Cầu Sắt Sông Dinh năm 2000 - Nguyễn Văn Thành
Trang Thơ & Truyện: Mục Đồng                |                 www.ninh-hoa.com



 Trần Thanh Thiên
Bút hiệu: MỤC ĐỒNG

   Người làng Bình Thành,
xã Ninh Bình.

 Cựu học sinh trường
Trung Học Nguyễn Trãi
niên khóa 1992-1995.
 



Hiện đang du học
tại Delhi, Ấn Độ.

 

 

 

 

 

                                         


Bài thơ dịch

Hán dịch bài thơ "NGỜI SÁNG CHÂN TU" của cô Nguyễn Thị Thanh Trí

--- ˜ { ---

耀

耀

 

Phiên âm:

Huy Diệu Chân Tu

Cát đoạn trần lao nhậm ý thiền

Chân tu huy diệu đạo thường chuyên

Triêu chung điệu khách li mê lộ

Mộ cổ linh nhân thoát huyễn triền.

Thưởng nguyệt nghinh phong tâm ánh nguyệt

Nhơn duyên ngộ quả đạo trùng duyên.

Tam Bảo thâm ân cầu gia hộ

Hoằng khai Chánh pháp phổ nhân thiên.

Vài lời:

Nhận thấy bài thơ của cô Thanh Trí phù hợp với sở thích của mình quá, nên Mục Đồng mạo muội dịch ra chữ Hán để dành kỷ niệm, nhưng lại nghĩ thơ thì có ai để kỷ niệm bao giờ, mà chỉ có hình ảnh, quà cáp thôi. Thơ thì phải có hoạ, có thưởng, nó mới vui. Thế nên lão mục đồng này ngậm ngùi chia sẻ đến bà con, cùng với vài lời phi lộ như sau:

Bài này chỉ là phỏng dịch, nó khó mà xác nghĩa với nguyên bản tiếng Việt. Thơ Đường tiếng Việt thì có thể bỏ qua một vài niêm luật, đối ngẫu; nhưng Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật thì đòi hỏi phải chỉnh, nhất là về đối ngẫu ở 2 câu Thực và Luận. Xin tạm gát qua 2 câu đề và kết, chỉ bàn vài dòng về 2 vế giữa như sau:

Hai câu Thực của cô Thanh Trí:

"Hồi chuông dẫn kẻ xa lầm lạc
Tiếng mõ đưa ta thoát ảo huyền"

Hai chữ cuối của mỗi câu, ta tạm xem là 1 danh từ: sự lầm lạc và sự huyễn hoá, giả tạm. Mục đồng xin dịch bằng 2 vế đối là:

"Triêu chung điệu khách li mê lộ

Mộ cổ linh nhân thoát huyễn triền."

(chữ huyễn có thể đọc là chữ ảo cho thuận).

"Mộ cổ" với "triêu chung" là hai pháp khí trong cửa Thiền, nó đồng đẳng, đồng năng. Dẫn khách (điệu khách) đối với khiến người (linh nhơn) là hai vế gồm 1 động từ + 1 tân ngữ. Câu trên là "mê lộ" (đường mê), câu dưới là "huyễn triền" (sự trói buộc của thế giới đầy mê hoặc) cũng là 2 vế kép, gồm 1 tính từ + 1 danh từ. Hai câu thực như vậy cũng tương đối.

Đến hai câu Luận, nguyên bản:

"Thưởng nguyệt nghinh phong tâm ánh nguyệt
Phước duyên hạnh ngộ đạo thiên duyên."

Dịch hai câu này thật là khó, vì một phần trong nguyên bản có một số từ thuần Hán, một số từ Hán Việt, một phần chúng ta chưa hiểu hết ý tác giả. Cho nên, mục đồng xin sửa lại một chút, là:

"Thưởng nguyệt nghinh phong tâm ánh nguyệt

Nhơn duyên ngộ quả đạo trùng duyên."

"Thưởng" -"nghinh" là 2 động từ, được đối với "nhân"- "ngộ" là 2 động từ khác. Câu trên là hai hành động: ngắm trăng, đón gió; câu dưới là nương theo duyên, chứng ngộ quả. Câu trên 2 từ "nguyệt", câu dưới 2 từ "duyên" vẫn còn giữ nguyên thể như bài thơ Việt. TÂM đối với ĐẠO thì khá chuẩn rồi. Câu trên chỉ cảnh giới đẹp của nhà sư khi đang vui sống giữa đời thường. Câu dưới là trạng thái tâm của một bậc GIÁC NGỘ.

Vài dòng múa rìu qua các bậc thợ siêu tay nghề, Mục đồng hy vọng bà con nhàn nhã mà thưởng thức cho vui chứ không dám mạo phạm ai. Nếu tiền bối nào có cách dịch hay hơn, Mục đồng rất vui được ngâm nga cùng.

 

Sáng 26/01/2007
 Mục Đồng

 

                 

               


 

 

Trang Thơ & Truyện: Mục Đồng                |                 www.ninh-hoa.com