Trang Thơ & Truyện: Trần Đình Nguyên Soái               |                 www.ninh-hoa.com

TRẦN ĐÌNH NGUYÊN SOÁI

 

Cựu học sinh
Trường Trung Học Đức Linh,
Ninh Hòa,
Niên Khóa 1964-1976
 

Trước 1975 sống tại Dục Mỹ

 

 

Hiện đang sinh sống tại
tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

 

 

 

 

 

 


 

 

DẤU ẤN KỶ NIỆM
Trần Đình Nguyên SOÁI

 

  

 

D

òng thời gian đã lùi xa, rất xa. Nếu tính ra đã hơn một đời người. Thế mà hai chữ kỷ niệm trong tôi. Không thể nào diễn tả nổi.

Tôi đã sống dọc theo quốc lộ 1 cả một hành trình dài, bắt đầu là Phan Rang đến Tu Bông, Ba Ngòi, Diên Khánh, và cuối cùng trụ chân ở Ninh Hòa. Khi Tôi đến, Ninh Hòa vẫn là vùng đất đìu hiu tạm bợ. Phương tiên di chuyển đi lại lúc bấy giờ là xe ngựa. Vào năm 1955 đến 1956, nơi đây rất êm đềm bình dị, gia đình tôi sống gần ga Ninh Hòa, và Tôi bắt đầu cuộc đời biết đánh vần A, B, C,… từ đây.

Trường tiểu học Phạm Ngũ Lão là một ngôi trường nhỏ tre lá, trường có ba gian, chia làm nhiều lớp. Tôi được học lớp 5A do anh Mười (không hiểu sao? Lúc đó tôi gọi Thấy Mười là anh) phụ trách. Tuổi thơ và những kỷ niệm đầu đời được đánh dấu tại Ninh Hòa.

Trường Tiểu học Phạm Ngũ Lão nằm gần một cái hồ sen, mỗi lẫn ra chơi chúng tôi thường ra gần bờ hồ ngắm sen nở. Vì thế, màu hoa sen, mùi sen nở nó luẩn quẩn trong trí nhớ của tôi khi tôi khôn lớn. Đường Ninh Hòa từ ngã ba đi Nha Trang lúc đó trồng vườn cây keo (cây me đất) là loại cây có gai, trái giống trái me, cong như trái me nhưng nhỏ hơn trái me, ruột màu trắng hạt đen, ăn được. Các ngày nghỉ học, chúng tôi tụ năm tụ ba, ra ngã ba mua kẹo gừng, loại kẹo không gói giấy, họ lăn bột để khỏi dính tay, một đồng mua được mười cục kẹo. Thế là kẹo bỏ túi và trang bị một cây gậy có dây chì ở đầu để khều trái keo chín.

Tản bộ ra ruộng đi dọc theo chiều đường rày xe lửa tìm dế để bắt, đem ra trường để đá dế. Về đến ga, nằm dưới các gốc cây phượng ngửa mặt lên nhìn trời xem hoa phượng nở và rơi, khều các con ve trên cây phượng, đem hoa phượng về ép vào sách, vì là thời không chiến tranh, nên cuộc sống lúc đó rất thanh bình, đêm nằm nghe tiếng vó ngựa, sáng nghe tiếng rao bánh mì. Hồi đó các em bán bánh mì bằng cái bao vác trên vai đi vào các ngõ rao bán, tiếng rao bánh mì buổi sáng nghe hay hay, nó làm sống động một buổi sáng, trưa lại lang thang ra ga, ngắm các đoàn tàu đi và về, ngắm hàng phượng của ga Ninh Hòa, tối nằm nghe tiếng còi tàu, ấn tượng không tả. Các hình ảnh này nó in đậm vào sâu thẳm ký ức không bao giờ quên, nhất là món nem Ninh Hòa tuyệt vời.

Đến năm 1958 gia đình tôi chuyển về Dục Mỹ, ngày đầu đến Dục Mỹ phải căng lều ngủ vì chưa có nhà, Dục Mỹ lúc đó chỉ là vùng đất nghèo nàn lơ thơ vài căn nhà lá, sau vài tháng mới tạm ổn nhà ở. Do các lính của sư đoàn 23 làm chia đều cho vợ con của lính. Chùa Mỹ Sơn Tự là rừng cao su còn sót lại. Nhà Thờ Dục Mỹ là vùng cát dựng tạm để sinh hoạt tôn giáo, từ đây hình thành ngôi trường Tiến Đức. Lúc này, tôi cũng đã khá khôn, học lớp ba, lớp nhì, ở trường bằng tường lá. Đến năm 1960, trương Tiến Đức mới xây xong, tôi học lớp nhất tại đây (Thầy Tăng Hùng Phi dậy). Suốt hành trình từ năm 1958 đến năm 1975, không biết bao nhiêu là kỷ niệm từ con đường, dòng suôi, cây cầu, rừng cây, bạn bè,… Dục Mỹ không có cây phượng, chỉ có loài hoa màu vàng nở vào mùa hè, mọc ở hai bên suối, nên chúng tôi đặt là hè vàng cộng với cầu ông Ngọ, vì cứ đến 12 giờ là chúng tôi tụ tập nơi đây để tắm để nô đùa, xong lên nằm trên bãi cát nhìn màu hoa vàng, kéo nhau chui vào rừng bắn chim, tìm trái cây rừng như trái bứa ăn rất chua, bứa to như một quả cam, nên không có thằng nào ăn nổi một trái.

Dục Mỹ dần dần được nâng lên thành yếu khu, dân số Dục Mỹ lúc này các nơi tụ về khá đông vì nơi đây có đến ba quân trường, lính lúc nào cũng ồn ào nào nhiệt, trường Tiến Đức tôi sinh hoạt cả trí tuệ lẫn trí dục, tôi sinh hoạt văn nghệ rất hăng say, tham gia các hội đoàn, vào hướng đạo sinh quân đội, thỉnh thoảng nếu nhớ Ninh Hòa, tôi lại đạp xe về ga Ninh Hòa ngắm hàng phượng của ga Ninh Hòa, vì hàng phượng của ga Ninh Hòa gây cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Đến năm 1967, tôi lại được về Ninh Hòa học, tôi học tại trường Đức Linh, lớp đệ tứ, duy chỉ học có một năm nhưng tôi lúc nào cũng tản bộ theo bờ tường để thăm trường học cũ, trường Phạm Ngũ Lão. Lúc này, hồ sen đã biến mất, tôi không hiểu tại sao? Hàng keo hai bên đường cũng không còn, bến xe ngựa năm xưa bây giờ thành cây xăng, các dấu ấn kỷ niệm dần dần biến mất. Thời gian cứ từ từ lặng lẽ trôi, chiến tranh hai miền mỗi ngày càng ác liệt, tôi tạm gác bút và vào Lạng Sơn. Quên đi những ngày tháng của tuổi thơ, quên đi những hàng phượng hàng me, cây cầu, con suối nhưng mỗi lần có dịp về qua, tôi vẫn tạt vào thăm trường cũ.

Năm 1975, biến động đất nước, thế là chia tay bạn bè, ngôi trường các dấu ấn kỷ niệm, quên hẳn một chặng đường dài gần bốn mươi năm. Các bạn thử nghĩ đi! bốn mươi năm đi qua quá nhanh, những kí ức thì chậm, nó luôn luôn canh cánh làm ta nhớ đến dấu ấn kỷ niệm, thế là lên đường tìm lại chuyện ký ức Ninh Hòa - Dục Mỹ.

Các bạn biết không? Có thể tôi chết đứng lặng hàng giờ trước thực tế, khi còn ngồi trên xe tôi luôn luôn nghĩ nó thơ nó mộng nó vẫn đẹp như ngày nào, thế mà con đường ngã ba đi về trường Bán công và trường Đức Linh, không có một tà áo trắng, không có một quần tây xanh, nó lặng lẽ im lìm. Trường Phạm Ngũ Lão cũng biến mất, nhường chỗ cho khu dân cư, các hàng keo bên đường tuyệt gốc không còn một cây, duy nhất chỉ còn tám cây phượng trên đường vào ga Ninh Hòa. Về đến Dục Mỹ, tôi còn sững sờ và đau đớn hơn nhiều, dòng suối khô cạn, cây hai bên bờ bị phá vô tội vạ, trường học Tiến Đức sập mái, vắng bóng học sinh, tôi tạt qua trường Bồ Đề, cũng không hơn gì trường Tiến Đức. Các hình ảnh trên tạo cho tôi sự chán nản, vô cảm, tôi không còn từ nào để diễn tả. Nhưng, cũng còn cái may, tôi đã liên lạc được với bạn bè cũ, lúc đó tôi nghĩ không còn ai cả, vì khi ra nghĩa trang tên tuổi bạn bè tôi nằm ở đây quá đông, tôi chỉ biết dùng từ “Ôi thời gian!”.

Sau đó, tôi liên lạc được với hội đồng hương Ninh Hòa – Dục Mỹ, các bạn ạ! Nếu ký ức thực tế biến mất, vậy ta tìm đến ký ức trong tim trong tâm hồn, đúng đó các bạn ạ, nếu nói đến Ninh Hòa thì phải nói đến Dục Mỹ, và ngược lại. Vì trong chúng ta, bạn chúng ta phải có một lần học ở Ninh Hòa và Dục Mỹ, vậy hỏi trong một năm chúng ta tìm về ký ức tuổi thơ trong vòng có vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, khi đầu đã bạc, đã lên chức ông bà, nhưng chúng ta vẫn nhớ đến thời học trò thời áo trắng đẹp nhất trong cuộc đời người, đừng vì một lý do gì chúng ta làm mất đi một phần đẹp đẽ của hội đồng hương Ninh Hòa – Dục Mỹ, vì hội phải là nơi khơi nguồn sức sống kỷ niệm cho ngày hôm nay, không chỉ là hai mà chỉ là một.

Có cô bạn hỏi tôi: “hồi đó ở Dục Mỹ sao anh không chịu nói?”

Tôi nói: “Anh phải đi học ở Ninh Hòa”

“Ô… vậy sao!” cười trừ. Huề, vì tóc đã bạc.

8X, 9X Ninh Hòa – Dục Mỹ có vui không? Ông bà như vậy đó, Ninh Hòa – Dục Mỹ luôn ở trong tim mọi người.


 

 ĐỒNG HƯƠNG HỘI

 

Anh đến Hà thôn một buổi chiều

Làng xa đô thị gió đìu hiu

Lòng buồn thổn thức chờ thu đến

Bóng dáng thủy tiên dưới bóng chiều

 

Cốt cách dung nhan dáng ngọc ngà

Hương lan thoang thoảng gió mặn mà

Đồng hương Hội Dục Mỹ - Ninh Hòa

Căn nhà muôn thủa khó phôi pha

 

Kỷ niêm nơi đây ta với ta

Lòng người mãi mãi với căn nhà

Này đồng hương hội của chúng ta

Sống mãi với chúng đến tuổi già.

Trần Đình Nguyên Soái

 

 

 

 

Tháng 02 năm 2012
Trần Đình Nguyên Soái.

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Trần Đình Nguyên Soái                  |                 www.ninh-hoa.com