Trung học TBT Ninh Hòa   n và Thơ

ĐẶC SAN MÙA HẠ 1973 - THỀM VĂN
Ngô Văn Ban




NVăn Ban


Cựu Giáo sư 
Trung học Ninh Hòa
(Trần Bình Trọng) 
Niên khóa 1968-1975

 

 

Truyện/Tùy Bút:


 
Hạ Trong Cõi Thơ-1

Hạ Trong Cõi Thơ-2
 

 

 

 


 


H Ạ  T R O N G  C Õ I  T H Ơ _________________________________

Thầy Ngô Văn Ban 

 

(tiếp theo Kỳ 1)

 

          Chính vì những khó chịu đó mà ai cũng mong mỏi mùa hạ trôi qua mau cho con người thoát khỏi những oi bức đó, và không khỏi tiếc nhớ một quá khứ mát dịu, êm đềm đã qua – như đã từng tiếc nhớ những cái gì đã qua trong đời :

Gió bay bông lựu đỏ tơi bời

Tựa gốc cây đu đứng nhởn chơi

Oanh nợ tiếc xuân còn vỗ cánh

Én kia nhớ cảnh cũng gào hơi

(Ngô Chi Lan – Vịnh Hạ)

 

          Nhưng càng nhớ tiếp những gì đã qua, càng thấy bực cho hiện tại. Và con người cũng vẫn phải cam chịu và mãi mãi trách hờn :

 

Ai xui con cuốc gọi vào hè

Cái nóng nung người nóng nóng ghê

 

Cái nóng của mùa hạ năm nào đó đã nung lòng tác giả hai câu đó : Nguyễn Khuyến (1835 -1909). Cái nắng hạ đã nóng nung người ông ta hay cái  “thế sự” mà ông giã từ kia đã  “nung nóng “ ông ta ? Và cái gì đã khiến ông ta :

 

Biếng trông trời hạ nước non xưa

Ý khí ngày thường nghĩ đã trơ

 

Người lười biếng, ý khí đã trơ, nhưng vẫn “ngâm nga” được trước cảnh hạ:

 

Ngõ trước vườn sau um những cỏ

Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê

Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác

Trong tối đua bay đớm lập lòe

 

Và trước những “thú vui” hàng ngày của ông ta :

 

Thơ Đào cửa miệng đưa câu rượu

Xóm Liễu quanh khe chịu tiếng khà

 

          Có phải vì không chịu những” tai trời ách nước” đó mà ông ta phải tìm những vui thú để quên đi, như cá nọ bướm kia:

 

Cá vượt khóm rau lên mặt nước

Bướm len lá trúc lượn rèm thưa

 

          Trong bài “Mùa hạ” sau, ta cũng thấy được một Nguyến Khuyến “biếng nhác” như thế, dù cho có sự  “giục giã” thoảng nghe:

Tháng tư đầu mùa hạ

Tiết trời thực oi ả

Tiếng dế kêu thiết tha

Đàn muỗi bay tơi tả

Nỗi ấy biết cùng ai

Cảnh này buồn cả dạ

Biếng nhác năm canh chày

Gà đã sớm giục giã

          Những “oi ả, thiết tha, tơi tả” đó chỉ làm cho ông “buồn cả dạ”, cũng như đã khiến cho ông Trần Tế Xương. (1864 -1906) cũng buồn như thế, như trong bài “Đêm Hè” sau đây:

 

Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn

Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn

Bối rối tình duyên cơn gió thoảng

Nhạt phèo quang cảnh bóng trăng suông

Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện

Bút bút nghiêng nghiêng khéo giở tuồng

Ngủ quách sự đời, thây kẻ thức

Bên chùa chú trọc đã hồi chuông

 

          Một đêm hè, nóng, oi, ngủ không được, có phải nhờ thế mà ông ta đã sống thực với lòng mình ?

 

          Một con người sống bất cần đời, sống bạt mạng, ăn chơi trụy lạc, cả đời cứ bị cái nghèo đeo đẳng, cái thi cử nó hành hạ, thế mà chẳng đủ để cho đời ông thêm cay đắng xót xa sao mà còn có lúc phải:

 

Bối rối tình duyên cơn gió thoảng

 

Ông lại cho rằng chuyện” khăn áo, bút nghiên” “thêm” rầy chuyện”, thế sao suốt đời cứ mãi chạy theo khoa cử công danh? Sao ông không tìm một lối thoát khác, có phải vì thái độ “ngủ quách”,  “thây kẻ thức”, mà ông ta không “thoát”? nhưng làm sao đây, có muốn ngủ, chẳng ngủ được, vì tiếng chuông chùa đã đổ hồi công phu, đã sắp sáng rồi. Phải cho ông thấy cái thực tại của đời, của mình chứ !

 

Và ông đã thấy một “tai trời ách nước”: nắng quá thành “Đại hạn” :

 

Dạo này đá nát với vàng phai

Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi

Ngày trước biết gì ăn với ngủ

Bây giờ lo cả nước cùng nôi

Trâu mừng ruộng nẻ cầy không được

Cá sợ ao khô vượt cả rồi

Tình cảnh nhà ai nông nổi ấy

Quạt mo phe phẩy một mình tôi

 

          Đúng như vậy, bây giờ đá đã nát, vàng đã phai, người ta mong mưa, mong nước không thiết gì ăn ngủ. Nhưng có trâu mừng vì đất nẻ cầy không được, có cá sợ đất khô nên đã vượt cả. Còn ai? Còn lại một Trần Tế Xương:

 

Quạt mo phe phẩy một mình tôi

 

          Đó là chỗ đứng của ông ta. Đó có phải là một thái - độ khôn lanh của một kẻ “biết đời biết ta” hay là thái độ của một kẻ bất lực, trốn tránh trách nhiệm, sống ngoài lề những người khác, chẳng làm gì được cho bản thân, cho gia đình và cho cả quốc gia, dân tộc?

 

Nắng đã về trong thơ cổ

 

            Nắng nóng, hạ buồn chỉ làm cho những kẻ bất đắc chí nắm lấy để gởi gắm tâm sự mình. Nhưng trải qua những “nắng lửa”, nắng vẫn không vì thế mà nhạt nhòa, hao gầy, mòn mỏi. Nắng năm xưa vẫn là nắng năm nay. Nắng có khác chăng là nắng nhập vào cõi thơ này người ta khoác áo cho nắng khác với cõi thơ kia. 

 

Và một sớm mai nào đó, ta có bắt gặp những chùm hoa, và nghe gió mai :

 

…Khẽ nói lọt tai

Người: Hoa nhiều sao không

hái ? Người cười thưa với

gió: Lòng là vườn hoa, hái

rồi biết cất đâu?

Gió ngừng sau đèo mây thả

hoa về trong nắng

(Thi Vũ)

 

          Mây đã thả hoa về trong nắng ! Hỡi thi nhân ! hãy bắt lấy hoa và dệt nắng trong thơ…

 

 

 

 

GS  N g ô  V ă n  B a n

 

 

 

T h ề m  V ă n

Trở về Trang Đặc San Mùa HẠ 1973

 

 

 

  

 

Trung học TBT Ninh Hòa  

Trang Nhà - www.ninh-hoa.com