáng” ngay. Hồng Loan hậm hực nói:

 

- Tao mới chui vô trình diện là “thằng chả” cho tao một cái hột vịt to tổ bố. Tao thù “thằng chả” hết sức dậy đó.

 

Nghe mà tê tái cả lòng không? Hổng phải tê tái cho Chế Hồng Loan nhà ta mà tê tái cho “thằng chả” kìa. Ngày nào trước mắt thầy thì dạ dạ thưa thưa cung kính lễ phép hết sức, sau lưng “xùng” lên là kêu bằng “thằng chả” liền. Thường thì mấy ông thầy trẻ chưa “dợ” mới bị kêu vậy thôi. Giờ thầy Tiên mà nghe được chắc sẽ tặng cô nàng Hồng Loan nhà ta thêm chục cái trứng vịt nữa mới đáng tội.

 

Kỳ thi bơi lội đó Chế Hồng Loan đoạt giải nhất mà tôi quên không hỏi nó có trả lại cái trứng vịt cho thầy không?

 

 

? ˜ { @

 

Thầy Thái Huy Bào dạy chúng tôi môn Sử Địa. Thầy là chồng của cô Mỹ Hoàng. Thầy Bào hồi đó đẹp trai, nói giọng Bắc rất hay. Mỗi lần thầy giảng bài lũ con gái cứ im phăng phắc ngắm thầy và lắng nghe giọng Bắc ấm cúng quyến rũ. Vì thầy đã có vợ chứ không chắc cũng có vài cô học trò mê mẩn.

 


Hình này chụp năm 2001 nhân dịp cô Bạch Vân về Việt Nam thăm viếng.
Hàng sau: Cô Đan Hà, Cô Nguyệt, Cô Ung, cô ?, cô Lễ, chị Khưu, cô ?, cô Mỹ Hoàng, thầy Bào, thầy Lang, thầy Hồng, 4 thầy kế tiếp không biết, thầy Chấn.
Hàng trước: cô Gia Hương, cô Lầu, cô Ngân, cô Bạch Vân, cô Anh, thầy Chương, thầy ?, thầy Tuyên

 

Thầy Trần Văn Châu Phan Thị Anh là một cặp vợ chồng cùng dạy môn Lý Hóa. Thầy Châu ốm và cao, cô Anh tròn trịa và đẹp phúc hậu. Trong thời gian dạy chúng tôi, cô cứ có bầu và sinh hoài thôi. Cô thầy đều hiền lắm. Tụi tôi rất thích học cô vì…được nghỉ hoài. Con cô đông nên tụi nó hay chia nhau nhức đầu sổ mũi, thế là cô giáo phải ở nhà săn sóc con.

Sau ngày 30-4-1975, cô bán một sạp đồ khô dưới chợ Đầm và hiện nay vẫn còn sống ở Nha Trang.

 

? ˜ { @

 

Cô M Loan dạy English. Cô đẹp và model hết sức. Tôi nhớ cô đeo cặp kính màu hồng lợt, và hay mặc áo dài lửng lửng ngang đầu gối. Dáng cô cao và thon thả đẹp lắm. Tôi rất thích ngắm và thương cái miệng của cô. Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng miệng của cô với cái miệng của chim họa mi, có phải vì chim họa mi tượng trưng cho những gì xinh xắn dễ thương không? Thật ra mỏ chim nào cũng nhọn hoắc, ví vậy chẳng đúng tí nào.

Sau nghe nói cô đổi vào Sài Gòn và bây giờ cô đang sinh sống ở đâu tôi cũng không biết.

 

? ˜ { @

 

Cô Bạch Vân dạy Nữ công gia chánh. Mỗi năm chúng tôi đều có giờ học Nữ công gia chánh. Con gái mà, phải biết may vá, thêu thùa, đan móc, nấu nướng chứ. Tôi rất thích học môn này, có điều tôi không có khiếu và còn làm biếng nữa. Học bao nhiêu năm chỉ nhớ và biết thêu mũi thêu xương cá, làm khăn tay….Còn thì đan len đều do Má tôi đan dùm từng cái tấc len, mũ len, và ngay cả áo len con nít.

 

Nhớ có một đêm, Má tôi phải thức suốt đêm để đan cho xong cái áo len vì ngày mai tới hạn nộp cho cô chấm điểm. Tôi thì ngủ vùi, lâu lâu thức dậy thấy Má đang cặm cụi đưa lên đưa xuống mũi kim đan thoăn thoắt mà thấy thương Má quá. Sau này, khi tôi sinh thằng con đầu, tôi đã cho nó dùng cái áo len này cho đến khi nó lớn không mặc vừa nữa.

 

Mỗi năm ở trường có tổ chức thi nấu ăn để học sinh trổ tài. Và có cả triển lãm thủ công. Tôi rất mê và nhớ hoài những món thủ công tinh xảo của các bạn.

 

Cô Bạch Vân đang định cư ở Mỹ. Cô vẫn còn trắng bum như cụm mây trắng.

 

? ˜ { @

 

Cô Thanh T dạy vẽ. Dáng cô cao lớn như Tây. Cô đẹp lắm, và trông rất sang. Tôi rất thích vẽ nhưng không có năng khiếu xuất sắc như nhỏ Hiếu. Có một lần cô cho đề vẽ trang trí một bình hoa. Tôi vẽ nháp cả 2 ngày, cuối cùng khi chấm bài cô hỏi tôi:

- Em lấy mẫu bình hoa này từ đâu vậy?

 

Tôi ấp úng nói với cô là do tự tay tôi vẽ ra chứ không lấy mẫu từ đâu cả. Vừa mừng vừa giận sao cô lại hiểu lầm như thế.

 

Cô đang ở Mỹ. Bao nhiêu năm mà trong hình thấy cô vẫn sang và đẹp.

 

? ˜ { @

 

Cô Quỳnh Nga dạy tôi môn Sử Địa. Nhà cô là tiệm sách Thư quán ở Ngã Sáu rạp Tân Quang ngày xưa. Da cô trắng như bông bưởi. Cô giống người Nhật Bản lắm. Mỗi lần giảng bài cô hay kể thêm nhiều chuyện không có trong sách giáo khoa và khi ra bài kiểm tra thường hỏi về những chuyện kể thêm này lắm. Ngồi nghe cô giảng bài một lúc là tâm trí tôi lại bay bổng lên chín tầng mây ít khi ghi chép đầy đủ. Sau buổi học tôi thường phải mượn vở nháp của bạn bè mà ghi chép lại.

 

Mùa hè năm 1976 hay 77 gì đó, chúng tôi họp bạn bè cũ đi picnic ở Bãi Dừa gần Hòn Chồng thì gặp cô Quỳnh Nga và gia đình cũng đi picnic cùng chỗ. Cô trò ríu rít chào hỏi nhau. Nhớ hôm đó nước rút nên mấy đứa tôi rủ nhau lội qua Hòn Đỏ là một đảo nhỏ xíu gần Hòn Chồng. Gia đình cô cũng lội qua đó. Hai ngày sau nghe tin cô và gia đình đã đi vượt biên. Vậy là hôm đó là ngày cô ra đi. Gặp một bầy học trò chắc cô lo lắm đây. Lạng quạng bị lộ chứ chẳng chơi. Còn không mà cả một bầy đi hôi theo thì ghe nào mà chịu cho thấu.

 

Kỳ đó chuyến đi của cô thành công đến được bến bờ tự do. Tiệm sách Thư Quán bị nhà nước Cộng Sản tịch thu.

 

? ˜ { @

 

Thầy Phạm Vinh dạy Anh văn. Tóc thầy nhiều, dựng và chỉa chỉa như lông nhím nên thầy còn có biệt danh là Thầy Vinh nhím. Thầy quen với cậu Ngọc tôi lắm nên tôi ráng học môn này cho đàng hoàng để khỏi bị mắng vốn. Có điều tôi không có khiếu Sinh ngữ nên không giỏi được.

 

Nhớ hồi đi học tôi hay mặc áo khoác dài che phủ cả mông vì lý do kỹ thuật của con gái đó mà. Mặc nhiều lần đến nỗi có hôm thầy hỏi tôi:

- Trò Thanh bị bịnh hay sao mà cứ mặc áo ấm hoài vậy?

 

Hồi đó mắc cở đâu dám nói thầy biết lý do. Mặc áo dài trắng tha thướt và đẹp nhưng nhiều khi cũng đau khổ lắm. Phải không các bạn?

 


Các thầy cô họp mặt năm 1999.
Hàng sau: Thầy Sáu, thầy Hy, thầy Hồ Đăng Châu, cô Hòa, thầy? Cô? Thầy Trần văn Châu, thầy Phạm Vinh, cô Mỹ Hoàng, thầy ?, bác Tri, thầy Tuyên.
Hàng trước: Thầy Diên (chết), cô Thư, cô Tri Chỉ, cô? Cô? Cô Thu, Cô Ngân, cô Nguyêt, cô Anh, cô?

 

 

 

(Xem tiếp Phần 3)

 

 

 


 

 

 

---š { ---

 

 

q  Mai Thái Vân Thanh  q
Minnesota September 23, 07