Mồng hai Tết chúng tôi qua đò lên thăm Đảo. Thuyền vừa cập bến thì tiếng
chuông công phu ngân nga đưa vọng xuống. Không vào chùa vội chúng tôi
đứng dưới gác chuông lắng nghe sư trụ trì thỉnh chuông buổi sáng. Một
trăm lẻ tám tiếng chuông vang vọng cùng một trăm lẻ tám lời kinh lắng
dần trong gió. Sóng biển buổi sáng thầm thì bên vách đá. Các ánh sóng
nhỏ trên cành lá thiên tuế chung quang gác chuông đua nhau nhảy múa dưới
ánh mặt trời mới lên. Thanh tịnh và trong trẻo. Biển ngát xanh, bụi trần
đã giũ sạch. Tiễng chuông thong thả ngân nga. Bóng chiếc áo vàng rung
nhẹ theo nhịp ngân của hồi chuông. Giữa không gian trầm mặc, tâm không
lắng mà trong, tình không động mà yên. Đứng cạnh gác chuông, nghe chuông
ngân lòng cảm nhận được tiếng chuông ấm mà trầm. Nghe từ xa thì chuông
ngân vang và thanh thoát. Những buổi sáng tinh sương ra ngồi nơi bờ biển
hay đi bộ trong không gian tĩnh mịch của bờ biển Nha Trang, mỗi khi nghe
hồi chuông vẳng đến, tâm nhẹ mà trong, tình sáng mà vui. Lên đảo nghe
chuông, đứng gần nghe chuông, tâm ta đồng vọng. Ở xa nghe chuông, đi dạo
nghe chuông, lòng ta thoáng nhẹ, tình ta mông lung.. Cho nên ở xa nghe
chuông để thức tỉnh, đến gần nghe chuông để trầm lắng cuộc đời.
Nhớ lại có một buổi trưa đang ngồi thiu thiu nơi gác chuông thì đúng lúc
sư bà Chúc Trí lên thỉnh chuông. Trong cái hiu vắng của buổi trưa nơi
hải đảo đứng chắp tay nghe đọc kinh thỉnh chuông người nghe kinh như
được tắm mình trong sự bình yên thanh nhã. Những lời kinh trong vắt như
ánh sáng buổi trưa được lọc qua tán cây xanh tỏa mát. Sau mỗi lời kinh
là một tiếng chuông. Sau mối tiếng chuông ngân là âm vang một bầu trời
trong sáng. Và dưới bầu trời trong sáng là sự yên tịnh an lành..
Gió từ biển xa như tụ về. Nắng từ trời cao như đọng lại. Cây lá như lao
xao nhè nhẹ. Hải đảo như vút cao giữa cõi lòng vừa tĩnh lặng, vừa an
như.
Buổi nghe chuông trưa hôm đó và buổi nghe chuông sáng hôm nay tuy có
khác thời gian và người thỉnh chuông song cả hai đều là nguồn thanh tịnh
từ giọng đọc kinh cho đến âm thanh tiếng chuông ngân vang mãi trong hồn
người nghe. Ngồi nơi hiên chùa, đứng nơi gác chuông hay quì trong đại
điện, người nghe chuông không cảm nhận được sự thanh tao và trầm lắng
bằng đứng giữa không gian cao rộng của hải đảo trời mây.. Trên đầu, mây
trắng đang lững thửng trôi nhẹ nhàng, dưới chân, sóng trùng dương lặng
lờ vỗ bờ đá. Màu xanh của đại dương mênh mông trùng trùng hoa sóng. Giữa
cõi thênh thang ta như lơ lững giữa bầu trời cao rộng. Thân cùng vút bay
với dòng sóng âm thanh. Tiếng chuông thoát ra và không bay rộng trong
không gian mà như đọng lạị lững lờ trên bầu trời hải đảo. Người trên bờ
nghe như chuông trầm lặng bay đến, người đứng bên gác chuông dường như
nghe được tiếng chuông ngân trầm nhẹ lắng đọng quanh mình.
Một hồi chuông ngân nhẹ và đổ hồi. Tà áo cà sa nhẹ nhàng bay trong gió,
vàng trong nắng. Giờ đây tiếng chuông như vọng lan xa. Tiếng ngân như
tan hòa trong nắng gió. Tôi đã nghe trọn vẹn một thời kinh. Tôi đã hưởng
trọn sự tinh khiết của lòng từ bi, sự trong sáng của tiếng chuông chùa.
Sau khi vào chùa thắp nhang lạy Phật và thỉnh an chư vì sư cụ và trụ trì
chùa Từ Tôn tôi lại lang thang đi vòng quanh vườn đảo. Nơi phương Đông
cạnh Nghinh Phong đài tôi đứng lặng nghe và nhìn đàn chim đua nhau hót
trong các lùm cây tỏa rộng trên vòm đá.
Trước tiên là những con chim bồ chao.Chúng có thân hình bằng chim chóp
mào. Nhất là giống in như chim chóp mào. Chòm lông trên đầu là một chòm
lông trắng. Lông ức cũng bạc phơ màu. Cách chuyền trên cành cây cũng tựa
như chim chóp mào nhưng hơi khác là chúng hót và tìm mồi đặc biệt.
Giọng hót của chim bồ chao không được trong trẻo và đặc biệt nhất là ồn
ào, chúng luôn luôn hợp xướng với nhau. Một con cất tiếng lên giọng thì
cả bầy nhốn nháo đồng hợp sức cùng nhau gây thành một trận líu lo không
cùng nhạc điệu mà lại là hỗn hợp điệu. Cái bè nhạc này khiến cho người
nghe có phần bỡ ngỡ vì tưởng như chúng đang tranh nhau, giành nhau tiếng
hót. Chúng vừa nhảy vừa chuyền từ cành này sang càng nọ, mỏ như ngoác ra
hót liên hồi. Cuộc hợp xướng như một cuộc cãi nhau, dành nhau thốt ra
tiếng hót. Khi một đàn chim chóp mào cất cao giọng hót cùng nhau, thì âm
thanh vừa nhịp nhàng vừa phân biệt riêng các âm cao âm thấp Khi một đàn
chim se sẻ ríu rít trước hiên nhà, tiếng ríu rít tuy rộn ràng nhưng nhỏ
nhẹ. Nó giống như một đoàn con nít đang nô đùa cùng nhau dưới sân
trường. Còn khi bầy chim bồ chao hợp xướng thì nó giống như bè nhạc rộn
ràng chen lấn như âm thanh một đám hội đổ giàn.
Nhiều lúc chúng chỉ có một cặp không thôi mà khi chúng cùng nhau hợp ca
thì chẳng khác gì một đàn năm bảy con hợp xướng. Cho nên chim bồ chao
chỉ làm cho người nhìn đẹp mắt chớ không làm cho tai người nghe thỏa
lòng. Nhìn chúng chuyền trên cành với cái chóp mào trắng xinh xắn làm ta
liên tưởng đến những con chim chóp mào có lông mào trắng. Chim bồ chao
ngoài việc chuyền cành còn bay xuống các gốc cây bươi tìm mồi. Chúng
lặng lẽ tìm mồi chỉ trong một chốc lát rồi bay vụt đi nơi khác và bỗng
chốc quay lại cùng nhau hợp ca inh ỏi rồi lại tản mạn trên các vòm cây
chung quanh đảo. Nơi sân chùa có một cây xoài lâu năm nhất. Nó được
trồng từ khi chùa mới thành lập ( năm 1961). Giống đem từ giống xoài nơi
chùa Đá Trắng ở Phú Yên. Đây là giống xoài tượng tuy trái nhỏ song vì
ngọt thanh tao đằm thắm hằng năm chỉ để cống cho vua. Cây xoài này nhờ
sống gần nhà bếp nên đầy đủ nước tưới cùng tình người thân cận nên được
bầy chim bố chao coi như là nơi tụ hội. Những buổi sáng tinh sương,
những buổi trưa êm ả khi vắng bóng người chúng tụ về hợp xướng ồn ào náo
nhiệt. Chúng tụ hội trên cành cao rồi bay đậu dưới gốc xoài, đập cánh
vào nhau và cùng rối rít ca bài ca hỗn loạn. Một lát sau như đùa vui
chán, chúng lại bay đi. Nằm yên lặng nơi chiếc võng đầu hiên sư cụ Viên
Mãn lắng nghe lòng mình bồi hồi trong giây lát. Những cảnh đồng quê yêu
dấu thủa ấu thời đầy tiếng chim bồ chao kêu trong nắng, tưởng tượng đến
niềm vui trẻ thơ những ồn ào chợt đến chợt đi những gì của thiên nhiên
đem lại như đã có sẵn từ thủa nào.
* *
Nơi vườn trúc đào mọc thưa thớt, những đóa hoa màu tím rực rỡ dưới nắng
hồng. Cây trúc đào không có mùi thơm, nhựa trắng chứa chất độc nhưng lại
có nhiều sâu. Đây là vườn hoa của những con chim sâu nhỏ bé, lông vàng,
mỏ hồng, chân hồng. Tiếng hót nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng liên tục. Âm thanh
theo nhịp cánh chuyền từ cành này qua cành nọ như một sợi âm nhạc nối
tiếp nhau phát ra từ những chiếc hoa dưới nắng vàng trên hải đảo. Bóng
chim vàng như những cánh bướm nhởn nhơ từ chùm hoa này đến chùm hoa nọ.
Những con chim sâu tìm mồi vui mà không hối hả, mắt nhấp nhánh mà không
láo liên như các chú se sẻ. Nghe chim sâu kêu ríu rít lòng tôi bồi hồi
nhớ đến phụ thân tôi. Những năm tháng cuối đời ông đã mù đôi mắt. Tuy
nhiên tai ông rất thính. Nằm cô đơn trong gian phòng hiu quạnh, ông nghe
rất đầy đủ âm thanh chung quanh nhà và phân biệt rất tường tận các âm
thanh.
“Nguyên sáng và chiều nào cũng có một đôi chim sâu bay đến cây ổi kêu
ríu rít.
Gần bên song cửa sổ có nhánh ổi là đà. Đó chính là nơi đôi chim dừng
cánh. Chúng đến độ năm mười phút rồi bay đi. Tiếng chim sâu kêu nhỏ, rời
rạc nhưng êm đềm. Lắng nghe chợt nổi, chợt chìm, nhỏ nhẹ như thỏ thẻ bên
tai. Một đôi khi chim hót từng hồi líu lo, giọng trong thanh và nhẹ
nhàng. Những khi chim hót ba tôi thường bão:
- Chim mái hót, mình sắp nhận được quà hoặc chim trống hót mình sắp nhận
được thư xa.
Buổi sáng chim hót có tin vui.
Buổi chiều chim hót có khách quý đến chơi nhà.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao ba phân biệt được tiếng chim trống và tiếng chim mái hót.
- Tiếng nghe trầm mà ngân xa là chim trống.
- Tiếng nghe nhẹ mà thánh thót là tiếng chim mái.
Sự việc thường xảy ra rất đúng như lời ba tôi nói. Khi chim mái hót thì
y như là có quà của em Mộng Hoa, anh chị Gia, người bạn thơ vong niên
Thi Vũ v.v... thỉnh thoảng có đôi người bạn ở nước ngoài hoặc ở các tỉnh
xa cũng thường gửi quà thăm viếng.
Một hôm, trời đã về chiều, hai cha con tôi đang ngồi trò chuyện thì bỗng
nghe trên cây ổi vang lên một giọng chim nhẹ mà thánh thót rót vào tai.
Ba tôi cười:
- Chắc sắp có khách đường xa tới, mà là giai nhân nên chim mái vội đến
báo tin tuy trời đã về chiều. Không biết quen hay lạ đây.
Tôi cũng cười:
- Chỉ mong là người quen.
Tối hôm ấy vào khoảng mười giờ thì ba tôi có khách thật. Đó là một nữ
trung niên Việt kiều bên Nhật đi du lịch tại Việt Nam. Nhân qua Nha
Trang đã muộn nên vội ghé đến thăm để sáng mai lên đường sớm. Đây là một
khách yêu mến cuộc đời và thơ văn của ba tôi từ khi còn là một sinh viên
Việt Nam đi du học nước ngoài rồi ở lại lập gia đình và sinh sống. Suốt
30 năm xa quê hương, bà ấy luôn luôn mang theo bên mình hai tập thơ “Một
Tấm Lòng” và “Mùa Cổ Điển”. Gần đây bà ta có mua được tập thơ “Giọt
Trăng” tại Paris.
Cuộc thăm viếng không đầy 20 phút đồng hồ của người nữ khách phương xa
đã rót vào hồn ba tôi một niềm vui nhẹ nhàng, đằm thắm”.
Nhìn chim nhảy
nhót trên cành buông, tiếng hót dịu dàng trong sáng lòng nhớ phụ thân
không thể nào nguôi được. Tôi bèn trở về chùa ngồi trên gành đá ngắm
trời mây. Gành đá nằm kề gần bên hiên chùa cận gian phòng sư ông Viên
Mãn. Bến cạnh cửa sổ có một cây sứ cổ thụ trổ đầy hoa trắng.Trên cành
hoa lá chen nhau có bầy chim chóp mào đang chập chờn nhảy lượn. Chúng có
vẻ đang nô đùa hơn là tìm mồi. Khi chúng đứng yên thì thân hình lẫn vào
trong lá, khi chúng vụt bay thì như lá lìa cành. Nếu không nhờ có âm
thanh của tiếng kêu tôi không nhận ra là có chim trên cây sứ.
Lâu nay tôi thường chỉ được nghe chim chóp mào hót trong những chiếc
lồng treo nơi hiên của ngôi hàng bác thợ hớt tóc nơi đầu đường hay trong
những chiếc lồng xếp hàng theo vòng tròn nơi bải chim trước nhà Bưu điện
Nha Trang của các nhà chơi chim hội tụ mỗi sáng. Những chú chim này hót
như hợp xướng cùng nhau một giọng ca có sẵn như rập theo một nhịp điệu
vui rộn, chen lấn nhau như để thõa nhu cầu hót ca.
Đang chăm chú nhìn đàn chim vui đùa nhảy nhót trên cành sứ tôi bỗng nghe
vang lên một giọng hót thánh thót. Thật bất ngờ, không gian đang im lặng
bỗng vang lên những tiếng hót lãnh lói, vang động và nhịp đôi nhịp ba
kéo dài.. Âm thanh vang lên như tiếng gió bỗng rào rào trong vòm lá,
tiếng sóng vỗ ầm ì nơi bờ đá. Tiếng hót âm vang như tiếng một dàn nhạc
hợp xướng vang lên dưới bầu trời xanh ngát đầy mây trắng bay bay. Một
giây phút ngừng thở vì hạnh phúc tràn đầy, vì sự sung sướng đến bất
ngờ.Hạnh phúc của thiên nhiên đem đến thật lớn lao, thật ngây ngất tâm
hồn.
Dưới bầu trời trong xanh, những cánh hoa sứ như chao nghiêng, như lay
động không phải vì sóng nắng mà vì sóng âm thanh. Điệu hót của những
cánh chim chóp mào long lanh trên cánh hoa sứ trắng như những nốt nhạc
của hoa nắng đang nhảy múa trên các phím đàn dương cầm. Chiếc dương cầm
có phím bằng hoa sứ trắng, bằng lá sứ xanh. Sóng biển ngoài khơi đang lô
nhô nghe nhạc.
Hỡi những người yêu âm nhạc. Hỡi những kẻ thích nghe chim hót. Xin đừng
đi đâu xa. Xin đừng len lõi vào rừng sâu núi thẳm để lắng nghe được
tiếng chim hót rộn ràng đầy âm nhạc thiên nhiên. Hãy để vài giây phút
rảnh rang qua hòn đảo xanh tươi này, ngồi lắng nghe tiếng chim chóp mào
hót vang trên vòm cây sứ trắng hay trong tán lá xanh tươi lòa xòa trên
vách đá soi mình bên mép nước biển chập chờn con sóng nhỏ vỗ bờ vách đá.
Cũng tại các bờ vách đá này, những con chim đơn lẻ nép mình trong kẻ đá
hót những tràng tiếng hót lanh lãnh đầy âm thanh xa vắng. Tiếng chim cô
đơn như tự lòng đá thốt ra như thấm đầy nước biển, mặn mà đầy tha thiết.
Không biết được chim tên gì, tôi đành gọi tên là chim đá. Chim kêu xong
rồi bay đi chỉ còn lại khe đá trơ vơ với lớp sóng ngàn năm vỗ bờ không
biết mỏi.
Trước khi rời chùa tôi tìm lại nơi bầy chim bồ chao ồn ào tranh nhau
hót. Chim đã đi xa chỉ còn nắng vàng oi bức. Nơi vườn hoa trúc đào không
còn cánh chim sâu nào chỉ còn cánh hoa trúc đào tím màu tím đậm đà. Khi
đi qua hiên nhà có gốc sừ già thì không còn một tiếng chim chóp mào còn
sót lại. Những hoa sứ trắng yên lặng đẫm nắng trưa.
Chiếc thuyền thúng đưa tôi qua bờ trong tĩnh lặng của buổi trưa đứng
bóng. Chỉ còn có tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Tiếng chim hót như tan
vào không gian trong suốt của buổi trưa nơi hải đảo Hòn Đỏ.