Trang Thơ & Truyện: Quách Giao                |                 www.ninh-hoa.com

QUÁCH GIAO

Bút hiệu:
QUÁCH TÙNG PHONG
Sinh năm 1934
 

Con nhà thơ Quách Tấn
Theo học tại các trường Đại hoc Y Dược, Luật khoa và Văn khoa tại Sài Gòn.
Năm 1955 khi còn là học sinh trường trung học tư thục Kim Yến ở Nha Trang, Quách Giao đã tham gia đăng thơ trên tờ Gió Mới với biệt hiệu là Vương Kiều Thu.

Các bài thơ đăng trên báo Gió Mới số 2, 4, 6 là Hai Em Bé Mồ Côi (Sau đổi là Tình Chị) Ông Lão Quét Lá Khuya, Hai Chiều Xa Cách.

Tại Huế, Quách Giao có thơ đăng trên Tạp Chí Lành Mạnh. Ở Sài Gòn cộng tác với báo Bách Khoa, Văn Học cho đến năm 1975.

Năm 1988 Quách Giao cùng với phụ thân là nhà thơ Quách Tấn viết và xuất bản tập lịch sử Nhà Tây Sơn.

Các sách viết chung với thân phụ ông còn có: Võ Nhân Bình Định (nxb Trẻ năm 2001) và một số lớn các tác phẩm Văn xuôi Kể Cả Thơ.

 

 

 

Hiện cư ngụ tại
Nha Trang, Việt Nam

 

 


 

 

 

 

 

 

BƯỚM BIỂN
Q
UÁCH GIAO

  

Hòn Rùa nằm cách bờ biển Nha Trang về hướng Đông Bắc độ 2 cây số. Trông hình dáng thật giống một con rùa. Đầu quay về Nam như đang lội bập bềnh trên sóng nước.. Bên hông rùa có một bãi cát nhỏ xuất hiện tùy theo mùa nước. Mùa đông sóng vỗ chập chùng nên bãi chìm trong nước. Mùa xuân bãi cát phơi bày dưới ánh nắng hồng, chập chờn đôi bụi cây xanh dại. Những ngày đầu giải phóng, tôi thường hay đi theo một người bạn già làm nghề chài lưới dùng nghe câu có gắn máy đuôi tôm đi đánh cá ven các hòn đảo nhỏ trong vịnh Nha Trang.

Trong những ngày lênh đênh trên sóng nước tôi học được nhiều kinh nghiệm về biển cả, về cách đánh các loài cá như cá đuối, cá mập, cá ngừ đại dương, mực, tôm v.v..

Tuy nhiên nơi đây tôi được thấy một loài bươm bướm màu đen sống ngoài ngoài biển cả mênh mông.

Hôm ấy chúng tôi đi ghe nhỏ ra Hòn Rùa để chuẩn bị tối hôm đó đánh cá đuối. Hoàng hôn đã nhuộm đỏ phía trời Tây, thuyền chúng tôi tạm neo vào bãi cát nhỏ nơi hông Hòn Rùa. Bãi cát trắng mịn màng nhấp nhô đôi hàng đá. Hòn Rùa đá vẫn còn ấm nồng mùi nắng. Chúng tôi đang ăn cơm chiều. Bỗng nhiên từ trong gành đá một đàn bướm có sắc màu đen nhánh phấp phới bay ra. Buông chén cơm đang cầm nơi tay tôi vụt đứng dậy như muốn chạy theo đàn bướm đang ào ạt bay ra biển cả.. Ngoài khơi từng cơn sóng đang tung tóe hoa sóng dưới bóng chiều tà.. Sóng biển đang nở hoa. Mặt đại dương bao la trùng trùng hoa sóng.

Đàn bươm bướm lượn một vòng tròn lớn rồi chúng tự chia nhau từng nhóm nhỏ chập chờn đùa vui cùng sóng nước. Trong sắc nắng chiều, những chiếc bướm màu đen nhánh, nhấp nhô như chúng đang vui sống trên một cánh đồng hoa. Có nhiều con lượn vòng như muốn đậu trên hoa sóng, có những con như vờn từ hoa này sang hoa khác. Gió biển đang lồng lộng. Những cánh bướm vẫn chập chờn, chao đảo từ đợt sóng này đến làn sóng khác. Cảnh đàn bướm bay liệng vô tư và tự nhiên linh động.

Đang cùng nhóm vui đùa từ ngọn sóng này đến ngọn sóng khác thì bỗng nhiên chúng tự động chuyển hướng mà không báo trước một dấu hiệu nào. Không có một sự động chạm nào xảy ra, không có sự rối loạn nào. Đàn bướm chao nhẹ theo chiều gió, lướt nhẹ trên ngọn sóng rồi nhịp nhàng múa lượn trên mặt sóng trùng khơi.Nhìn cảnh đàn bướm lượn trên sóng, tôi có cảm giác như chúng đang vui say trên một cánh đồng hoa đang nở xuân.

Thời thơ ấu tôi đã có nhiều dịp nhìn thấy từng đàn bướm sắc vàng, sắc trắng chập chờn trên hồ Mương Máng thuộc làng Suối Bèo (Trường Định) quê hương bà nội tôi.

Với tuổi thơ, hồ Suối Bèo là một đồng hoa bèo mênh mông không bao giờ vắng bóng những bông hoa có màu tím thắm đượm chen lẫn với màu trắng thanh tao. Hoa bèo có hình ngọn tháp nở nhiều tầng chen nhau nên trông như một thảm hoa màu tím. Không biết hoa bèo có mật không mà sáng nào khi đi học ngang qua cầu máng tôi cũng thấy từng đàn bươm bướm chập chờn trên những bông hoa bèo màu tím. Hoa bèo không có hương thơm, chóng tán song khi tạo thành từng đám thì trông rất ngoạn mục. Lá bèo bao giờ cũng xanh ngắt như trải một tấm thảm xanh để nâng bềnh bồng đám hoa bèo tím thẩm. Biết rằng hoa bèo chóng tán phai khi rời khỏi thân bèo cho nên không bao giờ hoa bèo được cắm trên lộc bình, không bao giờ được dùng để trang sức cho ngày vui, ngày hội. Hoa bèo đứng đơn chiếc không được lưu ý song khi chúng hợp quần thành một đám, một vùng thì sắc màu tự nhiên rực rỡ, màu hoa tự nhiên tươi thắm hơn. Nhìn từ xa chúng như một đám mây có màu trắng, tím chen lẫn nhau nổi trên mặt nước. Đến gần thì như một đám bọt màu trắng sắc tím bềnh bồng giữa màu xanh thắm đậm của lá bèo. Khi nó đứng lẻ riêng một đám bèo thì trông giống như một chiếc đuôi công đang xòe múa.

Hoa sen, hoa súng và nhiều loài hoa khác được đưa vào thơ văn còn hoa bèo thì chưa thấy. Chỉ có thân bèo mà thôi:

 

Tựa gối ôm cần lâu chẳng mỏi

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

(Thu điếu. Nguyễn Khuyến)

 

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

(Trường giang . Huy Cận)

 

Dưới nước thì có hoa bèo màu tím, trên bờ thì có hoa sim cũng màu tím, song cả hai loài hoa đều chỉ đẹp nơi đồng rộng, hồ sâu mà chưa hề được đem vào nhà. Nhà thơ Chế Lan Viên lại thích nhìn hoa lau hùng dũng chống chọi với gió nơi biên thùy: 

Ai đi biên giới cho lòng ta theo với

Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình

Bạt ngàn ở tận cùng bờ cõi

Suốt một đời với gió giao tranh.

(Lau biên giới) (Hoa Trên Đá) 

Còn Quách Tấn thì: 

Bờ giạt sóng lau vờn ngọn bấc

Đợi đò lặng lẽ bóng sư ông.

(Lặng lẽ) (Đọng Bóng Chiều)

Đồng nội có rất nhiều loại cỏ hoa đầy màu sắc riêng tư, gợi nhiều thi hứng nhưng nếu được con người đưa vào tư gia thì hóa thành bơ vơ lạc lõng. Như cánh hoa rau muống nở trắng đẹp trên bờ ao thu trong làn sương sớm thế mà không có ai đem cắm vào lộc bình. Hoa dúi dẻ mùi thơm ngọt ngào nồng thắm buổi chiều hè mà có giai nhân nào cài lên mái tóc bao giờ. Ở thôn quê có những loài hoa có hương mà không có sắc như hoa cau hoa, dúi dẻ. Lại có loài hoa có sắc mà không có hương như dâm bụt, hoa xương rồng, hoa bèo, hoa súng. Nhiều sắc hoa chỉ nở đẹp bên bờ giậu, trên dàn như hoa mướp vàng, hoa bí rợ và lốm đốm tím như hoa đậu ván. Nhiều lúc hoa mọc từng đám nơi vườn nhà trước sân hay sau hè như đám cải vàng trong mùa xuân mới, tuy màu hoa vàng tươi thắm nhưng không đua kịp với sắc vàng hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ v.v..

Những cánh hoa, rừng hoa nơi đất bằng đều có riêng sắc của từng vùng. Riêng biển đông thì bất cứ nơi đâu cùng ngát ngàn hoa sóng. Buổi sáng khi bể yên lặng thì sóng hoa nở lăn tăn như hoa cỏ nơi đồng nội. Buổi trưa, nắng giao thoa cùng sóng làm nở hoa ngan ngát biển khơi. Buổi chiều, gió lồng lộng đùa giỡn cùng sóng gây nên cảnh tượng tràn ngập hoa biển như hoa lau nghiêng ngã trên bờ biên giới.

Tuy nhiên, ít khi biển yên lặng lúc vào hoàng hôn. Đàn bướm biển dường như không bao giờ sợ gió và sóng mà nhởn nhơ lên xuống trên mặt sóng trùng dương. Không biết chúng hút được những gì trong hoa sóng nhưng nhìn những cánh bướm tung bay dường như chúng thỏa thuê với thời gian hoàng hôn trên biển cả. Không dài quá nửa giờ thì bỗng hiên đàn bướm bay đi mất dạng. Chúng như tan trên sóng nước, hòa lẫn cùng màu đen của mặt biển bao la . Không hề thấy bóng một com bướm nào trở lại trên đảo Hòn Rùa.

Một tuần sau, tôi theo ghe ra Hòn Rùa cùng ngồi ăn cơm chiều và đợi nhìn đàn bướm biển. Song tôi chờ đợi mãi mà không hề thấy bóng dáng một con bướm nào. Người bạn đi nghề cá có cho tôi hay là mỗi một đời người chỉ có thể trông thấy được bướm biển một vài lần mà thôi.

Hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, ít khi tái lập nhiều lần. Đôi khi ta gặp nơi này rồi xuất hiện nơi khác, thời gian cách xa nhau. Biển khơi cũng thường xảy ra nhiều hiện tượng kỳ lạ mà người sống lâu trong nghề biển đôi khi được chứng kiến mà không thể giải thích, không thể chứng minh được. Và chỉ kể lại như một huyền thoại, như một câu chuyện huyền hoặc, ai tin cũng được, ai ngờ cũng cam.

 

 

 

QUÁCH GIAO

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Quách Giao              |                 www.ninh-hoa.com