Trang Thơ & Truyện: Quách Giao                |                 www.ninh-hoa.com

QUÁCH GIAO

Bút hiệu:
QUÁCH TÙNG PHONG
Sinh năm 1934
 

Con nhà thơ Quách Tấn
Theo học tại các trường Đại hoc Y Dược, Luật khoa và Văn khoa tại Sài Gòn.
Năm 1955 khi còn là học sinh trường trung học tư thục Kim Yến ở Nha Trang, Quách Giao đã tham gia đăng thơ trên tờ Gió Mới với biệt hiệu là Vương Kiều Thu.

Các bài thơ đăng trên báo Gió Mới số 2, 4, 6 là Hai Em Bé Mồ Côi (Sau đổi là Tình Chị) Ông Lão Quét Lá Khuya, Hai Chiều Xa Cách.

Tại Huế, Quách Giao có thơ đăng trên Tạp Chí Lành Mạnh. Ở Sài Gòn cộng tác với báo Bách Khoa, Văn Học cho đến năm 1975.

Năm 1988 Quách Giao cùng với phụ thân là nhà thơ Quách Tấn viết và xuất bản tập lịch sử Nhà Tây Sơn.

Các sách viết chung với thân phụ ông còn có: Võ Nhân Bình Định (nxb Trẻ năm 2001) và một số lớn các tác phẩm Văn xuôi Kể Cả Thơ.

 

 

 

Hiện cư ngụ tại
Nha Trang, Việt Nam

 

 


 

 

 

 

 

 

Dưới Đếm Sao

QUÁCH GIAO

 

 

 

Xóm Nước Nóng thuộc xã Xuân Quang II, huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Cơn lũ cuồng sau trận bão số 11 đã tràn qua nơi này và đã xóa sạch dấu vết của một thôn xóm gồm có 38 ngôi nhà, vườn cây, ruộng mía, nương khoai. Giờ đây chỉ còn một bãi cát mênh mông, đôi cây dừa còn sót lại, những gốc xoài sạch hết lá và những chòm cây xơ xác không biết tên họ vì chỉ còn có nhánh và gốc cùng rễ nằm nghiêng ngã. Cát đã phủ che thành những bức tường cát. Chúng tôi sau khi chứng kiến trên đường đi đến nơi này, những đoạn đường bị cơn lũ lụt phá vỡ, nhìn cây cầu sắt La Hai cao cách mặt đường cái quan trên 4 mét còn phơ phất những cành cây, rác rến mà cơn lũ tràn qua đã để lại. Và nhất là cảnh tiêu điều của xóm làng, đồng ruộng dọc theo con đường tỉnh lộ từ quốc lộ 1 đến thị trấn La Hai thuộc huyện Đồng Xuân.

Qua khỏi trụ sở xã Xuân Quang I, nơi có cơ quan tiếp nhận tặng phẩm cứu trợ chúng tôi đi bộ theo con đường trải xi măng đến bờ đê nước tràn, đã khô cạn. Con đường và bờ đê như được bắc qua một khúc sông cạn khô nước. Trải dài là bãi cát khiến khách qua đường có thể ngộ nhận đây là một dòng sông đã cạn khô từ lâu. Sự thật trước đây là một khoảng đồng ruộng đã bị cát lấp sau cơn lũ lụt.

Đến tận nơi, thấy tận mắt lòng mới thấm thía câu “máu chảy ruột mềm”.

Chúng tôi đến xóm Nước Nóng lúc 6 giờ chiều. Qua khỏi con đường tráng xi măng chúng tôi dừng lại trước một trại tre che tạm bằng bạt nhựa, trước đây dùng để đặt 17 cỗ quan tài đựng thi thể của các nạn nhân trong tai nạn nước lũ ngày 3 tháng 11 năm 2009. Trong lều chỉ còn các khúc đòn kê hòm và các đèn ly đã cạn khô dầu, đứng xếp hàng một cách cô quạnh, lẻ loi. Nhìn bao quát, địa thế tại đây trông như một lòng sông đã khô cạn chỉ còn lại cát trắng và rác rến. Không một vết tích của sự sống, không một lùm cây bụi cỏ. Thực vật còn lại chỉ có một vài cây dừa xơ xác lá, có cây đã mất ngọn trơ vơ vươn thân trên nền trời xám nhạt… Qua bãi cát đến một gờ cát, vào sâu cũng là bãi cát, chúng tôi mới thấy được hai ngôi nhà còn sót lại đứng cách xa nhau như đang hờn dỗi. Nhà chỉ còn lại vách, cửa lớn cửa nhỏ đều bị nước cuốn trôi. Chung quanh còn lại một vài gốc tre và gốc xoài chỉ có gốc và rễ. Cảnh quan giống như cảnh một làng bị bom B52 hủy diệt. Cảnh bị bom còn để lại vết tích của các hố bom nhưng ở nơi này hôm nay chỉ toàn cát trắng phẳng lì đến ghê rợn. Người dẫn đường đưa chúng tôi đến một khu cát phẳng, lưa thưa một vài cây dừa và chỉ dưới chân:

Nơi đây là khu xóm Nước Nóng còn có tên gọi Triêm Đức thuộc xã Xuân Quang 2 huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Nước lũ đã tàn phá, cuốn đi tất cả. Những gì còn lại vĩnh viễn bị chôn sâu dưới hai mét cát.

Một sự yên lặng bao trùm, một không khí nặng nề vây kín. Không một tiếng gà kêu, chó sủa. Một cánh đồng cát trơ trọi quạnh hiu. Chúng tôi quyết định tìm gặp những người còn sống của gia đình người bị nạn.

Gia đình này chỉ có hai ông bà còn gia đình hai người con trai đều ở riêng. Người con cả ở tận làng Xuân Quang 2. Người con trai thứ hai tên Tân cùng vợ, 2 con ( một trai một gái )ở nhà riêng cùng trong khu vườn của bố. Gia đình sống bằng nghề nông. Ngày mùa trồng lúa, khoai và mía. Nhà có nuôi heo, nuôi bò. Quanh năm vừa đủ giáp hạt. Chiều 3 tháng 11 cơn bão đổ bộ vào Phú Yên. Nhờ được chính quyền loan báo trước nên gia đình chuẩn bị tinh thần ứng phó cùng bão. Phía Bắc xóm có một con sông. Nước quanh năm đủ để tưới mát cánh đồng và ruộng vườn trong xóm. Mùa đông nước lũ cũng tràn về song chỉ đủ để cô lập xóm Nước Nóng với xóm lân cạnh. Nước ngập chỉ trong vòng nhiều nhất là hai ngày. Người con trai vốn tính lo xa nên lùa bò định lội qua sông gởi ở nhà người anh cả, nhưng đến bờ sông thì thấy nước đã tràn bờ bèn lật đật quay về. Chạy thẳng qua nhà cha mẹ lo giúp mẹ cha thu dọn đố đạc tránh lụt. Ông bà vốn chẳng có gia sản gì nhiều lắm nên yên tâm. Đêm hôm đó nước lũ bỗng ào ạt tràn về. Trong chốc lát nước vây quanh rồi cuồn cuộn đổ vào thôn xóm. Ban đầu ông bà lên bàn tránh nước ngập và cuối cùng phải lên tạm trú ở chuồng cu để rồi cùng bị nước cuốn trôi với ngôi nhà. Gia đình người con trai thứ cũng sống trong tình trạng như cha mẹ. Hai vợ chồng mỗi người ôm chặt trên mỗi ngọn dừa. Hai đứa con đã trôi theo dòng nước. Sáng hôm sau, giữa trời nước mênh mông không một bóng người, một bóng ghe thuyền. Vẫn bền gan, hai vợ chồng bám chặt lấy thân dừa, bình tâm chờ đợi cứu hộ. Trong thời gian này, mọi sự lo âu không còn, chỉ còn lo tự cứu lấy mình. Mọi sức lực tự nhiên tăng trưởng giúp cho họ bám chặt lấy thân dừa dù trời vẫn mưa nặng hột. Chiều hôm sau nhờ có ông Sáu ở làng Xuân Quang 2 chèo chiếc ghe nhỏ đi cứu trợ bắt gặp. Vừa chèo ghe ông vừa hú lên để gọi những người còn sống sót. Khi nhận được tiếng hú đáp lại ông liền chèo ghe ghé lại. Mỗi lần thuyền ông chỉ đón được hai người. Sau khi đưa người bị nạn vào bờ ông lại tiếp tục chèo thuyền đi tìm người gặp khác. Hai vợ chồng anh Tân được cứu vớt cuối cùng. Đêm hôm đó anh Tân trong giấc ngủ chập chờn đã nghe tiếng cha gọi cầu cứu. Anh nghe rất rõ ràng tiếng cha mình bão phải ra hướng tây cạnh bên gốc tre để cõng mình về song vì đêm tối dày dặt và nước ngập mênh mông không biết đâu mà lội nên anh đành gạt nước mắt nằm chờ đến sáng hôm sau. Trời vừa tảng sáng anh vội lội đến gốc tre ở cạnh vườn nhà thì gặp được xác cha nằm kẹt trong chòm rễ tre trốc gốc. Vừa mang được xác cha về anh như bị thôi thúc bằng một bản tính tự nhiên của tình thiêng liêng máu mủ, anh lội thẳng về hướng cha bị nạn và gặp được xác hai con. Đau thương quá lớn lao song sự trùng phùng hi hữu này giúp anh có thêm nghị lực tiếp tục lội tìm thêm xác mẹ. Nhưng than ôi! Thi thể mẹ vẫn chưa về cùng với chồng và hai cháu. Bỏ cả ăn uống, quên cả mệt nhọc gia đình anh sau khi lo chu toàn đám tang cha và hai con, anh lại lặn lội đi tìm thi thể mẹ.

Xóm Nước Nóng gồm 47 gia đình, có 38 căn nhà bị nước cuốn trôi, và 18 người bị tai nạn. Thi thể được tìm thấy là 17. Vẫn còn thi thể bà mẹ anh Tân. Huyện và tỉnh tăng cường bộ đội và công an có chó nghiệp vụ về giúp địa phương săn tìm thi thể song đến nay vẫn chưa có một dấu vết nào. Hôm chúng tôi đến sự tìm kiếm được tăng cường thêm một nhóm người trong đoàn thầy Thích Tâm Nhẫn ( thầy nhất bộ nhất bái ) đang hành lễ trên đèo Cả cùng xuống làng tham gia tìm kiếm. Những con mương, hốc đá tuy đã bị cát phủ kín đầy vẫn được đoàn kiên nhẫn dùng cuốc xẻng moi lên tạo thành những đường hầm, hố sâu bên cạnh các gốc cây bụi tre trốc gốc.

Những người nổi danh về thuật giao cảm để tìm những hài cốt đã thất lạc từ xa xưa, cũng được kêu mời giúp đỡ. Tuy nhiên đã 11 ngày rồi mà vẫn chưa tìm được một vết tích nào. Bên lề đường vào xóm, chiếc quan tài màu đỏ vẫn nằm chờ đợi dưới nắng mưa. Gia đình của hai người con vẫn lang thang đi khắp nơi tìm thi thể mẹ, đàn chó nghiệp vụ vẫn không ngửi thấy một mùì hôi thối nào từ một nơi khuất kín trong bãi cát vắng lặng mênh mông.

Đêm nay,trên trời sao mọc đầy song ánh sáng lại dường như lu mờ, không khí như đậm đặc lại và nhất là không một gợn gió thổi về.. Không gian bao trùm sự cô đơn vắng lặng, không phải là sự xa vắng của một nơi không người mà là sự đơn độc như có mùi một nghĩa trang hoang vắng. Không còn một cành củi khô để nhóm lên ngọn lửa đêm tụ hội của một sự sinh hoạt về đêm. Mọi người ngồi bên nhau thành một vòng tròn và thắp lên leo lét vài ba ngọn nến. Thiếu đi ánh lửa bập bùng, lòng ta thấy như thiếu đi ngọn lửa ấm cúng. Những lúc nầy con người mới thấy ánh lửa là vô cùng quí giá Lửa không những sưởi ấm thân thể mà còn sưởi ấm tấm lòng đang quạnh quẽ.

Một sư nữ trong nhóm chùa Từ Tôn Hòn Đỏ cất tiếng hát lên một bài hát ca tụng tình mẹ của một Phật tử. Bầu trời đặc quánh cô đơn như loãng ra và tiếng vỗ tay như lay động ngàn sao với nhịp lòng của mọi người . Rồi có những bài hát tiếp theo, toàn là những bài hát của Phật giáo. Âm thanh trầm lắng như hòa nhịp cùng màu trời bàng bạc dưới muôn ngàn ánh sao. Từ nơi phương xa một con đom đóm mang đến một đóm lửa xanh lè bay trên đầu các Phật tử một vài vòng rồi chìm mất trong đêm hiu quạnh. Từ nơi thôn xa có một vài ánh đèn chập chờn trong đêm. Một lát sau có những người dân xóm Nước Nóng nghe tin có đêm cầu nguyện tại nơi đây cho nên họ lần lượt tập trung độ 20 người và cùng ngồi hòa chung với đoàn cứu trợ. Bầu không khí trở nên linh hoạt, có tiếng reo cười, có tiếng vỗ tay và nhất là những bài đồng ca, tập thể. Bầu trời sao như hạ thấp xuống, nhiều ngọn nến được thắp sáng thêm lên. Đêm sinh hoạt để tưởng nhớ đến những người đã khuất bỗng nhiên trở nên sinh động vui vẻ. Mọi người quên đi là mình đang ngồi trên một thôn xóm bị lũ lụt cuốn mất, bị xóa sổ trên bản đồ xã mà trong ánh mắt tiếng cười như có một thuở thanh bình trước đây.

Trời đã về khuya mà không một hơi sương trên nền cát của thôn Nước Nóng. Chúng tôi không cảm thấy cảnh vật lạnh lùng song trong lòng vẫn man mác, bùi ngùi. Cảnh hoàng hôn lúc đi qua cái trại cất tạm để quàng 17 xác nạn nhân chết trong mưa lũ mãi lởn vởn trước mắt.

Người con dâu của gia đình gặp nạn yên lặng nắm tay tôi ngồi bất động, sau khi kể hết câu chuyện. Một con đom đóm xanh lè bay từ phương xa lại. Đom đóm không lập lòe như thường ngày mà yên lặng di chuyển như một đóm ma trơi trôi trong đêm tối, lượn lờ khắp vùng rồi khuất lấp nơi xa. Người con dâu khẽ thầm thì nguyện vọng duy nhất là sớm tìm được thi thể mẹ chồng. Hỏi có còn mong muốn là về ở lại vùng quê này không? Người con gái bất hạnh này cho biết là không còn muốn trở về nơi đây sinh sống nữa mà chỉ mong muốn được định cư ở một nơi xa cách nơi đây để lòng được quên đi những ký ức thảm thương mà chắc chắn thời gian khó phai nhòa đi được. Sống lại trên một vùng đất chỉ toàn cát là cát. Trên mỗi bước đi mà dưới chân mình nghe như xào xạc những lá mía, những chòm cây. Những buổi trưa trời không có gió mà vẫn nghe từ lòng đất vọng lên tiếng xào xạc của chòm tre trước ngõ. Một tiếng gà gáy trưa, một tiếng bò kêu dưới bóng xoài xanh mát, giờ đây chỉ còn trong cô quạnh tịch liêu. Nhìn bóng dừa nghiêng bên bờ cát, lòng không khỏi hãi hùng khi nhớ đến những giây phút phải bám chặt lấy thân dừa để mong cho thoát nạn . . Đứng trước cảnh hiu quạnh của bãi cát trống trơn vùi dập những kỷ niệm thanh bình êm ấm, lòng sao khỏi nhớ nhung đến cha mẹ, con cái. Bơ vơ và trống lạnh khiến chân bước đi như bước trên cõi vắng tâm hồn.

Tôi cúi nhìn người đàn bà bất hạnh, trong ánh sao đêm, khuôn mặt như nhòa đi và mênh mông chỉ toàn là cát trắng. Trong đôi mắt long lanh, không một giọt lệ nào ứa ra mà cả một trời mênh mông buồn ơi là buồn. Bên trong đôi mắt chứa ngậm nỗi buồn thương đau mất mát. Bên ngoài không gian im vắng đến rợn người.

Tôi theo đoàn người ra về trong vắng lặng.

Trong đêm tối chúng tôi lặng lẽ đi theo ánh đèn pin của người dẫn đường. Đến bờ đập nước tràn, nơi còn trơ trọi túp lều tạm quàn thi thể các nạn nhân trước đây và chiếc áo quan chưa có người nằm chơ vơ trên cát trắng dưới bầu trời đầy sao chúng tôi dừng lại đứng chắp tay cúi đầu lắng nghe sư Thích Chúc Minh đọc một hồi kinh. Tiếng chuông chấm dứt ngân vang trong đêm vắng như gởi đến nơi xa thẳm tấm lòng chia sẻ đau buồn của các đệ tử từ phương xa đến.Chúng tôi nguyện sẽ trở lại nơi này để tham dự buổi lễ cầu siêu cho các vong linh bị nạn và cầu an cho những người đã trải qua một cuộc tán phá kinh hồn của thiên nhiên.

 

 

 

 

 

 

QUÁCH GIAO

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Quách Giao              |                 www.ninh-hoa.com