Nhà thơ Quách Tấn có câu:
Khánh Hòa là xứ
Trầm Hương
Non cao biển
rộng người thương đi về
Hai câu này đã trở thành ca dao của tỉnh Khánh Hòa.
Non cao biển rộng là hình thế địa linh và người thương đi về là tình
thương dân dã.
Nhân năm Kỷ Sửu, chúng ta thử lần xem dấu vết trâu được ghi lại trên Xứ
Trầm Hương như thế nào.
Trước tiên nói về núi: Đó là dãy Núi Đồng Bò.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là Hoàng Ngưu Sơn, ở phía đông nam thành
phố Nha Trang. Núi lập thành một dãy dài hàng trăm dặm chạy từ huyện
Diên Khánh đến Nha Trang rồi vào Cam Ranh.
Núi không cao, nhưng hiểm trở, chạy sát ra biển đông. Đỉnh cao nhất 978
mét, ngọn nằm sát biển cao 643 mét, cây cối rậm rạp có nhiều thú dữ.
Dưới chân núi có một cánh đồng mang tên là Đồng Bò. Do đó núi có tên là
núi Đồng Bò. Thuở trước nơi này có nhiều bò hoang sinh sống nhờ cánh
đồng liên thông với rừng trong núi, có nhiều cây cối rậm rạp và thú dữ
tập trung về đông đúc. Bò dần dần bị tiêu diệt. Trong bầy thú dữ có một
nhóm cọp chuyên săn bắt bò. Cầm đầu là một con cọp chúa sống trên vài
trăm năm, to lớn dị thường và bị què hết một chân nhưng nhanh nhẹn vô
cùng. Sau khi bò hoang trên cánh đồng không còn đủ cung cấp thức ăn cho
cọp, chúng bèn xuống làng xóm bắt gia súc và người.
Năm 1793, trấn thủ thành Diên Khánh là Nguyễn Văn Thành tướng của Gia
Long được tin cọp dữ, đem quân săn bắt song không thu được kết quả. Sau
đó phải nhờ vào sự cầu đảo bà Thiên Y A Na mới bẫy được hổ. Từ đó tên
núi nơi bắt được hùm có tên hòn Cầu Hùm được thường xuyên nhắc đến. Hiện
nay tuy vùng Đồng Bò không còn dấu vết xưa nhưng vẫn được người dân Nha
Trang nhắc đến khi đi du lịch ngang qua vùng sông Lô.
Cạnh Đồng Bò còn có một vùng lịch sử: đó là Đồng Châu. Nguyên khu vực
này là cánh đồng hoang vu thuộc huyện Hoa Châu trước kia và sau được
nhập vào huyện Phước Điền. Thời Tự Đức (1847-1883), khi Gia Định mất,
rồi 6 tỉnh miền Nam mất theo thì một số sĩ phu không đội trời chung với
giặc bèn bỏ ra Khánh Hòa khai hoang lập ấp được gọi là phong trào Tỵ Địa
và được người địa phương tôn xưng là “Nam Trung Nghĩa Sỹ”. Cầm đầu nhóm
người này là ông Nguyễn Bá Trinh.
Còn về dưới biển... thì có Vũng Trâu Nằm.
Vũng Trâu Nằm ở phía đông bắc Khánh Hòa, nằm trong vịnh Vân Phong. Đây
là một vịnh rộng lớn, phía bắc có bán đảo Bàn Sơn dài gần 30 cây số làm
cánh cửa che gió bấc và bán đảo Phước Hà dài trên 20 cây số làm cánh
chắn gió nam. Vịnh Vân Phong là một vịnh chẳng những có giá trị về địa
lý, kinh tế mà còn có nhiều thắng cảnh đẹp. Vũng Trâu Nằm là một. Tại
đây có một cồn đá nằm giăng ra bốn phía ở dưới mặt nước; khi thủy triều
xuống thì lưng đá nhô lên xa trông như một đàn trâu nằm tắm, sóng gợn
chung quanh. Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là cồn đá Ngọa Ngưu (Trâu Nằm).
Như vậy Xứ Trầm Hương phía bắc có Vũng Trâu Nằm giỡn nước trong vịnh Vân
Phong, phương nam có núi Hoàng Ngưu và cánh Đồng Bò. Còn truyền tích
trong dân gian về trâu thì có gì?
Trước tiên là câu chuyện Bà Xã Mập ở làng Phụng Cang xã Ninh Quang huyện
Ninh Hòa. Bà Xã Mập một hôm ra thăm đồng trông thấy một con trâu cò
(trâu có lông màu trắng) đang râm vào ruộng phá lúa. Bà nổi giận chạy
đến nắm lấy đuôi trâu mà đánh. Trâu liền kéo bà nhảy xuống con suối Bàu
Sấu bên cạnh là một con suối vừa sâu vừa rộng có tiếng là nhiều cá sấu
vốn được coi là một chốn linh thiêng. Thấy bà không về, người nhà thuê
người lặn tìm song không dấu vết. Tưởng là chết rồi cả nhà lo để tang.
Không ngờ bốn hôm sau bà trở về. Hỏi thăm duyên cớ. Bà chỉ đáp rằng câu
chuyện không được nói ra, nếu còn muốn sống. Làng xóm và gia đình năn nỉ
mấy bà cũng không hé răng.
Một hôm vì cầm lòng không được nên bà cho mời bà con làng xóm đến dự một
tiệc tiễn đưa bà về bên kia thế giới sau khi nghe câu chuyện do bà kể:
Khi trâu cò bỏ chạy thì tôi định thả đuôi ra song tay lại bị dính chặt.
Trâu nhảy xuống nước, tôi đành nhắm mắt chờ chết. Hai bên tai nghe vù vù
gió thổi. Một lát sau mở mắt ra thì thấy mình đang đứng trước một dinh
thự nguy nga và được hai người lính dẫn vào một sân vườn rộng mát trồng
đầy hoa thơm cỏ lạ. Một ông quan uy nghi lẫm liệt truyền lệnh cho tôi
vào…
Vừa kể đến đó thì bà Xã Mập lăn ra tắt thở…
Tiếp theo là câu chuyện đàn trâu của nhà sư chùa Vạn Thiện.
Chùa ở thôn An Ninh, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Trụ trì là sư Thiệt
Vinh. Đại sư có người đệ tử tên Keo hiệu Thiện Khoáng quê Bình Định vào
chùa xin ở chăn trâu. Chùa nuôi đến hàng trăm con trâu mà chỉ mỗi một
mình thầy Keo chăn giữ. Sáng sớm lùa trâu vào ăn trong núi, chiều đến
lùa trâu về mà trên lưng mỗi con trâu đều có một bó củi. Một hôm đại sư
Thiện Khoáng cho trâu về sớm và vào bếp xem một bà lão nấu dầu chay bằng
hột dầu tía. Vì kiêng cử người lạ, nên thầy bị phạt phải đứng khuấy dầu.
Không dùng cây để khuấy mà thầy Keo lại dùng đôi tay trần để khuấy dầu
sôi.Việc lạ này được trình lên sư trụ trì. Từ đó thầy Keo không còn đi
chăn trâu nữa mà chỉ lo học tập kệ kinh.
Trâu không người chăn, nhưng sáng nào cũng vẫn kéo nhau vào núi và chiều
về vẫn chở củi trên lưng. Mọi người đều tin là ngài Keo có tài điều
khiển trâu bằng tâm ý ở xa. Mấy tháng sau thì đại sư nhịn ăn và xin sư
phụ được hóa thân. Ngoài số củi do trâu mang về đại sư Kheo xin người
trong thôn mỗi người một bó củi. Trong số người cho có một số không vui
lòng. Trước khi lên giàn hỏa, đại sư nguyện sẽ để lại một vật mọn tặng
dân làng. Khi hỏa táng xong, người trong chùa đến nhặt xá lợi thì chỉ
nhận được một chén chung cổ trong đựng một móng tay còn tươi không một
chút tro bụi. Đó là kỷ vật biếu cho dân làng. Ngoài ra, còn một vài bó
củi lửa không hề bén đến. Ai nấy đều biết rằng đó là củi của những người
không thành tâm cúng dường. Hòa thượng bổn sư phong cho đại sư danh tự
là Linh Phù.
Bầy trâu, sau khi đại sư viên tịch không còn ai trông nom, cho nên lần
lượt kéo nhau vào núi và không trở về chùa nữa.
Trong câu chuyện có con trâu trắng và con trâu đen. Trâu trắng chỉ trâu
thần. Còn trâu đen chỉ sinh vật được nuôi dưỡng. Điều này khiến liên
tưởng đến chuyện 10 bức tranh chăn trâu của phái Đại Thừa và phái Thiền
Tông.
Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen, nhờ phép tu “Tiệm” mà tiến từng nấc một
lên đến giác ngộ cũng như con trâu đen nhờ dìu dắt mà trở nên thuần thục
và lớp da trắng lần. Còn bức tranh Thiền Tông thì có khi vẽ trâu đen có
khi vẽ trâu trắng. Trâu trắng là để chỉ “bạch ngưu xa” là Phật thừa,
chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật. Con trâu của Thiền không
thay đổi màu lông. Đó là phép tu “Đốn”, phép này dạy rằng người ta thành
Phật là thành ở nội tâm, “hoát nhiên” mà thành, không phải lần hồi theo
cấp bậc.
Câu chuyện trâu đen, trâu trắng nơi Xứ Trầm Hương cũng mang đầy ý vị của
Phật gia.