Chúng tôi được mời tham dự buổi gặp mặt đồng hương giữa: Linh mục Ánh
Đăng cai quản một nhà thờ tại thành phố Qui Nhơn và Đại đức Thạnh Vũ tu
trì tại tinh xá Ngọc Ấn. Cả hai vốn yêu âm nhạc. Tác phẩm đã được in ấn
và phổ biến nhiều nơi. Lần gặp gỡ đầu tiên do sự giới thiệu của một nhà
doanh nghiệp Bình Định. Bốn thành viên được mời tham dự cũng đồng quê
hương Tây Sơn.
Cuộc hội ngộ giữa hai vì tu sĩ Phật giáo và Thiên chúa giáo rất chân
tình và đằm thắm ngay trong giờ phút quây quần chung quanh chiếc bàn bàn
tròn có trục xoay kê nơi gian nhà bếp. Gió từ khu núi rừng sau vườn thổi
về lồng lộng. Bữa cơm trưa tuy đã xế chiều song thật đậm đà. Chén tương
do chùa tự chế, dĩa rau lang luộc của vườn chùa, bát canh tập táng nấu
với nấm rơm có chen lẫn vị chua của lá giang mọc hoang ngoài bờ giậu,
hòa hợp cùng câu mở đầu của vì linh mục:
Các món ăn đều
mang sắc thái đậm đà của quê hương Bình Định.
Tiếng cười cởi mở. Mọi người đều nhận rõ ý nghĩa thân tình của lần gặp
gỡ giữa những người con Bình Định.
Cơm xong, chúng tôi ngồi uống trà và ngắm khu vườn bên hiên chùa.
Trời đã xế chiều. Khu vườn rộng khoảng hai mẫu đất rừng, tuy chưa được
qui hoạch song đã phảng phất dáng dấp một thiền viện.
Vùng đất rất yên tĩnh. Chung quanh có núi vây bọc. Phía Bắc, một ngọn
núi bình đầu trông như một tiền án. Hướng Nam, hai ngọn núi nằm châu đầu
vào nhau như hai con voi khổng lồ đang đấu vòi chầu khu vườn. Giữa hai
con voi là một khe núi, mùa mưa nước chảy thành thác, ôm vòng qua khu
đất. Thật là một cảnh tượng nên thơ..
Sau chùa trên 100 gốc mai tuổi gần mười năm. Thân mai đã to, cao quá đầu
người, có cành oằn xuống sát đất. Chừng vài năm sau khu vườn sẽ có nền
cỏ xanh tươi dịu dàng trải dài dưới những tán mai đầy hoa vàng giữa mùa
xuân mới. Dưới gốc mai yên lặng nép mình những gian lều cỏ tranh chờ đón
người ngồi học tập tu thiền.
Bao bọc vườn mai, một khe suối chảy quanh co, mùa hè khô nước, chỉ róc
rách vào mùa mưa. Một khóm tre xanh men theo dòng suối rắc lá vàng lên
thảm cỏ xanh rì. Cạnh khóm tre là một hồ sâu rộng trồng hoa sen và hoa
súng. Tất cả vừa mới khởi dựng song nhìn vào đã thấy ăm ắp tương lai.
Đang miên man suy nghĩ thì từ nơi thiền viện thánh thót ngân vang những
âm thanh dương cầm réo rắc. Sư Thạnh Vũ đã lặng lẽ dạo khúc “Bông Hồng
Tôn Kính Mẹ Cha”. Nhà sư ngoài biệt tài viết thư pháp còn làm thơ và
viết nhạc. Phần nhiều nhạc viết về lòng tri ân Cha Mẹ và ơn nghĩa Đạo Từ
Bi. Tác phẩm đã xuất bản như: Ân tình cha mẹ, Niệm khúc dâng đời, Cát
bụi dòng đời,Tâm ca Vu Lan, Tâm ca Phật đản, Bông hồng tôn kính mẹ cha
v.v..
Chúng tôi lắng lòng nghe những âm điệu tâm ca. Những giọt âm thanh,
sáng long lanh tấm lòng thành kính tri ân của chúng sinh đối với đức
Phật, lời thổn thức ca tụng tình cha nghĩa mẹ. Đó là những giọt nắng
long lanh trong sắc lá, trong ánh nắng chiều, trong hơi sương bắt đầu
thấp thoáng trên những đỉnh núi xa. Cảnh chiều mông mênh trong một vùng
tĩnh mịch, nhưng tràn đầy niềm vui của thiên nhiên, của tâm đạo. Tiếp
theo là bài Lạy Cha Mẹ Con Đi. Kỷ niệm của ngày sư Thạnh Vũ giã
từ gia đình vào chùa. Sư vừa đàn vừa hát. Lời thơ hòa cùng âm thanh gieo
cảm xúc vào lòng.
Nơi vườn mai, ánh chiều vàng như đọng lại lời hát của người con: