Trang Thơ & Truyện: Quách Giao                |                 www.ninh-hoa.com

QUÁCH GIAO

Bút hiệu:
QUÁCH TÙNG PHONG
Sinh năm 1934
 

Con nhà thơ Quách Tấn
Theo học tại các trường Đại hoc Y Dược, Luật khoa và Văn khoa tại Sài Gòn.
Năm 1955 khi còn là học sinh trường trung học tư thục Kim Yến ở Nha Trang, Quách Giao đã tham gia đăng thơ trên tờ Gió Mới với biệt hiệu là Vương Kiều Thu.

Các bài thơ đăng trên báo Gió Mới số 2, 4, 6 là Hai Em Bé Mồ Côi (Sau đổi là Tình Chị) Ông Lão Quét Lá Khuya, Hai Chiều Xa Cách.

Tại Huế, Quách Giao có thơ đăng trên Tạp Chí Lành Mạnh. Ở Sài Gòn cộng tác với báo Bách Khoa, Văn Học cho đến năm 1975.

Năm 1988 Quách Giao cùng với phụ thân là nhà thơ Quách Tấn viết và xuất bản tập lịch sử Nhà Tây Sơn.

Các sách viết chung với thân phụ ông còn có: Võ Nhân Bình Định (nxb Trẻ năm 2001) và một số lớn các tác phẩm Văn xuôi Kể Cả Thơ.

 

 

 

Hiện cư ngụ tại
Nha Trang, Việt Nam

 

 


 

 

 

 

 

 

BẾN ĐỢI
Q
UÁCH GIAO

  

       

      Mùa đông năm nay đi qua quá nhanh, mới đó mà mùa xuân đã đến gần. Bãi cỏ bên sông đã choàng tấm khăn xanh mướt. Đôi đóa hoa dại màu tím lẫn màu vàng rung rinh theo ngọn gió xuân về. Nhìn hoa cỏ lòng ông lão đưa đò bùi ngùi thương nhớ. Cảnh vật không đổi thay nhưng con người đã thay đổi. Khách qua đò vắng bóng nhưng trong tâm lão vẫn còn in hằn hình bóng đôi trẻ nhà cháu Tân. Đó là một đôi anh em Nghĩa, Tình. Tình là cô em gái, vui tính xinh người. Hằng ngày anh em cùng nhau sang sông đến trường. Đi về anh em đùa vui tự nhiên như đôi chim se sẻ. Có những buổi chiều đôi trẻ về chậm, ông nội hoặc bà nội ra bến ngồi chờ.Ông lái đò thường được nghe ông bà nội kể chuyện vui của đôi cháu dại. Thế là theo năm tháng, ông lão lái đò trở nên thân thuộc và xem hai cháu như cháu ngoại của mình. Và trong câu chuyện chờ đợi cháu họ bỗng nhiên gọi bến đò này là Bến Đợi. Tự nhiên hai từ Bến Đợi trở nên thân thương, thân tình như hàng tre, giậu trúc trước sân nhà. Người trong làng cũng tự nhiên chấp nhận cái tên gọi thân thương này.

      Trận lũ lụt kinh hồn đi qua, hai ông bà cùng hai người cháu vĩnh viễn không còn ghé bến nữa. Trong cơn lũ ông lão lái đò đã cố công chèo thuyền đi tìm gia đình họ để cứu trợ song ông chỉ còn vớt được xác. Rồi xóm Nước Nóng không còn người, con đường qua xóm rất ít người qua lại. Tuy nhiên ông lão lái đò vẫn còn trụ lại nơi Bến Đợi. Hình dạng con sông có đôi phần biến đổi. Hai bên bờ không còn hàng tre xanh tươi soi bóng song vẫn còn nương cát chạy dài theo dọc dòng sông. Nước lòng sông vẫn luôn luôn xanh mát, lững lờ in đậm bóng mây trời. Gió ban trưa vẫn hiu hiu thổi nhẹ làm gờn gợn mặt sông và đôi bóng cò vẫn lặng lẽ đứng soi mình bên dòng nước rình mồi.. Cảnh vật tuy có đổi thay song tình xưa vẫn bàng bạc trên từng nét cảnh vật. Nếu là khách qua đường thì đây cũng chỉ là quê hương của dòng sông nơi thôn quê yên thắm mà những đổi thay chỉ còn gờn gợn trong hình bóng người lái đò nơi Bến Đợi.

      Hoa dại nở bên bờ sông, soi mình rung rinh trong lòng nước. Tình xuân ấm áp biết là dường nào. Người đã đi qua không trở lại như nước trên dòng sông, tuy nhiên cuộc sống vẫn tiếp diễn, Bến Đợi có thể không còn người lái đò năm trước song cái tên Bến Đợi vẫn còn vang vọng mãi.

      Bãi cát bên sông trước mùa lũ ngoài cỏ dại còn có các lùm cây nho dại, bồn bồn. Bây giờ chỉ còn bãi cát trắng phau phau. Mùa đông đã qua với nhiều trận mưa nặng hạt và kéo dài nhiều ngày. Khu vực lũ lụt buồn bã, âm u hoang vắng. Bỗng nhiên một sáng trời quang mây tạnh, ánh nắng tràn khắp đó đây, ông lão lái đò bỗng nhiên nhận thấy quang cảnh chung quanh thay đổi. Bãi cát trắng chạy dài theo bờ sông thoáng hiện màu xanh của cây cỏ. Một đám dã quỳ nhô nõn trên làn cát trắng. Ngày trước dã quỳ chỉ mọc lưa thưa từng khóm nhỏ rải rác ven sông. Hôm nay dã quỳ lại mọc thành từng đám chạy dài theo dòng nước. Từ chân đám dã quỳ những ngọn cỏ may mọc tràn xuống đến bờ nước. Trông thấy dã quỳ và cỏ may ông lão lái đò lại nhớ đến đôi trẻ. Ngày trước mỗi lẫn đưa hai trẻ sang sông ông vừa chống đò vừa lắng nghe đôi trẻ trò chuyện. Phần nhiều chúng chỉ nói với nhau về những cảnh vật thiên nhiên quanh vùng. Cỏ may đã già rồi vì đã “vá” nhiều hạt cỏ trên ống quần. Hoa dã quỳ vẫn còn giữ màu vàng đậm như ngậm chứa hương thơm. Bỗng một hôm bé Tình hỏi anh đột ngột:

- Nếu hạt cỏ may ăn được như là hạt lúa thì anh em mình sẽ có được nhiều thóc ăn khi vui đùa chạy trong đám cỏ dại này…

- Nếu hoa dã quỳ có mùi hương thì em sẽ đem về cho mẹ để cúng rằm…

Giọng nam vui vẻ:

- Nếu hạt cỏ may mà ăn được như là hạt lúa thì đâu có còn để cho anh em mình đùa giỡn và ngồi lặt từng hạt để thả bay theo gió!

- Nếu hoa dã quỳ mà có hương thì còn đâu có từng đám hoa vàng để anh em mình ngồi ngắm bên bờ sông.

      Những lời thơ dại này không cần câu giải thích của người lớn. Chúng hỏi để mà hỏi, nói để mà nói…

      Lời nói ngây thơ, giọng nói ngây thơ, ý nghĩa đơn sơ như còn âm vang mãi trên sông nước. Bây giờ hoa dã quỳ đã mọc, đám cỏ may đã hồi sinh. Thế mà tiếng vọng ngày nào không còn âm vang nữa.

      Mây trắng trên trời vẫn còn bay, sóng nước vẫn như còn lưu dấu hình bóng làng quê cũ. Thế mà đôi trẻ không còn trở lại trên bến sông này.

      Ông lái đò vẫn còn ngồi đợi khách trên Bến Đợi, trong nắng và gió xuân ông ngồi chờ nghe tiếng thì thầm của đôi trẻ, cố tìm thấy bóng của chúng nghiêng nghiêng soi mình trên dòng biếc. Ông nhớ lại thỉnh thoảng giữa giấc trưa nồng hay trong đêm trăng vàng hiu quạnh ông vẫn còn nghe văng vẳng như vọng từ bên kia bến sông tiếng gọi đò của đôi trẻ.

      Tiếng gọi đò trong trẻo, âm thanh rõ ràng không mơ hồ như trong lời thơ :

Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

( Tú Xương)

      Sáng mồng ba Tết, hai anh em Nghĩa Tình qua sông khi mặt trời ló dạng. Áo quần tươm tất, vui vẻ trong dáng xuân hai trẻ chào và mừng tuổi “ông ngoại”. Biết rõ lý do của hai cháu, ông lái đò thong thả cho đò tách bến. Hôm nay là ngày trẻ đi tết thầy:

Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy

      Đó là thông lệ hằng năm mà nơi thôn vắng này còn giữ đậm nét văn hóa cho đám trẻ thơ.

      Đôi trẻ ghé lại đám hoa dã quỳ chọn một vài bông hoa đẹp nhất, ghép thành hai bó hoa rồi đến chúc mừng năm mới thầy, cô giáo. Buổi chúc tết đơn sơ nhưng thắm đượm tình thầy trò thân mến. Mùa xuân rải nắng trên khắp bầu trời cảnh vật. Tình thầy trò man mác tấm lòng. Đôi trẻ đã kể lại cho “ông ngoại” cảm tưởng của mình lúc đi chúc tết thầy cô, khi ngồi trên đò nhìn bóng nước mùa xuân

- Con mong muốn rằng con mãi mãi là học trò của thầy cô. Mỗi năm mỗi lên lớp thì thầy cô cũng lên lớp theo và mỗi lần Tết đến con lại qua đò đi chúc tết cô thầy.

      Trong nắng xuân, sự ước mơ của tuổi trẻ chỉ mong muốn thời gian và không gian cùng đọng lại. Tình thầy trò nếu được như mùa xuân bao giờ cũng trở lại và bến đò hôm nay vẫn là bến đợi mãi mãi của ngày mai.

      Nắng xuân đã chói chan trên bến vắng nhưng đôi trẻ vẫn chưa thấy qua sông. Những bông hoa dã quỳ dường như vàng rực rỡ hơn, màu vàng rưng rưng nhớ thương chờ đợi một bóng hình thân thương không hẹn ngày trở lại. Những bông cỏ may rung rinh trước gió in hình trơ trọi lên bầu trời không mây. Trời xuân sáng mồng ba im ắng, lòng ông lão lái đò lơ đãng nghĩ về quá khứ.

Sống trên một vùng đất chỉ toàn cát là cát. Trên mỗi bước đi mà dưới chân mình nghe như xào xạc những lá mía khua trong gió, những chòm cây phơ phất giữa trưa hè. Những buổi trưa trời không có gió mà vẫn nghe như từ lòng đất vọng lên tiếng rì rào của chòm tre trước ngõ. Một tiếng gà gáy trưa, một tiếng bò kêu dưới bóng xoài xanh mát, giờ đây chỉ còn mơ hồ trong cô quạnh tịch liêu. Nhìn bóng dừa nghiêng nghiêng bên bờ cát, lòng không khỏi nhớ đến những hình bóng người thân yêu. Bơ vơ và trống lạnh khiến chân bước đi như dẫm trên cõi vắng tâm hồn…

      Mùa xuân đến, hoa dã quỳ nở vàng thắm, gió xuân trên sông thổi rung rinh những cọng cỏ may và xao động bóng mây trên dòng nước. Thiên nhiên tươi đẹp vô cùng.

      Riêng một mình ông lão lái đò trên Bến Đợi ngồi im lặng trong túp lều nhỏ bên sông, như đợi chờ đôi bóng trẻ để cùng mùa xuân đi chúc Tết thầy cô.

 

 

 

 

 

QUÁCH GIAO

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Quách Giao              |                 www.ninh-hoa.com