Vừa chu tất xong lễ mừng Phật Đản, chùa Từ Tôn nơi Hòn Đỏ lại trở về
trong tĩnh lặng. Khách thập phương thưa thớt tới lui. Bóng nước và mây
trời thanh thản bồng bềnh.
Một buổi sáng, sư trụ trì Thích Chúc Minh cùng các đệ tử chở về Hòn Đỏ
một cội me đào được từ nơi hải đảo xa trong vịnh Nha Trang. Cội me được
trồng nơi chân dốc bến đò. Nửa tháng sau cây me chớm rựng lá từ các
nhánh mọc nơi nách cây. Cây me đã nứt rễ và đâm chồi.
Hòn Đỏ cách tháp Bà Thiên Y A Na Nha Trang không đầy một cây số. Nhìn
cây me trôi từ trên nguồn sông Cái tấp vào hải đảo xa xôi nay lại được
trở về mọc gần bên đất liền lòng người Phật tử nhớ đến câu chuyện khúc
trầm hương thuở trước.
Nguyên bà Thiên Y A Na giáng sinh nơi núi Chúa làm con nuôi trong một
gia đình tiều phu nghèo khó. Một hôm vì bị cha la rầy, Bà ngồi buồn nhìn
cơn lũ nguồn cuồn cuộn cuốn trôi từng đám cây rừng. Trong dòng thác Bà
nhìn thấy có một khúc trầm hương, bèn hóa thân nhập vào trôi ra biển cả
đến tận Bắc phương kết duyên cùng một hoàng tử, sinh được hai con. Một
hôm tình quê khơi động, bà bồng con nhập vào khúc trầm trôi về lại xứ
Trầm Hương. Quê hương còn đó mà song hai thân đã qua đời Bà bèn cư ngụ
tại Núi Chúa và dạy dân trồng lúa, dệt lụa. Nhân dân địa phương thờ Bà
như một vì thần linh. Tháp Bà hiện nay là một di tích của câu chuyện
Từ cội nguồn ra đi rồi trở lại với cội nguồn, câu chuyện Bà Thiên Y A
Na, mang đậm tính chất tình yêu quê hương. Cây me kia cũng vậy. Trong
một trận mưa nguồn gây thành lũ lớn, cây me bị nước cuốn trôi theo dòng
thác ra tận biển khơi rồi tấp vào một hải đảo. Trải qua nhiều năm tháng
cây me sống trong môi trường mới, tuy không được phát triển song vẫn giữ
được tấm thân cùng năm tháng. Tình cờ một hôm sư Chúc Minh bơi thuyền đi
nhặt củi về đun bếp cho chùa, sư phát hiện ra cội me tuy biến đổi hình
song vẫn giữ được dáng dấp xưa. Một buổi đẹp trời, sư Chúc Minh cùng bốn
người đệ tử dùng thuyền máy ra đảo bứng cội me về Hòn Đỏ. Chiết nhánh,
chặt rễ chuyển xuống thuyền và đưa lên đảo Hòn Đỏ là một công phu.. Cội
me được dự định đem lên trồng gần nhà bếp. Tuy nhiên khi khiêng cội me
từ thuyền lên đến chân dốc thì dây khiêng bỗng nhiên đứt. Trong khi chờ
đợi đệ tử đi tìm dây thay, sư Chúc Minh đang ngồi bên cội cây bỗng nhiên
trực nhớ đến hình ảnh cách đây hơn chục năm. Đó là hình ảnh do sư phụ
Viên Mãn kể lại:
Đó là ngày mười
ba tháng tư âm lịch, thầy đang ngồi dưới bóng xoài, nhìn những chùm xoài
đong đưa trước gió, chùm xoài tượng đầu mùa thay đổi màu da và hình dáng
theo từng ngày. Lòng thầy bỗng nhiên nhớ đến mẹ già. Mùa xoài sắp đến.
Sau lễ dâng hương Phật, thầy định trong lòng sẽ về dâng mẹ trái chín đầu
mùa. Gió biển thổi về hiu hiu. Nắng vàng thắm đượm khắp nơi trên Hòn Đỏ.
Thốt nhiên thầy như nghe như có tiếng đá sỏi lăn trên đầu dốc, trên
đường đi xuống bến đò. Bóng lá xoài chập chờn như vẫy chào đón. Nơi đầu
dốc bóng mẹ già hiện ra nhòa mờ trong ánh nắng. Gương mặt mẹ khắc rõ nét
trên nền trời. Những nét nhăn trên trán, trên đôi gò má và nhất là cái
miệng móm mém đang vừa nhai trầu vừa như mỉm cười với trời đất. Những
giọt mồ hôi chảy dài theo các lằn nhăn, trên má trên trán. Và trong hơi
gió tiếng mẹ như thì thầm:
Ở đây nhiều nắng
quá. May lại cũng có nhiều gió. Mẹ ra thăm con và đem cho con một trái
mít chín cây mẹ vừa mới hái.
Nhà sư nhìn mẹ
cảm động. Chưa kịp nói với mẹ một lời nào thì bóng mẹ đã nhòa đi trong
ánh nắng. Bóng mẹ đến thật nhanh và biến đi cũng thật nhanh. Bỗng nhiên
không khí trên đảo thơm lừng mùi mít chín. Mùi thơm ngọt ngào. Có sắc
vàng óng như màu nắng. Một giấc mơ chợt thoảng như có như không.
Chiều hôm đó
thầy được tin mẹ mất.
(trích trong
Người Gánh Nắng)
Lòng chợt bừng sáng, sư Chúc Minh quyết định trồng cội me ngay tại đầu
dốc. Và đặt tên cội me là Bóng Mẹ.
Cội me tuy không trở về lại được cội nguồn song nay được cắm rễ nơi cuối
nguồn của con sông Cái Nha Trang.. nơi một hải đảo gần bờ, có cảnh, có
chùa, có tình người. Vòng luân hồi đã được khép kín. Khúc trầm hương xưa
kia mang đầy ý nghĩa thiêng liêng của tình đất nước còn cội me này lại
đầy tình yêu quê hương đằm thắm.
Ở Bình Định, tại Viện Bảo tàng Quang Trung, nơi quê hương của anh em nhà
Tây Sơn còn lưu lại một gốc me cổ thụ um tùm xanh tươi và một giếng nước
có thành giếng xây bằng đá tổ ong. Dù cách xa nhau song bóng mát của tán
me như luôn luôn che phủ lòng giếng trong veo và mát lạnh.
Cội me nơi bến đò Hòn Đỏ rồi cũng sẽ tỏa mát bến nước như để che tán
chào đón du khách và Phật tử lên thăm chùa.
Cũng trên đảo Hòn Đỏ còn có nhiều loại cây, như cây bồ đề nước mặn hay
bồ đề biển cũng được bứng từ các đảo xa đem về. Nơi bãi đá Tịnh Tâm một
cây bồ đề biển đang bén rễ cành lá xanh tươi. Trên ven con đường từ
trung tâm đại lễ lên đến Nghinh Phong Đài nơi có tượng Quán Thế Âm Bồ
Tát, rải rác vươn cao những gốc săn đá, trắc biển, thân ngoằn ngoèo, vỏ
sần sùi như cây lâu năm, đang bén rễ đâm chồi. Tất cả những cây xa lạ
với cây thường ngày càng qui tụ nhiều thêm nhờ ở tấm lòng và sự cần cù
của vì sư thầy cùng các đệ tử thường ngày ra công đi tìm giống ở các hải
đảo xa xôi đem về ươm trồng. Tìm kiếm, đào gốc, chở về trồng nơi thích
hợp là một công khó nhọc nhưng là một niềm an vui nơi hải đảo.
Liên tiếp mấy tuần, chiều nào trời cũng có mưa giông giúp cho cây bén rễ
rất mau. Chồi xanh đã xuất hiện báo hiệu sự sống đã hồi sinh. Trong cõi
vô thường này lại có những sự kiện hữu thường xảy ra, gây thành duyên
ngộ tương phùng, hữu tâm hữu dụng.
Đất trời, biển cả, cây cối và con người cùng chung sống hòa nhập với
nhau an lành trên một hòn đảo chỉ cách bờ có vài trăm mét .