Trang Thơ & Truyện: Tiểu Thu                |                 www.ninh-hoa.com

Bút hiệu:  Tiểu Thu
 

  Sinh năm 1947 tại Quận Cao- Lãnh- Đồng Tháp

  Theo gia đình rời Việt Nam tháng 4-1975 và định cư tại Thành phố Montréal, Tỉnh bang Québec, Canada.

  Bắt đầu sáng tác năm 1987. Cộng tác với các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tuyển tập…tại Mỹ, Canada, Âu Châu…Trong Ban Biên Tập Tam Cá nguyệt Cỏ Thơm.

  Đã góp mặt trong các Tuyển Tập Đồng Tâm, Tuyển Tập Phụ Nữ Việt, Trầm Hương...

Được nhà văn Hồ Trường An giới thiệu trong Tập Diễm Ngưng Huy, Giai Thoại Văn Chương và Bút Khảo Quê Nam Một Cõi.
 

  Tác phẩm đã xuất bản:

-Sóng Nước Tình Quê năm 2002

-Tiếng Hót Vành Khuyên 2007


 

 


 - Hiện định cư tại thành
   phố Montréal, Québec,
   Gia Nã Đại (Canada).


 

 

 

 


    

 

PHẦN 1:


 

      Mệt ngất ngư sau mấy mươi tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay. Ngủ gà ngủ gật trong khi chờ đợi ở phi trường Luân Đôn và Thái Lan, cuối cùng rồi Thơ cũng đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Sau hai mươi lăm năm ly hương. Lòng Thơ cứ rộn lên vì biết lũ cháu và những người thân đang bồn chồn đợi phía ngoài cửa. Lúc rời Canada, tuy đang mùa hè nhưng năm nay trời cứ lành lạnh như mùa thu. Cái nóng gay gắt của Sàigòn ập vào người khiến Thơ đổ mồ hôi hột, nhưng những tiếng kêu "cô, cô... tụi con đây nè" đầy ắp sự vui mừng khiến Thơ quên hết. Cái đám cháu khi Thơ rời Việt Nam chỉ là mấy đứa trẻ lau nhau, bây giờ đã tay bồng tay bế. Thơ không còn nhận ra đứa nào lớn đứa nào nhỏ nữa! Thử tưởng tượng bà chị dâu cứ sòn sòn năm một. Thỉnh thoảng lại chơi trò lai rai đầu năm một đứa, cuối năm một đứa. Lúc cao hứng còn cho ra nguyên cặp! Mười ba đứa tất cả. Sàn sàn nhau. Ôm các cháu vào lòng mà rưng rưng nước mắt. Ngày người anh duy nhất lìa đời Thơ không về. Nhưng lời trăn trối của mẹ làm Thơ bứt rứt: Thơ à, mỗi năm Thanh minh con nhớ về thăm mộ má nghen. Thơ đã long trọng hứa cho bà vui lòng. Vậy mà cũng đã mười năm, giờ này Thơ mới thực hiện được... Mấy đứa cháu tranh nhau mời cô đi ăn tiệm. Nhưng điều Thơ muốn thực hiện trước tiên là về quê thăm mộ.

 

          Chiếc van, do cô cháu gái mướn có tài xế, khá tốt. Đường không dài. Sàigòn- CaoLãnh độ trăm tư cây số, nhưng đường sá hẹp lại nhiều xe, mỗi ông tài lái một kiểu, mạnh ai nấy chạy, chen lấn tùm lum nên đi rất chậm. Từ Ngã ba Trung Lương quẹo phải về hướng thị xã CaoLãnh, hai bên đường vườn ổi xá lị, nhãn, đu đủ, mãng cầu xiêm...nối tiếp nhau. Thơ nói tài xế ngừng xe để mua ít trái cây về cúng nhà từ đường và ngoài mộ. Cả một tiểu đội gồm già có, trẻ có, sồn sồn có, ngay cả một nhi đồng uớc độ năm sáu tuổi gì đó, bưng những rổ, những sề, những thúng trái cây ùa đến vây quanh đám người từ trên xe bước xuống. Thơ hoa mắt không biết chọn thứ nào? Bởi thứ nào cũng hấp dẫn, nhìn thôi cũng muốn chảy nước miếng! Ổi xá lị da xanh bóng như ngọc. Mãng cầu xiêm chín da mỏng dánh, tỏa mùi thơm ngát. Nhãn hột tiêu cơm dày, mọng nước ngọt lịm. Khi nhìn thấy đứa gái nhỏ cầm cái tô sành đựng đầy trái trứng cá chín, đẹp như những viên san hô, Thơ thấy cả một kỷ niệm êm đềm đang trở mình sống dậy... Hồi xửa hồi xưa, ngày nào không leo lên tảo thanh cái hàng trứng cá trồng dọc theo con lộ mới là Thơ cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó. Trái trứng cá tròn tròn như viên bi ve, lúc chín đỏ mọng, bóng ngời. Aên vừa ngọt vừa thơm, lại có cái cảm giác rào rạo dưới răng nên đám nhi đồng rất thích. Có điều kỳ lạ là trong những giấc chiêm bao, thỉnh thoảng cái màn hái trứng cá lại hiện về. Rất đầy đủ chi tiết. Như cái lần Thơ dám trèo qua mấy vòng dây kẽm gai mà bác sáu Đông quấn quanh thân cây để cản lũ trẻ trèo lên hái trái. Hay cái hôm Thơ và thằng Liêm vừa leo lên tới cháng ba, bỗng có tiếng la bài hải của con Lành đứng dưới đất: - Tụi bâyxuống mau. Coi chừng con rắn lục đeo phía trên. Trong đời Thơ sợ nhứt là rắn. Vì vậy không cần biết có hay không Thơ tuột cái rột xuống đất, ống quần bị vướng đâu đó tét một đường lên tới đầu gối. Về nhà còn được mẹ thưởng thêm mấy con lương vô cặp mông nõn nà!...

 

       Qua khỏi thị xã, nhà cửa mọc lên như nấm khiến Thơ không còn nhận ra nhà những người quen hoặc họ hàng, tọa lạc hai bên con đường dẫn về xã Tân An, nơi chôn nhau cắt rún của Thơ. Trước đây (có nghĩa là hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua), nhà nọ cách nhà kia bằng một khu vườn. Có khi là một vườn cam, một vườn quít hoặc mận, xoài... Phía trước nhà là vườn hoa, rồi một hàng bông dâm bụt, bông trang hoặc bùm sụm, thả dây tóc tiên trổ bông đỏ chói làm hàng rào, sau đó mới tới đường cái. Phía bên kia đường là con sông nhỏ. Lối đi từ trong nhà ra tới đường cái thường được lót gạch tàu đỏ au. Ngay góc nhà phía trước, sát lối đi là lu nước, có cái gáo dừa máng bên cạnh. Thời xưa người có tiền sắm xe đạp, ít nữa thì đi xe lôi. Người nghèo thì dùng phương tiện "lô ca chưn". Không tốn tiền nhưng dưới ánh nắng mặt trời lại rất tốn mồ hôi.Thành thử lâu lâu phải ghé vô nhà nào đó uống nhờ gáo nước lạnh cho đỡ khát.Vườn tược được quét dọn sạch bóng. Cây cối xanh tươi tạo một cảm giác mát mẻ, sảng khoái . Nhưng nay, những vườn cây đã bị đốn đi. Nhà cửa khít vách xây sát mé lộ khiến Thơ có cảm tưởng con đường hẹp hơn xưa. Cũng không còn thấy những bến sông phía bên kia đường. Hồi đó mỗi nhà đều có một chiếc xuồng neo dưới bến. Đó cũng là một phương tiện di chuyển của dân quê. Vừa nhanh chóng lại không tốn một xu nào.

 

          Từ trước bảy lăm, Thơ vẫn không hiểu tại sao chính quyền thời đó lại chọn chính cái mãnh đất của gia đình Thơ để thành lập cái chợ mang tên là Trần Quốc Toản? Trừ căn nhà xưa của ông bà nội, căn nhà ngói đỏ của ba má Thơ phải dỡ đi. Vườn dừa, vườn cam và vườn soài bị đốn sạch. Thay vào đó là những căn phố lầu và cái nhà lồng chợ. Nghe nói lại hôm những "đao phủ thủ" tới đốn vườn cam, cô hai của Thơ ôm từ gốc cam tơ mới có trái chiến khóc sướt mướt! Thơ tiếc mấy cây bưởi ruột đỏ và mấy gốc chanh giấy sau hè nở những chùmï hoa trắng muốt. Sau những cơn mưa hoặc lúc màn đêm buông xuống lại tỏa mùi thơm dịu dàng, tinh khiết. Má kể hồi Thơ mới năm sáu tuổi gì đó, một hôm qua chơi bên nhà bác ba Chương, Thơ chạy về nhà, người nóng như lửa, vừa ngã vô lòng má là trợn mắt, nghiến răng lên cơn động kinh. Má hoảng hốt la cầu cứu inh ỏi. Lối xóm chạy tới chật nhà. Ai đó la lên rằng phải tước vỏ cây chanh đem vô nấu nước uống sẽ hết động kinh. Không nghĩ ngợi một tích tắc nào, ba Thơ chạy thẳng ra cây chanh sau hè, lột một mảng da từ dưới gốc lên gần tận ngọn! Mỗi lần hồi tưởng lại, Thơ không khỏi thấy lòng rưng rưng...Tội nghiệp cho cây chanh, vô cớ bị lột một miếng da!..

 

 

 

Đọc PHẦN 2

 

 

 

 

 

   

Tiểu Thu

 


 

 

Trang Thơ & Truyện: Tiểu Thu               |                 www.ninh-hoa.com