www.ninh-hoa.com



 

Trở về d_bb  ĐHKH

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 LIÊU TRAI CD

Giáo Sư
Đ
àm Quang Hưng 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 

Main Menu

 
 

 


Tuyển Tập:


 
LIÊU TRAI C D

GS Đàm Quang Hưng

Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

 

 

 

 

158. KIM HÒA THƯỢNG

 

Phú quý tùng trung kết thiện duyên

Bất trì kinh chú bất tham thiền

Thích ca vô ngữ đồ lê tiếu

Y bát như Kim hữu biệt truyền

      

 

158. LƯU MANH XƯNG HOÀ THƯỢNG

 

            Làng Thủy Pha, huyện Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, có kẻ tên Kim Khắc Hồng, có vợ, một trai. Tuy đứa con có diện mạo xấu xí, thân hình thô kệch, tứ chi cục mịch, nhưng Khắc Hồng lại đặt cho nó cái tên rất đẹp là Tuấn Chương.

          Năm Tuấn Chương lên 9, Khắc Hồng goá vợ.

          Hết tiền sinh sống, Khắc Hồng phải đem con lên chùa Ngũ Liên Sơn, xin bán cho chùa. Thương cảnh nhà nghèo, cha goá con côi, hoà thượng trụ trì trả cho Khắc Hồng 200 đồng. Khắc Hồng về rồi, hòa thượng đem Phật pháp ra giảng cho Tuấn Chương nghe xem có thể cho làm chú tiểu được không. Thấy Tuấn Chương trì độn, chẳng hiểu chi cả, hòa thượng đành giao cho việc đi chợ, chăn heo.      

Bảy năm sau, hòa thượng viên tịch.

Vì trong tang lễ, Tuấn Chương chưa tụng được một câu kinh, chưa niệm được một câu chú, nên sau tang lễ, Tuấn Chương vơ vét hết tiền bạc cùng mọi đồ kim ngân trong chùa, cuốn gói trốn đi, chỉ để lại có một chuông đồng, một mõ gỗ.

          Tuấn Chương lấy của chùa làm vốn đi buôn. Hễ thấy bán món chi có lời là Tuấn Chương buôn ngay, dù lớn hay nhỏ, từ ngựa xe, nhà cửa, tới sợi chỉ, que kim. 

Vì lường gạt được cả kẻ bán lẫn người mua nên chỉ bốn năm sau, Tuấn Chương đã trở thành cự phú. Tuấn Chương bèn tung tiền kết nạp những kẻ nghèo khó, vô nghệ nghiệp về làm môn nhân đủ loại, như con hầu, đày tớ, bà vú, bõ già, đầu bếp. Có tới ngàn kẻ dẫn cả vợ con tới xin làm môn nhân. Tuấn Chương tuyển chọn, kết nạp chừng 300 gia đình.

Một hôm, Tuấn Chương nhớ quê, liền quyết định đưa cả 300 gia đình môn nhân về làng Thủy Pha cư ngụ.

Về làng, Tuấn Chương bỏ tiền ra mua một khuôn viên vuông vức, rộng hơn chục mẫu, thuê thợ xây cất riêng cho mình một dinh cơ đồ sộ.

Từ ngoài đường đi vào, sau cổng chính là một quảng trường mênh mông, chung quanh có dựng 4 dãy nhà liền nhau để cho các gia đình môn nhân cư ngụ. Chính giữa quảng trường, có xây một ngôi nhà lớn, gồm hai phần, trước là sảnh đường, sau là nội tẩm.

Trong sảnh đường, trên các trụ cột đều có khắc hình Tuấn Chương. Bình phong, bàn ghế đều được quang dầu bóng lộn, có thể làm gương soi. Các đồ trang trí đều là bảo vật. Có nhiều bảo vật mà khách tham quan chưa từng được nhìn thấy hay được nghe nói tới bao giờ

Trong nội tẩm, có giường khảm xà cừ, trên trải nệm gấm dày hơn thước. Ở 4 góc giường có 4 cột gỗ bóng lộn. Trước giường có treo màn thêu, với 2 rèm nhiễu đỏ, hương xạ thơm lừng. Bốn bức tường quanh nội tẩm đều được treo kín bằng tranh mỹ nhân và phong cảnh nổi tiếng. Trước cửa nội tẩm có treo một bức trướng gấm, thêu rồng thêu phượng, cực kỳ xa xỉ.

Tuy chẳng dám nuôi nhà trò con hát vì e dân làng dị nghị nhưng Tuấn Chương có nuôi 20 tiểu đồng đẹp đẽ khôi ngô, giỏi nghề nịnh hót, mặc đồng phục, quấn khăn đen, đi hài đoạn, tập múa hát những khúc ca diễm tình để trình diễn trước khách tham quan.

Tuấn Chương thường dung túng đám môn nhân, bất kể luật pháp triều đình. Có môn nhân cãi vã với người rồi nổi nóng giết người, đem xác vào chôn dưới gầm giường. Có kẻ báo cho Tuấn Chương hay thì Tuấn Chương chỉ đuổi môn nhân ấy đi, nhưng cấm mọi kẻ trong nhà, không ai được đi trình quan

Khi ở nhà, hễ Tuấn Chương gọi một tiếng là có cả mấy chục con hầu đày tớ dạ ran, đua nhau chạy lên chờ lệnh. Khi có đông khách tham quan thì chỉ trong khoảnh khắc là đã có cả chục chiếc chiếu hoa cạp điều được trải ra trong sảnh đường để mời khách an tọa. Rồi chỉ lát sau là đầu bếp đã cho con hầu bưng lên đủ loại thịt cá, xào nấu thơm ngon, mời khách dùng rượu.

Khi ra ngoài, Tuấn Chương cưỡi tuấn mã có phủ yên cương thêu tua, trông cao sang như bậc công hầu quý phái. Đám môn nhân đeo kiếm cung quanh bụng, cưỡi ngựa theo hầu, tiền hô hậu ủng, trông rất oai vệ.

Tuấn Chương coi dân chúng trong vùng như con cháu mình, tự xưng là Kim Hoà Thượng. Thế nhưng, vì từ khi trốn khỏi chùa, Tuấn Chương chưa hề trở lại chùa nên dân chúng trong vùng vẫn không chịu gọi Tuấn Chương bằng hòa thượng, bằng thầy hay bằng một danh hiệu nhà Phật mà chỉ gọi bằng chú, bằng bác, hay bằng ông thôi. Tuy nhiên, có một số môn nhân lại gọi Tuấn Chương bằng cha.

          Tuấn Chương có tính hiếu sắc, thường ban phát phấn sáp điểm trang cho những đàn bà con gái có chút nhan sắc, thuộc các gia đình môn nhân. Để tạo thêm của cải, Tuấn Chương tậu cả ngàn mẫu ruộng, bắt các gia đình môn nhân phải cày cấy cho mình.. 

Sau cùng, để sửa soạn cho hậu sự, Tuấn Chương thuê thợ đóng sẵn cho mình một quan tài bằng gỗ cực quý, trạm trổ tinh vi. Tuấn Chương mua một khuôn viên vuông vức, rộng trên 4 mẫu, thuê thợ dựng hàng rào bao quanh, có đầy đủ cổng chính, cổng phụ, đào sẵn cho mình một huyệt mộ, xây một nhà mồ cực kỳ xa xỉ, có đầy đủ phòng ốc, hành lang, với nhiều đồ trang trí quý giá, ít người biết tên gọi, trông chẳng khác chi tư thất của các bậc công hầu đang thời thịnh thế.

Tuấn Chương tìm cách giao thiệp với các quan chức cao cấp địa phương để cậy quyền thế của họ mà áp đảo dân chúng quanh vùng, khiến những người lỡ có chuyện đụng chạm với Tuấn Chương thường lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Tuấn Chương lại giao thiệp với các nhà quyền quý ở xa nên có rất nhiều người ở cách ngàn dặm cũng biết tiếng Tuấn Chương.

Để khoe của, Tuấn Chương yết bảng mời khách phương xa tới làng Thủy Pha tham quan cơ nghiệp của mình. Tuấn Chương mua lại của một phú ông trong làng một dãy nhà gồm 30 căn, rộng rãi mát mẻ, chỉ dùng làm nơi tạm cư cho khách tham quan trong thời gian khách ở Thủy Pha. 

Vì không vợ không con, Tuấn Chương sang làng bên mua một đứa bé họ Đào, 9 tuổi, đem về làm con nuôi. Tuấn Chương đặt tên cho đứa bé là Bỉnh Trung, rước thầy đồ về nhà dạy học. Vì tư chất thông minh nên năm sau, Bỉnh Trung thi đậu vào học ở trường huyện.

          Sáu năm sau. Bỉnh Trung đi thi hương, đậu hiếu liêm (cử nhân). Từ đó, đám môn nhân đều gọi Tuấn Chương bằng Thái Công. Cũng từ đó, khách tới thăm Tuấn Chương đều lễ phép, kính cẩn, chắp tay, cúi đầu từ ngoài cổng vào nhà. Hai năm sau, Tuấn Chương cưới vợ cho Bỉnh Trung, người họ Khương.

Hai năm sau nữa, Tuấn Chương bị bạo bệnh mà chết. Bỉnh Trung bèn sai môn nhân khâm liệm thi thể, đặt vào quan tài đóng sẵn, đặt linh cữu giữa sảnh đường, chung quanh chất đầy hương hoa và trái cây cùng mọi lễ vật. Bỉnh Trung với Khương thị cùng mặc xô gai, để tang Tuấn Chương theo lễ trưởng nam, tức nữ. Chỉ có một mình Khương thị được vào ngồi khóc trên chiếc chiếu hoa cạp điều trải sau linh cữu. Những môn nhân tự coi mình như con đẻ của Tuấn Chương thì phải tự tay đi đốn trúc làm gậy chống chịu tang.

Các quan chức cao cấp địa phương tới viếng tang cũng phải khom lưng bước từ cửa vào sảnh đường. Các quan chức cấp thấp cùng các thân hào nhân sĩ trong vùng thì phải chống tay xuống đất mà bò vào. Họ bắt vợ con họ phải ăn mặc sạch sẽ, tới chia buồn, an ủi Khương thị. Ngựa xe của đám người tới viếng tang làm tắc nghẽn cả đường phố.

          Ngày đưa đám, Bỉnh Trung ra lệnh cho đám môn nhân phải dựng một rạp thực dài để quan khách tham dự tang lễ đứng tránh nắng. Cành phan, cờ quạt, lọng tán cũng che rợp cả ánh nắng một vùng.

          Khi bắt đầu đưa đám, có một môn nhân đóng vai thần mở đường, đầu quấn khăn lụa đen, vắt vẻo ngồi trên một xe ngựa cao lênh khênh, đi trước linh cữu.

          Theo sau linh cữu là vợ chồng Bỉnh Trung rồi đến đám môn nhân. Kế đến là các quan chức cao cấp địa phương rồi đến các quan chức cấp thấp và thân hào nhân sĩ. Sau cùng mới đến đám dân chúng hiếu kỳ.

Rất đông dân chúng trong vùng rủ nhau đi coi đám táng. Đàn ông dắt vợ, đàn bà địu con, mồ hôi nhễ nhại mà vẫn chịu khó đứng chen nhau bên đường để chờ đám táng đi qua. Khi đám táng tới gần thì tiếng trống tiếng la, đinh tai nhức óc, chẳng còn ai nói chuyện được với ai. Lúc đó thì dù có người la hét cũng chẳng ai nghe thấy tiếng. Từ xa nhìn vào, người ta chỉ thấy hàng vạn chiếc đầu đồng loạt cử động để nhìn theo đám táng, còn từ vai trở xuống thì chẳng ai nhìn thấy chi.

          Khi đám táng tới nhà mồ, người ta bày ra đủ loại phẩm vật tế lễ cùng các pho tượng phúng viếng để làm lễ an táng.

          Có tới trên 300 món, gồm đủ mọi loại vật dụng lớn nhỏ, kể cả ngựa xe, mỹ nữ, do đám môn nhân bện bằng cỏ, dán giấy ngũ sắc lên trên, để tuẫn táng, nghĩa là để chôn chung với linh cữu Tuấn Chương. Họ tin rằng làm như thế thì Tuấn Chương sẽ nhận được đầy đủ mọi loại vật dụng cần thiết để dùng dưới âm phủ. Có nhiều khách dự tang lễ và dân chúng đi coi bị lạc trong nhà mồ, nửa ngày sau mới về được tới nhà.

          Đám táng này nổi tiếng là đám táng lớn nhất trong vùng vào thời bấy giờ.

Sau tang lễ, Bỉnh Trung chia gia tài theo di chúc của Tuấn Chương.

Ngôi nhà lớn cùng tiền bạc thì được dành cho Bỉnh Trung, còn các dãy nhà ở chung quanh quảng trường thì được chia đều cho các môn nhân. Bất kể thân sơ, ai cũng có phần. 

chuyện lạ như sau:

Một sản phụ sắp đến ngày sanh cũng cố lết đi coi. Tới nơi, sản phụ trở dạ. Đám bạn gái phải dùng quần của sản phụ quây thành màn che cho sản phụ sanh con. Khi nghe tiếng hài nhi oe oe chào đời, đám bạn gái mải coi đám táng, chẳng ai buồn để ý xem hài nhi là gái hay trai. Họ chỉ xé áo quần để băng bó cho sản phụ, rồi ẵm hài nhi, dìu sản phụ khập khiễng đi theo đám táng để tiếp tục cùng coi.

Quả là chuyện lạ.

      

 

 

 

GS Đàm Quang Hưng
Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

  

 

 

www.ninh-hoa.com