Trang Thơ & Truyện: Quách Giao                |                 www.ninh-hoa.com

QUÁCH GIAO

Bút hiệu:
QUÁCH TÙNG PHONG
Sinh năm 1934
 

Con nhà thơ Quách Tấn
Theo học tại các trường Đại hoc Y Dược, Luật khoa và Văn khoa tại Sài Gòn.
Năm 1955 khi còn là học sinh trường trung học tư thục Kim Yến ở Nha Trang, Quách Giao đã tham gia đăng thơ trên tờ Gió Mới với biệt hiệu là Vương Kiều Thu.

Các bài thơ đăng trên báo Gió Mới số 2, 4, 6 là Hai Em Bé Mồ Côi (Sau đổi là Tình Chị) Ông Lão Quét Lá Khuya, Hai Chiều Xa Cách.

Tại Huế, Quách Giao có thơ đăng trên Tạp Chí Lành Mạnh. Ở Sài Gòn cộng tác với báo Bách Khoa, Văn Học cho đến năm 1975.

Năm 1988 Quách Giao cùng với phụ thân là nhà thơ Quách Tấn viết và xuất bản tập lịch sử Nhà Tây Sơn.

Các sách viết chung với thân phụ ông còn có: Võ Nhân Bình Định (nxb Trẻ năm 2001) và một số lớn các tác phẩm Văn xuôi Kể Cả Thơ.

 

 

 

Hiện cư ngụ tại
Nha Trang, Việt Nam

 

 


 

 

 

 

 

 

M Ẹ

QUÁCH GIAO

 

 

 

     Hôm nay là ngày mười ba tháng tư âm lịch. Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày Phật đản.

Sáng nay, sư Viên Mãn ngồi dưới bóng xoài, nhìn những chùm xoài đong đưa trước gió, chùm xoài tượng đầu mùa thay đổi màu da và hình dáng theo từng ngày. Mới hôm nào chùm trái xanh màu lá chuối non, thân bé bỏng đong đưa theo làn gió ban mai mà bây giờ trái đã nõn nà, da xanh màu ngọc bích, trĩu nặng  dưới các cọng xoài thanh thanh. Trong nắng biển, màu da xoài xanh mặn mà hơn. Bụi phấn mỏng sớm phai dần theo sắc nắng. Nhà sư lòng bỗng nhiên nhớ đến mẹ già. Mùa xoài sắp đến. Sau lễ dâng hương Phật, sư định trong lòng sẽ về dâng mẹ trái chín đầu mùa. Gió biển thổi về hiu hiu. Nắng vàng thắm đượm khắp nơi trên Hòn Đỏ. Thốt nhiên, nhà sư nghe như có tiếng đá sỏi lăn nơi sườn dốc trên đường đi xuống bến đò. Bóng lá xoài chập chờn như vẫy chào đón. Nơi đầu dốc bóng mẹ già hiện ra nhòa mờ trong ánh nắng. Gương mặt mẹ khắc rõ nét trên nền trời. Những nét nhăn trên trán, trên đôi gò má và nhất là cái miệng móm mém đang vừa nhai trầu vừa như mỉm cười với trời đất. Những giọt mồ hôi chảy dài theo các lằn nhăn trên má trên trán. Và trong hơi gió tiếng mẹ như thầm thì:

-  Ở đây nhiều nắng quá. May lại cũng có nhiều gió. Mẹ ra thăm con và đem cho con một trái mít chín cây mẹ vừa mới hái.

Nhà sư nhìn mẹ cảm động. Chưa kịp nói với mẹ một câu nào thì bóng mẹ đã nhòa đi trong ánh nắng. Bóng mẹ đến thật nhanh và biến đi cũng thật nhanh. Bỗng nhiên không khí trên đảo thơm lừng mùi mít chín. Mùi thơm ngọt ngào, có sắc vàng óng như màu nắng. Một giấc mơ chợt thoảng như có như không.

Sóng biển như ngừng lại, mặt biển im lìm trải rộng. Màu xanh của biển lẫn với sắc xanh của trời. Tâm nhà sư tự nhiên xao động và sư chắp tay ngồi thiền định để nguôi đi lòng xao xuyến bâng khuâng.

Chiều hôm đó bé Xí con anh Sáu Sài Gòn ra đảo tin cho sư Viên Mãn biết tin cụ bà bị té nặng và hiện đang nằm nơi chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa tại núi Sinh Trung. Không thể chờ đợi có đò đưa, nhà sư đã cởi áo quần lội biển vào đất liền lên Sinh Trung thăm mẹ.

Trong một gian phòng nhỏ, sư Viên Mãn ngồi lắng nghe tiếng mẹ kể bên tai:

Buổi sáng khi công phu xong mẹ ra sân quét lá. Chợt mẹ thoáng ngưởi thấy mùi mít chín. Ngẩng đầu nhìn lên cây mít nơi đầu dốc mẹ thấy một trái mít có màu da vàng thắm. Trái mít lớn chỉ khoảng bằng đầu một bé con song có vẻ già như một trái mít đẹt. Mẹ đến gần thì ngửi thấy mùi thơm. Khi đưa tay vỗ nhẹ lên trái mít thi có tiếng bịch bịch của trái mít chín vang lên. Đúng là trái mít đã chín. Mẹ đưa tay vói hái. Bỗng nhiên mắt mẹ  như có một lằn chớp hoa lên rồi mẹ chới với ngã ngồi xuống đất. Cả bầu trời bỗng tối sầm và mẹ té nằm xoài ra đất. Vừa may con bé Xí trông thấy bèn chạy vào chùa kêu mấy  bà đang làm công quả ra khiêng mẹ vào. Nhà sư cũng kể lại cho mẹ nghe câu chuyện trông thấy mẹ khi sáng này. Hai mẹ con chỉ còn biết nắm tay nhau trong im lặng.

Biết rằng mình không thể nào qua khỏi, mẹ nhà sư báo cho con biết số vàng mà bà đã dành dụm suốt cả cuộc đời chôn nơi góc sân sau chùa. Số vàng này không nhiều song đã giúp cho nhà sư tu bổ và xây dựng ngôi chùa Từ Tôn ngày một  khang trang.

Trong nơi thanh vắng ở một hải đảo khô cằn, sư Viên Mãn thấm thía nhận ra được sự cần thiết tình mẹ thiêng liêng. Và người đã thầm  tự nguyện:

Mẹ tôi mất đi, tôi quyết tâm trụ lại chùa Từ Tôn vĩnh viễn vì khi còn mẹ, tôi vẫn thường đi đi về về với chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa.

 Kể từ 1981 tôi đã đăng ký  hộ tịch thường  trú tại chùa Từ Tôn Hòn Đỏ.

Cuộc đời con người dù là thế thường hay tu hành, lòng nhớ thương cha mẹ vẫn canh cánh bên lòng. Cuộc đời của tôi luôn luôn gắn liền với biển đảo và tình mẫu tử thiêng liêng.

Có nhiều đêm tôi ra ngồi một mình đối diện với biển Đông (sống trên đảo nhiều năm tôi ít khi ngồi trước biển) để suy  tư về cuộc đời.

Đêm nay, sau buổi kinh tối, tôi ra ngồi nơi gành đá hướng Đông. Biển chìm lắng trong màn đêm thanh thoát trong suốt như pha lê. Lòng tôi bỗng nhiên nhớ mẹ tôi tha thiết. Không biết là vị nhớ đến mẹ mà tôi ra ngồi nhìn biển đêm hay là vị ngồi nhìn biển đêm mà tôi nhớ đến mẹ tôi.. Trước biển rộng mênh mông lòng tôi lại thiết tha nhớ mẹ. Trong lòng tôi chợt vang lên câu hát mà từ lâu tôi đã được nghe: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Bài hát này tôi chỉ thích duy nhất có câu này.

Đêm đen trên biển không thăm thẳm mà lại có màu đen trong ngần, có lẽ nhờ ánh sáng của bầu trời có các vị sao. Lòng nhớ mẹ thật mênh mông. Bây giờ mẹ không còn nữa tôi mới biết được những giây phút gần mẹ là những giây phút hạnh phúc nhất. Dù trước đây những tháng ngày bên mẹ là những tháng ngày cơ cực nhất, nhưng bây giờ nhớ lại chính là những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời. Chỉ có mẹ tôi là nguồn vui, niềm an ủi cho suốt cuộc đời thơ ấu của tôi. Và mãi mãi cho đến tuổi đời khôn lớn.Tôi đã sống dưới bóng mát của mẹ, hồn nhiên như thở khí trời, thụ hưởng ánh sáng và cảnh vật chung quanh. Đến khi mẹ mất, nỗi quặn đau tưởng đến đứt ruột, rồi niềm đau cũng qua đi nhưng nỗi buồn chợt đền chợt về để tâm hồn như xót như xa. Nhờ lao động, nhờ tu niệm mà niềm thương nhớ mẹ của tôi như tan lẫn vào không gian, vào khí trời quanh tôi. Hằng ngày tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt nhăn nheo, dáng đi khòm khòm trên chiếc lưng còng cùng với đôi mắt lem nhem với cái miệng móm mém của các cụ bà theo con cháu lên thăm chùa. Tôi đã thanh thản trong lòng vị tôi như đã gặp lại dáng xưa của mẹ tôi.

Hôm nay ngồi trước biển lòng tôi bỗng nhiên nhớ đến mẹ tôi vô cùng. Mẹ ơi! suốt khoảng đời ấu thơ của con, mẹ đã lao động cực nhọc để nuôi con. Và đến khi con khôn lớn, mẹ vẫn còn lao động để giúp đỡ con miếng cơm manh áo để khai hoang hòn đảo khô cằn này theo ước vọng của con. Những tháng ngày gò lưng trên hải đảo trong nắng, trước gió, bao giờ con cũng có mẹ đứng sau lưng, an ủi, động viên và giúp đỡ lương thực để con có thể khắc phục được gian khổ lập nên một mái chùa, đem màu xanh trùm lên hòn đảo đầy gai, đầy đá này.

 Giờ đây, chùa đang thành lập, đất vừa mới hết gai, cây xanh đã phủ kín lối đi,  con đã có nơi tu tập thì mẹ không còn nữa. Lẽ vô thường vốn đã có sẵn trong trần gian nhưng tình thương nhớ, lòng biết ơn mẹ vẫn không bao giờ vơi trong lòng con trẻ. Cũng như biển kia, nước khi vơi khi đầy, nhưng lòng biển vẫn bao la, tình biển vẫn mặn nồng. Và lòng nhớ thương mẹ tuy khi đậm khi lợt song vẫn đời đời thiết tha, sâu thẳm.

Có ngồi trước biển đông mới thấy lòng mình rộng mở. Có nhìn thấy trời biển bao la mới hiểu được tấm lòng của mẹ. Trước biển trời bao la, mới biết được con người cần có một nơi để nương tựa cõi lòng. Đó chính là tấm lòng của mẹ. Tiếng sóng vỗ thầm thì vào vách đá như tiếng lòng của mẹ đang nói khẽ với tôi lời thân yêu trìu mến. Có lẽ đã lâu rồi tôi không còn được nghe lời mẹ vỗ về âu yếm cũng như bao nhiêu người đã xa biển cả, không còn giờ phút ngồi nghe sóng vỗ rì rào nhưng tiếng thì thầm ngàn năm kia vẫn đêm đêm không ngớt đồng vọng ngân dài trong cõi lòng chúng ta.Ta không nghe tiếng sóng vỗ hằng đêm, không phải vì không còn sóng vỗ mà chỉ vì ta không có được một không gian, một thời gian, một dịp nào để ngồi nghe sóng vỗ. Trong giây phút ấy ta sẽ gặp lại những kỷ niệm xưa, những kỷ niệm về mẹ với tình yêu của mẹ, tiếng dịu dàng ấm êm của mẹ trong tấm lòng bao la của mẹ.

Tôi đã sống nhiều năm trên đảo giữa trời biển bao la mà mãi đến hôm nay tôi mới nghe được tiếng thì thầm mến yêu của mẹ trong tiếng sóng vỗ vào bờ đá. Thì ra mẹ đã ở bên cạnh tôi mà tôi  chưa hề có phút giây gặp gỡ. Lâu nay tôi đã hờ hững với tình yêu của mẹ, tôi đã mịt mờ giữa cái mất, cái còn của cuộc đời. Biển cả vẫn hàm chứa cái hữu thường và cái vô thường của cuộc đời. Song tình yêu của mẹ vẫn chứa chan trong cái hữu thường và cái vô thường ấy.

Trong cái không còn, linh hồn mẹ vẫn còn,  tình thương của mẹ vẫn còn mãi trong nỗi nhớ thương của người con. Nhờ có biển cả, đêm nay tôi mới thấy rõ được tình thương về mẹ. Biển cả mênh mông, sao trời rực rỡ, sóng vỗ bềnh bồng như hòa đồng lòng nhớ mẹ của tôi vào cái rộng lớn mênh mông này. Tôi cảm nhận được cái tôi như hòa đồng vào vũ trụ. Trong khoảnh khắc lòng tôi trở nên thanh thản, thân tôi nhẹ nhàng, trí tôi phiêu diêu và tôi cảm nhận được Hòn Đỏ như đang chìm dần vào lòng đại dương, như lòng tôi đã hòa tan vào lòng thương mênh mông của mẹ. Thuở nhỏ không nhận biết được tình yêu của mẹ, lớn lên theo thầy tu hành tôi lại phải xa tình yêu của mẹ, nhưng hôm nay trước biển cả bao la, trước bầu trời đầy sao tôi mới thấu nhận được lòng mẹ bao giờ cũng bao la như biển mà lòng con chưa có được những khoảnh khắc cảm nhận.

 

 

 

QUÁCH GIAO

6, 2016

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Quách Giao              |                 www.ninh-hoa.com